30 tháng 6, 2017

CHÂM NGÔN NGƯỜI DO THÁI

          Chỉ chiếm gần 0,2% dân số thế giới (khoảng 14,2 triệu người trên toàn thế giới tính đến năm 2014), nhưng người Do Thái và kiến thức  của họ đóng góp đến 50% tiến bộ của loài người.
          Dân tộc luôn coi trọng trí tuệ, giáo dục, nghịch cảnh và thời gian này luôn có những "công trình" tri thức vượt bậc cho nhân loại. Vậy tư tưởng  nào giúp họ trở nên khác biệt,  được nhiều người ngưỡng mộ như thế?
          Dưới đây là những câu nói sâu sắc và thâm thúy nhất người Do Thái đúc kết về cuộc đời có thể giúp con người sống khôn ngoan hơn.



          1. Nếu như không chịu trao dồi kiến thức thì cho dù có đi vạn dặm đường cũng chỉ là anh đưa thư.
          2. Trên đời có ba thứ mà không ai có thể cướp mất : Một là thức ăn đã vào dạ dày; Hai là mơ ước ở trong lòng; Ba là kiến thức đã học ở trong đầu.
          3. Một giọt nước bẩn  sẽ làm một ly nước trong vẩn đục, một ly nước vẩn đục không khó trở thành trong.
          4. Thời gian tốt nhất để trồng cây là vào 20 năm trước, thời gian tốt thứ hai là ngay bây giờ.
          5. Bạn bè thật sự thì không chỉ cùng nhau nói chuyện quên thời gian, mà ngay đến lúc không nói lời nào cũng không cảm thấy ngại ngùng.
          6. Nếu bạn thực sự tài năng, thì bạn sẽ không bao giờ sợ thiếu may mắn.
          7. Luôn luôn nhìn vào mặt tươi sáng của sự vật. Nếu không thấy, hãy đánh bóng cho đến khi nó tỏa sáng.
          8. Đất mềm làm ngựa khụy chân, lời nói ngon ngọt dễ làm người khác té ngã.
          9. Nếu bạn bị vấp ngã, điều đó không có nghĩa là bạn đang đi sai đường.
          10. Ai cũng than vãn thiếu tiền, nhưng chẳng thấy ai than thiếu trí khôn cả.
          11. Trứng có thể tốt hơn vịt, nhưng trứng dễ bị ung rất nhanh.
          12. Một người chỉ ra sai sót của bạn chưa chắc đã là kẻ thù của bạn; một người luôn luôn ca ngợi bạn chưa hẳn đã là bạn của bạn.
          13. Cười là loại mĩ phẩm rẻ nhất, vận động là loại y dược rẻ nhất, chào hỏi là loại chi phí giao tiếp rẻ nhất.
          14. Khi bạn khóc vì không có giày để đi, hãy nhìn vào những người không có chân.
          15. Khi còn trẻ phải làm những việc bạn nên làm, thì khi về già mới có thể làm những việc bạn muốn làm.
          16. Khi chúng ta đem hoa tặng cho người khác, thì người ngửi được mùi hương đầu tiên là chính chúng ta. Khi chúng ta ném bùn  vào người khác, thì người bị lấm bẩn đầu tiên là bàn tay chúng ta.


.



29 tháng 6, 2017

Bức thư Tổng thống Lincoln gửi giáo viên của con trai

          Trong sự nghiệp chính trị chói sáng của mình, Tổng thống Abraham Lincoln đã để lại rất nhiều di sản quý báu cho nước Mỹ. Ở cương vị là một người cha, ông cũng mang đến cho các bậc phụ huynh lời khuyên có giá trị đến trăm năm.


           “Thằng bé sẽ phải học được điều này, rằng không phải tất cả mọi người đều công bằng hay chân thật. Nhưng xin thầy hãy dạy cho cháu biết cứ mỗi kẻ vô lại ta gặp thì ở đâu đó sẽ có một vị anh hùng.
          Cứ mỗi một chính trị gia ích kỷ, ta sẽ gặp một nhà lãnh đạo tận tâm.
          Cứ mỗi một kẻ thù thì ở đâu đó sẽ có một người bạn.
          Và nếu có thể, xin hãy dạy cho thằng bé tránh xa bản tính ganh ghét, đố kị.
          Xin hãy dạy cho cháu biết được bí quyết của niềm vui chiến thắng thầm lặng. Dạy cho cháu biết được rằng những kẻ hay bắt nạt người khác lại chính là những người dễ đánh bại nhất.
          Xin hãy giúp cháu nhìn thấy thế giới tuyệt vời của những cuốn sách. Nhưng xin cũng cho cháu có đủ thời gian để lặng lẽ suy tư về sự bí ẩn muôn thuở của cuộc sống: Như đàn chim tung cánh trên bầu trời, đàn ong bay lượn trong ánh nắng và những bông hoa nở bên ngọn đồi xanh ngát.
          Ở trường, xin thầy hãy dạy cho cháu biết cách chấp nhận thi trượt còn hơn gian lận.
          Xin hãy giúp cháu có niềm tin vào chủ kiến riêng của bản thân, mặc cho tất cả mọi người đều cho rằng ý kiến đó hoàn toàn sai lầm.
          Xin hãy dạy cho cháu biết cách đối xử tốt đối với những người hòa nhã và cứng rắn đối với những kẻ thô bạo.
          Xin hãy tạo cho cháu sức mạnh để không chạy theo đám đông khi tất cả mọi người đều chỉ biết chạy theo một hướng.
          Xin dạy cho cháu biết phải lắng nghe tất cả mọi người nhưng cần phải sàng lọc nó qua một tấm lưới chân lý để rồi chỉ đón nhận những gì tốt đẹp.
          Và nếu có thể, xin hãy dạy cho cháu biết cách mỉm cười khi buồn bã. Xin hãy dạy cho cháu biết rằng không có sự xấu hổ trong những giọt nước mắt. Xin hãy dạy cho cháu biết chế giễu những kẻ yếm thế và cẩn thận trước sự ngọt ngào đầy cạm bẫy.
          Xin hãy dạy cho cháu biết rằng có thể bán cơ bắp và trí tuệ cho người ra giá cao nhất nhưng không bao giờ cho phép ai ra giá mua trái tim và linh hồn mình.
Xin hãy dạy cho cháu ngoảnh lại làm ngơ trước một đám đông gào thét và đứng thẳng người bảo vệ những gì cháu cho là đúng. Xin hãy đối xử dịu dàng với cháu nhưng đừng vuốt ve nuông chiều bởi vì chỉ có thử thách của lửa mới tôi luyện được những thanh sắt cứng rắn.
          Xin hãy cho cháu biết rằng cháu phải luôn có niềm tin tuyệt đối vào bản thân bởi vì khi đó cháu sẽ có niềm tin tuyệt đối vào nhân loại.
          Tôi cho rằng đây quả là một yêu cầu quá lớn, nhưng xin thầy hãy cố gắng hết mình. Nếu được như vậy thật là điều tuyệt vời đối với con trai tôi”.

