16 tháng 1, 2018

CÓ BA QUẢ TÁO

“Có ba quả táo đã làm thay đổi thế giới này: một quả cám dỗ Eva, một quả rơi trúng đầu Newton, một quả bị Steve Jobs cắn dở.”
 Khuyết danh


          Câu nói trên đã đưa ra một sự tóm lược về lịch sử phát triển của con người. Con người nhờ khả năng tư duy, trí tuệ mà từ thuở sơ khai vất vả tồn tại trong tự nhiên, đã đi đến chỗ rảnh rang theo đuổi nghiên cứu khoa học vì đam mê. Rồi những khám phá tưởng chừng không có nhiều ứng dụng được lại mang lại những điều kỳ diệu, công nghệ tân tiến, – nền văn minh vật chất chúng ta đang có ngày nay..
          Trái táo Thiện Ác…
          Ngược dòng lịch sử vài ngàn năm trước đây, đến với câu chuyện trái táo của Adam và Eva trong kinh thánh. Thuở sơ khai lập địa Chúa Trời tạo ra hai người Adam và Eva. Adam và Eva sống hạnh phúc, vô lo vô nghĩ trên khu vườn thiên đàng. Họ có thể ăn hoa trái của tất cả cây cối, ngoại trừ một cây táo mà họ bị chúa ngăn cấm – cây táo Thiện Ác. Rồi một ngày, bị dụ dỗ bởi một con rắn, Eva nếm mùi trái cấm Thiện Ác rồi đưa cho Adam ăn cùng. Sau khi nếm mùi trái cấm Thiện Ác, hai người lập tức nhận được một món quà của trái cấm, đó là lý trí, óc phân biện, suy luận – họ biết phân minh Thiện Ác, biết xấu hổ về sự trần truồng của mình. Nhưng ngay sau đó, Chúa Trời xuất hiện người nổi giận và đầy hai vợ chồng Adam và Eva xuống hạ giới, nơi mà sau đó họ và con cháu họ chịu không ít đau khổ…



          Người viết nên câu chuyện này như muốn nói rằng: Lý trí, khả năng tư duy là nguồn gốc của mọi đau khổ, muộn phiền của con người. Nhờ khả năng tư duy mà con người sinh ra phân biệt so sánh, phân biệt – nguồn gốc của ưa ghét, ưa thiện, ghét ác, ưa đẹp, ghét xấu; so sánh giữa ta với người, cho rằng mình phải, người quấy, mình thiện, người ác; ghen tỵ với cái tốt, cái hay của người… Tất cả đều do khả năng phân minh, đánh giá sự vật bên ngoài mang lại, làm cho con người không hạnh phúc với bản thân mình…

          Nhưng cũng nhờ óc suy luận, phán đoán mà con người bắt đầu biết quan sát, nhận xét về môi trường xung quanh mình, tìm được những gì cần cho sự tồn tại của mình. Trái táo của Adam và Eva tượng trưng cho nguồn gốc của lý trí, khả năng tư duy – khởi nguồn của sự phát triển với tốc độ ngày càng chóng mặt của loài người trong vài ngàn năm qua…

          …và Newton
          Tiếp tục cuộc hành trình thời gian, vượt qua nhiều thế kỷ kể từ thời mông muội của Adam va Eva tới thế kỷ 17, tại nước Anh… Đến với Isaac Newton và trái táo thứ hai…


          Giai thoại kể rằng, một trái táo rơi trúng đầu Isaac Newton trong lúc ông  đang ngồi nghỉ ngơi suy nghĩ dưới gốc cây. Nhờ đó mà ông có luận ra định vật vạn vật hấp dẫn. Định luật này ngay lúc bấy giờ có thể chưa có nhiều ứng dụng, nhưng nó đã đặt nền móng cho sự phát triển của khoa học hiện đại sau này. Trái táo của Newton tượng trưng cho một giai đoạn quan trọng trong lịch sử phát triển của loài người. Đó là một giai đoạn mà con người đã tự tồn tại được trong thiên nhiên một cách sung túc đầy đủ, và còn có thời gian cho những nghiên cứu, tìm tòi… tùy theo sở thích để thoả mãn trí tò mò…


          Apple
          Tiếp tục cuộc hành trình tới trái táo cuối cùng. Tới thời đại của chúng ta – thế kỷ 20-21, với Apple của Steve Jobs. Trái táo của Steve Jobs như một biểu tượng của cuộc cách mạng công nghệ thông tin của con người ở thế kỷ 20-21. Giờ đây, chỉ ba thế kỷ sau trái táo của Newton, con người đã không chỉ nghiên cứu khoa họ cho vui. Giờ đây con người còn biết định hướng, vận dụng sự hiểu biết về tự nhiên và khoa học phát minh ra những công cụ mang lại sự tiện nghi cũng như đột phá cho sự phát triển của nhân loại. Trái táo Apple của Steve Jobs là ví dụ nổi bật cho bước tiến này.


          Những Macintosh, Ipod, Iphone, Ipad… là những đỉnh cao của trí tuệ con người. Với khả năng tư duy suy luận, cùng với niềm đam mê khám phá, con người không chỉ tồn tại được trong tự nhiên, thấu hiểu một phần các quy luật của nó, mà còn có thể sử dụng nó để sáng tạo và mang lại những điều kì diệu, những điều mà tưởng chừng là không thể ở thời đại trái táo của Eva…
          Hạnh phúc..?
          Nhưng… ngẫm lại đã mấy ai trong chúng ta dám khẳng định mình hạnh phúc được như Adam và Eva hồi còn ở Vườn Địa Đàng? Chúng ta theo đuổi tiến bộ công nghệ khoa học, tạo dựng, tích trữ của cái hàng ngàn năm vừa qua là vì cái gì? Phải chăng là cũng không ngoài cái mục đích là được sung sướng, được Hạnh Phúc? Nền văn minh vật chất phát triển với tốc độ chóng mặt của chúng ta dường như không làm chúng ta hạnh phúc mấy, và dường như còn làm loài người chúng ta ngày càng điên đảo dục vọng, tranh đấu lẫn nhau…Phải chăng đó là cực hình chúng ta phải chịu như con lừa trong cậu chuyện một bậc hiền giả kia đã kể:

          Có người đánh xe lừa khôn khéo kia, cho lừa mang bó cỏ tươi trước mồm để gạt nó bước tới… Bước mãi mà bó cỏ vẫn kề bên miệng không được liếm láp cọng nào.. Nhưng kết quả thì rất hay: xe lừa vẫn đi mãi theo ý muốn của người đánh xe, mà không tốn một cọng rơm nào cả! (Cái Lẽ Sống Của Ta, Nguyễn Duy Cần)


           Có người đánh xe lừa khôn khéo kia, cho lừa mang bó cỏ tươi trước mồm để gạt nó bước tới… Bước mãi mà bó cỏ vẫn kề bên miệng không được liếm láp cọng nào.. Nhưng kết quả thì rất hay: xe lừa vẫn đi mãi theo ý muốn của người đánh xe, mà không tốn một cọng rơm nào cả! (Cái Lẽ Sống Của Ta, Nguyễn Duy Cần)


.




Không có nhận xét nào: