23 tháng 5, 2015

Bí mật trong chiếc hộp giày





          Một cặp vợ chồng già đã chung sống với nhau hơn 63 năm nay. Họ chia sẻ với nhau mọi thứ. Họ trò chuyện với nhau về mọi thứ. Họ không có bí mật nào với nhau ngoại trừ việc người vợ có một chiếc hộp đựng giày để ở trên nóc tủ quần áo.
          Bà dặn người chồng không bao giờ được mở chiếc hộp đó ra và không bao giờ được yêu cầu bà mở chiếc hộp.
          Những năm tháng sống cùng nhau, họ chưa bao giờ nhắc tới chiếc hộp. Cho đến một ngày kia, người vợ già yếu lâm bệnh. Bác sĩ nói rằng có lẽ bà không thể qua khỏi. Trong khi cố gắng sắp xếp công việc của mình, người chồng già mang chiếc hộp giày xuống và đặt nó cạnh giường vợ. Bà đồng ý rằng đã đến lúc người chồng nên biết có gì trong hộp.
          Khi mở hộp ra, ông thấy 2 con búp bê được móc bằng len và số tiền 95.000 USD. Người chồng muốn vợ giải thích về những thứ trong hộp.
          Người vợ nói: “Khi chúng ta chuẩn bị kết hôn, bà em đã nói rằng bí quyết của một cuộc hôn nhân hạnh phúc là không bao giờ tranh cãi. Bà nói với em rằng nếu con tức giận với chồng, con nên chỉ nên im lặng và móc một con búp bê”.
          Người chồng già quá cảm động về những gì vừa nghe từ vợ. Ông phải cố kìm nén để nước mắt không rơi.
          Chỉ có 2 con búp bê ở trong hộp, nghĩa là bà chỉ tức giận với ông 2 lần trong suốt mấy chục năm chung sống. Người chồng gần như vỡ òa vì hạnh phúc.
           “Em yêu” – ông nói. “Đó là lý do của những con búp bê, vậy còn số tiền này thì sao?”
           “À, đó là số tiền em kiếm được từ tiền bán búp bê” – bà nói.


.

22 tháng 5, 2015

Đừng để yêu thương đã thành quá muộn!




          Xã hội vận động không ngừng, nếu bạn không theo kịp thì bất cứ lúc nào bạn cũng có thể bị hất văng ra khỏi guồng quay ấy. Cuộc sống nơi đô thị càng làm bạn thấm thía hơn chân lý này. Tuy nhiên, nếu không có những lúc bạn dừng lại để nhìn nhận mọi thứ xung quanh, thì rất có thể bạn sẽ để trôi tuột những điều quý giá nhất.

           Tôi cũng là một trong những đứa con đi ra từ làng. Ngày ra đi, nhìn bóng lưng gầy của mẹ khuất sau lũy tre làng, tôi biết, mình đang gánh trên vai cả niềm tin của bố, hi vọng của mẹ. Cũng như những đứa con khác, tôi nỗ lực không ngừng để không phụ lòng mong mỏi của đấng sinh thành.
           Mọi thành công đến, tôi hiểu đều được chắt chiu từ những giọt mồ hôi mặn mòi của bố, những lo toan, tần tảo của mẹ. Họ hi sinh tất cả để mở ra cánh cửa tương lai sáng lạn cho bạn. Khi mọi thứ xung quanh đều có thể thay đổi thì chỉ có họ luôn đứng đó, là chỗ dựa vững chắc, an toàn cho bạn, dù bạn thành công hay thất bại.
           Thế nhưng những hư vinh của cuộc sống thường nhật, những áp lực thăng tiến, những lo toan cơm áo gạo tiền, những náo nhiệt nơi phồn hoa đô hội đang cuốn bạn đi từng ngày, khiến bạn đôi khi bỏ quên mất nguồn cội.
           1 cuộc gọi bị bỏ lỡ. 1 tin nhắn chưa được hồi đáp.
          Ánh mặt mẹ càng sâu đi. Mái tóc cha càng bạc hơn.
          Bạn sẽ không thể hình dung được bỏ qua những điều đó là bạn đã bỏ lỡ những gì? Chỉ đến khi không thể lấy lại được thì mọi hối hận, cố gắng đều trở thành vô nghĩa. Đừng để thành phố bê tông ngột ngạt lấy đi phần an lành nhất trong trái tim bạn.
           Mỗi lần trở về, vầng trán cha lại xô thêm nhiều nếp nhăn, bóng dáng mẹ hanh hao trong nắng chiều. Bạn có thấy lòng mình trùng xuống!
           Tôi có nhiều mơ ước, bạn cũng vậy. Hãy cố gắng thật nhiều để hiện thực hóa ước mơ. Hãy bận rộn với cuộc sống xung quanh. Hãy sống nhanh với thời cuộc, nhưng bước chậm với tâm hồn. Đừng bỏ quên việc quan tâm đến những người thân của mình khi còn có thể, đừng để yêu thương đã trở thành quá muộn.
           Nếu bạn vẫn đang hối hả len lỏi trong đám tắc đường, nếu bạn vẫn còn những deadline đang dang dở, những cuộc hẹn tụ tập cuối tuần, nếu bạn vẫn mỗi ngày đang bận rộn bon chen với những bộn bề, cũng đừng để lỡ 1 cuộc gọi của mẹ vì nhất định bạn sẽ không muốn một ngày phải mang sự hối hận giống như anh bạn trong clip này…