          Abraham Lincoln



.

28 tháng 6, 2017

Lý Lẽ Của Trái Tim




          Người Việt đến xứ Mỹ, thế hệ đầu khá vất vả, tiếng Anh không rành lại lớn tuổi mà phải làm những việc chân tay, nên ai cũng cố gắng khoảng mươi năm, đủ điều kiện về hưu thì vừa lúc sức lực cạn kiệt. Nhưng bù vào đó, lũ con, thế hệ thứ hai, thấy cha mẹ vất vả, cố gắng học hành, nên đa số đều tốt nghiệp đại học, có công ăn việc làm vững vàng.
          Thời gian đầu, khi mới có việc làm, các con ở chung với cha mẹ, đến khi có đôi có bạn, chúng mua nhà ở riêng. Đứa con gái út của tôi mới hứa hôn với một bạn cùng sở mà đã đưa nhau đi tìm nhà mới để mua. Thời đó, khoảng cuối thập niên chín mươi, nước Mỹ lên cơn sốt mua bán nhà. Nhà lên giá vùn vụt. Nhà chưa xây mà đã có người đặt tiền cọc giành nhà trước. Con gái tôi xúi tôi bán nhà, về ở với vợ chồng nó. Tôi bán nhà, trả nợ ngân hàng (đã vay mua nhà), còn dư chút ít, chúng tôi để dành, thỉnh thoảng mua vé đi du lịch.
          Hôm mới đến, vợ chồng tôi kinh ngạc khi thấy ngôi nhà quá lớn, quá sang trọng và cũng quá đắt tiền. Gần cả triệu bạc! Vậy mà con tôi bảo "Nếu trong thành phố, nhà nầy ít nhất cũng triệu rưỡi". Đó là một khu rừng hoang, đã được san bằng, mỗi cạnh hơn một cây số, chia thành những ô vuông vắn với những con đường khang trang, những ngôi nhà có vườn cỏ xanh, những luống hoa đủ màu sắc rực rỡ, thoang thoảng hương thơm. Thật chẳng khác gì chuyện thần tiên. Lọt thỏm trong khu rừng thâm u, hoang dã lại có những biệt thự tráng lệ, yên tĩnh, xa cách hẳn nơi phồn hoa, náo nhiệt.
          Ngôi nhà quá rộng với năm, sáu phòng ngủ, rồi phòng khách, phòng ăn. phòng uống rượu, giải trí...Tôi không hiểu chúng mua nhà lớn như thế để làm gì? Chúng bảo sẽ được trừ thuế, hơn nữa nhà vùng đó sẽ lên giá. Không phải chỉ riêng con chúng tôi mua nhà mới mà hầu như bọn trẻ Việt Nam, khi lập gia đình đều mua nhà mới. Chúng cùng lứa tuổi, tốt nghiệp cùng trường đại học nên rủ nhau mua nhà gần nhau để tiện qua lại, tụ tập ăn uống, vui đùa.
          Chúng tôi đến ở chung với vợ chồng đứa con gái cũng đỡ buồn. Vợ tôi lo việc nấu nướng, dọn dẹp, giặt sấy áo quần, tôi thì giết thì giờ trong việc chăm sóc các cây cảnh trước sân, tưới bón vườn rau sau nhà.
          Ngay cạnh nhà chúng tôi là nhà bạn học với con gái tôi. Mỗi buổi sáng, khi tôi dậy sớm, uống trà xong, ra săm soi mấy cây hoa trước sân, thì tôi thấy một cậu thanh niên cũng dậy sớm đi làm, có lẽ vì chỗ làm xa. Chúng tôi chào hỏi nhau. "Chào bác! Bác dậy sớm săn sóc vườn hoa" "Vâng, chào cậu!"
          Chúng tôi trao đổi bâng quơ năm ba phút về thời sự, thời tiết trong ngày rồi cậu ta lên xe đi làm.
          Qua lời con gái tôi thì cậu ta là rể của gia đình đó. Hai vợ chồng cưới nhau được mấy tháng nay. Cả hai đều là bạn học, thân thiết nhau từ thời trung học. Cô vợ cậu ta giống như bất cứ cô gái Á Châu bình thường nào. Dáng nhỏ nhưng tròn lẳn, tóc dài, mặt trái xoan. Vợ tôi đưa ra nhận xét với con gái tôi.
          "Mới cưới nhau được mấy tháng mà cái bụng cô ta đã lúp lúp. Con so mà bụng cỡ đó cũng phải trên sáu tháng. Chắc anh chị tò tí nhau trước, rồi hợp thức hóa sau"
          "Con nghĩ. Hình như có điều gì bất thường giữa hai đứa. Hôm đám cưới, chú rể coi bộ hớn hở, vui vẻ nhưng cô dâu thì lại trầm ngâm, buồn buồn, không thấy cười. Chắc cô dâu miễn cưỡng lấy chồng vì lỡ có bầu. Cách đây một năm, con nhỏ (cô dâu) có cho bạn bè biết là anh chàng có tỏ tình và xin cưới, nhưng cô ta không chịu, bảo rằng không có tình yêu mà thành vợ chồng thì không thể chịu đựng nhau suốt đời được. Vậy mà thình lình lại làm đám cưới với anh ta."
          Nghe hai mẹ con trò truyện, tôi nói bâng quơ "Có những quyển sách hai người viết chung, có những bản nhạc, người thì viết nhạc, người thì viết lời."
          Vợ tôi cự "Ông thì lúc nào cũng nói tầm bậy, tầm bạ được!"
          Con gái tôi cười "Con thấy con nhỏ nầy rất đàng hoàng. Ngoài những bạn bè thân thiết từ lúc còn trung học đến nay, nó không giao du, cớt nhả với ai cả. Theo con biết thì hai đứa nó cũng thân mật nhau lắm, hai đứa làm hai nơi xa nhau mà ngày nào cũng gọi nhau đi ăn lunch (ăn trong giờ nghỉ trưa ở sở làm), như thế thì chỉ có anh chàng là tác giả đứa bé sắp chào đời. Nếu không, ai chịu dại 'Người ta ăn ốc mình đổ vỏ'. Nhưng có điều lạ là trước đó, anh chàng xin cưới thì bị cự tuyệt, sau, thình lình lại làm lễ cưới chỉ trong vòng một tháng. Một lần, trước đây, con thấy có một anh chàng lạ hoắc đến thăm gia đình cô ta. Anh ta, có lẽ từ nơi khác đến, trông mặt mũi cô hồn, lấc cấc lắm. Không ai tin rằng anh chàng đó, chỉ mới quen biết mà dụ dỗ được cô nầy. Cô ta đã lớn rồi, cũng đủ khôn ngoan mà tự giữ mình."
          Tôi thấy anh hàng xóm (chồng cô ta) cao ráo, mặt mũi sáng sủa, thông minh, rất vui vẻ, nhã nhặn với mọi người. Có những buổi đi làm về, anh ta qua thăm tôi. Tôi mời vào một phòng nhỏ, dành riêng cho tôi đọc sách, uống trà, để được thoải mái chuyện trò. Có lẽ nhờ đọc nhiều và nhờ biết tiếng Anh nên chuyện đông tây kim cổ, tin tức, thời sự, anh ta biết khá rành. Tôi không hỏi về chuyện vợ con của anh ta, chỉ ngạc nhiên là trong các ngày nghỉ, không thấy anh ta ở nhà. Anh ta giải thích "Mấy ngày đó cháu phải về nhà ba mẹ cháu. Mấy anh chị em cháu đều ở riêng." "Thế cũng phải, vợ chồng anh nên về thăm kẻo ông bà cụ buồn" "Vợ cháu ít khi đi đâu"
          Tôi không có bạn để trò chuyện, anh ta thì lại thích qua đàm đạo chuyện trên trời dưới đất nên chỉ mấy tháng sau, từ bạn vong niên, chúng tôi thành bạn tâm giao. Phòng uống trà của tôi toàn bằng kính nhưng đóng cửa lại thì người đứng ngoài khó nghe rõ, thế nên đôi khi tôi kể chuyện bù khú của tôi thời còn trai trẻ để cười với nhau. Những lúc đó anh ta thường hỏi tôi về những ý nghĩ, quan niệm sống và cách giải quyết nếu câu chuyện xoay qua hướng khác.
          Cái bụng bầu của cô hàng xóm ngày càng lồ lộ. Thỉnh thoảng cô ta qua trò chuyện với con gái tôi, xin ý kiến vợ tôi trong việc chuẩn bị cho đứa bé chào đời. Coi bộ cô ta yêu thương, lo lắng cho đứa bé nhiều lắm. Tuy không nói ra nhưng rõ ràng là cô sắp đến ngày sinh.
          Một buổi sáng, sau khi uống chén trà, tôi tiễn anh chồng cô ta ra xe đi làm thì anh ta nói "Cháu sắp qua tiểu bang khác làm việc. Công ty bên đó đã nhận cháu rồi" "Khi nào anh đi? Đi cả gia đình hả?" "Cháu chỉ đi một mình thôi" "Vợ anh sắp đến ngày sinh... Đó là điều cháu còn phân vân. Cháu chưa cho ai biết chuyện nầy ngoài bác, để xin ý kiến bác trước khi quyết định." Tôi nghĩ đây là chuyện riêng nên tôi bảo "Sáng thứ bảy nầy, anh rảnh thì ra tiệm cà phê nói chuyện, hi vọng tôi có giúp được chút ý kiến nào không?"
          Sáng đó chúng tôi ra tiệm Starbucks, mua ly cà phê, ra ngồi ngoài hiên, nhìn thiên hạ qua lại. Phần nhiều khách là người Mỹ, ngồi với tờ báo trên tay. Sau khi vơ vẩn mấy câu, tôi hỏi. "Anh định khi nào đi nhận việc" "Khoảng tháng sau. Công ty cho cháu biết, đến lúc nào nhận việc lúc đó" "Vợ con tính sao?" "Cũng vì chuyện vợ con mà cháu chưa dứt khoát" "Hình như bà xã anh sắp sinh. Anh có thể hoãn đi nhận việc cho đến khi vợ sinh xong" "Cháu không muốn nhìn thấy đứa bé khi nó chào đời. Bác nghĩ sao nếu đó không phải vợ cháu, con cháu?" Tôi kinh ngạc "Sao kỳ lạ vậy? Hay là anh nghi vợ anh ngoại tình nên giận vợ bỏ đi?" "Nếu cô ta là vợ cháu thì mới nói là ngoại tình, nhưng quả thật cô ta không hề là vợ cháu." "Nghe nói anh có cưới hỏi cô ta đàng hoàng mà?" "Có lẽ cháu phải kể hết từ đầu, bác mới giúp ý kiến cho cháu được. Cháu và cô ta là bạn học. Chúng cháu rất thân nhau, người ngoài tưởng là hai kẻ yêu nhau, nhưng sự thực chỉ có cháu yêu cô ta thôi. Cháu có ngỏ ý nhưng cô ta từ chối tình yêu của cháu, bảo rằng chỉ xem là bạn. Khi bị từ chối, cháu không buồn, vẫn nuôi hi vọng và chờ đợi, vì cháu biết cháu là người bạn thân nhất của cô ta. Chúng cháu vẫn thường rủ nhau đi xem phim, đi ăn trưa, cùng đến nhà bạn bè trong các dịp cưới hỏi, sinh nhật. Cho đến một lần, như mọi khi, cô ta gọi cháu đi ăn lunch (ăn trưa), nhưng khi đến nơi thì thấy cô ta đang đứng chuyện trò với một anh chàng nào đó. Cô ta xin lỗi vì phải đi công chuyện với anh ta. Cháu biết đó là cách cô ta không muốn cháu làm phiền cô ta nữa. Từ đó cháu không liên lạc với cô ta.




