31 tháng 1, 2018

TA ĐANG LÀ HƠI THỞ CHÍNH MÌNH



           Biết được chính mình là điều quan trọng nhất trong cuộc đời, nhờ vậy ta sẽ biết bao dung và độ lượng, cảm thông và tha thứ và biết sống đời vô ngã, vị tha bằng trái tim có hiểu biết. Chúng ta đừng mất thời gian quá nhiều vào chỗ phải quấy, tốt xấu của người khác trong khi mọi thứ chỉ là tương đối, vì nghiệp ai nấy chịu. Khi thấy mình đúng, ta nghĩ người khác sai đúng hay sai đều do nhận thức của từng người, đúng với người này lại sai với người khác, chỗ này phải, chỗ kia trái làm sao chúng ta dám đảm bảo kẻ đúng người sai.

           Chúng ta hãy quay lại chính mình để xét đoán, đừng nên xét đoán kẻ khác tốt xấu, đúng sai vì đó là của họ. Nếu chúng tanghĩ mình là người tốt còn họ là kẻ xấu, thì ta sẽ cảm thấy họ nên khó chịu hoặc oán giận thù hằn,hư thế chính mình đau khổ trước. Nếu chúng ta cứ so sánh mình với người khác ngoài thì tâm ta sẽ bị vấy bẩn với những buồn thương giận ghét. Ngay khi đó chúng tasẽ đánh mất chính mình mà không sống với những giá trị đích thực ta đang là…
           Chúng ta đừng bám víu và dính mắc vào điều gì dù đó là việc tốt, chấp thiện là tự trói buộc mình trong đau khổ vấn vương nên không thể an nhiên tự tại trong mọi hoàn cảnh.
           Ai thương ghét nhiều tức là chấp nhận khổ đau, thương là luyến ái nặng về tình cảm thiếu lý trí nên thương mà không được lâu dài sẽ càng khổ hơn, ghét là cảm xúc khó chịu bực bội chưa hại được ai lại hại chính mình.
           Muốn mà không được cho nên khổ, ngay khi đã được rồi cũng khổ vì sợ mất mát chia lìa. Và trong cuộc đời này mỗi một vết thương là một sự trưởng thành, vì ta biết tìm lại hạnh phúc nơi chính mình.

           Mỹ phẩm tốt đẹp nhất là sự an vui, nữ trang quý nhất là lòng chân thành và khiêm tốn, trang phục đẹp nhất là sự tự tin chính mình vì họa phúc đều do ta quyết định. Cái gì xuất phát từ trái tim với tinh thần từ bi hỷ xả thì mọi việc sẽ tốt đẹp vì không thấy ai là kẻ thù. 
           Bí quyết để thành công là sự kiên trì trong bền bỉ với quyết tâm cao độ nhờ biết ẩn nhẫn chờ cơ hội tốt. Cuộc sống lúc nào cũng đẹp đẽ chỉ có tình người đổi trắng thay đen, nếu mình chỉ sống với cái ta ảo tưởng này thì đành chấp nhận lấy khổ đau mà không có ngày thoát ra.
           Cuộc sống luôn vận hành biến chuyển theo thời gian, người khôn ngoan sáng suốt sẽ tùy duyên để tâm mình định tĩnh mà không bị dòng đời cuốn trôi. Thế giới là một sân chơi, là một sàn diễn, mỗi người vào một vai để hòa nhập trong cuộc sống. Người trí sẽ biết tu tâm sửa tính, dấn thân phụng sự nhân sinh nên không bao giờ tiếc nuối chuyện đã qua. Chúng ta cũng đừng bận tâm ai đó đánh giá nhận xét về mình, vì đó là chuyện của họ ta chỉ làm chủ thân miệng ý thì cuộc sống sẽ tràn đầy hạnh phúc.

           Tâm là tên lừa đảo nếu ta không biết hướng về việc thiện để giúp đỡ nhân sinh, khi ta nghĩ điều thiện làm việc lành thì cuộc sống của ta sẽ có ý nghĩa hơn. Ta thật sự hạnh phúc khi chính ta đang là, ta làm việc gì biết việc đó mà không cần toan tính nghĩ suy, vì trước khi làm việc gì ta đã nghĩ đến hậu quả của nó. Chúng ta đừng nên so sánh cuộc đời với người thấp kém hơn mình hay bất cứ một ai, vì mỗi người là một bài học nhân quả. 
           Hoàn cảnh và môi trường sống nếu có quá nhiều người xấu, tâm ta có thể bị vẩn đục bởi những buồn thương, giận ghét. Nhưng với người có chí lớn là nơi để họ trưởng thành bằng tình thương yêu chân thật. Cuộc đời là như thế đó, có gì đáng để cho ta bận tâm.
           Chính sự mất mát về vật chất đã giúp cho ta có cái nhìn thông thoáng hơn vì thế gian này vốn vô thường mà đâu có gì là bền chắc. Nhờ đó, ta biết được giá trị đích thực là làm chủ bản thân để không bị dòng đời chi phối. Cuộc sống như một tấm gương để phản chiếu lại những gì đã xảy ra một cách trung thực, vì thế ta nên mĩm cười để thân tâm được an ổn nhẹ nhàng.



.

.

.

AI SẼ LÀ CON THIÊU THÂN?



           Con thiêu thân là con vật nhỏ bé, có cánh và có thói quen mê muội khi thấy đèn là lao vào, nó bám vào bóng đèn hoặc bay xung quanh cho đến khi nào cánh bị cháy, rơi xuống đất thì thôi. Dân gian Việt Nam mượn hình ảnh con thiêu thân để diễn tả sự ngu dốt của con người, khi quá đam mê những thói quen có hại cho mình và người khác để rồi đánh mất chính mình mà sống trong đau khổ lầm mê.

           Vì nhu cầu cuộc sống, chúng ta mãi mê trong việc tìm kiếm vật chất, bất chấp những thủ đoạn đê hèn mà vô tình biến mình trở thành một con thiêu thân? Giới trẻ ngày hôm nay khi chưa đủ kiến thức và kinh nghiệm trong cuộc sống nên dễ trở thành con thiêu thân mà không hay không biết. 

           Biết dừng lại đúng lúc hoặc khi chúng ta vấp ngã hãy tự mình đứng lên. Chúng ta có quyền đam mê để vươn lên trong cuộc sống, thiếu đam mê con người ta không làm gì được….đam mê trong ngu dốt sẽ biến mình thành con thiêu thân. 

