Nhiều khi chính thái độ ngưng
đối kháng và bình thản chờ đợi ấy lại là nhân duyên quan trọng để kết nối với
những nhân duyên tốt đẹp khác.
Ta đừng quên khi một việc
được thành tựu thì phải hội tụ hàng triệu nhân duyên, nếu chỉ thiếu một duyên
thì nó cũng có thể không tựu thành. Nếu ta có hiểu biết sâu sắc hay từng trải
nghiệm thì trong vài trường hợp ta có thể đoán biết được mình nên làm gì và
không nên làm gì để cho nhân duyên tốt hội tụ đầy đủ trở lại và nhân duyên xấu
sớm tan biến đi. Ta thường gọi nhân duyên tốt là thuận duyên, và nhân duyên xấu
là nghịch duyên, tức là những điều kiện có lợi và bất lợi cho ta. Có những
duyên thuận với ta, nhưng nghịch với kẻ khác và ngược lại. Đó chỉ là nói trong
phạm vi con người, trong khi nhân duyên luôn xảy ra với vạn vật trong khắp vũ
trụ.
Bản chất của nhân duyên thì
không có thuận nghịch, tốt xấu. Nó chỉ hội tụ hay tan rã theo sự thích ứng giữa
các tần số năng lượng phát ra từ mọi cá thể mà thôi. Ấy vậy mà thói quen của
hầu hết chúng ta khi đón nhận thuận duyên thì luôn cảm thấy sung sướng và rất
muốn duy trì mãi nhân duyên ấy, còn khi gặp phải nghịch duyên thì luôn cảm thấy
khó chịu và tìm cách tránh né hay loại trừ.
Nhưng chưa hẳn thuận duyên sẽ
đem lại giá trị hạnh phúc hay nghịch duyên sẽ mang tới khổ đau, bởi
có khi nghịch duyên đưa tới sự trưởng thành, còn thuận duyên sẽ khiến ta yếu
đuối. Và nhiều khi thuận duyên ban đầu nhưng lại biến thành nghịch duyên sau
này, có khi nghịch duyên bây giờ nhưng lại biến thành thuận duyên trong tương
lai. Tất cả đều tùy thuộc vào bản lĩnh và thái độ sống của ta.
Do đó, ta không cần phải khẩn
trương thay đổi những nhân duyên mà mình không hài lòng, hay cố gắng tìm kiếm
những nhân duyên mà mình mong đợi. Khi tâm ta đã vững chãi đủ để tạo ra những
nhân duyên an lành thì những nhân duyên tương ứng sẽ tự động kết nối. Mà sự
thật khi tìm được sức sống từ nơi chính mình rồi thì ta sẽ không còn coi là
quan trọng những giá trị bên ngoài nữa. Nhân duyên nào cũng được cả, thong dong
tự tại.
Mọi sự vật trên thế gian và
cả vũ trụ này đều được tạo thành bởi rất nhiều điều kiện.
Ngay cả hạt điện tử là đơn vị
cực nhỏ cũng không phải là một thực thể riêng biệt, chúng luôn ở vào tình trạng
liên kết. Chính vì mọi cá thể đều phải nhờ vào vô số điều kiện mới có thể biểu
hiện và tồn tại, nên ta gọi đó là duyên sinh. Nhìn một cơn mưa, ta biết cánh
đồng lúa vừa tiếp nhận thêm duyên là nước và trên bầu trời cũng bớt đi duyên là
mây.
Tiến trình đến đi của duyên
sinh vô cùng kỳ bí. Chúng không hề có tướng trạng cố định, hoặc khi chúng ở
dạng không hình tướng. Vì vậy, ta không thể dùng con mắt bình thường hay kỹ
thuật của khoa học mà có thể thấy rõ sự vận hành của chúng. Trừ phi, ta có thể
vượt thoát được ý niệm sai lầm về cái tôi riêng biệt và phá vỡ được ranh giới
hạn hẹp ấy, tầm nhìn của ta có thể vượt qua phạm vi thời gian và không gian có
thể tính được thì ta mới thấy rõ tiến trình hoạt động của mọi duyên từ nơi
chính mình và vạn vật xung quanh. Tuy nhiên, mọi duyên đều tuân theo nguyên tắc
nhân quả, nên còn gọi là nhân duyên. Nhân là cái đã xảy ra trước đó. Nghĩa là
không bao giờ có cái duyên hoàn toàn mới lạ, mà luôn có một số duyên nhỏ trong
đó đã từng gặp gỡ và liên kết với nhau rồi. Vì thế, duyên hôm nay cũng chính là
nhân của tương lai.
Người xưa hay nói muốn làm nên
việc gì cũng phải hội đủ ba yếu tố quan trọng: thiên thời, địa lợi và nhân hòa.
Thiên thời là điều kiện thích
hợp từ vũ trụ đưa tới.
Địa lợi là hoàn cảnh xã hội phù
hợp với việc ta làm.
Nhân hòa là sự yểm trợ nhiệt
tình của mọi người xung quanh.
Nhưng người xưa còn cho rằng
thiên thời không bằng địa lợi, địa lợi lại không bằng nhân hòa. Có nhân hòa thì
sẽ dễ dàng có được hai yếu tố còn lại, vì yếu tố nhân hòa nằm ngay trong chính
ta, ta có thể chủ động để tạo ra nó. Chỉ cần ta buông bỏ bớt tâm cao ngạo và đố
kỵ, hết lòng kính trọng và nâng đỡ mọi người xung quanh – tức là sống có phước
có đức – thì tự nhiên ta sẽ kết nối được với hai yếu tố kia.
Dù ta có tài năng và bản lĩnh
đến đâu mà thiếu một trong ba yếu tố này, đặc biệt là không thu phục được lòng
người, thì ta không thể nào thành công được. Nếu có thì cũng mau chóng sụp đổ.
Nên nhớ duyên có hợp có tan, có đến có đi. Ta đừng tin chắc rằng những gì mình
có được hôm này sẽ tồn tại mãi mãi. Tuy ta không thể hoàn toàn chủ động tạo ra
hết mọi nhân duyên cho mình, nhưng ta có thể tạo ra sự liên kết để nhân duyên
duy trì hay tan rã.
Đức Đạt-lai Lạt-ma có dạy: ”Hãy
nhớ rằng khi không đạt được những gì bạn muốn, đôi lúc, lại là sự may mắn tuyệt
vời.”
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét