30 tháng 9, 2017

Đừng lo nếu quá đen đủi, có cách để bạn được may mắn hơn nhiều đấy

          May mắn là những cơ hội mà chúng ta tình cờ nắm bắt đúng lúc, có thể là chọn được một công việc phù hợp, thực hiện đúng ý tưởng hay kết duyên với đúng người sẽ bên ta trọn đời.
          Vậy, tại sao có những người luôn gặp may mắn hơn hay nói cách khác là họ luôn chọn đúng những gì mình cần làm?
          Giáo sư tâm lý học Richard Wiseman phát hiện ra rằng những người may mắn có tính hướng ngoại rất cao, họ cười nhiều hơn gấp đôi và luôn tỏ ra tự tin trong giao tiếp. Khả năng giao tiếp xã hội của họ, theo như Wiseman giúp họ tăng khả năng may mắn. Nghe hơi phức tạp, thế nhưng Wiseman cho rằng nếu giao tiếp tốt họ sẽ gặp nhiều người hơn, kết nối tốt hơn và từ đó có nhiều cơ hội hơn, nhiều khả năng để “may mắn” hơn.
          Ngược lại với những người kém may mắn, họ có sự tiêu cực cao cấp đôi nhóm người “đỏ”. Từ đây, Wiseman đã thực hiện một thí nghiệm nhỏ.


Thí nghiệm “đen”
          Để phát hiện sự lo âu, suy nghĩ tiêu cực ảnh hưởng ra sao tới một người, Wiseman yêu cầu tất cả mọi người nhìn vào một chiếc màn hình máy tính. Nhiệm vụ rất đơn giản, nhìn theo chấm trên màn hình mỗi khi nó di chuyển. Thế nhưng, một chấm to hơn sẽ xuất hiện ngẫu nhiên ở viền màn hình. Đa phần, ai cũng nhìn thấy chấm to ấy.
          Đơn giản đúng không? Wiseman bắt đầu tăng cấp độ trò chơi khi mà nếu phát hiện được chấm to bạn sẽ được thưởng một khoản tiền nhỏ. Có tới 1/3 số người được thử nghiệm không nhìn thấy chấm to này cho dù họ làm rất tốt ở thử nghiệm trước đó. Họ cho mình là nhóm quá “đen”.
          Thật sự có phải như thế không? Tất nhiên là không rồi khi mà 2 thí nghiệm chẳng khác gì nhau ngoại trừ khoản tiền thưởng. Wiseman cho rằng sự lo lắng giúp cho chúng ta tập trung rất tốt thế nhưng vì quá tập trung nên ta bỏ lỡ nhiều cơ hội trong cuộc sống.
          Và kết quả là những người đen đủi lỡ mất cơ hội có được tiền thưởng vì họ quá quan tâm tới chấm ban đầu. Nói cách khác vì họ quá bận rộn tập trung vào một thứ mà bỏ lỡ cơ hội bên ngoài, những thứ “may mắn” mà họ ao ước bấy lâu.

Một thái độ “may mắn”
          Chưa tin tưởng lắm vào những thử nghiệm của mình, Wiseman thực hiện thêm một thí nghiệm tiếp theo. Trong lần thử nghiệm này, ông đưa cho người tham gia một tờ báo giấy và yêu cầu họ đếm số lượng ảnh có trong cả tờ báo này. Những người thuộc nhóm “đen” mất tới 2 phút để hoàn thiện xong trong khi nhóm “may mắn” chỉ mất vài giây.
          Lý do vì sao người may mắn lại thực hiện nhanh tới vậy? Trong trang tiếp theo, có một thông báo rất rõ ràng và được đưa vào ô với nội dung “Đừng đếm nữa, cả tờ báo có 43 tấm ảnh tất cả”. Đây là thứ người may mắn nhìn được và họ lập tức có câu trả lời. Trong khi đó, những người “đen” bỏ lỡ hoàn toàn thông điệp ấy vì họ quá tập trung vào đếm những bức ảnh.
          Những người may mắn luôn lạc quan, tất nhiên rồi. Họ luôn có những chờ đợi tích cực ở tương lai, nó giúp họ đạt được những nấc thang đặt ra trước đó. Kể cả khi mọi thứ có không theo ý muốn, họ vẫn luôn tìm được điều tốt trong những cái xấu. Người kém may mắn hơn thì ngược lại, họ luôn nhìn thấy sự tiêu cực ở mọi góc cạnh của vấn đề.

Vậy, làm thế nào để “may mắn” hơn
          Như đã đề cập ở trên, may mắn thực chất chỉ là những cơ hội, càng nắm bắt nhiều cơ hội thì dù chỉ 1 cơ hội thành công thôi chúng ta cũng thấy rằng mình rất may. Ngược lại, nếu cứ chăm chăm vào một thứ một lúc và rồi nó thất bại, sự đen đủi sẽ bám theo bạn dài dài.
          Với nhóm thí nghiệm của Wiseman, ông giúp những người “đen đủi” được may mắn hơn với một chương trình riêng. Trong chương trình này, nhóm đen đủi được học cách giao tiếp, dạy cách tự tin và có một cuộc sống cũng như những suy nghĩ tích cực hơn. Không mấy bất ngờ khi có tới 80% người tham gia cho rằng mình may mắn hơn trong khi trước khi tham gia họ luôn nhận mình đen đủi.
Cụ thể hơn, lớp dạy may mắn này tập trung vào 3 yếu tố chính:
          Mở rộng góc nhìn: Nếu luôn lo lắng và giữ một đôi mắt nhắm, bạn sẽ chẳng thể nhận ra cơ hội xung quanh mình. Có một góc nhìn mở và luôn tìm kiếm cơ hội sẽ tăng khả năng “may mắn” cho bản thân.
          Luôn hướng tới sự tích cực: Như bên trên, bạn thấy rồi đó, sự tiêu cực khiến lý trí và những kì vọng tương lai giảm sút, từ đó chúng ta mất đi động lực kiếm tìm cơ hội, mở rộng sự may mắn của mình. Người đen đủi dành quá nhiều thời gian kêu ca nhưng quá ít thời gian tìm cơ hội, đó là lý do vì sao họ vẫn mãi đen.
          Làm thứ gì đó khác thường: Không phải sáng kiến đột phá, cứu thế giới hay những hành động điên cuồng. Đôi khi thay đổi nhịp sinh hoạt, các thói quen cũng là cách để mở cửa cho những cơ hội mới. Hãy tưởng

          Nguồn: tinhtuy.org



.