           Tuổi trẻ ngày hôm nay hãy khát khao đến chùa để được học hỏi những điều hay lẽ phải qua sự hướng dẫn của chư Tăng, biết cách áp dụng lời Phật dạy để hoàn thiện chính mình mà giảm bớt những sai lầm đáng tiếc.
           Ngày nay một số cha mẹ có ý thức đã đưa con em mình đến chùa rất sớm. Dù chúng chưa hiểu gì về Phật pháp chân chính, chưa biết tu là gì! Tuy nhiên, qua những hành động nhỏ mang tính đạo đức đã vô tình giúp cho các em gieo duyên lành với nhà chùa. Phật là người giác ngộ, Phật là người tử tế luôn giúp mọi người bình đẳng nếu ai có thiện chí muốn trau dồi đạo đức sống làm người tốt trong hiện tạivà mai sau. Trẻ nhỏ được tiếp thu kiến thức về tội phước đều do mình tạo ra, hạt giống ấy huân tập từ buổi đầu khiến các em sẽ biết cách thao thức và trăn trở về những lời Phật dạy. 
Trước tiên các em học biết cách phân biệt đâu là thiện, đâu là ác, đâu là tội, đâu là  phước nhờ vậy khi khôn lớn trưởng thành các em sẽ biết được đúng sai, tội phước mà áp dụng vào trong đời sống hằng ngày.

           Hiểu được đúng sai, tội phước và biết tin sâu nhân quả thì chúng ta sẽ hạn chế rất nhiều những sai lầm đáng tiếc, nhờ vậy giảm bớt phiền muộn khổ đau mà sống an vui hạnh phúc trong từng phút giây.

             Ngày xưa, khi Phật còn tại thế chàng trai Vô Não bị đầu độc bởi một niềm tin sai lầm. Nếu anh ta muốn được đạo thì phải giết 100 người, rồi chặt một ngón tay làm vòng hoa để đeo đến khi đủ số. Khi anh đã giết xong người thứ 99, vì quá nôn nóng nên anh quay về nhà để tìm giết mẹ mình. Phật biết được sự việc sắp xảy ra, Ngài dùng thần thông hiện ra trước mặt anh đi chậm rãi khoan thai như không có chuyện gì, chàng Vô Não muốn đến gần mà không sao rượt đuổi kịp. Tức quá chàng ta la lên, này ông Cồ Đàm hãy dừng lại. Phật bảo ta đã dừng lại từ lâu rồi, ngươi có biết chăng?
            Cồ Đàm :-dừng lại chỗ nào, ta thấy Ngài vẫn còn đang đi. 
           Ta đã không còn suy nghĩ ác, nói lời ác và hành động ác nữa, còn ngươi mới là người đang tạo vô số nghiệp ác. 
           Ngay câu nói này, chàng Vô Não liền thức tỉnh và quỳ xuống xin Phật chỉ dạy. Phật nói về nhân quả tội phước, cuối cùng chàng trai ấy xin được quy y với  Phật và xuất gia tu hành cuối cùng chứng quả A la Hán nhưng vẫn bị mọi người mắng chửi và quăng đá mỗi khi gặp Ngài. 

           Xưa và nay vẫn có nhiều con thiêu thân lao mình vào bóng đèn vì không tin sâu nhân quả, vì quá tham lam, vì niềm tin mù quáng mà ta dễ mắc phải những sai lầm. Chúng ta có thể vì cơm áo gạo tiền để lo cho mình cùng gia đình người thân mà sát sinh hại vật, lừa gạt người khác. 
           Niềm tin và lý tưởng sống không thể thiếu trong đời sống hằng ngày, thế cho nên một niềm tin mù quáng, một chính sách sai lầm sẽ làm suy đồi nhân cách đạo đức cả một thế hệ tương lai. Chúng ta không phải là kẻ giết người như chàng Vô Não kia, nhưng chúng ta sai lầm vì đam mê hưởng thụ quá đáng, ỷ lại vào gia đình người thân, lười biếng, dựa dẫm, cầu xin hoặc thần Thánh hóa sự linh thiêng mầu nhiệm mà tự đánh mất chính mình.

            Rất mong mọi người hãy tự suy xét và chiêm nghiệm khi muốn làm việc gì, để không làm những con thiêu thân của thế kỷ thứ 21. Thế kỷ của những con người vì lợi ích tha nhân, với tinh thần đạo pháp và dân tộc đất nước Việt Nam trên 4000 năm văn hiến. 



.



CÁCH SỐNG CỦA BẠN TẠO NÊN CUỘC ĐỜI



           Mỗi người khi sinh ra không ai biết đứa trẻ đó sẽ lớn lên sẽ trở thành người như thế nào? Cha mẹ, rồi ông bà và những người xung quanh không ngừng gieo hy vọng và cả những kỳ vọng lớn lao lên đôi vai nhỏ bé của nó. Không phải vì chúng không tài giỏi mà đơn giản chúng cảm thấy kỳ vọng ấy quá lớn, không hợp với con đường mà nó chọn. Mỗi cách sống sẽ tạo nên những con người khác nhau, có người dũng cảm, có người yếu đuối, có người lại dịu dàng nhu mì, tất cả làm nên màu sắc của cuộc sống, vậy nên đừng vội lên án ai, chê bai ai khi họ có cách sống không giống mình!

           Khi sinh ra, chúng ta chưa thể biết được sau này mình sẽ trở thành người như thế nào. Bởi vì, suốt 20 năm được nuôi dưỡng trong vòng tay của bố mẹ chúng ta chịu ảnh hưởng rất lớn từ cách sống của chính đấng sinh thành và cả những người thân quanh mình. Nếu họ có một cách sống tích cực, sẵn sàng chấp nhận thất bại để cố gắng hơn nữa trong cuộc sống thì khi lớn lên chúng ta sẽ hình thành cho mình bản tính tự lập, cách sống chủ động và lạc quan trước cuộc đời.
           Cũng có những người, sinh ra trong gia đình không trọn vẹn, bố mẹ không yêu thương nhau hoặc không có chí tiến thủ. Họ bị cái nghèo vây riết, con đường phía trước có hai lựa chọn, một là cố gắng sống tốt hơn, vượt qua mọi khó khăn để sống một cuộc đời tốt đẹp hơn của cha mẹ mình. Hai là chấp nhận cuộc sống giống như cha mẹ họ, chấp nhận cái nghèo mà sinh ra họ đã gặp phải. Chính cách sống, cách suy nghĩ quyết định cuộc đời sau này của chính mỗi con người.

           Mỗi người đều có quyền chọn lựa cách sống của riêng mình
Bạn lựa chọn cho mình cách sống ra sao hoàn toàn do bạn lựa chọn. Có người dù được cha mẹ dạy dỗ phải sống tốt, sống tự lập nhưng lớn lên một chút ở cái tuổi thành niên với những suy nghĩ bồng bột và chịu ảnh hưởng xấu từ bạn bè họ chọn cho mình cách sống hưởng thụ, dựa dẫm vào những người xung quanh.
            Ngày nay, rất nhiều bạn trẻ 17 – 18 tuổi, cứ ngỡ mình đã trưởng thành muốn sống tách rời khỏi sự quản thúc của cha mẹ. Muốn làm gì thì làm, nhưng 18 tuổi liệu đã đủ chín chắn và mạnh mẽ trước những cám dỗ mà cuộc sống và những người xung quanh tạo nên chưa?

           Vậy nên, đừng vội vàng cho rằng mình đã lớn, đã đủ bản lĩnh và lý trí để sống xa sự rèn dũa của cha mẹ. Có bạn sẽ viện dẫn: ở nước ngoài 18 tuổi đã phải tự nuôi mình! Nhưng bạn ơi, văn hóa khác nhau, họ sống tự lập từ lúc còn nhỏ nhưng bạn thì sao? Không có cha mẹ bạn có thể tự nuôi sống bản thân mình, kiếm tiền học đại học được hay không? Lựa chọn cách sống là của bạn nhưng trước khi chọn lựa bạn hãy xây dựng cho mình một cội rễ thật chắc chắn để khi gặp sóng gió trong đời không bao giờ ngã gục.
           Cách sống tạo nên cuộc đời
           Mỗi người có một cuộc đời riêng, có người sống trong hạnh phúc có người lại vật vả đau khổ vì người thân của mình. Mỗi người ai cũng có cách sống của riêng mình, có người cam chịu, có người lại đấu tranh để giải phóng chính mình, có người lựa chọn sự độc lập, có người lại yêu thích sự mạo hiểm, lựa chọn cho mình cách sống đương đầu với thử thách. Cách sống của mỗi người tạo nên cuộc đời của chính họ.

           Bạn cũng đã từng nghe đến câu nói: ai không làm chủ được số phận sẽ bị số phận kéo lê. Vậy nên hãy học cách lựa chọn cho mình một cách sống phù hợp nhất, một cách sống bạn muốn cuộc đời sau này sẽ trở nên như thế! Bạn muốn tương lai thế nào hãy chọn cho mình một cách sống như vậy. Bạn muốn trở thành một người giàu có vậy hãy chọn cách sống của một người giàu có. Nhẫn nại và kiên cường, không bao giờ từ bỏ điều mình muốn, đừng lựa chọn cách sống mưu mẹo và đầy xảo trá để rồi sống trong giàu sang nhưng lòng không được thảnh thơi.
           Khi chúng ta lựa chọn một nghề, là chúng ta đã lựa chọn cho mình một cách sống, một cuộc đời cho mình. Vậy nên, khi đứng trước ngã rẽ quan trọng nhất, cánh cổng nào sẽ đón chờ bạn, hãy suy nghĩ trước khi quyết định mở cánh cửa nào của tương lai. Bởi vì một lần chọn lựa sai chúng ta sẽ đánh mất rất nhiều thứ, thời gian, tiền bạc và cả công sức bạn đã bỏ ra để theo đuổi nó. Bạn vẫn còn cơ hội để quay lại từ đầu, quan trọng là bạn có dám đánh đổi hay không? Vậy nên, hãy suy nghĩ chín chắn trước khi lựa chọn cho mình một nghề nghiệp để theo đuổi, một cách sống để tạo nên cuộc đời.

           Hãy chọn cho mình cách sống tích cực
           Đừng lựa chọn cho mình cách sống của người thất bại nha bạn, hãy luôn hướng về phía trước. Dù khó khăn, dù vất vả nhưng tuyệt đối không bao giờ bỏ cuộc. Không bao giờ bạn chấp nhận một cuộc sống nhàm chán và buồn tẻ. Hãy đấu tranh cho những ước mơ của mình, hãy chọn lựa cho mình cuộc sống vui vẻ và hạnh phúc. Đừng bao giờ nhún nhường trước những người chèn ép bạn, đem đến cho bạn nỗi đau trong tâm hồn. Hãy chứng minh cho họ thấy, không có họ bạn sống rất tốt, rất vui vẻ. Đừng quỵ lụy trước những kẻ bỏ rơi bạn để chạy theo một người nào đó. Bạn rất đáng yêu, rất tuyệt vời rồi đây bạn sẽ tìm thấy một người làm cho bạn hạnh phúc. Vậy nên, đừng bi quan trước cuộc sống. Hãy luôn lạc quan và sống vui vẻ với những người yêu thương mình, bạn sẽ hạnh phúc


.



30 tháng 1, 2018

Lúc nên cúi đầu thì cúi đầu



           Benjamin Franklin được xưng là “cha đẻ của nước Mỹ”. Có một lần, ông từng đến thăm một vị lão tiền bối “đức cao vọng trọng”.

           Lúc ấy ông tuổi trẻ lại khí thế mạnh mẽ nên đã ngẩng cao đầu mà sải bước đi rất nhanh. 
           Không ngờ vừa bước đến cửa thì đầu của ông bị đập mạnh vào cái khung bên trên. Đau điếng cả người, ông không ngừng dùng tay mà xoa xoa bóp bóp, lại vừa nhìn cái khung cửa thấp hơn thân thể mình.
           Vị tiền bối ra chào đón Franklin chứng kiến cảnh này liền nói:“Rất đau phải không? Nhưng mà đây có lẽ là thu hoạch lớn nhất của chuyến thăm ta ngày hôm nay của cậu đấy! Một người muốn sống bình an vô sự trên đời thì lúc nào cũng phải ghi nhớ rằng: “Lúc nên cúi đầu thì phải cúi đầu!” Đây cũng là một chuyện mà ta muốn dạy cậu.”

           Một người có thể có tự tin, nhưng đừng tự cao tự đại.
           Một người có thể phóng đãng một chút nhưng đừng kiêu căng, ngạo mạn.
           Một người có thể sống rất thọ nhưng cũng không thể trường sinh bất tử.

           Đừng cho mình là “quá quan trọng”, kỳ thực cũng là một loại tu dưỡng, một cảnh giới của cao thượng, một thái độ lạc quan và là một loại trưởng thành của tâm tính, hay còn là một loại tâm không màng danh, lợi!

           Đến, đi như mây qua trời.. Mây kia nào có tên. 

.

Lạc đà và con ruồi

            
            Ngàn vạn lần đừng cho mình là “quá quan trọng” bởi vì trên thế giới này, ai cũng đều rất quan trọng. 
           Nhưng mà, bất luận là thiếu đi một ai thì Trái Đất này cũng vẫn cứ chuyển động.


         
           Có một con lạc đà phải trải qua trăm nghìn cay đắng khổ cực mới vượt qua được sa mạc cát rộng lớn.
            Một con ruồi đậu trên lưng con lạc đà và cũng tới nơi mà không mất một chút sức lực nào.
           Con ruồi hân hoan, vui vẻ cười nói: 
            -“Lạc đà! Cảm ơn ngươi đã phải vất vả cõng ta tới đây, hy vọng sau này sẽ gặp lại!”

           Nhưng mà con lạc đà lại lạnh lùng liếc nhìn con ruồi rồi nói: “Lúc ngươi ở trên lưng ta, ta vốn dĩ cũng không biết, cho nên khi ngươi đi cũng không cần phải chào hỏi. Bởi vì căn bản ngươi cũng đâu có trọng lượng gì, đừng tự đề cao mình quá, ngươi tưởng ngươi là ai?”

           Có một cậu thanh niên sống trong gia đình đông người, mỗi lần ăn cơm, đều là hơn 10 người ngồi ăn xung quanh một chiếc bàn lớn. Một lần nọ, cậu ta đột nhiên có suy nghĩ muốn đùa mọi người một chút.

           Trước khi ăn cơm, cậu ta chui vào trong một cái tủ và trốn ở đó để cho mọi người phải đi khắp nơi tìm kiếm mình.

           Nhưng thật không ngờ là không có một ai đi tìm cậu ta cả, thậm chí họ còn không để ý tới sự vắng mặt của cậu trong bàn ăn. Sau khi mọi người đã ăn no và rời khỏi bàn, cậu ta mới chui từ trong tủ ra và một mình ăn những thức ăn thừa còn lại. Từ lần đó trở đi, cậu ta tự nhủ với lòng mình:   
       
           “Sẽ không bao giờ cho mình là người quá quan trọng nữa, bởi vì như thế có thể sẽ phải nhận lấy sự thất vọng.” 


.


Hãy bình tĩnh ,chuyến đi ngắn lắm.

         

            Một cô sinh viên đang ngồi trên xe buýt thì một bà già mang đủ thứ lỉnh kỉnh leo lên xe, miệng lẩm bẩm xô mạnh cô ra, ngồi chen vào ghế bên cạnh. Bất bình, anh thanh niên kế bên hỏi tại sao cô không phản kháng và bảo vệ quyền lợi của mình?!
           Cô mỉm cười và trả lời:...
           - Đâu cần phải cải cọ vì chuyện nhỏ như thế!
   Có đi chung với nhau lâu đâu! Trạm tới, tôi xuống rồi !

           Đây là một câu trả lời mà chúng ta nên xem như một "hướng dẫn bằng vàng" về cách cư xử hằng ngày ở khắp mọi nơi:
 "ĐÂU CẦN PHẢI CẢI CỌ VÌ CHUYỆN NHỎ NHƯ THẾ!
  CÓ ĐI CHUNG VỚI NHAU LÂU ĐÂU!"

            Nếu ai cũng ý thức rằng cõi đời tạm nơi trần thế thật NGẮN NGỦI, cãi cọ tầm phào vừa mất vui, vừa mất thời gian và sức lực, thì ai cũng có thể dừng lại như cô gái trên.
           Có ai làm mình tổn thương?
           Bình tĩnh, có đi chung với nhau lâu đâu!

           Có ai phản bội, ức hiếp, sỉ nhục mình?
           Bình tĩnh, có đi chung với nhau lâu đâu!
           Dù người ta có gây ra cho chúng ta buồn phiền 
          gì chăng nữa, hãy nhớ rằng:
           CÓ ĐI CHUNG VỚI NHAU LÂU ĐÂU!
           Chúng ta nên ăn ở hiền lành.
           Hiền lành là một đức tính không bao giờ đồng nghĩa với hèn nhát, 
nhu nhược, không có cá tính.

           Hiền lành đồng nghĩa với CAO THƯỢNG.
           Chuyến đi chung của chúng ta trong cõi đời tạm này 

          NGẮN NGỦI lắm và không đi trở ngược lại được.
           Không ai biết chuyến đi của mình dài bao lâu!
           Không ai biết mình có phải xuống ở trạm tới hay không!

           HÃY BÌNH TỈNH, CHUYẾN ĐI NGẮN LẮM!




Những mẩu chì bỏ đi



        Vài năm trước khi dạy ở Ấn Độ, tôi thấy Prasad Mehta, một sinh viên năm thứ tư thường viết bằng bút chì. Ngày nay sinh viên đại học không dùng bút chì, phần lớn dùng laptop và nếu phải viết, họ dùng bút bi.

        Tôi ngạc nhiên hơn khi không thể dùng được bút chì thêm nữa, anh để nó vào trong túi nhỏ nơi có nhiều bút chì, tất cả đều ngắn và dường như chúng đã được dùng rồi. Bút chì là rẻ và thường được dùng cho tới khi ngắn vài phân rồi vứt đi. Tôi tưởng Prasad là sinh viên nghèo không thể mua được bút bi nên hôm sau tôi cho anh ta một gói sáu bút bi và nói: “Em có thể dùng các bút này nên không phải dùng bút chì nữa.” Prasad cám ơn tôi về những bút bi rồi giải thích tại sao anh ta thích dùng bút chì.

          Khi Prasad bắt đầu kể, tôi thấy cả lớp đều im lặng lắng nghe. Anh nói: “Em thích dùng bút chì vì nó nhắc em về một sự việc quan trọng làm thay đổi đời em.” Qua một vài chi tiết lúc đó, tôi mới biết Prasad xuất thân từ một gia đình rất giầu. Cha anh ta sở hữu công ty thương mại rất lớn và anh có mọi thứ vật chất xa hoa như máy nghe nhạc, ti vi màn hình phẳng, laptop, iPhone, iPad, xe máy, xe hơi và thường mặc những bộ quần áo thời trang rất đắt tiền của những nhà thiết kế quần áo. Anh thường đi dự tiệc tùng cuối tuần với bạn bè toàn con nhà giàu có cho tới một hôm…

         Anh nói: “Bà ấy là người quét rác trong trường tiểu học. Hai vợ chồng bỏ quê lên tỉnh kiếm ăn nhưng người chồng chết sớm. Bà ấy không có họ hàng thân thích để nương tựa trong thành phố lớn như Mumbai nên gặp rất nhiều khó khăn với đời sống nơi đây. Trong 40 năm qua, bà ấy đã quét lớp học tại trường tiểu học, lương đạm bạc của bà ấy chỉ đủ cho bà ấy ăn ngày hai bữa mà thôi. Bà ấy được phép sống trong một chiếc lều nhỏ đằng sau trường. Tuy bà cũng muốn giúp đỡ người khác nhưng như một người rất nghèo, bà ấy chẳng có gì để cho.”

        Prasad tiếp tục: “Là sinh viên, chúng em thường tình nguyện làm công tác xã hội. Vài năm trước, chúng em được phái tới trường tiểu học để hướng dẫn học sinh giúp cho trường. Em được phân công đọc chuyện cho trẻ con. Em lấy một cuốn sách từ thư viện, câu chuyện là về Gandhi.

         Khi trẻ em tụ tập quanh em ở thính phòng của trường, em bắt đầu đọc: “Gandhi thường viết nhiều thư. Một hôm, Kalelkar, một tác giả Ấn Độ nổi tiếng, thấy ông đang viết bằng chiếc bút chì ngắn và lập tức tặng đưa cho Gandhi chiếc bút chì dài hơn từ túi ông ta. Gandhi lễ phép nói rằng ông ấy không cần nó. Ngày hôm sau, Kalelkar thấy Gandhi lục túi tìm bút chì cũ nên ông ta lại đưa ra chiếc bút chì dài hơn: ‘Dẫu sao bút chì của ông ngắn quá rồi, viết rất khó khăn’ Gandhi dịu dàng đáp, ‘Nhưng một đứa trẻ đã cho tôi bút chì đó.’ Và ông ấy cứ tìm chiếc bút chì đó. Điều Gandhi dạy là ở một nước nghèo, người ta phải tằn tiện, không nên phí phạm bất cứ gì và không nên cư xử như các nước giầu khác…”

    Prasad mỉm cười: “Câu chuyện này được viết ra cho học sinh tiểu học. Nó không quan trọng với em vào lúc đó nhưng điều em không chú ý là người đàn bà quét rác cũng nghe em đọc. Câu chuyện mà em đọc có tác động lên bà ấy.

         Bà ấy nghĩ “Mình quét trường mọi ngày và thấy trẻ con vứt đi nhiều cây bút chì ngắn. Sao mình không thu nhặt các bút chì đó và đem cho trẻ con nghèo, những đứa không có được bút chì để chúng có thể học viết hay vẽ.”

        Thầy cần biết rằng ngay cả ngày nay, vẫn có rất nhiều người nghèo khổ sống chui rúc trong những đống rác, trong những khu nhà ổ chuột, và con cái của những người đó không được đi học, chúng phải giúp cha mẹ kiếm sống bằng cách lượm lặt các phế thải có thể bán được trong các đống rác. Người đàn bà quét rác bắt đầu thu thập bút chì, tẩy, cái gọt bút chì và bất kì cái gì học sinh vứt đi trong lớp. Khi đầy túi, bà ấy đem tới các khu nhà ổ chuột cho trẻ em nghèo nơi đây. Đó là việc làm hàng tuần của bà ấy và bà ấy vẫn tiếp tục làm cho đến nay.”

         “Đầu năm nay, chúng em quay lại trường tiểu học đó. Khi thấy em, bà ấy cám ơn em vì đã giúp cho bà ấy một ý tưởng mà trong nhiều năm bà vẫn có ý định giúp gười khác nhưng không có phương tiện. Em ngạc nhiên khi nghe câu chuyện đó và để cảm ơn, bà ấy khẩn khoản mời em tới nhà ăn cơm. Em không thể đến vào hôm đó nhưng hứa tới hôm sau chỉ để làm hài lòng bà già. Bà ấy nấu cho em một bữa ăn thanh đạm đơn giản nhưng ngon tuyệt.”

        Prasad tiếp tục: Em là một một sinh viên đại học con nhà giầu thường tiêu hàng trăm đô la chỉ cho một bữa tiệc cuối tuần. Nhưng ngồi trong chiếc lều rách tả tơi cùng một bà già quét trường với số lượng chưa đến trăm đô la một năm. Em lắng nghe câu chuyện của bà ấy với nước mắt lưng tròng. Bây giờ em mới nhận minh triết của câu chuyện Gandhi trong sách giáo khoa tiểu học. Em nhận ra lòng từ bi với người khác của người quét trường nghèo khổ này.

         Khi em ra về, bà ấy đưa cho em một túi nhựa nhỏ gần rách. Em mở ra và thấy toàn những bút chì ngắn với những cái tẩy đã mòn và cái gọt bút chì. Bà ấy nói: “Tôi muốn đi tới khu nhà ổ chuột ở cuối thành phố và trao cho trẻ con nghèo. Gần đây, tôi bị viêm khớp nên không thể đi bộ tới miền tây nam thành phố (nơi có khu nhà ổ chuột) nên phiền anh giúp tôi làm điều đó vì anh có xe máy.”

         Prasad kết luận: “Khó mà kìm được cơn xúc động của em trong sự hiện diện của cái gì đó hào phóng vô giá như thế. Nếu thầy có thể biết rằng là con nhà giàu, từ nhỏ đến lớn, em có đủ mọi thứ em muốn. Em chưa bao giờ biết đến việc đói nghèo. Ngay như hiện nay, ở Ấn Độ có hai thế giới rất rõ rệt dựa trên sự phân chia giai cấp của người giầu và người nghèo. Em may mắn sinh ra trong giai cấp quyền quý giàu sang nhưng kinh nghiệm này đã dạy cho em bài học giá trị về cuộc sống.

         Không thành vấn đề giầu hay nghèo, lòng cảm thông và từ bi với người khác là quan trọng. Không phải cứ giầu mới cho được người khác. Chừng nào còn biết quan tâm tới người khác, chừng nào trái tim còn biết rung cảm với sự khổ đau của người khác nó là trái tim thuần khiết. Tất nhiên, em hoàn thành lời hứa với bà ấy bằng việc phân phối món quà của bà cho trẻ em nghèo ở khu nhà ổ chuột.

        Từ đó, em không bao giờ vứt đi bất kì gì, kể cả những chiếc bút chì đã dùng rồi. Em giữ chúng trong túi để cho em cũng có thể đem chúng cho trẻ em nghèo nữa. Hành động khiêm tốn đầy vị tha của bà ấy đã làm thay đổi cuộc đời em. Bà ấy đã làm thay đổi cách suy nghĩ của em về cuộc sống và hành vi của em cũng thay đổi hoàn toàn. Cha mẹ em đã vui mừng khi thấy em chăm chỉ học hơn trong trường và đã thôi đi dự tiệc tùng ăn nhậu cuối tuần.”

        Việc bố thí khiêm tốn của bà lão quét trường nghèo tả tơi có sức mạnh nào đó không thể mô tả được. Tôi cảm thấy có một bầu không khí lạ lùng nào đó trong lớp học và mọi người trong lớp có lẽ cũng cảm thấy như vậy.

        Tôi để ý rằng sau câu chuyện của Prasad, nhiều sinh viên dường như cẩn thận hơn về thói quen của họ trong lớp. Trong suốt hai tuần dạy học học tại đây, tôi không thấy các sinh viên vứt rác, quẳng đồ bừa bãi hay hút thuốc trong hàng hiên trường.

        Tôi mong những sinh viên cũng học được bài học quý giá này và sẽ đóng góp nhiều cho đất nước của họ để xoá đói, giảm nghèo.


.



ĐẠO TẶC.


           Ngày xửa ngày xưa, có 1 họa sĩ trẻ, không có tiếng tăm, sống trong 1 căn phòng chật hẹp, cũ kỷ, chuyên đi vẽ chân dung cho người khác kiếm sống qua ngày. Một hôm, có 1 nhà phú hộ, thấy những bức tranh của chàng họa sĩ trẻ rất sống động, nên đến nhờ chàng vẽ cho 1 bức chân dung. Đôi bên đồng ý với giá là 10.000 đồng.

           Sau 1 tuần lễ, bức tranh đã hoàn thành, nhà phú hộ đến đúng hẹn để lấy tranh. Đến lúc đó, ông nhà giàu đó sanh lòng phản phúc, vì thấy chàng họa sĩ vừa trẻ, vừa nghèo vừa chả tiếng tăm gì, nên đã không chịu trả đúng số tiền đã thỏa thuận từ trước. Vì Ông ta nghĩ bụng rằng: Bức tranh là chân dung của mình, nếu ta không mua, thì chả có ai bỏ tiền ra mua cả! Thế thì tại sao ta lại phải trả đến giá cao như thế cho bức tranh này? Nghĩ thế ông ta bèn trở mặt, không chịu trả đúng 10.000đ như đã giao hẹn nữa, mà chỉ chịu trả 3.000 đồng thôi.

           Chàng hoạ sĩ trẻ choáng váng, vì chưa gặp chuyện như thế bao giờ, nên đã kiên nhẫn, cố gắng giải bầy cặn kẽ cho ông khách đó rằng, đây là đã giao hẹn rồi, xin ông hãy nên làm người giữ chữ Tín. Ông khách thấy thế, biết là mình đã chiếm thượng phong, bèn dứt khoát: Thôi anh đừng dài dòng lôi thôi, tôi hỏi anh, 3.000 có chịu hay không??

           Chàng họa sĩ nghe thế, biết là cha này chơi xỏ lá, tay trên, bèn cố nén cơn giận, trả lời người khách với 1 giọng kiên quyết: Không bán! Tôi thà thí công vẽ, chứ nhất định không chịu để ông làm nhục tôi như thế! Hôm nay ông nuốt lời, bất tín với tôi, thì tương lai chắc chắn ông phải trả giá gấp 20 lần!!

           -Cái gì? Anh nói giỡn chơi! 20 lần là 200.000đ, tôi đâu có ngu mà trả đến 200.000đ để mua bức tranh này!!
           - Rồi ông sẽ biết!  --Chàng họa sĩ nói theo khi người khách bỏ đi!

           Trải qua câu chuyện đau lòng như thế, chàng họa sĩ đã dọn đi, đến 1 nơi khác, tầm sư học nghề, khổ công luyện tập.
Trời không phụ lòng người, mười mấy năm sau, chàng đã dành được 1 chỗ đứng khá quan trọng trong giới hội họa, trở nên 1 họa sỹ khá nổi tiếng. Còn nhà phú hộ? Ngay ngày hôm sau thì ông ta đã quên mất câu chuyện chơi xỏ thằng họa sĩ trẻ đáng thương đó rồi.

           Cho đến 1 ngày, có mấy người bạn thân đã đến kể cho ông ta nghe cùng 1 câu chuyện lạ:
           -Này ông! có 1 câu chuyện lạ ghê! mấy ngày nay, chúng tôi có đi xem 1 buổi triển lãm tranh của 1 ông họa sĩ nổi tiếng, ở đó có treo 1 bức tranh đề giá chắc nịch "Không thương lượng: 200.000đ, mà trong tranh là 1 nhân vật trông y hệt như Ông, Mà cái buồn cười của tiêu đề bức tranh là: BANDITO!! ( Đạo tặc!! ).

           Như bị trời giáng, ông nhà giầu nhớ ngay đến câu chuyện năm xưa!
Lúc đấy, ông mới biết là việc mình làm ngày trước đã tổn thương người họa sĩ trẻ đến mức nào. Ngay tối hôm đó, ông ta đã tìm ngay đến chàng họa sĩ, thành thật xin lỗi, và ngỏ lời xin mua lại bức tranh đó với giá 200.000 đồng .

           Chàng họa sĩ trẻ đó tên là: Pablo Ruiz Picasso.(1881-- -1973)
Không ai có thể đánh bại và làm nhục ta ngoại trừ chính ta. . ... Đó là tâm niệm của Ông !!


.


29 tháng 1, 2018

Bức tâm thư xúc động của Nữ sĩ Quỳnh Dao



          Nữ sĩ Quỳnh Dao dặn dò con lo chuyện hậu sự, trong thư có đoạn: ”Khi còn sống, nguyện là ánh lửa, cháy hết mình tới phút cuối cuộc đời. Lúc chết đi, nguyện là hoa tuyết, lất phất rơi, hóa thành cát bụi”.

          Nữ sĩ Quỳnh Dao nổi tiếng với vai trò nhà văn, nhà biên kịch với các tác phẩm điện ảnh nổi tiếng được chuyển thể như "Dòng Sông Ly Biệt", "Hoàn Châu Cách Cách",... Mới đây, bà đã có một tâm thư dặn dò con trai và con dâu lo lắng cho chuyện hậu sự sau này của bà.

          Ở độ tuổi 79 gần đất xa trời, nữ sĩ Quỳnh Dao cho biết, gần đây bà đọc được một bài viết mang tên "Lời cáo biệt tốt đẹp dành cho bản thân" và nhận ra rằng pháp luật có một thứ gọi là "Quyền được quyết định của người bệnh" - được Đài Loan thông qua và ban hành từ năm 2009, theo đó người bệnh có thể toàn quyền quyết định về cái chết của mình, không cần bác sĩ hoặc người nhà quyết định hộ nữa.

          Nữ sĩ Quỳnh Dao cho biết, bà đã dặn dò hai con là Tú Quỳnh và Trung Duy về chuyện hậu sự, hai người con đều hoàn toàn tôn trọng ý kiến của mẹ, song bà vẫn muốn chia sẻ tâm thư của mình cho tất cả mọi người được biết vì sợ rằng sau này nhỡ hai con hối hận, không nỡ cho mẹ rời
xa dương gian:

          "Mẹ nghĩ rằng, các con đều hiểu rõ mẹ sợ hãi cái ngày định mệnh ấy đến nhường nào. Giờ đây, mẹ muốn nói rõ về "quyền lợi" của mình, những ai đọc được bức thư này có thể làm chứng, rằng dù thế nào đi chăng nữa,
dù gặp bất cứ áp lực nào cũng không được lưu giữ hài cốt của mẹ, không
được biến mẹ thành "cứu sống không được, để chết không xong". Nếu các
con làm thế thì sẽ là "đại bất hiếu"!".

          Quỳnh Dao viết thêm: "Năm nay mẹ 79 tuổi, năm sau đã là 80. Quả là đời người đã dài, mẹ không vì chiến tranh, bệnh tật, nghèo đói, thiên tai,... mà đi trước một bước. Sống đến tuổi này đã là điễm phúc lắm rồi. Chính vì lẽ đó, từ giờ trở đi, mẹ sẽ đón nhận cái chết với nụ cười trên môi. Mong muốn của mẹ chỉ là:

          1. Dù mẹ có lâm trọng bệnh thế nào, nhất quyết không được phẫu thuật, hãy để mẹ ra đi nhanh chóng. Chừng nào mẹ còn minh mẫn làm chủ đượcmọi thứ thì hãy để mẹ làm chủ, bằng không thì phải nghe theo ý nguyện
của mẹ.
          2. Không được đưa mẹ vào phòng điều trị hồi sức cấp cứu đặc biệt.
          3. Bất luận là chuyện gì, tuyệt đối không được lắp ống thở cho mẹ. Bởi vì một khi mẹ đã mất khả năng nuốt, tức là cũng mất đi niềm vui ăn
uống. Mẹ không muốn sống cuộc sống như vậy.
          4. Thêm một điều nữa, dù có chuyện gì, cũng không được đặt ống truyền chất bổ cho mẹ. Kể cả ống thông, ống thở,... đều không được.
          5. Mẹ đã từng nhắc nhở rồi, những biện pháp cứu sống như điện giật,
các loại máy móc, tất cả đều không được dùng. Mẹ muốn ra đi nhẹ nhàng,
điều này còn quan trọng hơn việc để mẹ sống trong đớn đau.