          Gần bốn tháng sau, đột nhiên, một buổi sáng thứ bảy, cô ta gọi cháu, hẹn gặp ở một công viên. Khi cháu đến thì thấy cô ta đứng chờ sẵn với vẻ bồn chồn. Người cô gầy sộp, hai mắt sưng húp, có lẽ vì khóc nhiều. Buổi sáng trong công viên vắng vẻ, chúng cháu ngồi xuống một ghế đá, nhìn ra hồ nước rộng mênh mông, sương sớm khiến bờ bên kia mờ mờ một hàng cây xanh thẩm. Cháu vẫn yên lặng lắng nghe mấy con quạ gọi nhau trong rừng cây và chờ đợi. Cô ta như đang suy nghĩ để lựa lời. Và cô nói. "Chắc anh biết chuyện Nga (tên cô ta) với anh con trai mà anh đã gặp một lần? Bây giờ anh ta đã bỏ Nga rồi" "Có lẽ anh ta từ nơi khác đến? Trông rất lạ" "Công ty trung ương phái anh ta đến chi nhánh Nga công tác trong mấy tháng" "Nga yêu anh ta?" Cô yên lặng một lúc. "Anh ta hứa sẽ cưới Nga" "Và Nga tin vào lời hứa đó?" Cô gật đầu. Cháu quay nhìn cô ta và hỏi "Rồi anh ta đi thẳng, không quay lại?" Cô vẫn yên lặng. Cháu an ủi. "Nga cứ xem như mình mua lầm đồ giả hoặc đã gặp một tai nạn. Nếu Nga cố quên thì tất cả sẽ thành dĩ vãng" Cô cúi mặt, thở dài "Nga cần anh giúp Nga một việc" "Anh giúp Nga việc gì? Nếu có thể, anh sẽ cố hết sức mình" Cô quay lại, nhìn thẳng vào mắt cháu. "Anh cưới Nga được không?" Cháu kinh ngạc. "Cưới Nga? Vì sao? Nga từng bảo anh. Chỉ có tình yêu mới chịu đựng nhau suốt đời trong cảnh vợ chồng. Anh không tin rằng Nga yêu anh. Nga nên suy nghĩ kỹ. Khi thất vọng mình thường làm những chuyện khờ dại. Ở xứ Mỹ nầy, yêu nhau, thậm chí cưới nhau rồi bỏ nhau là chuyện thường. Không ai dị nghị về chuyện tan vỡ của Nga đâu. Cưới hỏi, phiền phức lắm" "Mọi chuyện để Nga lo. Chỉ cưới giả vờ, như đóng kịch vậy thôi. Nga cần anh giúp, không phải cho Nga" "Nga cần cho ai mà bắt anh phải đóng kịch, giả vờ cưới Nga?" Cô nắm chặt tay cháu như sợ cháu đứng lên, bỏ đi "Con Nga. Nó cần một người cha. Nga có bầu hơn hai tháng rồi" Hai tai cháu nóng bừng, tim đập thình thịch. Cháu phải bấu chặt mép ghế để tự kềm chế "Trách nhiệm là ở anh chàng kia. Anh đâu có liên hệ gì trong đó. Nga báo cho anh ta biết, nếu không, cứ kiện ra tòa. Tối thiểu anh ta phải cấp dưỡng cho đứa bé" "Khi Nga báo cho anh ta biết là Nga có bầu, tuần sau anh ta lặng lẽ về công ty chính, không nói với Nga một lời" "Có bầu vài ba tháng thì phá thai dễ dàng. Để anh đưa Nga đi bác sĩ. Anh làm như chồng Nga, đồng ý phá thai" "Nga muốn giữ đứa bé" "Nga yêu anh ta đến độ đó sao?" Cô không trả lời mà nói tiếp "Nga không sợ người ta dị nghị, chỉ lo đứa bé sau nầy khi lớn lên sẽ biết mình không cha, mà nói sự thật thì nó sẽ đau khổ vì có cha là một người vô trách nhiệm, một tên lừa đảo, thiếu tư cách." Cháu muốn quát vào mặt cô ta nhưng kềm chế được, chỉ lầm bầm "Biết là tên lừa đảo mà vẫn muốn giữ cái thai lại? Nếu anh ta cũng có yêu Nga thì cũng nên làm chuyện đó. Đây thì ngược lại" Cô lớn tiếng "Làm sao Nga giải thích được với anh? Nga đã lý luận với chính mình mấy tháng nay rồi...Nhưng con Nga có tội tình gì?!" Rồi cô ôm mặt khóc nức nở "Anh ta vừa gửi cho Nga cái thiệp cưới. Anh ta cưới vợ" Tim cháu thắt lại. Nước mắt cháu tuôn trào. Cháu xoay người lại ôm chặt cô vào lòng, cháu khóc với cô "Nga thương yêu của anh. Có anh đây! Đừng buồn nữa. Anh sẽ cưới Nga. Sẽ làm bất cứ điều gì mà Nga cần" Giọng cô đẫm nước mắt "Nga chỉ có anh..."
          Tuần sau, chúng cháu gặp nhau. Cháu đồng ý sẽ làm đám cưới, đứa bé sinh ra sẽ đứng tên cháu là cha nó. Nhưng để tránh rắc rối về sau, cô ta phải viết cho cháu một bảng tự sự, kể hết mọi chuyện. Từ khi cô ta gặp anh chàng sở khanh đó cho đến khi đề nghị cháu làm đám cưới, để tên cháu là cha đứa bé. Cháu có hứa sau nầy, dù có ở đâu, thỉnh thoảng cũng sẽ ghé thăm đứa bé như cha thăm con. Chỉ một điều kiện duy nhất, cưới về, hai đứa sẽ ngủ riêng. Cô ta đồng ý ngay".
          Tôi cười hỏi "Thế hai người có thật sự ngủ riêng không?" "Mỗi đứa một phòng. Phòng cháu đặt một giường nhỏ, có computer và sách báo, giống như phòng làm việc. Hai đứa ở trên lầu, không ai trong gia đình nghi ngờ điều gì cả." "Thế trong việc đối xử nhau hàng ngày thì sao? Phải đóng kịch à?" "Chúng cháu vẫn giúp đỡ nhau, chuyện trò như một cặp vợ chồng bình thường." "Tôi thấy hai người đã đóng kịch được mấy tháng rồi, sao anh không cố thêm mấy tháng nữa cho cô ta sinh xong hãy đi? Có chuyện gì xảy ra chăng?" "Cách đây nửa tháng, nửa khuya, cháu trở mình thì thấy cô nằm ngủ bên cháu. Cháu làm như không biết, vẫn ngủ say. Chuyện xảy ra liên tiếp ba đêm, sau đó thì chấm dứt" "Anh nghĩ sao về chuyện đó? Có phải cô ta cảm động vì nghĩa cử của anh? Hay cô đã hết thương yêu anh chàng kia rồi?" "Cháu nghĩ đó như là cách trả công, đền ơn chứ không thể vì tình cảm. Suốt mấy tháng ở chung, cháu thấy tâm thần cô ta vẫn chưa ổn định, lòng cô ta vẫn chưa nguôi ngoai, nhưng cháu thì đã nguội hẳn rồi" "Tôi không tin như vậy. Có thể vì hành động đó của cô ta mà sự hờn giận trong anh lại bùng lên, khống chế, che lấp hết tình anh yêu cô ta. Nhưng sau đó, đâu lại vào đấy thôi. Khi anh thông cảm được với cô ta tất anh sẽ hiểu mình muốn gì." "Cháu thấy mình không dứt khoát, nên cháu mới hỏi ý kiến bác. Một điều nầy nữa, hôm qua, cháu nói với cô ta, dự định sẽ qua tiểu bang khác. Cô không nói gì, nhưng tối đó, khi cháu đi nằm thì cô lại qua phòng cháu ngồi lặng lẽ khóc. Nhìn cái bụng bầu của cô, cháu nghĩ đến đứa bé." "Tôi biết, như vậy là anh đã quyết định rồi, nhưng tôi cũng nói thêm. Người đàn bà sợ nhất là khi sinh mà không có chồng bên cạnh. Dù bao nhiêu người thân chung quanh, nhưng không có chồng, cô ta vẫn thấy bơ vơ, lo lắng. Càng bị lạnh lùng, thậm chí càng bị chửi mắng, cô ta càng biết rõ tình cảm của anh. Cô ta tin rằng, anh là người tín cẩn nhất, thương yêu nhất của cô ta. Anh còn hơn một người chồng nữa."
          Và anh ta không đi tiểu bang khác.
          Gần hai năm, chúng tôi vẫn gặp nhau, uống trà, trò chuyện. Không ai nhắc đến chuyện cũ. Đứa bé trai sinh ra đã biết đi và nói chuyện, ngọng nghịu rất dễ thương. Người cha (hờ) và đứa con, chiều chiều, ra bãi cỏ đùa nghịch, đuổi bắt nhau, bò lê, bò càng trên sân. Anh ta thường đặt thằng bé trên vai, đi nhong nhong, miệng phì phì như xe lửa chạy, thằng bé cười ngặt nghẽo. Đôi khi hai cha con qua nhà chúng tôi chơi đùa. Vợ tôi và con gái tôi rất thích cháu, thường nựng nịu, hôn hít, chọc ghẹo. Họ hỏi cháu "Con tên chi? Mẹ tên chi? Ba tên chi?" Khi nó trả lời, họ cười rộ lên "A! Thằng nầy xạo quá!"
          Thế rồi, một buổi sáng, trong khi uống trà, anh ta nói với tôi "Lần nầy cháu dứt khoát đi tiểu bang khác. Bấy lâu nay cháu nấn ná vì thằng bé dễ thương quá. Nhưng cháu cần một gia đình. Làm chồng hờ hoài cũng chán." Tôi cười "Vậy chứ đứa em của nó thì sao?" Anh ta ngạc nhiên nhưng rồi hiểu ngay "Không có chuyện đó đâu bác. Không là không. Bạn tình của cháu thiếu khối gì." "Hôm nào đi? Báo cho cô ta biết chưa?" "Cháu chờ khi cô ta đi làm là xách va li lên đường ngay" "Đi là quyền của anh, sao phải lén lút như vậy?" Anh ta bối rối "Cháu sợ cô ta khóc. Cô ấy khóc là cháu tối tăm mặt mũi. Không phải cháu đa cảm, hay dễ mủi lòng mà vì cháu không muốn cô ấy buồn. Thấy nước mắt cô ấy tuôn trào là lòng cháu nát tan. Lúc đó, cô ấy bảo gì cháu cũng làm cả!" "Vậy chứ khi anh ở tiểu bang khác, cô ta khóc trong điện thoại với anh thì sao?" "Cháu không biết. Cháu không gọi cô ta là xong."
          Có vẻ không xong.
          Tôi bảo anh ta "Tôi biết chắc, chính anh sẽ gọi cho cô ta trước. Chỉ cần nghe cô ta khóc là anh xách gói về với cô ta ngay. Đàn ông với nhau, tôi đã trải qua, tôi hiểu anh. Dù có đi đâu, anh cũng sẽ trở về với cô ta. Dù có chuyện gì xảy ra cho cô ta, anh cũng sẽ mãi mãi bên cạnh cô ta. Anh nên bao dung, tha thứ. Đừng giận dai. Thời gian đi xa sẽ giúp anh hiểu được cô ta và chiêm nghiệm về mình. Khi quay về, anh nên coi như mình đã cưới một cô gái xa lạ nào đó làm vợ. Anh không nhớ, không biết gì về một quãng đời mà chính cô ta cũng muốn quên."

           Phạm Thành Châu



.

27 tháng 6, 2017

Không cho thuê tiếp...

          Để có thể tìm hiểu được đầy đủ về nước Đức, có một nhà văn nổi tiếng nọ đã chuyển tới sống ở nước Đức và thể nghiệm cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của họ. Anh tìm thuê một căn phòng của hai cụ già ở Đức. Đây là hai cụ già rất hòa ái dễ gần. Căn phòng anh thuê là một căn phòng ở tầng năm. Khi vừa tới xem anh cảm thấy đây là một căn phòng rất tốt và hợp với mình, liền muốn ký hợp đồng thuê lâu dài.


          Nhưng rất ngạc nhiên hai cụ già lại từ chối anh, cụ ông nói: “Không được đâu chàng thanh niên à. Anh chưa tới đây ở chính thức, chúng tôi cũng chưa biết anh tốt hay xấu. Do vậy chúng ta nên ký hợp đồng thử thuê nhà để có thời gian trải nghiệm. Khi đã có tiếp xúc trải nghiệm rồi, chúng ta hãy quyết định có nên thuê lâu dài hay không“.
          Nhà văn nọ nghe xong cảm thấy hợp lý, liền đồng ý ký hợp đồng thuê thử 5 ngày với gia đình cụ già. Căn phòng anh ở rất ấm áp thoải mái, hai cụ già cũng rất tin tưởng anh, chưa bao giờ kiểm tra đồ đạc có bị mất hay không. Không những vậy, anh cũng không bao giờ phải mang rác xuống tầng dưới, chỉ cần để ngoài cửa sẽ có người đến thu dọn vào giờ quy định. Hành lang và mọi thứ đều rất sạch sẽ, không có một chút bụi.
          Đến ngày thứ năm khi nhà văn mong muốn có thể ký hợp đồng lâu dài với hai cụ già thì bỗng phát sinh một chuyện ngoài ý muốn. Khi uống nước vì không cẩn thận, anh làm vỡ một cái cốc thủy tinh của chủ nhà. Anh rất lo lắng cho rằng đây là một cái cốc đắt tiền, có thể chì vì điều này mà chủ nhà sẽ không cho anh tiếp tục thuê nữa.
          Tuy nhiên khi nhà văn gọi điện thoại báo tình hình cho hai cụ già, lại một lần nữa hai cụ làm anh ngạc nhiên. Cụ bà nói với anh: “Không sao đâu, anh không cố ý làm vỡ nó mà. Cái cốc đó cũng bình thường không đắt lắm, tôi sẽ lấy cho anh một cái khác nhé“. Nhà văn vui mừng, nói với hai cụ già là anh hy vọng có thể được ký hợp đồng thuê nhà lâu dài. Hai cụ đồng ý rồi tắt máy. Sợ cụ già tới thấy anh ăn ở lộn xộn, anh liền nhanh chóng quét dọn phòng, thu gom lại những mảnh thủy tinh vỡ đổ gọn vào túi rác và bỏ ra ngoài cửa.
          Khi hai cụ già vào tới phòng của nhà văn, chưa đợi anh mở miệng cụ bà liền hỏi: “Những mảnh thủy tinh bị vỡ kia cậu để nó ở đâu rồi?”. Nhà văn nhanh nhảu trả lời: “Dạ, cháu quét dọn và cho vào túi rác để bên ngoài rồi ạ”. Cụ già vội vàng chạy ra ngoài, mở túi rác ra xem, rồi chạy vào nhà nói với nhà văn: “Ngày mai cậu có thể dọn đi, chúng tôi không thể cho cậu thuê nhà tiếp nữa”.
          Nhà văn giật mình, trong đầu đầy nghi hoặc, không hiểu tại sao hai cụ lại thay đổi thái độ nhanh đến vậy, vừa nãy còn đồng ý vui vẻ giờ lại đột ngột thay đổi. Anh hỏi một cách nghi ngờ xen lẫn chút khó hiểu: “Dạ thưa cụ, có phải con làm vỡ cốc của cụ nên làm cụ không vui phải không ạ?”.
          Ông cụ lắc đầu và trả lời: “Không phải đâu con trai, vì qua sự việc đó chứng minh trong lòng cậu không biết suy nghĩ cho người khác”. Trong khi chàng trai đứng ngơ người như bị dội một gáo nước lạnh vào mặt, thì cụ bà mang một cái bút, một cái chổi, một túi rác và một cái kẹp từ đâu bước vào. Bà cẩn thận đeo bao tay và ngồi xuống đổ hết túi rác ra và phân loại các loại rác lại từ đầu.
          Cụ bà ngồi phân loại rất cẩn thận, tỉ mỉ từng chút từng, chút nhặt hết các mảnh thủy tinh cho vào riêng một túi rác, buộc chặt và viết ra bên ngoài “Có mảnh thủy tinh trong túi, nguy hiểm”, sau đó bỏ các loại rác khác vào một cái túi khác, và viết ra bên ngoài “Rác an toàn”. Nhà văn im lặng đứng bên cạnh chứng kiến từ đầu tới cuối công việc bà cụ làm, ngoài hai từ thán phục anh không biết nói thêm lời nào. Nhiều năm sau đó mỗi khi nhắc tới việc này, nhà văn đều cảm thấy ngại ngùng và lấy đó làm bài học nhắc nhở mình trong mọi việc
          Tuy chỉ là một câu chuyện rất nhỏ nhưng chúng ta cũng đã thấy rõ một nét văn hóa độc đáo trong cách sinh hoạt của người Đức. Thái độ suy nghĩ cho người khác này được người Đức giáo dục cho con trẻ từ khi chúng còn nhỏ, lâu ngày trở thành một thói nếp quen thuộc. Người Đức cũng rất tôn trọng sinh mệnh. Khi gặp các loại xe đặc biệt (ví dụ xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe có rú còi của cảnh sát..) xe của người dân đều tự động đi sát vào lề nhường đường cho xe kia.
          Một xã hội thịnh vượng và phát triển là xã hội mà con người không tự coi mình là trung tâm, làm bất cứ việc gì cũng luôn suy nghĩ cho chính mình. Nếu một người quá ích kỷ, làm việc gì cũng chỉ muốn mình có lợi, chỉ mong mình được thoải mái, vì lợi ích của bản thân mà tranh mà đấu thì sẽ sinh ra nhiều tranh chấp và ân oán trong xã hội. Suy nghĩ cho người khác, vừa có thể giảm thiểu những tranh chấp, cũng có thể chăm sóc người khác và mang lại may mắn bảo vệ chính bản thân mình.