.

21 tháng 5, 2015

Người Việt Có Duyên





         Lâu lâu gặp lại ai đó, có người vội thốt: Sao giờ… mập quá dậy; Nay thấy chị... già ra đó; Thấy ông nay... xuống sắc à…
         Đi nghe ca nhạc với đám bạn mà cứ: Con ca sĩ này nay… xấu quắc; Bà này bữa nay ca… dở ẹc; Ngực con này bảo đảm mới sửa, tao mà nói sai thì chặt đầu tao đi!
         Ra đường thấy ai có tật thì dòm chăm chăm không biết tha, rồi chặc lưỡi: Thiệt là tội nghiệp quá chớ, con nhà ai mà tội ghê...
         Nghe tình cảnh con cháu người ta xong vội phán: Con tui ngoan lắm, không có dậy đâu… Chắc tại bà… không biết cách dạy con…
         Tới tiệc tân gia người ta mà hăng hái góp ý: Sao nhà… ngộp quá dậy; Sao mua giá… đắt quá dậy; Bạn tui mới mua… rẻ hơn mà đẹp hơn nhiều...
         Vô nhà hàng ăn với nhóm bạn, nghe ai cũng khen, mà: Món này… vợ tui nấu ngon hơn”; “Món đó bảo đảm… má tui nấu bứt nhà hàng này”
         Tới chia vui tiệc cưới nhà người ta mà cứ: Đồ ăn… dở như hạch; Cô dâu sao… già hơn chú rể; Chú rể này hồi đó… theo con nhỏ gì đó mà nó đâu có chịu, giờ mới cặp con này đó chớ…
         Thấy ai mở tiệc gây quỹ hay cho từ thiện xôm tụ quá thì: Cái thằng đó... ham lấy tiếng chớ từ thiện mẹ gì; Con nhỏ này nay bày đặt quá chớ nó mà từ với thiện cái giống gì, tui biết rõ cả nhà nó quá mà...
         Bạn thấy mấy người Việt này có duyên không?

         Đoàn Khuê


.

20 tháng 5, 2015

Chữ Không





          Một chữ Không nhỏ bé đang ngồi ăn kem trên chiếc ghế dài trong công viên. Nó quả thực rất nhỏ, xinh xắn và lặng lẽ.
          Một bà to béo tới gần và hỏi " Tôi ngồi cùng được không?".
          Chữ không nhẹ nhàng nói "Không, tôi muốn ngồi một mình".
          Bà to béo không nghe và thản nhiên ngồi lên ghế.
          Một cậu bé đi ngang và nói :" Cho tôi cây kem đi".
          Chữ Không lại nhẹ nhàng " Không, tôi đang ăn mà".
          Nhưng cậu bé không nghe, giật lấy cây kem và ăn.
          Một người đàn ông đi ngang. Người này đã nhìn thấy chữ Không nhiều lần trong công viên. Ông ta nói: " Ôi, sao mà dễ thương thế. Cho ta hôn được không?".
          Lần thứ ba, chữ không lại nhỏ nhẹ "Không. Tôi không muốn được hôn".
          Nhưng có vẻ như người đàn ông không hiểu, tới gần chữ Không, và hôn lên môi nó.
          Đến lúc này thì chữ Không đã mất hết kiên nhẫn. Nó đứng lên, vươn người và gân cổ gào lên : " Khooông !". Và tiếp tục : " Không ! Không! Không! Tôi muốn ngồi một mình. Tôi muốn ăn kem của mình và tôi không muốn bị hôn. Hãy để tôi yên !"
          Ba người kia trợn mắt lên và nhanh chóng bỏ đi. Và, bây giờ, còn lại ai trên ghế dài? Không, không phải là một chữ Không nhỏ bé, mà là một chữ KHÔNG thật lớn. Nó cao lớn, mạnh mẽ và đĩnh đạc. Nó nghĩ : "Hóa ra là vậy đó! Khi ta nhỏ nhẹ, tử tế nói không, người ta đâu thèm để ý. Phải nói KHÔNG rõ ràng và mạnh mẽ !"
          Từ một chữ Không nhỏ bé đã xuất hiện một chữ Không thật lớn.