29 tháng 9, 2017

Ghi nhớ đúng 4 câu ‘thần chú’ này, bạn sẽ an nhiên vượt qua hết buồn vui của cuộc đời

          Trước những sóng gió, ta thường oán thán ông trời bất công. Nhưng nếu giác ngộ được 4 điều sau, bạn sẽ tìm thấy sự an nhiên mà đi qua hết những buồn, vui của cuộc đời…
          Hãy thử nhớ lại một trong muôn vàn ngày không vui bạn đã từng trải qua xem nào! Sáng mở mắt ra vội vàng chuẩn bị đưa con đến lớp mẫu giáo thì xe thủng lốp, phải dắt bộ cả quãng đường dài. Đưa con đến nơi thì cô giáo phàn nàn con chưa ngoan, ăn ngủ kém.
          Đã thế, đến công ty mở ba lô ra mới phát hiện chai nước cam sáng nay vội vàng bỏ vào để mang đi đã rỉ hết ra laptop. Đỉnh điểm của sự chán chường là vì một lỗi nhỏ mà cả đồng nghiệp và cấp trên cùng chỉ trích bạn thậm tệ.
          Khởi đầu một ngày mới vô cùng tồi tệ, đúng không? Và suốt cả ngày hôm đó bạn sẽ bị cảm giác chán chường chi phối, chẳng làm được gì ra hồn ngoài việc oán trách số phận sao lại bất công với bạn đến thế và mãi không thể thoát ra khỏi cái vòng lẩn quẩn đó.
          Nhưng nếu suy nghĩ theo 4 quy tắc tâm linh sâu sắc được người Ấn Độ luôn xem như kim chỉ nam dưới đây bạn sẽ dễ dàng vượt qua khó khăn, an nhiên mà tận hưởng cả niềm vui và những nỗi buồn xảy ra trong cuộc đời mình đấy.


Quy tắc 1: “Bất cứ người nào bạn gặp cũng ĐÚNG là người mà bạn cần gặp”
          Điều này có nghĩa là không phải ngẫu nhiên mà một ai đó xuất hiện trong cuộc đời của bạn. Bất kỳ ai dù chỉ là người đi ngang qua chúng ta trên đường đời cũng đều mang một ý nghĩa nào đó. Họ đều là những người “thầy” dạy cho bạn những thứ không phải cứ bỏ tiền ra là học được.
          Tất cả mọi người xung quanh chúng ta, từ vợ chồng, con cái, bố mẹ, anh chị em, đồng nghiệp, bạn bè và cả kẻ thù, dù yêu thương, ghét bỏ, giúp đỡ hay đối đầu với bạn đều dạy cho bạn cách sống, cách yêu thương, bao dung và nhẫn nhịn.
          Tại ĐÚNG một thời điểm nhất định của cuộc đời, ĐÚNG những con người đó sẽ xuất hiện để giúp bạn vượt qua khó khăn, tôi luyện ý chí, nhận ra giá trị của cuộc sống và chính bản thân mình.
          Nếu đồng nghiệp, lãnh đạo công ty không nghiêm khắc phê bình bạn vì lỗi lầm trong câu chuyện ban sáng thì biết đâu bạn đã không nhận ra, không rút kinh nghiệm để rồi lại phạm phải lỗi nghiêm trọng hơn lần sau thì sao?
          Vậy nên, đừng chỉ biết oán trách, ghét bỏ những người khiến bạn cảm thấy buồn và tổn thương bởi nếu không có họ bạn sẽ chẳng bao giờ biết trân trọng, biết ơn những người luôn trao cho bạn cơ hội, tặng bạn những khoảnh khắc vui vẻ trong đời.

Quy tắc 2: “Bất cứ điều gì xảy ra trong cuộc đời bạn đều là những điều nên xảy ra”
          Không có điều gì chúng ta từng trải qua trong cuộc đời mình đáng ra KHÔNG NÊN xảy ra cả, kể cả những điều nhỏ nhặt nhất. Trước mỗi một sai lầm hay vấp ngã, chúng ta đều than thở “Giá như mình không làm thế thì mọi chuyện đã khác”.
          Nhưng KHÔNG, chẳng có cái giá như nào hết bởi những gì nên xảy ra thì đều đã xảy ra. Qua đó, chúng ta rút ra được bài học để hoàn thiện, phát triển bản thân hơn.
          Mỗi khoảnh khắc, mỗi tình huống xảy ra trong cuộc đời đều được “lập trình” một cách HOÀN HẢO cho dù bạn có không muốn nó xảy ra thế nào chăng nữa. Vì vậy, đừng tốn thời gian để hối tiếc với những câu “giá như” về những chuyện đã qua nữa.
          Thay vì ngồi đó bực tức, bất lực, trách mình ẩu đoảng với chiếc laptop bị dính đầy nước cam ban sáng, bạn bình tĩnh chấp nhận, tìm cách lau chùi rồi đêm chiếc máy tính đi xử lý rồi rút kinh nghiệm lần sau không bao giờ để nước vào ba lô đựng laptop nữa, có phải là nhẹ nhàng hơn không?
          Tương tự như vậy, khi bị kẹt cứng trên một tuyến đường đông đúc trong lúc đưa con đi học bạn cũng sẽ không ngờ rằng nếu đi nhanh hơn chút nữa thì một chiếc xe tải lao như bay trên đường có thể cướp đi sinh mạng của mình và con thì sao?
          Bởi vậy mới nói, đừng ngồi mà ước “giá như” bởi chẳng có gì xảy ra trong cuộc đời là không có nguyên do của nó. Nhẹ nhàng chấp nhận mới có thể ung dung, tự tại.

Quy tắc 3: “Chuyện gì đến, ắt sẽ đến”
          Tất cả mọi chuyện trên đời đều bắt đầu vào đúng thời điểm nó cần đến, không sớm hơn, cũng chẳng muộn hơn. Chúng ta không thể đoán trước điều gì sắp xảy ra, cũng không thể ngăn chặn nó vì nó vẫn luôn ở đó và sẽ xảy ra vào một thời điểm chẳng ai ngờ tới.
          Thế nhưng, nếu chỉ ngồi một chỗ và lo sợ những chuyện tồi tệ sẽ xảy ra với mình, bạn sẽ chẳng có thời gian mà tận hưởng những khoảnh khắc đáng quý của hiện tại nữa. Bạn không thể kiểm soát hết những thứ xảy ra xung quanh nên hãy dũng cảm mà đón nhận, dù đó là niềm vui hay nỗi buồn.
          Mọi chuyện xảy ra trên đời không phải để đáp ứng những ý thích, ước muốn của bạn mà để giúp bạn học cách bình thản đối diện với những chuyện bất ngờ xảy ra. Cuộc đời bạn không phải là một cuộc đua, ai rồi cũng sẽ đi đến đích vậy sao chúng ta lại phải sống vội cơ chứ?

Quy tắc 4: “Chuyện gì đã qua, hãy để cho nó qua”
          Quy tắc này rất đơn giản. Khi một điều gì đó trong cuộc sống của chúng ta kết thúc, thì có nghĩa là nó đã làm hết bổn phận của mình trong việc giúp ta phát triển. Duyên phận của chúng ta với điều đó đã chấm dứt để nhường chỗ cho mối nhân duyên khác hội tụ.
          Đôi khi chia tay một người hay rời bỏ một công việc chưa chắc đã là điều không tốt bởi biết đâu đó lại là cơ hội để chúng ta đến với một nửa đích thực của đời mình và tìm được một cơ hội công việc với môi trường và mức lương tốt hơn.
          Đó là lý do tại sao Phật dạy chúng ta hãy biết buông bỏ, để lại sau lưng những muộn phiền và quá khứ để dành sức tiếp tục cuộc hành trình của đời mình. Để có thể an nhiên, mỗi người nên biết tùy duyên và thuận theo tự nhiên mà sống.

          Không phải ngẫu nhiên mà bạn đọc được bài viết này bởi vậy nếu cảm thấy đúng, đừng giữ cho riêng mình! Hãy yêu thương bản thân, sống an nhiên và luôn hạnh phúc nhé!