          Sưu tâm



.

26 tháng 6, 2017

Cả đời bạn luôn gặp chuyện không vừa ý chính vì thiếu 3 điều này

          Trên đời có rất nhiều chuyện mới nhìn quả thực không vừa ý chút nào. Tại sao chúng ta luôn phải đối mặt với biết bao nhiêu điều không thuận mắt như thế? Câu trả lời thực ra khá đơn giản. 
          Mỗi người một cách sống, cách nghĩ. Bạn thực ra chỉ cần sống tốt cuộc đời của mình là đủ, những chuyện khác chớ nên quan tâm quá nhiều. Tục ngữ có câu: “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, mỗi người là một bông pháo hoa mang một màu sắc, ảnh hình khác nhau.
          Đừng bao giờ bận tâm xem người khác sống thế nào hay mình trong mắt họ ra sao. Nếu chỉ hướng tầm mắt mình ra bên ngoài, bạn sẽ chỉ thấy những nỗi muộn phiền, chuyện ganh đua hơn thiệt, mình chẳng bằng người, cuộc đời sao khốn khó làm vậy.
          Sở dĩ người ta thường xuyên gặp chuyện không vừa ý, không thuận mắt là bởi:


1. Không đủ tu dưỡng
          Tô Đông Pha là một thi nhân nổi tiếng thời Tống, được hậu thế xưng tụng là “Đường Tống bát đại gia” (8 đại gia văn học lớn thời Đường Tống). Ông có tài nhưng đôi khi cũng khá kiêu ngạo. Một hôm, Tô Đông Pha lên chùa, ngồi thiền cùng một lão tăng.
          Một lúc sau, ông mở mắt ra hỏi: “Ngài thấy dáng ngồi thiền của tôi ra sao?“.
Lão tăng nhìn khắp một lượt rồi gật đầu khen ngợi: “Trông giống như một vị Phật vậy, cao quý và trang nghiêm“. Tô Đông Pha nghe thấy rất cao hứng.
          Lão tăng lại hỏi: “Thế ngài nhìn tôi ngồi ra sao?“.
          Vốn thích hay trêu chọc người khác, Tô Đông Pha nghĩ ngợi một lát rồi đáp:           “Tôi nhìn thấy ngài quả giống như một đống phân bò“.
          Lão tăng nghe xong ngửa mặt lên trời cười, cũng không phản bác lại gì. Về nhà Tô Đông Pha hào hứng đem câu chuyện kia kể lại với em gái Tô Tiểu Muội của mình. Không ngờ nghe xong, Tô Tiểu Muội phá lên cười, cho rằng anh trai mình thật ngốc nghếch.
          Đông Pha không hiểu chuyện, liền gặng hỏi. Tô Tiểu Muội đáp: “Lão tăng ấy có tâm Phật nên mới nhìn huynh giống như Phật. Còn trong tâm huynh lại có đầy phân bò, rác bẩn nên mới nói lão tăng như vậy đó!“.
          Đây chẳng phải chính là câu chuyện về cảnh giới tu dưỡng tâm hồn hay sao? Người đức cao vọng trọng thì trong tâm chứa đầy thiện tâm, từ câu nói, ánh nhìn đều toát ra vẻ thuần thiện, mỹ hảo, nhìn người khác đều bằng một lòng từ bi, hoà ái, trông thấy ai cũng giống như Phật, đều nhìn ra vẻ thánh thiện của người ta.
          Còn người tu dưỡng không đủ, cảnh giới tinh thần thấp thì trong tâm chứa đầy rác của lòng đố kỵ, tâm oán ghét, thói tự phụ, sự khoe khoang, một khi nhìn người khác thì chỉ thấy cái xấu xa, thấp hèn, đáng phê phán, nhìn bằng một tâm đố kỵ dâng đầy.
          Tâm thái của bạn như thế nào sẽ quyết định cách bạn đối nhân xử thế ra sao. Chỉ trích người khác, soi mói cuộc sống của người xung quanh kỳ thực thường là do sự tu dưỡng của bản thân không đủ.
          Sở dĩ gặp quá nhiều điều không thuận mắt không phải là vì người ta bị ghét bỏ, mà chính bởi thái độ đối nhân xử thế của họ có vấn đề.