          Mẹ đã từng nói: "Khi còn sống, nguyện là ánh lửa, cháy hết mình tới phút cuối cuộc đời. Lúc chết đi, nguyện là hoa tuyết, lất phất rơi, hóa thành cát bụi".
          Nữ sĩ quyết định bà không muốn mai táng theo nghi thức tôn giáo truyền thống mọi người vẫn hay làm. Bà dặn con không đăng cáo phó, không làm lễ truy điệu, không đốt vàng mã,... Bà muốn mọi việc diễn ra lặng lẽ, đơn giản, không phô trương. "Cái chết là việc riêng, đừng làm phiền người khác, càng đừng làm phiền những người yêu mến mẹ. Nếu thật lòng yêu mẹ, họ sẽ hiểu cho mẹ..."

          Được biết, Quỳnh Dao sinh năm 1938, là nhà văn, nhà biên kịch đương đại nổi tiếng Trung Quốc. Nhiều tác phẩm của bà như Song ngoại, Thủy vân gian, Mai hoa lạc, Hoàn Châu cách cách, Yên vũ mông mông... được chuyển thể thành phim, làm nên tên tuổi của nhiều diễn viên như Lâm Thanh Hà, Tưởng Cần Cần (Thủy Linh), Triệu Vy, Lâm Tâm Như... Bà cũng là tác giả phần lời của nhiều khúc tình ca lãng mạn, được đông đảo khán  giả yêu thích.


.



Cậu bé và cây cổ thụ

          Cách đây rất lâu rất lâu, một cây cổ thụ vừa cao vừa lớn……..
          Có cậu bé nọ, mỗi ngày đều đến bên cây, cậu leo trèo hái quả ăn và nằm ngủ dưới bóng cây. Cậu yêu cây cổ thụ, cây cổ thụ cũng thích được chơi đùa cùng cậu.


          Về sau, cậu bé đã khôn lớn, không còn chơi đùa hàng ngày như trước nữa.
          Một ngày nọ, cậu lại đến bên cây, dáng vẻ rất là sầu khổ. Cây cổ thụ muốn được chơi đùa cùng cậu, nhưng cậu bé nói: “Không được, mình đã không còn nhỏ nữa, không thể chơi đùa cùng cậu như trước được nữa, mình muốn có đồ chơi, nhưng lại không có tiền để mua”.
          Cổ thụ nói: “Thật đáng tiếc, mình cũng không có tiền, nhưng mà cậu hãy hái tất cả hoa quả của mình xuống rồi đem đi bán, không phải sẽ có tiền rồi sao?”.
          Cậu bé vô cùng kích động, liền hái hết tất cả số trái trên cây, vui vui vẻ vẻ đi mất.
          Sau đó, cậu bé trong một khoảng thời gian dài không còn ghé đến nữa. Cây cổ thụ rất đau lòng………

          Cậu có thể chặt hết cành cây của mình xuống, rồi đem đi dựng nhà……….
          Rồi một ngày kia, cậu bé cuối cùng đã đến, cổ thụ hăng hái rủ cậu chơi đùa như trước. Cậu bé nói: “Không được, mình không có thời gian, mình còn phải làm việc nuôi gia đình nữa, chúng mình rất cần một căn nhà, cậu có thể giúp mình không?”
           “Mình không có nhà, nhưng cậu có thể cưa chặt hết tất cả cành cây của mình, rồi đem đi mà dựng nhà”, cổ thụ nói.
          Thế là cậu bé cưa chặt hết tất cả cành cây, vui vui vẻ vẻ chuyển đi dựng nhà.
          Nhìn thấy cậu bé vui mừng, cây cũng vui theo.
          Từ đó, cậu bé lại không còn đến nữa.
          Cổ thụ rơi vào trạng thái cô đơn và buồn bã.

          Mùa hè một năm nọ, cậu bé lại quay lại, cây cổ thụ mừng rõ: “Đến đây nào bạn, hãy cùng chơi với mình đi”.

          Hãy chặt lấy thân cây của mình, đem đi làm chiếc thuyền vậy………
          Cậu bé lại nói: “Tâm trạng mình không tốt, mỗi ngày một già thêm, mình muốn giương buồm ra biền, thả lỏng một chút, cậu có thể cho mình một chiếc thuyền không?”.
          Cổ thụ nói: “Hãy chặt lấy thân cây của mình, rồi đem nó đi đóng thuyền đi!”.
          Thế là cậu bé đã chặt thân cây cổ thụ xuống, chế tạo một chiếc thuyền, rồi lên thuyền ra biển khơi, rất lâu đều không thấy trở về.
          Cây cổ thụ rất lấy làm vui mừng, nhưng …..

          Con à, ta đã không còn gì để có thể cho con nữa rồi……..
          Rất nhiều năm đã qua đi, cậu bé cuối cùng đã trở về, cổ thụ nói: “Xin lỗi, con à, ta đã không còn gì có thể cho con nữa rồi, ta cũng không còn trái cây nữa”.
          Cậu bé nói: “Răng của mình đều rụng hết cả rồi, không còn ăn trái cây được nữa”.
          Cổ thụ lại nói: “Ta cũng không còn thân cây, để cho cậu leo trèo như xưa nữa”.
          Cậu bé nói: “Mình đã già quá rồi, không còn sức để leo nữa”.
           “Mình không còn có gì có thể cho cậu nữa……., chỉ còn lại bộ rễ đang dần dần chết khô đi”, cổ thụ nước mắt lưng tròng nói.
          Cậu bé nói: “Bao nhiêu năm đã trôi qua rồi, bây giờ tớ cảm thấy mệt mỏi lắm rồi, cái gì cũng không cần nữa, chỉ cần một chỗ để nghỉ ngơi thôi”.
           “Được thôi! Cội rễ là nơi thích hợp nhất để ngồi nghỉ, đến đây, hãy ngồi xuống cùng mình nghỉ ngơi đi!”.
          Cậu bé ngồi xuống, cổ thụ mừng đến chảy nước mắt……….


          Bạn có thấy câu chuyện ấy quen thuộc không, đây chính là câu chuyện của  bất kì ai, cây cổ thụ trong câu chuyện này chẳng phải chính là cha mẹ của chúng ta.
          Lúc còn nhỏ, chúng ta thích được chơi đùa cùng cha mẹ…Sau khi lớn lên rồi, chúng ta liền rời xa họ, chỉ những lúc cần có điều gì đó hoặc khi gặp phiền não, chúng ta mới trở về bên cạnh họ.
          Vậy mà cha mẹ chúng ta vẫn như cây cổ thụ kia, sẵn sàng đón nhận chúng ta, sẵn sàng cho đi tất cả những gì của bản thân để cố gắng hết sức khiến chúng ta vui lòng.
          Bạn có thể cho rằng cậu bé đối với cái cây thật rất tàn nhẫn, nhưng phải chăng đây cũng chính là cách mà chúng ta đối đãi với ba mẹ mình.
          Đời người quả thật là như vậy.
          Xin các bạn hãy trân quý quãng thời gian ở cùng với ba mẹ, bởi vì sẽ có lúc:

           “Cây muốn yên mà gió chẳng ngừng, con muốn hiếu dưỡng nhưng ba mẹ đã không còn nữa rồi!”


.

Rượu hay nước ?


           Bạn đối xử với người khác thế nào, bạn cũng sẽ nhận lại như thế. Bạn muốn xã hội tốt đẹp, công bằng, hòa bình, bạn phải là người gieo những hạt giống ấy chứ không chờ ai khác làm thay cho bạn.



           Chuyện xưa kể rằng tại một ngôi làng, một nhóm mười người tổ chức cuộc gặp mặt đón xuân mừng năm mới. Một vị lên tiếng, “Tôi đề nghị chúng ta mỗi người góp tay nhau để vui xuân bằng cách mỗi người mang theo rượu của mình và đổ chung vào một chum lớn để cùng chia vui trong dịp xuân.” Mọi người đồng ý và vui vẻ ra về.
Khi về đến nhà, một người trong nhóm cảm thấy hối tiếc vì mình đã nhận lời mang theo bầu rượu quí lâu năm của mình để nạp chung vào nhóm. Vốn không muốn chia sẻ bầu rượu của mình và cũng tiếc tiền để mua rượu khác cho bữa tiệc, anh tỏ vẻ buồn rầu.
           Nhưng sau một hồi suy nghĩ, anh ta quyết định. “Ta sẽ đổ nước lạnh vào bầu rượu. Khi đến dự tiệc, ta sẽ đi thẳng vào chum lớn và đổ “rượu” của ta vào đó. Chín ông kia sẽ mang rượu của họ đến, như thế “rượu” của ta sẽ hoà vào rượu của họ, thì chắc chắn sẽ không ai biết được, vì một bầu nước của ta sẽ bị lấn át bởi chín bầu rượu kia. Và như thế ta vẫn có rượu uống như mọi người mà không mất bầu rượu quí này.”

           Đến ngày dự tiệc, anh ta mang “rượu” của mình và làm đúng như kế hoạch. Trời tối, chum lớn, từng người một đem rượu của mình đổ vào chum và quay về chỗ ngồi để chờ khai mạc tiệc vui. 

           Sau khi mọi người đã vào bàn tiệc, ông chủ nhà liền sai anh hầu bàn rót rượu mời từng vị khách. Ai ai cũng háo hức để thưởng thức rượu ngon. Bắt đầu từ chủ nhà đến các vị khách, mỗi người đều nhắm rượu. Đôi mắt mỗi người nhìn chằm chằm vào nhau với sự nghi kỵ, xoi mói, hổ thẹn, nhưng miệng vẫn hết lời khen rượu ngon hảo hạng. Nhưng thực ra, thức uống mà họ cầm trên tay chỉ toàn là nước lạnh, vì ai ai cũng có suy nghĩ toan tính như anh kia.

           Thưa bạn, câu chuyện rượu hay nước trên đây muốn nhắn gởi chúng ta điều gì ? Bạn muốn uống rượu, bạn phải cho rượu; bạn muốn đón nhận điều tốt từ người khác, bạn phải mang điều tốt cho họ. Bạn đối xử với người khác thế nào, bạn cũng sẽ nhận lại như thế. Bạn muốn xã hội tốt đẹp, công bằng, hoà bình, bạn phải là người gieo những hạt giống ấy chứ không chờ ai khác làm thay cho bạn. Trong bàn tiệc cuộc đời, ai ai cũng được mời gọi mang “rượu” của mình vào cuộc tiệc ấy.



.




Con bò và sự khác biệt giàu nghèo

           Trong cuộc sống, chúng ta khó tránh khỏi thất bại. Nếu có thể đứng lên từ thất bại, kiên trì theo đuổi mục tiêu, tương lai chắc chắn sẽ thành công. Nhưng kiên trì nói thì dễ nhưng thực hiện rất khó. Dưới đây là một số câu chuyện nhỏ chứa đựng đạo lý, mang đến những cảm nhận khác nhau.


           Có một người rất nghèo và khổ cực. Một người nhà giàu nhìn thấy đáng thương liền muốn giúp đỡ. Người giàu có đưa cho anh ta một con bò, chúc anh khai hoang tốt, đợi mùa xuân đến gieo hạt giống, mùa thu là có thể thoát nghèo rồi.
           Người nghèo cảm thấy hi vọng trong lòng, bắt đầu phấn đấu. Nhưng chỉ sau vài ngày, bò muốn ăn cỏ, người muốn ăn cơm, cuộc sống trở nên khó khăn hơn trước.
           Người nghèo bèn nghĩ thà rằng bán bò đi, mua mấy con dê. Trước tiên giết một con để ăn, còn lại để nuôi cho nó sinh con, đợi nó lớn lên rồi cầm đi bán. Như thế kiếm được nhiều tiền hơn.

           Người nghèo tiến hành theo kế hoạch. Sau khi ăn hết một con dê, những con dê còn lại rất chậm sinh con, cuộc sống lại gặp khó khăn. Thế là anh không nhịn được lại giết thịt một con.
           Người nghèo nghĩ: “Tiếp tục như vậy không được. Không bằng đem dê bán đi, mua thành gà. Gà đẻ trứng rất nhanh, trứng gà có thể lập tức bán được tiền, cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp.”
           Người nghèo lại thực hiện theo kế hoạch. Nhưng rồi thời gian trôi qua cũng không có thay đổi, gặp khó khăn, nhịn không được liền giết gà, cuối cùng chỉ còn lại một con. Lý tưởng của người nghèo hoàn toàn sụp đổ.
Người nghèo thất vọng: “Làm giàu thật khó, thà đem con gà còn lại đi bán, mua một bình rượu uống cho no nê. Mọi việc không còn lo lắng.”

           Mùa xuân đến rất nhanh. Người giàu có hào hứng mang hạt giống cho người nghèo nhưng nhìn thấy người nghèo đang uống rượu với dưa muối, trâu cũng không còn, trong nhà vẫn nghèo rớt mồng tơi như trước đây.

           Người giàu quay đi, người nghèo vẫn cứ tiếp tục.

           Rất nhiều người nghèo đã từng mơ ước, thậm chí có cơ hội và hành động nhưng họ không kiên trì đến cùng.

           Một nhà đầu tư nói bí quyết thành công của mình là: “Lúc không có tiền, cho dù khó khăn cũng nên tiết kiệm và đầu tư. Áp lực sẽ khiến bạn tìm được phương pháp kiếm tiền mới, giúp bạn trả hết nợ. Đó là một thói quen tốt.”
           Tính cách hình thành thói quen, thói quen quyết định thành công.
           Người càng sâu sắc: Càng trầm tĩnh đơn giản.
           Người càng nông cạn lạnh nhạt: Càng táo bạo bất an.
           Kẻ mạnh: Không phải là không có nước mắt mà là kìm nén nước mắt không rơi.
           Kẻ yếu: Không phải ở vẻ bề ngoài mà là ở tinh thần suy sụp.

           Trong cuộc sống chúng ta có thể gặp nhiều khó khăn, gian khổ nhưng chỉ cần cố gắng, kiên trì vượt qua thì nhất định sẽ có một tương lai tốt đẹp!


.