.

28 tháng 9, 2017

4 phẩm chất cao quý nhất của người được Trời ban phúc lành, đạo lý nghìn năm nguyên giá trị

          Tinh hoa xử thế, làm người của cổ nhân luôn là kho tàng quý báu chứa đựng những bài học nhân sinh sâu sắc cho hậu thế nghìn năm. Sự minh triết, thấu hiểu lẽ đời, đạo Trời của họ đôi khi khiến chúng ta phải giật mình tự đứng trước gương mà soi lại bản thân.
          Con người sinh ra trong bể khổ, một đời bôn tẩu ngược xuôi rồi trăm năm lại qua như mộng ảo. Phật gia giảng, làm người là phải chịu khổ, khổ về tâm chí, khổ về thân thể, cuối cùng là trôi trong cái khổ mênh mông của lục đạo luân hồi nghìn vạn kiếp. Để thoát khỏi cái khổ trùng trùng ấy, người ta phải đặt công phu vào tu dưỡng chính mình. Dưới đây là 4 loại người có thể vượt ra khỏi bể trầm luân ấy.
  

Đạo Trời đền đáp người cần cù 
           “Chu Dịch” viết: “Trời biến đổi mạnh mẽ không ngừng, người quân tử theo đạo ấy mà không ngừng tự vươn lên” (Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức). Ý tứ của nó chính là đời người phải lấy siêng năng, cần cù làm trọng. Người chăm chỉ, cần cù chính là hợp với đạo Trời, ý Trời, sẽ được phù hộ. Đây chính là đạo lý “Thiên Đạo thù cần” (Đạo Trời đền đáp người cần cù).
          Tăng Quốc Phiên (1811 – 1872) là danh Nho lỗi lạc, công thần số một cuối thời nhà Thanh, từng dẹp yên khởi nghĩa Thái Bình Thiên Quốc. Tấm gương tu thân dưỡng tính của ông khiến hậu thế phải nghiêng mình kính nể. Nhưng họ Tăng vốn không phải là người thông minh Trời phú, thậm chí tư chất của ông còn có vẻ kém cỏi người bình thường.
          Có giai thoại kể rằng, thời thiếu niên ông ở nhà đọc sách. Một đêm, có tên trộm lẩn vào nhà, nấp trên xà ngang, có ý đợi Tăng Quốc Phiên đọc sách xong đi ngủ sẽ khua khoắng một phen. Thế nhưng đợi mãi mà họ Tăng vẫn cứ ngồi lì trước đèn, lật qua lật lại, đọc tới đọc lui một bài văn. Tên trộm sốt ruột, không cầm nổi giận dữ, nhảy ra quát lên: “Ngu tối như ngươi thì đọc được sách gì?“. Rồi hắn lập tức đọc thuộc lòng một lượt bài văn này, đoạn nghênh ngang bỏ đi để lại chủ nhà còn đương ngơ ngác.
          Nhưng Tăng Quốc Phiên không vì vậy mà nản chí. Sau này, ông lại càng siêng năng, hiếu học, tu thân dưỡng tính, cuối cùng trở thành đại danh Nho, kinh luân đầy bụng, ra ngoài làm tướng vào triều làm quan, được sử xanh lưu danh đời đời. Còn tên trộm láu lỉnh, thông minh kia thì bị vùi lấp vĩnh viễn trong dòng sông dài của lịch sử.
          Người biết nỗ lực, cần cù, thuận theo tự nhiên mà gắng công bỏ sức thì chính là sống hợp với Đạo Trời. Bởi hợp với Đạo Trời nên họ sẽ được Trời chở che, nâng đỡ, đáp đền. Tăng Quốc Phiên tư chất chậm chạp, kém cỏi nhưng nhờ cần cù, sống theo Đạo Trời, tự tu chính mình nên mới được phúc báo lớn đến vậy.
          Người xưa nói: “Thuận theo Đạo Trời thì hưng, ngược với Đạo Trời thì suy“, quả là đúng vậy thay!

Đạo của Đất đền đáp người thiện lương
          Đó chính là: “Địa Đạo thù thiện“, ý tứ lấy từ một quẻ bói của Chu Dịch: “Đất có thế của quẻ Khôn, người quân tử lấy đức dày mà nâng đỡ vạn vật” (Địa thế Khôn, quân tử dĩ hậu đức tải vật). Người ta thuận theo đạo của Đất, ôn nhu, mềm dẻo mà chở che, khoan dung vạn sự vạn vật thì sẽ đắc phúc báo.
          Vào thời Xuân Thu (722 – 481 TCN), ở Ế Tang, Triệu Thuẫn (quyền thần nước Tấn) chợt nhìn thấy một người sắp chết đói bên đường. Ông liền cho anh ta thực phẩm. Người bị đói lại chỉ ăn một nửa, còn một nửa gói ghém cẩn thận. Triệu Thuẫn lấy làm lạ, thắc mắc hỏi nguyên do. Người đó nói muốn đem đồ ăn này giữ lại cho mẹ mình. Triệu Thuẫn cảm thương lòng hiếu thảo, để người đó ăn uống thỏa thích, lại chuẩn bị một mâm cơm thịt cho anh ta đem về dâng mẹ.
          Về sau Tấn Linh Công tập kích, định giết Triệu Thuẫn. Ngay trong lúc ngàn cân treo sợi tóc, giáp sĩ của Linh Công đuổi gấp sau lưng, bỗng đâu có một võ sĩ xông ra chặn đường, đánh bật quân địch trở lại, cứu thoát Triệu Thuẫn. Bấy giờ, sau khi thoát nạn hoàn hồn, Triệu Thuẫn mới ấp úng tạ ơn và hỏi lai lịch người anh hùng nọ.
          Người đó trả lời: “Tôi chính là người bị đói ở Ế Tang năm xưa, nhờ được minh công cứu giúp một bát cơm, lại cho cơm mang về dâng mẹ. Ơn ấy nay phải trả!“. Triệu Thuẫn bấy giờ mới cả mừng hỏi tên tuổi. Thì ra người ấy chính là Linh Chiếp, một trong những hiệp sĩ nổi tiếng thời Xuân Thu.

Đạo của Thương nghiệp đền đáp người giữ chữ tín
          Đạo lý: “Thương Đạo thù tín” này lấy từ một câu trong “Luận Ngữ”: “Người không có uy tín thì chẳng thể lập thân” (Nhân vô tín bất lập). Trong công việc kinh doanh, giữ được sự thành thật và chữ tín thì mọi việc đều thuận lợi.
          Hồ Tuyết Nham (1823 – 1885) là thương gia giàu nhất Hàng Châu cuối thế kỷ 19. Xuất thân nghèo khó nhưng bằng tài năng và nỗ lực của mình, ông đã trở thành thương gia giàu có nhất Hàng Châu. Hồ Tuyết Nham luôn giữ được sự thành tín trong kinh doanh. Ông khởi nghiệp bằng nghề kinh doanh hiệu thuốc. Thuốc ở tiệm của ông đều là hàng thật, đúng giá, lại rất chất lượng. Ví như để chế tạo “Kim Lộc Hoàn” cần phải có đủ hơn 30 loại lộc hươu. Để bảo đảm chất lượng nguyên liệu, Hồ Tuyết Nham không tiếc tiền, bỏ vốn mở một bãi đất nuôi hươu lấy lộc.
          Nguyên tắc làm ăn của ông chính là không để đối phương chịu tổn thương, giao dịch phải là đôi bên cùng có lợi, không vì chiếm phần lợi nhỏ của mình mà làm tổn hại đến “Thương Đạo”. Có người đến cầm cố gia sản để lấy vốn mở rộng kinh doanh, ông sẵn sàng cho cầm cố với mức giá cao nhất, còn cao hơn cả giá thị trường, không vì người khác khó khăn mà ép giá, trục lợi.
          Hồ Tuyết Nham có một câu nói nổi tiếng: “Ai cũng có ngày mưa không mang theo dù, hãy cho họ dùng nhờ“. Sự thành tín không chỉ tạo dựng nên sản nghiệp lớn mà còn ghi tiếng tăm ông vào sử sách.

Đạo của nghề nghiệp đền đáp cho người dốc lòng chuyên tâm
          Đây chính là đạo lý: “Nghiệp đạo thù tinh“. Trong “Tiến Học Giải” của Hàn Dũ viết: “Nghề nghiệp tinh thông với người cần cù mà hoang phế với sự chơi đùa” (Nghiệp tinh vu cần, hoang vu hi). Ý tứ ở đây là chỉ có cần cù học hành, khổ công luyện tập thì mới đạt được đến độ tinh thông trong học thuật, sau này nghề nghiệp cũng sẽ thành công, tinh tiến.
          Vương Hiến Chi là con của Vương Hi Chi, nhà thư pháp xuất chúng thời Đông Tấn (317 – 420). Từ nhỏ, Hiến Chi đã theo cha học tập thư pháp. Có lần, ông xin cha chỉ dạy bí quyết then chốt nhất để tạo ra một bức thư pháp đẹp. Vương Hi Chi chỉ vào 18 thùng nước lớn trong vườn, nghiêm giọng nói: “Bí quyết viết chữ chính là trong những thùng nước này. Con hãy lấy 18 thùng nước lớn này làm mực mà viết, sau đó sẽ hiểu rõ“.
          Hiến Chi nghe lời cha dạy, kiên trì ngày ngày khổ luyện, cần cù học tập, cuối cùng chấm bút viết khô cả 18 thùng nước. Đến lúc ấy, trình độ thư pháp của ông đã vô cùng tuyệt mĩ, không những kế thừa phong cách của cha mà còn khai sáng ra một bút pháp riêng biệt của mình. Hai cha con họ Vương được người đời xưng tụng là “Thảo thánh nhị Vương”.
  

          Có câu: “Gái có công thì chồng chẳng phụ“. Chỉ khi bạn bỏ ra công phu tu dưỡng thì mới có được những điều tuyệt vời nhất. Người xưa coi việc sống thuận Đạo Trời, hành hiệp trượng nghĩa, tích đức hành thiện, tu dưỡng tâm tính là những điểm then chốt nhất của đạo làm người. Chỉ khi bồi bổ cái gốc ấy tươi tốt, người ta mới có thể có tương lai.
          Cần cù, lương thiện, giữ chữ tín hay dốc lòng chuyên tâm đều là những phẩm cách đạo đức tốt đẹp, nghìn đời còn nguyên giá trị. Nó không phải là loại đạo đức khô cứng dùng để bày biện trong tủ kính bảo tàng mà là thứ có tính ứng dụng hiệu quả phi thường. Xã hội hiện đại ngày càng phát triển, khoa học công nghệ đang khiến con người rời bỏ dần các giá trị nhân sinh truyền thống. Máy móc đã làm thay người ta quá nhiều việc. Sự tu dưỡng cá nhân bỗng trở thành xa xỉ.
          Nhưng kinh nghiệm cho thấy rằng, tu tâm dưỡng tính luôn là cái gốc của đạo làm người. Người xưa nói: “Ngọc bất trác bất thành khí. Nhân bất học bất tri lý” (Ngọc không mài giũa thì không đẹp, người không học thì không biết lý lẽ), quả là đúng thay!
          Đó gọi là:
          Tâm lành có Đạo, tâm tự sáng
          Người hiền hiểu lý, người dứt mê 

          Nguồn: ĐKN 



.

27 tháng 9, 2017

Người như thế nào mới xứng kết làm tri kỷ?

          Hồi nhỏ tôi thường nghe các bậc trưởng bối nói rằng: “Con người cả một đời khó có được một người bạn tri kỷ”.
          Lúc ấy tôi chỉ nghĩ rằng: “Chắc là vì họ có ít bạn bè quá đó thôi”.
Sau này khi lớn hơn một chút, hiểu hơn một chút về cuộc sống, tôi lại cho rằng câu nói ấy chỉ là lời cửa miệng, rằng có người bạn tri kỷ thật đáng quý nhường nào. Chung quy lại, thì cũng chỉ là một câu khách sáo trên bờ môi…
          Nhưng sau rất nhiều thăng trầm trên đường đời, tôi mới nhận ra đạo lý đằng sau câu nói ấy. Thế gian hơn 7 tỷ người, nhưng dẫu ta có gặp gỡ bao nhiêu, giao thiệp bao nhiêu, thì phần lớn vẫn chỉ là những dấu chân vội vã bước qua nhau. Hầu hết mỗi người chúng ta đều thấy mình cô độc, thật khó để dốc bầu tâm sự cùng ai.
          Nhưng thay vì ngồi chờ đợi ai đó đến bên ta, thì trước hết mỗi chúng ta hãy tự trở thành một người đáng để kết thành tri kỷ, như vậy bạn sẽ có cơ hội gặp gỡ nhiều người bạn chân chính hơn.


          Dẫu cả đời người khó có nấy một người tri kỷ, nhưng bên cạnh mỗi chúng ta đều có một vài người đáng để kết giao, thông thường họ đều hội tụ 6 đặc điểm sau đây:

1. Vừa có thể cộng khổ, lại có thể đồng cam
          Có một thực tế khá bất ngờ là, con người cùng nhau cộng khổ thường dễ dàng hơn là cùng nhau hưởng phúc. Bởi vì hoàn cảnh và điều kiện của mỗi người mỗi khác, nên không cộng khổ thì thật khó để tự mình vượt qua khó khăn.
Nhưng đồng cam đôi khi cũng gian nan không kém. Đã có biết bao nhiêu người cùng nhau sáng nghiệp lại trở mặt thành thù? Không phải vì họ không thể đồng lòng chịu khổ, mà là vì họ không vượt qua được khảo nghiệm khi phân chia lợi ích từ thành công.
          Người có thể giữ được nội tâm yên bình và lý trí khi đứng trước lợi ích, và cũng có thể cùng chia sẻ ngọt bùi, thì mới thật sự là người đáng để kết giao.

2. Không đố kỵ mà luôn bao dung cho khuyết điểm của bạn
          Khi nhìn thấy ưu điểm của bạn, họ thực sự cảm thấy tự hào; khi nhìn thấy khuyết điểm của bạn, họ cũng không vì vậy mà ghét bỏ. Vì là một người bạn chân thành, họ sẽ chỉ nhắc nhở để mong bạn hoàn thiện bản thân hơn.
          Nếu khuyết điểm đó không phải là vấn đề nguyên tắc, thì dẫu bạn không thay đổi họ vẫn sẽ kết giao cùng bạn. Người như vậy chứng tỏ là bậc quý nhân luôn đối xử tốt với người khác, xứng đáng để kết giao.

3. Có lòng hiếu thuận, có chính nghĩa
          Người có lòng hiếu thuận là người biết cảm ơn. Cha mẹ vĩnh viễn là ân nhân lớn nhất của chúng ta. Nếu ngay cả việc hiếu thuận với đấng sinh thành cũng không làm được thì thật khó nói rằng, vào lúc nguy cấp họ có thể giữ mình vững vàng hay không.
          Hiếu thuận với cha mẹ không phải là biểu hiện trên bề mặt, mà chính là những hành động thiết thực như quan tâm tới cha mẹ, bầu bạn cùng cha mẹ. Vào thời khắc then chốt họ biết đặt cha mẹ vào vị trí số 1 trên những lựa chọn của mình.

4. Chân thành, chính trực
          Làm người chính trực thì không có tư tâm, thậm chí đôi khi còn “đắc tội” với bạn. Nhưng nội tâm người này lại rất có nguyên tắc.
          Hôm nay vì sự chính trực mà đắc tội với bạn, nhưng ngày mai họ lại vì tình bạn của hai người mà không màng hy sinh tất cả để bảo vệ bạn bè.
          Nếu may mắn gặp được người thực sự chân thành, thì đừng vì chút lạnh lùng trên bề mặt mà bỏ lỡ người bạn như vậy, bởi họ thực sự là mẫu người lý tưởng để kết giao.

5. Nhân cách độc lập, nội tâm mạnh mẽ
          Người có nhân cách độc lập sẽ không thay đổi thái độ vì địa vị của đối phương.
          Họ có thể dùng bữa với người ăn xin mà không tỏ ra chán ghét hay khinh thường. Họ có thể điềm nhiên đàm đạo với cao quan mà không phải xun xoe, nịnh nọt. Họ có thể thực lòng sẻ chia với những người lao động bình thường mà không ghét bỏ.
          Người như vậy, giả sử một ngày nào đó bạn sa cơ lỡ vận thì họ nhất định sẽ chìa tay ra giúp đỡ; nếu một ngày nào đó bạn phát đạt thì họ vẫn sẵn sàng chỉ ra những thiếu sót, ngăn không để bạn cao ngạo mà bay bổng lên chín tầng mây.
          Đây là người có nội tâm thực sự mạnh mẽ, đáng để kết thành tri kỷ.

6. Thấu hiểu bạn mà không cần nhiều lời
          Bạn không cần nói quá nhiều mà họ vẫn thấu hiểu lòng bạn, điều ấy chứng tỏ rằng họ có nhân sinh quan, thế giới quan, giá trị quan gần giống với bạn.
          Khi kết giao với người bạn như vậy, bạn sẽ cảm thấy rất thoải mái, dẫu có mâu thuẫn cũng dễ dàng hóa giải.

          Và cuối cùng, nếu bạn muốn kết giao được với những người bạn tri kỷ, thì trước tiên hãy trở thành một người đáng kết giao.


          Nhậm Hạo, theo NTDTV
          Minh Nguyệt biên dịch


.

26 tháng 9, 2017

Vị giáo sư và chiếc xe đạp

          Tôi bắt đầu khóa học thạc sĩ luật tại Mỹ được một tháng. Không quá lâu nhưng đã để lại cho tôi những kỷ niệm tôi chưa bao giờ có trong suốt chục năm đi học.


          Đó là một ngày mùa thu tại bang Indiana. Sau khi kết thúc buổi học dài ba tiếng mệt mỏi, tôi đạp xe từ trường về để đi cắt tóc.
          Đi được nửa đường tới tòa nhà Quốc hội bang, có một người đàn ông đi trước tôi. Vẫn như thói quen, tôi đạp chậm lại và nói lịch sự: "I’m sorry, sir" (xin lỗi ông) để họ tránh cho mình đi. Lúc lướt qua, tôi mới để ý đó là giáo sư hướng dẫn tôi, thầy Huffman. 
          Tôi chỉ kịp dừng xe lại và chào giáo sư vài câu xã giao (vì tôi đang có hẹn ở tiệm cắt tóc - tại Mỹ cái gì cũng phải đặt hẹn trước nếu bạn muốn làm gì đó).
          Giáo sư liền bảo tôi dừng xe lại và chỉ vào chiếc xe của tôi: "Xe đạp của bạn có vấn đề rồi". Rồi ông liền bảo rằng phanh thì hỏng, cả hai tay cầm thì lột ngược, xích thì bị khô. 
          Ông hỏi tôi: "Làm sao bạn có thể đi trên một chiếc xe như vậy?". Chẳng đợi tôi trả lời, ông cúi xuống và xem xét chiếc xe. Tầm hai phút thì ông bảo: "Bạn nhấc chiếc xe lên tôi sửa cho bạn cái phanh".
          Ông sửa xe cho tôi ngay giữa đường, giữa trung tâm thành phố, làm cho mọi người đi qua nhìn chúng tôi với ánh mắt tò mò. Một người thì đang nhấc xe, một người thì mặc comlê chỉn chu, sang trọng ngồi sửa xe đạp. 
          Được một lúc thì thầy bảo: "Tôi sửa xong phanh cho bạn rồi, còn hai vấn đề còn lại, bạn rảnh thì mai tôi sẽ sửa cho bạn". Tôi từ chối vì tôi nghĩ như vậy phiền giáo sư quá. Tôi định đem ra cửa hàng xe để sửa. 
          Nhưng thầy cũng chả nghe tôi, thầy lấy máy di động ra và ghi vào lịch của mình "11h, fixing bike for Ngoc" (11h, sửa xe đạp cho Ngọc). Thầy cười và nói: "Tôi có mấy dụng cụ sửa xe ở văn phòng, mai tôi sẽ sửa cho bạn". 
          Tôi chỉ biết cười và cảm ơn thầy rồi vội vã đi luôn.
          Vì điều đúng đắn phải làm
          Ngày hôm sau, 11h, tôi đến văn phòng của thầy. Hai thầy trò xuống sân trường, chỗ tôi để xe đạp (vì chẳng có chỗ nào khác cho tôi để xe đạp nữa). Lại tiếp tục như hôm qua, tôi nhấc, thầy sửa. Thầy bôi trơn xích, vặn lại tay cầm, chỉnh lại ghế ngồi chắc mất gần 15 phút. 
          Trong vòng từng ấy phút thôi, bao nhiêu học sinh đi qua, ai cũng với đôi mắt tròn, khuôn mặt không giấu nổi ngạc nhiên khi nhìn thấy người thầy vẫn giảng dạy họ hằng ngày trên giảng đường đang ngồi cặm cụi lấm láp sửa xe đạp cho một học sinh ngay giữa sân trường. 
          Họ đi qua và chỉ chào hỏi: "Chào giáo sư, thầy đang làm gì vậy?". Thầy chỉ trả lời: "Tôi đang sửa xe đạp".
          Chắc tầm 6, 7 sinh viên đi qua ai cũng có câu hỏi na ná như vậy. Sau 15 phút, thầy bảo tôi đi một vòng xem sao. 
          Tôi đi một vòng và thấy quả thật xe của tôi đã được sửa một cách hoàn chỉnh. Thầy còn dạy tôi lần sau nếu xe đạp hỏng thì sửa như thế nào, mua dụng cụ gì để sửa nữa. Tôi chả biết nói gì ngoài cảm ơn lia lịa. 
          Thầy chỉ cười và bảo: "Không có gì. Tôi chỉ muốn giúp bạn thôi". Tôi lúc đó mới nghĩ ra: "Hay là mời thầy đi ăn?", và tôi đã mời thầy đi ăn để cảm ơn. Thầy liền nói: "Nếu bạn mời tôi vì điều đó thì không cần thiết".
          Tôi hỏi tại sao, thầy liền bảo: "Tôi làm vậy không phải vì gì cả. Tôi làm vì đó là điều đúng đắn phải làm" (nguyên gốc: "I fix for you not for any return. I do because it is a right thing to do"). 
          Dù thầy có nói vậy, tôi cũng đã thành công trong việc mời thầy một bữa trưa.
          Tôi cảm nhận thầy không chỉ dạy mình ở lớp mà cả kiến thức cuộc sống hằng ngày và là người bạn của mình khi ở ngoài lớp học.

          Sau hôm đó, tôi hiểu ra rằng mình cần sống cho đi nhiều hơn là mong muốn được nhận lại. Nếu bạn có khả năng giúp được người khác, cho dù là hoàn cảnh nào thì hãy giúp, vì đó là điều đúng đắn phải làm.



.

25 tháng 9, 2017

Đừng đánh mắng con: Khi trẻ phạm lỗi, hãy hỏi 8 câu này

          Trong quá trình nuôi dạy con cái, các bậc phụ huynh thường gặp phải vô vàn vấn đề khúc mắc khác nhau. Bổn phận làm cha làm mẹ, mỗi khi con làm sai bạn hãy lắng nghe ý tưởng và suy nghĩ của con thay vì trách mắng hay la rầy.
Đánh thì xót, không đánh thì hư
          Mắc lỗi là điều hoàn toàn tự nhiên của mọi đứa trẻ, vì đó là cách để chúng học hỏi và trưởng thành. Tuy nhiên, hiếm có bố mẹ nào không nổi cáu hay tức giận mỗi khi các con mắc lỗi.
          Trên một diễn đàn về cách dạy con, có câu chuyện của chị Hà Anh (Cầu Giấy, Hà Nội) như sau:

          Con gái chị Hà Anh đang học lớp mầm, bé khá ngoan và nghe lời người lớn. Nhưng mỗi khi phật lòng điều gì đó là bé ném đồ, khóc ăn vạ. Chị Hà Anh theo trường phái “đánh con là thất bại lớn của cha mẹ” nên luôn cố gắng dạy dỗ con bằng các biện pháp ôn hòa. Chỉ đến khi con quá bướng, dám hất cả bát cơm xuống sàn vì mẹ gắp miếng trứng mà bé không thích ăn, chị bực mình quá mới vật con ra giường tét mông.
           “Tôi cũng chủ trương không dùng đòn roi với con, cố gắng dạy con bằng các cách bình yên nhất. Nhưng nhiều khi bất lực với con thực sự. Con bướng, khó bảo đến mức không thể nhịn nổi. Hôm trước vừa vật con ra giường tẩn cho một trận. Đánh xong con khóc, mẹ cũng khóc theo. Xót con cả tối không sao ngủ được”.
           “Lúc đó mình bất lực thực sự. Phạt con cũng đã làm, nói chuyện với con cũng rất nhiều lần, con vẫn bướng như vậy nên đành phải đánh”, chị lý giải.
Dù không muốn dùng roi vọt với con, nhưng nhiều tình huống con quá bướng cũng sẽ khiến các ông bố bà mẹ hiền dịu nhất phải nổi giận.
Xử trí thế nào khi con hư là điều mà tất cả những người làm cha, làm mẹ đều đau đầu tìm lời giải. Người phạt con, người đánh con nhưng rồi hành vi xấu của con lại lặp lại.
          Gặp phải những tình huống như vậy, chúng ta có thể thử hỏi con 8 câu hỏi sau:


1. Đã xảy ra chuyện gì vậy con? Hãy để con có cơ hội nói
          Câu hỏi này nghe thì có vẻ đơn giản nhưng kỳ thực lại vô cùng quan trọng.
          Có nhiều bậc cha mẹ khi con mắc lỗi thường có thói quen định tính mà hỏi trẻ những điều cứng nhắc kiểu như: “Tại con đánh bạn ấy trước nên bạn ấy mới đánh con”, hoặc “Chắc là con làm sai chuyện gì nên cô giáo mới phạt con chứ”.
          Lúc này chúng ta nên bình tĩnh và lắng nghe những lời trẻ nói, đứng ở góc độ của con để xem xét sự thật, để tránh hiểu lầm trách oan con trẻ.
          Hơn nữa, hãy để con có cơ hội được nói, thậm chí nếu thực sự lỗi là do trẻ, thì ít nhất trẻ cũng có cơ hội tự bảo vệ bản thân hoặc sẵn sàng thừa nhận điểm sai sau khi mọi chuyện đã rõ ràng.

2. Con cảm thấy như thế nào? Hãy để con bộc lộ cảm xúc của mình
          Sau khi tìm hiểu chuyện gì đã xảy ra, đừng vội vàng giáo dục con cái.
          Tâm lý trẻ em bị ảnh hưởng bởi những cảm giác chủ quan, chứ không có định nghĩa đúng hay sai. Rất nhiều lúc, chúng ta chỉ cần nói ra hết những cảm xúc trong lòng là được.
          Nghiên cứu khoa học cho thấy rằng một khi con người có cảm xúc mãnh liệt hoặc đang bị kích thích, thì bên ngoài dẫu ai nói gì cũng sẽ không dễ dàng tiếp thu vào bộ não.
          Điều đó cũng có nghĩa là, khi một người vẫn còn mang trong mình một cảm xúc kích động, thì người khác nói gì cũng sẽ không lắng nghe. Chỉ có thể chờ đợi cho đến khi họ bình tĩnh lại, mới có thể bình thản mà ngẫm nghĩ. Vì vậy, nếu muốn con cái có thể nghe theo ý kiến của mình, chúng ta cũng cần đồng cảm với cảm xúc của con trước, để cảm xúc của chúng có một lối thoát.
          Sau khi trẻ đã đủ bình tĩnh trở lại, bạn có thể đặt tiếp câu hỏi thứ ba.

3. Con muốn như thế nào? Các bậc phụ huynh đừng nên phê bình hay phán đoán sai lầm của con
          Tại thời điểm này, bất kể trẻ nói ra những lời kinh hoàng như thế nào cũng đừng nên vội vàng lập tức trách phạt chúng. Nên bình tĩnh và tiếp tục hỏi con câu hỏi thứ tư: “Vậy con nghĩ chúng ta nên xử lý như thế nào?”. Lúc này hãy để con cũng cùng động não suy nghĩ, tự ngẫm về những điểm hợp lý, không hợp lý của bản thân.