           Gisela Braun


.

19 tháng 5, 2015

HẠNH NGUYỆN



          Trong chùa, chắc thầy đã biết là gần đây có người hay mua hàng về cúng lễ, có khi thật nhiều. Mà thầy cũng chưa tiện hỏi nhà bếp đó là ai. Bữa nọ tuyết xuống nhiều, lúc trai đường vắng người khi trước lễ, thầy thấy có cô gái thật đoan trang đứng chậm rãi im lặng xếp hàng vào kho chùa một mình thư thả như không biết sự có mặt của ai quanh đó… Bị bận chút việc phải bước lên chánh điện, chừng vài phút sau thầy hối hả trở xuống tính hỏi cô gái lạ vài câu để cám ơn thì cô đã vụt biến mất.
          Từ đó, không bao giờ thầy gặp dáng đứng ấy của cô nữa. Chỉ còn thấy ánh mắt thật lạ từ xa xa đang ngồi thẳng giữa hàng đại chúng nhìn lên mình không chớp. Thật khó quên ánh mắt bơ vơ tha thiết ấy, thầy thoáng rùng mình... Bao tháng trôi qua bình thản như những tiếng chuông chùa đảnh lễ giữa đêm khuya, tuy đã nhiều lần thấy nhau mà vị thầy trẻ cũng chưa biết cô gái ấy có đôi chân tàn tật.
          Vật đổi sao dời, người con gái nhỏ nhẹ năm nào giờ đã sớm tối bên câu kệ lời kinh. Chiếc am nhỏ xa xa phía sau chùa là nơi em nương tựa. Thời gian lướt qua nhanh, đã kéo phăng đi những bước chân phiền muộn thuở em mới tập tễnh bước vào đời... Nét từ tâm của người Ni cô trẻ đã mang đến ngồi chùa êm ả này một màu sắc lạ mà chỉ có thầy mới nhận ra rõ nhất.

 
           Tiếng đồn vang xa, ngày càng có nhiều phụ nữ, già, trẻ kéo nhau về chùa hơn, và Ni cô Hạnh Nguyện là tên mà người ta hay nhắc đến. Những buổi thầy thuyết giảng cuối tuần, Hạnh Nguyện thường chỉ ngồi im như chiếc bóng bên thầy. Khi đại chúng cần chia sẻ khổ đau, thầy hay nhường lời góp ý ấy cho cô. Thầy hài lòng lắm mỗi khi nghe những ý nghĩ nhỏ nhẹ thông suốt đến ngạc nhiên mình từ người đệ tử thông minh này. Những nụ cười nhẹ của thầy luôn gặp phải sự im lặng hạnh phúc của Ni cô.
          Từ ngày có Hạnh Nguyện phía sau chùa, thầy hay xôn xao lo lắng. Thầy cảm thấy chính đời sống mình cũng đang thay đổi thật nhanh. Cô gái can đảm, lớn lên bên xứ hải ngoại này, học hành thành đạt, lại thâm trầm như một bức tranh cổ cứ ẩn hiện trong tâm trí mình. Đã nhiều lần thầy nghe giọng nói cô mà tưởng là một thứ âm thanh từ cõi xa lạ nào đó được gửi tới đây thỏ thẻ để bầu bạn, để sớm tối nhắc nhở con đường tu của mình mà thầm cám ơn trời Phật đã tạo duyên. - Thầy đã suy nghĩ quá đơn giản rồi mà thầy đâu có ngờ!
          Mình ở trong chùa đầy đủ tiện nghi với bao người lo lắng, còn chiếc am vắng ngoài kia quanh năm không mấy ai bước tới, rồi những ngày Đông lạnh tuyết phủ sẽ ra sao. Sao chẳng bao giờ mình nghe cô cần gì thêm để chùa giúp đỡ. Có những đêm khuya thật lạnh, thầy dõi mắt nhìn sang thì thấy đèn phòng cô vẫn mở. Chẳng biết cô đang làm gì những đêm thật khuya như thế - thầy lại nghĩ ngợi.
          Trong chiếc am nhỏ mấy năm qua, niềm vui và nỗi buồn cứ là những sóng gió triền miên trong lòng cô mà có ai hay. Đèn phòng cô tỏa sáng thật khuya những đêm như thế. Giữa tẻ lạnh, đã nhiều lần trực giấc cô mơ hồ thấy rồi sẽ có ngày mình không còn đủ sức để chịu đựng nữa. Đấy là những đêm mà bóng dáng của thầy hiện đến đưa cô vào những giấc ngủ tràn mộng mị. A Di Đà Phật! xin Phật Tổ thứ tha… - là câu niệm chập chờn chống đỡ những tiếng gió khuya rú qua khe cửa, hay đối phó với những bóng tối còn vương nhầy nhụa chuyện hồng trần…
          Có những đêm khuya khoắc thầy ngạc nhiên nhận ra đèn phòng cô mới bật sáng tức thì thôi. Sáng như để báo cho thầy biết cô đã nhìn sang và chờ ánh sáng bên phòng thầy từ lâu. Rồi khi thầy tắt đèn mình, đèn bên kia cũng tắt theo. Đã nhiều đêm, đã nhiều lần như thế! Một dòng điện lạnh chuyền nhanh qua thân thể của người thầy nghiêm nghị. Có thật vậy sao? Hay ta đang giữa cơn mê?... Người con gái ấy, hay chính là ma quỷ, đã đến đây quấy phá ta? sao bỗng dưng ta trở thành yếu đuối viễn vong như thế này?...
          Chuyện hai ánh đèn bí mật chỉ có thầy và cô biết. Chuyện tới mấy năm!
Mấy năm, những ánh đèn khuya câm lặng vẫn chờ nhau mở, tắt.
          Những buổi lễ cuối tuần từ đó, hình như hai thầy trò càng ít khi nhìn thẳng vào mắt nhau. Nhưng lạ thay, cứ nghe được giọng nói của cô là dịu lòng thầy xuống, một niềm hạnh phúc lạ choáng ngộp lấy thầy. Sao lạ quá! Ánh Phật vẫn đang tỏa sáng ngời ngời trên đỉnh đầu mình kia mà, có ma quỷ nào dám lộng hành tới tận nơi đây chứ! Nghĩ vậy mà thầy vẫn không ngớt bồn chồn vì một nguồn hạnh phúc lạ ngọt lịm.