2. Không đủ tầm nhìn 
          Con ếch suốt đời chỉ ngồi đáy giếng, khoảng trời của nó chỉ nhỏ con con đúng bằng miệng giếng. Bảo nó rằng vũ trụ này bao la ra sao, có biết bao tinh tú thế nào, nó thực chẳng tin, còn cho là người ta nói chuyện viển vông, nhăng cuội.
Thấy người khác không thuận mắt kỳ thực chính là bản thân mình đang sống như ếch ngồi đáy giếng. Vì hiểu biết và tầm nhìn của cá nhân bị giới hạn nên tư duy cũng nhỏ hẹp, không thoát khỏi lớp vỏ do chính mình tạo ra.
          Những người này hàng ngày chỉ thích quan sát cuộc sống của người khác, bình phẩm này nọ, bàn ra tán vào. Họ dùng tiêu chuẩn của cá nhân, quan điểm của bản thân mà đánh giá người khác. Kỳ thực làm sao mà đánh giá được đây?
          Rất nhiều người bản thân đã không biết cố gắng, lại mang lòng ghét bỏ, oán hận khi thấy người khác quá nỗ lực, chế giễu người khác là kẻ ngốc chỉ biết vùi đầu làm việc, không hiểu cách hưởng thụ cuộc sống.
          Lại có người cả cuộc đời ngồi rỗi, ăn không mà cứ thấy gai mắt khi nhìn thấy người khác dốc sức phấn đấu. Bản thân không đạt được còn muốn ngăn trở người khác giành lấy.
          Rất nhiều chuyện không thuận mắt, kỳ thực xét tới tận cùng vẫn là vì cảnh giới nhận thức của bản thân còn thấp, kiến giải chưa nhiều.


3. Không đủ bao dung 
          Khi không đủ thiện tâm, bao dung, người ta nhìn gì cũng chẳng thấy vui. Chính là “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Nguyễn Du), cũng lại là “Tướng tuỳ tâm sinh, cảnh tuỳ tâm chuyển” (Tướng mạo do tâm mà sinh ra, cảnh vật do lòng người mà thay đổi).
          Nhìn một người không thuận mắt, thì người thấy khó chịu lại chính là bản thân mình. Không bao dung cho người hoá ra chính là không thể từ bi với bản thân, không cho bản thân một lối thoát.
          Mỗi người có một cuộc đời, số phận đã được định mệnh an bài sẵn. Tiền tài, danh vọng, quyền lực… không phải do tranh giành mà có được, nếu có được cũng chẳng lâu bền. Phúc phận của người ta được quyết định bởi cách sống và thái độ ứng xử trên đời. Sống tốt thì có phúc báo, bao dung, lấy thiện đãi người thì ắt được thanh thản, thoải mái.
          Không vừa mắt với người khác chính là do thấy họ khác mình quá xa, có thể hơn, có thể kém mình. Nhưng kỳ thực, mỗi người sinh ra đều có một cuộc đời khác biệt nhau từ đầu. Mọi sự khác biệt đều có thể bao dung, đều có thể dùng lòng từ bi mà dung chứa, đó mới là cảnh giới cao nhất của đạo làm người.
          Vậy nên, đừng quá bận tâm người khác sống ra sao
Bạn có cuộc sống của bạn, tôi có truy cầu của tôi, mỗi người đều là những bông pháo hoa khác nhau. 
          Con người có cả trăm kiểu, mỗi người lại có một cảnh giới cao thấp khác nhau. Người có tầng thứ cao thường chỉ chú tâm tới cuộc sống của mình, không đố kỵ và ghét bỏ người khác, lại luôn âm thầm nỗ lực, tu sửa bản thân. 
          Còn người ở tầng thứ thấp mới bỏ mặc đời mình, quá chú tâm tới cách sống của người khác. Họ nhìn người khác không thuận mắt, thấy toàn chuyện trái tai gai mắt, cuộc sống ngột ngạt biết bao. Họ đã đánh mất đi hoàn toàn cái ngây thơ, hồn hậu thuở ban đầu của mình với cuộc sống này. 
          Và bạn hãy nhớ:

          “Không bình phẩm người khác là một loại tu dưỡng nhưng không để ý đến những bình phẩm của người khác lại là một loại tu hành.”


.

25 tháng 6, 2017

Mua vẹt



          Một người đàn ông đi tới một hàng bán những con vật cảnh để mua một con vẹt. Chủ hàng chỉ ba con vẹt giống hệt nhau trong một cái lồng và nói:
           - “Con vẹt bên trái giá 500 đô la.”
           - “Sao con vẹt lại có giá đắt vậy?” khách hỏi.
          Người chủ đáp:
           - “À, nó biết cách sử dụng máy vi tính.”
          Người khách hỏi về con vẹt tiếp theo và được bảo:
           - “Con vẹt đó giá 1000 đô la vì nó có thể làm mọi việc những con vẹt khác biết làm, thêm vào nó có thể dùng hệ điều hành UNIX.”
          Tất nhiên, người đàn ông càng lúc càng kinh ngạc hỏi về con vẹt thứ ba và được cho biết:
           - “Con đó giá 2.000 đô la.”
          Không cần phải nói gì anh ta hỏi luôn:
          - “Cậu IT này có thể làm gì?” ( IT ở đây vừa có nghĩa là nó, vừa có nghĩa là một người làm công nghệ thông tin)
          Đối với câu hỏi đó, ông bán hàng đáp:
           - “Nói thật tôi chưa thấy nó làm gì nhưng hai con kia gọi nó là ông chủ!”



.

24 tháng 6, 2017

10 bí quyết để có nội tâm mạnh mẽ, sống cuộc đời hạnh phúc

          Trong cuộc đời của mỗi người, ít ai không gặp chuyện phiền não. Có người vì không muốn mất mặt mà không thể buông bỏ thể diện, có người vì bị đối xử bất công mà sinh ra oán giận khiến tâm, thân mệt mỏi.v.v. Để hạnh phúc vui vẻ, chỉ cần học cách buông bỏ 10 điều này.


1. Buông bỏ thể diện
          Thể diện là một cái lồng mà khi bạn nhốt mình trong đó bạn sẽ cảm thấy ngột ngạt. Cái tôi không nên quá cao, chấp trước vào thể diện bản thân khiến bạn cả đời căng thẳng. Sống thật với mình, không đẹp một chút cũng đã sao, sai lầm một chút thì cũng đâu có vấn đề gì. Quan trọng là có thể bước tiếp và học hỏi từ những vấp ngã, thay vì chỉ cố gắng trong tuyệt vọng để giữ hình ảnh hoàn hảo.

2. Buông bỏ áp lực
          Mệt mỏi hay không là do cách nhìn nhận của mỗi người. Đừng tự tạo cho mình áp lực, hãy tìm thấy điểm tốt trong những việc không thuận lòng. Giải quyết mọi việc một các rõ ràng, mới có thể cắt đứt mọi phiền não. Vứt bỏ mọi thống khổ trong lòng mới có không gian để đón nhận hạnh phúc.