4. Vậy con cảm thấy có những cách xử lý nào
          Ở giai đoạn này, chúng ta phải tôn trọng những suy nghĩ ngây thơ non nớt của trẻ để trẻ cảm nhận được sự tôn trọng khi thể hiện quan điểm.
          Là phụ huynh, chúng ta cũng muốn ở bên cạnh cùng con nghĩ ra ý tưởng, từng bước lập kế hoạch cho con, cùng con định hướng ra các giải pháp. Bằng cách này, sau này khi trẻ gặp phải vấn đề khúc mắc sẽ lập tức có suy nghĩ tìm đến sự tham vấn của bạn.
          Chờ cho đến khi không thể nghĩ ra thêm bất kỳ ý tưởng nào khác nữa, bạn có thể đặt cho trẻ câu hỏi thứ năm.
  

5. Hậu quả của những cách làm này sẽ ra sao
          Hãy để cho trẻ suy nghĩ và hiểu về vấn đề: Đằng sau mỗi giải pháp đều có một hệ quả mà con phải chịu trách nhiệm, liệu con có thể chấp nhận những hậu quả này?
          Nếu lúc này, nếu con không thể hiểu được logic vấn đề, cha mẹ nên giúp trẻ làm rõ những ý tưởng này ngay, nói cho trẻ biết hậu quả là gì.
Nhưng lúc này các bậc cha mẹ nên tránh việc thuyết giảng, chỉ cần đơn giản và thực tế là được.

6. Con quyết định làm thế nào? Để trẻ tự kiểm nghiệm sự phán đoán của mình
          Sau khi đã phân tích đầy đủ tất cả các trường hợp và hậu quả, bản thân trẻ cũng sẽ có sự cân nhắc, lựa chọn giải pháp có lợi nhất. Hơn nữa, đó cũng sẽ là sự lựa chọn hợp lý và sáng suốt nhất.
          Ngay cả khi sự lựa chọn của trẻ không như những gì bạn mong đợi, hãy tôn trọng quyết định của trẻ. Nếu như bạn thay đổi e rằng sau này trẻ sẽ không bao giờ tin bạn nữa.
          Hơn nữa, cho dù trẻ đã chọn sai cách, thì trẻ cũng có thể từ những điểm sai lầm này mà rút ra bài học không thể nào quên.

7. Con mong muốn ta sẽ làm gìKhi con nói ra hy vọng của mình, hãy giúp con kịp thời
          Khi trẻ em biểu đạt mong muốn và hy vọng từ chúng ta, làm cha làm mẹ phải tích cực hỗ trợ. Ủng hộ từ cha mẹ chính là sự hậu thuẫn tốt nhất dành cho con, điều này sẽ khiến con càng có niềm tin hơn.
          Chờ cho đến khi mọi chuyện đã đi qua, hãy hỏi con một câu hỏi cuối cùng.

8. Nếu lần sau lại gặp tình huống tương tự, con sẽ làm thế nào
          Sau khi đợi mọi chuyện qua đi, hãy cho trẻ cơ hội tự đánh giá bản thân mình. Điều này phản ánh sự phán đoán và cách giải quyết của trẻ đã có hiệu quả hay để lại hệ quả như thế nào.
          Nhiều bậc cha mẹ tin rằng con mình còn nhỏ, không có khả năng giải quyết vấn đề. Thực tế thì, ngay cả khi còn nhỏ, trẻ cũng sẽ có cách vận dụng các chiến lược và giải pháp cho mọi vấn đề theo cách của chúng.
          Vì vậy, sau này khi trẻ phạm sai lầm, cha mẹ hãy thử đặt cho trẻ tám câu hỏi này. Thực hành một vài lần, trẻ sẽ có khả năng tự giải quyết những vấn đề riêng của chính mình, chúng ta không cần phải quá lo lắng.
          Khả năng nhận biết và giải quyết vấn đề mới là vốn sống quý giá và quan trọng nhất cho sự phát triển sau này của trẻ.

          Kiên Định



.

24 tháng 9, 2017

Người ăn xin



          Con đi ăn xin từng nhà trên con đường làng. Bỗng con thấy một cỗ xe bằng vàng đang từ xa đi tới....như một giấc mơ, giấc mơ huy hoàng. Con tự hỏi ông vua nào mà lại lộng lẫy như thế? Lòng hy vọng trào lên trong lòng con. Con tự nghĩ:
          - Thế là từ nay đời mình sẽ hết khổ!
          Và con chuẩn bị sẵn sàng chờ Ngài đến... tay Ngài bung những đồng tiền vàng vung vãi trong đám cát bụi bên đường.
          Và cỗ xe dừng lại nơi con đang đứng. Cái nhìn của đức vua đậu lại trên con... rồi Ngài bước xuống, miệng mỉm cười. Con cảm thấy như cơ may của đời mình đã tới.
          Bỗng dưng con thấy đức vua chìa tay ra và hỏi
          - Con có gì cho ta không?
          Con bối rối ngỡ ngàng... Con từ từ thò tay vào trong bị rút ra một hạt lúa mì và dâng cho Ngài. Nhận hạt lúa mì xong, Ngài lên xe và tiếp tục đi.
          Chiều đến... khi dốc những hạt lúa trong bị ra.. thì thật ngỡ ngàng biết bao.
          Một hạt vàng óng ánh nằm giữa những hạt lúa mì khác.
          Con nức nở khóc và tiếc rẻ. Con tự nguyền rủa chính mình:
          - Tại sao mình đã không dâng cả cho đức vua tất cả những hạt lúa mì mình có.
          Có lẽ cuộc sống của chúng ta mỗi người nhiều khi cũng giống như thế. Chúng ta rất hẹp hòi với Chúa và với anh em. Rồi nhiều khi chúng ta thấy người nọ người kia được Chúa đối xử hơn chúng ta, thay vì chúng ta bình tâm xét lại xem chúng ta đã sống cho Chúa như thế nào, chúng ta lại đâm ra ghen tương phân bì với anh em và cả với Chúa nữa.
          Xin Chúa điều chỉnh lại cách sống của con sao cho những ngày tháng con sống trên đời là những ngày tháng tràn ngập niềm vui vì đó là những ngày con sống chan hòa với Chúa và với anh chị em chung quanh con.

          Tagore

          Văn hào Tagore có viết câu chuyện . Tuy Ông là một người không có đạo nhưng những gì ông viết rất phù hợp với những Lời của Chúa trong Phúc âm.



.

23 tháng 9, 2017

Mặt Trời và Mặt Trăng, cái nào quan trọng hơn

          Có một câu chuyện kể rằng: 
          Một ngày nọ, có một người hỏi một vị lão tiên sinh,  mặt trời và mặt trăng, cái nào quan trọng hơn?
           Vị lão tiên sinh kia suy nghĩ nửa ngày, mới trả lời: 
           “Là mặt trăng, mặt trăng quan trọng hơn”.
           “tại sao?”
            “Bởi vì mặt trăng chiếu sáng vào ban đêm, đó là thời điểm chúng ta cần ánh sáng nhất, còn mặt trời lại chiếu sáng vào ban ngày mà ban ngày chúng ta đã có đủ ánh sáng rồi.”