 
           Cho đến hôm nọ, khi mấy đêm liền thầy mở đèn và chờ mãi mà không còn nhìn thấy ánh đèn ấy hắc ra từ phòng cô nữa. Thầy đâm lo nghĩ vu vơ. Càng hoang mang hơn khi tới ngày lễ Chúa nhật thầy cũng không thấy bóng dáng cô đâu. Thật là lạ mà! Chờ chùa vắng vẻ hơn sau bữa cơm chiều thầy bước sang xem xét. Đây là lần đầu tiên thầy bước trên lối này để đến nơi cô ở. Mảnh vườn sau chùa chiều nay trở nên thật rộng và như đang nín thở theo dõi những bước chân ngại ngùng của thầy nó...
          Tay thầy ngại ngùng gõ cửa. Thầy chỉ gõ một lần. Thầy kiên nhẫn đứng đợi. Cánh cửa hé nhẹ ra.
           “Dạ… con mời thầy vào… Dạ... chắc con đã làm cho thầy lo lắng mấy ngày nay…”
          Trước mặt thầy, Hạnh Nguyện đang đang mặc chiếc áo đầm dài xa lạ, dáng dấp khác thường. Làm thầy phải khựng lại như không kịp tin vào mắt mình. Nhưng kịp giữ vững giọng uy quyền, thầy nói:
           “Không biết con ra sao… nên thầy mới liều lĩnh ghé sang thăm...”
          Nhìn dáng thầy lúng túng hối hả muốn quay lưng bước trở ra. Giọng cô bỗng trở sang hờn giận đến giựt mình người thầy trẻ:
           “Thầy không thể bước vào đây ngồi xuống để nghe con thưa vài điều được sao?... Nhìn dáng con hoàn tục thầy cũng không nói gì sao?… Thầy đang lo sợ chuyện gì to lớn vậy, có phải thầy sợ những lời dị nghị của thiên hạ ngoài kia?...”
          Vị thầy bị bất ngờ đến không biết đáp lại. Hạnh Nguyện hôm nay dám đối đáp với ta như thế này sao. Tai thầy nghe tiếp:
           “Con xin phép được rời bỏ cái am buồn bã này... Con đã suy nghĩ từ lâu rồi… từ năm đầu khi con mới tới đây kìa... tới giờ đã hơn 5 năm...”
          Nghe tới đây, thầy bước vào như đứa bé ngoan theo lời dạy của cô giáo… Thầy ngồi xuống chiếc ghế nhỏ cạnh một chiếc bàn nhỏ nhìn ra cánh cửa sổ nhỏ… Lần đầu tiên thầy ngước nhìn thấy phòng mình bên góc chùa xa xa từ đây… Cô bước nhanh đến khóa cập cánh cửa lại... Thầy lại một phen giựt mình nữa… Hai thầy trò giờ đây mới thật sự im lặng. Như đang chuẩn bị “đối phó” nhau chính thức lần đầu tiên sau bao nhiêu năm toàn lễ nghĩa thưa gửi.
           “Thầy à… Con có tội… thì con phải rời nơi này… Thầy phải bảo trọng… Cái am này mai mốt ai đến ở cũng được… con đã lau chùi thật kỹ… Đồ đạc của con chỉ có chút áo quần này thôi… Con xin phép đi nhé thầy…”
           “Sao lại phải ra đi… Sao con nói gì thế?… Thầy nghĩ không có nơi nào tốt hơn cho con bằng nơi cửa phật bình an này…”
           “Con tự thấy mình không xứng đáng ở nơi thanh cao nữa…”
           “Sao con lại nói như thế…, có điều gì khó xử con cứ nói ra cho thầy biết…”
          Nghe đến đây, cô gái lại trở cơn hờn giận khi nãy, lại một phen đứng tim mới cho thầy:
           “Thầy đã biết quá rõ rồi mà… Thầy đâu phải là người không có trái tim... Bộ ai tu hành cũng phải là những pho tượng đá hết sao… Nghĩ mà tức cười chết được! Đạo của thầy dạy con phải biết yêu thương, vậy sao con thương thì không thể được… Hả thầy… thầy nói đi?...”
          Nhìn người thầy đầy hào quang của mình giờ đây đã sững sốt thất thần đến nghẹn giọng, cô thừa thắng quyết không tha, nức nở vỡ bờ:
           “Tại… tại… con yêu thầy đó!… Sao con cứ tin là... thầy cũng rất... yêu con... Sao thầy không dám nói gì với con... đã bao năm con chờ thầy...”
          Hai thầy trò không ai nhìn ai, một bầu không khí nặng nề bao trùm ngạt thở.
          Thầy đã nhắm mắt tự lúc nào... Hình như thầy đang lim dim cầu nguyện… Thầy quên thời gian... Thầy biết có hơi gió từ cánh cửa đóng mạnh... Thầy nghe được tiếng kêu khô tuyệt vọng... Thầy nghe được cả những bước chân khó khăn vội vã đang nhỏ dần, nhỏ dần… Nghe được những tiếng khóc của ai đang rải dài xa xa rồi im hẳn…
          Người thầy hoàn hồn, vụt ngồi dậy, tới mở nhanh cửa nhìn ra… Thầy nhìn gió chiều cuốn đi xa rồi người học trò mà thầy yêu thương nhất mấy năm nay... Thầy nhìn đôi chân khập khiễng bước nhanh trở lại con đường cũ mà chúng từng bước đến năm nào…
          "Lại khổ cho thân con nữa rồi…" - Người thầy thấy nhói lòng.

 
           Thấy mình quá nhỏ bé hèn nhát vì đã không dám nói gì để giữ đôi chân đáng thương ấy lại.
          "Thầy mới là người có tội lớn hơn con mà con đâu biết… Thầy là người nên lìa bỏ chốn tu hành này chứ không phải con đâu... Xin hãy tha thứ cho thầy… Tội của thầy đối với con mấy năm gần đây, chắc cả thế gian này có ai haý... A Di Đà Phật! Con cúi xin Phật tổ tha tội... vì Phật phải rõ tội của con hơn ai hết... Xin Phật linh thiêng tìm cách đưa đường cho Ni cô trở lại thay con mà trù trì ngôi tam bảo này, Ni cô không có tội gì hết... A Di Đà Phật!"
          Cảnh chùa chiều xuống hôm ấy có khác gì những buổi chiều khác bao nhiêu năm sau đó. Và người con gái ấy, giờ như một bóng ma, đã không bao giờ trở lại.
          Ngày quy tiên, xác thầy được đệ tử thờ ngay trong cái am nhỏ sau chùa. Theo đúng ý nguyện của thầy trước khi mất.

          Đoàn Khuê


.