           Bạn có lẽ sẽ cười vị lão tiên sinh này là hồ đồ, nhưng mà bạn không biết là có rất nhiều người cũng nghĩ như thế sao?
           Người mà hàng ngày chăm sóc bạn, bạn cũng không cảm nhận được điều gì cả? 
          Nhưng nếu là một người xa lạ ngẫu nhiên giúp đỡ bạn, bạn sẽ cho rằng đó là một người tốt, cha mẹ và người thân của bạn luôn luôn vì bạn mà hy sinh, mà đánh đổi nhưng bạn lại cảm thấy đó là việc đương nhiên, thậm chí có khi còn thấy phiền toái. Một khi người ngoài làm một việc na ná như thế thì bạn lại sẽ hết sức cảm kích. Đây chẳng phải là giống như đã hồ đồ “cảm kích ánh trăng mà phủ nhận mặt trời” hay sao?
           Một cô gái đã có một cuộc tranh cãi với mẹ của mình, tức giận đến mức tông cửa chạy  ra ngoài và quyết định không bao giờ trở về ngôi nhà chán ghét này nữa. Cô đã đi lang thang cả ngày ở bên ngoài,  đến lúc bụng đói cồn cào, nhưng lại không có một đồng tiền nào, mà lại không muốn trở về nhà để ăn cơm. Mãi đến lúc trời tối, cô mới đi vào một quán mì, ngửi thấy mùi mì thơm tỏa ra. Cô thực sự rất muốn được  ăn một bát, nhưng trên người không có tiền, chỉ có thể liên tục nuốt nước miếng.
           Bỗng nhiên, ông chủ quán mì ân cần hỏi han: “Cháu gái, cháu có muốn ăn mì không?”,  cô gái ngượng ngùng trả lời: “à, nhưng mà, cháu không mang tiền”. Ông chủ nghe  xong cười to:  “Haha, không sao cả, hôm nay cứ coi như bác mời cháu đi!”
           Cô gái quả thực không thể tin vào lỗ tai mình, cô ngồi xuống, ngay lúc đó, 
một bát mì được mang ra,  cô ăn say sưa, và nói: “Bác chủ quán, bác thật là một người tốt!”
           Ông chủ quán nói,: “Ồ, sao cháu lại nói vậy?”, cô gái trả lời: “Chúng ta vốn không  quen biết nhau, bác lại đối xử tốt với cháu như vậy, không giống như mẹ của cháu,  hoàn toàn không hiểu được những nhu cầu và ý nghĩ của cháu, thật là bực mình!”
           Ông chủ quán lại cười: “haha, cháu gái, bác chẳng qua mới chỉ cho cháu một bát mì  thôi, mà cháu đã cảm kích bác như thế, thế mà mẹ của cháu đã nấu cơm cho cháu hai mươi mấy năm nay, cháu chẳng phải là càng nên cảm kích mẹ của cháu hay sao?”
           Nghe ông chủ quán nói xong, cô gái như tỉnh giấc mơ, lập tức nước mắt trào ra, cô bỏ mặc nửa bát mì còn lại mà vội vàng chạy về nhà.
           Mới đến ngõ trước cổng nhà, cô đã nhìn thấy bóng mẹ xa xa, đang lo lắng nhìn quanh bốn phía cổng ra vào, trái tim cô như thắt lại, cô cảm thấy muốn nói một ngàn lần một vạn lần lời xin lỗi  với mẹ của mình. Nhưng cô còn chưa kịp mở miệng thì mẹ của cô đã nghênh đón và nói: “trời ơi, con cả ngày đã đi đâu thế này? Mau mau, đi vào nhà rửa chân tay, ăn cơm tối đi.”
           Tối hôm đó, cô gái mới cảm nhận được sâu sắc tình yêu của mẹ đối với mình.  
          Khi đã quen với sự hiện diện của mặt trời, mọi người đã quên mất là nó đem 
lại cho mọi người ánh sáng, khi đã quen với sự chăm sóc của người thân, mọi người thường quên mất họ đã cho mình sự ấm cúng, một người quen được chăm sóc từng li từng tí thì ngược lại sẽ không thấy  biết ơn, vì họ cho rằng, ban ngày đã đủ ánh sáng rồi, cho nên mặt trời là dư thừa, không cần thiết.
           Hy vọng trong chúng ta mỗi người đều biết mặt trời và mặt trăng, cái nào quan trọng hơn.
            Trong cuộc sống thực tại, chúng ta thường hay không để mắt đến những điều mình đã có,  cho rằng chúng là lẽ đương nhiên, không có gì quan trọng với mình, mà lại đi  phàn nàn số phận  bất công, như thể là thế giới này thiếu nợ chúng ta rất nhiều thứ vậy.
           Kỳ thực, biết ơn cũng là một loại thái độ tích cực của cuộc sống, đúng như một số người  đã nói: “Hãy cảm ơn người đã làm bạn tổn thương bởi vì họ là người đã tôi luyện ý chí của bạn, hãy cảm ơn người đã lừa dối bạn bởi vì họ đã làm phong phú thêm kinh nghiệm  của bạn, hãy cảm ơn người đã  coi thường bạn bởi vì họ đã làm thức tỉnh lòng tự tôn  của bạn…”. Cần phải mang một tấm lòng biết ơn, biết ơn số phận, biết ơn hết thảy những người đã giúp bạn trưởng thành, biết ơn hết thảy những gì ở xung quanh mình.

          Để có một tấm lòng biết ơn, yêu cầu chúng ta cần phải để tâm quan sát, dụng tâm  cảm ngộ, càng cần chúng ta phải biết yêu thương. Cỏ cây sinh trưởng phát triển mạnh mẽ là để báo đáp ân huệ của mặt trời mùa xuân, chim chóc liều mình kiếm ăn  là để báo đáp ân huệ được nuôi nấng, cây mạ`phát triển khỏe mạnh là để báo đáp  ân huệ của dòng nước mát, con cái cố gắng học tập là để báo đáp công ơn sinh thành  và dạy dỗ của cha mẹ.
           Hãy học cách biết ơn đi! Khi bạn cảm ơn cuộc đời, cuộc đời sẽ ban thưởng cho bạn  ánh nắng  mặt trời rực rỡ. Bạn oán trách trời đất, khả năng cuối cùng chỉ có hai bàn tay trắng mà thôi! Không phải vậy sao? Mây cuốn mây bay, hoa nở hoa tàn  đều đáng để chúng ta quý trọng,  cảm ơn mặt trăng & càng cần phải cảm ơn mặt trời!

          Cha Mặt Trời- Mẹ Mặt Trăng Sáng soi, ấm áp đường trần con đi...
Vì con lao nhọc quản gìĐức Ân vòi vọi Hiếu Nhi nguyện đền.

Mười Thương Vu Lan
Một thương chín tháng cưu mang.
Hai thương chuyển dạ gian nan bội phần.
Ba thương xuôi ngược đường trần.
Bốn thương hôm sớm tảo tần nuôi con
Năm thương Tình Mẹ vuông tròn.
Sáu thương Hiền Phụ dạy con mọi điều.
Bảy thương lo lắng trăm chiều
Mong đàn con sống biết điều, thiện tâm.
Tám thương con phạm lỗi lầm.
Tấm lòng Cha Mẹ trăng rằm sáng soi
Chín thương công đức biển trời.
Ngàn muôn khó nhọc trên đời xa'chi !
Mười thương hai đấng Từ Bi.
Ghi lòng tạc dạ Hiếu Nhi trọn đời..
 
          Như Nhiên - Thích Tánh Tuệ



.