3. Buông bỏ quá khứ
          Quên đi quá khứ thì bạn mới có thể thay đổi tâm trí, tâm trạng để sống tiếp những ngày hạnh phúc. Học cách bình tĩnh chấp nhận thực tế và nói với chính mình rằng hãy tùy kỳ tự nhiên, hãy thản nhiên đón nhận những điều không may mắn, học cách tìm hiểu quan điểm tích cực và luôn nghĩ về mặt tốt của cuộc sống.

4. Buông bỏ mặc cảm
          Hãy xóa từ mặc cảm khỏi từ điển của bạn. Không phải ai cũng có thể trở thành một con người hoàn hảo. Nhưng bất kỳ ai cũng có thể là một người có nội tâm mạnh mẽ. Tin vào bản thân và xác định vị trí của chính mình. Bạn cũng xứng đáng có một cuộc sống có giá trị như những người khác.

5. Buông bỏ sự lười biếng
          Cố gắng để bản thân sống ý nghĩa hơn, nỗ lực để làm tốt tất cả mọi việc, kể cả là một việc nhỏ nhặt nhất. Tự nhắc nhở bản thân phải là một người chăm chỉ, khiêm tốn, vui vẻ, hạnh phúc và lương thiện, như vậy mới hy vọng có được cuộc sống xán lạn hơn.


6. Buông bỏ tiêu cực
          Tuyệt vọng sang bên trái, hy vọng sang bên phải. Nếu bạn muốn trở thành một người thành công, thì nên hướng về bên phải. Hãy để tích cực đánh bại tiêu cực, lấy cao thượng đánh bại sự nhỏ mọn, lấy chân thành đánh bại dối trá, lấy khoan dung đánh bại hẹp hòi, lấy vui vẻ đánh bại u buồn, lấy chăm chỉ đánh bại lười biếng, lấy kiên cường đánh bại yếu đuối, lấy vĩ đại đánh bại hèn mọn. Miễn là bạn cố gắng thì đều có thể biến bản thân thành một người hoàn hảo. Không ai có thể làm ảnh hưởng đến cuộc đời bạn trừ bản thân bạn. Trong cuộc chiến với bản thân, bạn sẽ phải tự mình quyết định rút ra chiến lược chiếu tướng như thế nào.

7. Buông bỏ oán hận
          Oán hận không bằng nỗ lực, thất bại chính là sự chuẩn bị cho thành công. Oán hận chính là sự cản trở trên con đường tiến đến thành công, buông bỏ oán hận, thản nhiên tiếp nhận thất bại. Bất bình không cũng không thể thay đổi được thực tế, phấn đấu mới mang đến hy vọng. Dù là vàng thật thì cũng dần dần bị ôxy hóa, vì thế chỉ cần trong tâm nghĩ đến những điều tốt đẹp thì cuộc sống mới có thể vui vẻ. Đừng nghĩ tiêu cực về cuộc sống, đừng bao giờ nghĩ cuộc đời đối với bạn thật bất công. Kỳ thực ông trời rất công bằng, không cho không và lấy không của ai thứ gì.

8. Buông bỏ ngại ngần
          Đã lập rõ kế hoạch thì không nên do dự. Đã chọn được phương hướng và con đường đúng đắn thì không cần phải quay đầu lại nhìn. Lập tức hành động là phương châm của của những người thành công. Nếu bạn có một kế hoạch nào cảm thấy có thể thực hiện, vậy thì hãy nhanh chóng nắm lấy cơ hội. Lập tức hành động, thành công không có giới hạn.

9. Buông bỏ sự nhỏ mọn
          Trái tim rộng mở thì đất trời cũng trở nên thênh thang. Khoan dung người khác trên thực tế chính là mở ra cho bản thân một con đường. Chỉ có khoan dung mới có thể tạo nên những bản nhạc tuyệt vời cho cuộc sống, nó cũng chính là một loại mỹ đức.

10. Buông bỏ nghi ngờ
          Trong tâm có nghi ngờ, thì làm việc gì cũng khó. Dùng người thì không nên hoài nghi, hoài nghi thì không nên dùng. Nên nhận định rõ ràng quan điểm của người khác, không nên nghi ngờ đoán già đoán non, nếu không sẽ ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai người.



.

23 tháng 6, 2017

MƯA THẢO CẦM



          khói mây mây khói khói mây
          một bông sứ trắng cuối ngày lãng du…

          Những ngày thong thả mùa đông thay vì cuộn mình trong chăn, tôi thích ra đường thả mình cho ngọn bấc tha hồ cuốn đi. Những đứa bạn cũng thế. Đứa từ Vĩ Dạ qua, đứa từ Bến Ngự hay Tây Lộc tới. Điểm hẹn thường là quán cà phê Mệ Tôn trước Đại Nội, quán chị Lợi sau lưng thư viện đại học, hoặc quán chị em cô Thanh Thanh đối diện bưu điện. Có khi đông vui chuyện trò rôm rả. Có lúc chờ mãi chẳng thấy mống nào. Một mình ngồi ngắm mưa bay chán lại đi, đi. Riêng buổi sáng Chủ Nhật hôm ấy tôi không sốt ruột chờ những thằng bạn văn nghệ mà chờ Thảo Cầm.


          Từ xe buýt bước xuống, em mỏng manh trong chiếc áo mưa màu vàng mũ trùm kín đầu chầm chậm, khe khẽ bước như ngại làm đau gạch lát hè đường. Tôi bụng lỏng bỏng cà phê, môi nghi ngút khói thuốc, và hai đứa sóng vai nhau đi vào Đại Nội.
          – Răng đến trễ rứa?
          – Biết anh nóng lòng nhưng… xôi ế, hơn chín giờ mới hết, mạ mới cho đi. Ngồi chờ, có chụp bắt được tứ thơ hay lạ mô không?
          – Dĩ nhiên là…
          – Đọc đi!
          Hồi đó, tôi “thống lĩnh” cả một thi văn đoàn gồm tới… bốn thành viên, làm thơ dễ như bỡn chứ không khó khăn như bây giờ, liền hắng giọng:
          – Mưa làm ấm lòng người ta. Riêng anh quay quắt như là mưa điên.
          – Răng mưa lại điên? Siêu thực vừa thôi.
          – Ước chi có một nàng tiên. Giúp em xôi hết đến liền ngay đây.
          – Xạo, mới ứng khẩu hả? Nghe hay in… vè!
          Sực nhớ hôm tình cờ gặp ở quán sách Ưng Hạ em hít hà nhăn mặt than đau răng, tôi không thể để lỡ cơ hội hỏi thăm sức khỏe:
          – Có còn bị cái răng quỷ sứ hành hạ không?
          – Chờ anh vấn an thì hắn đã tiêu diêu.
          Sân rồng vắng hoe. Những cội sứ đội mâm hoa trắng cúi mình trầm tư trên mặt hồ trước Điện Thái Hòa. Vua chúa xa giá lọng tàn ngày xưa khuất sau cánh cửa nghìn thu khép lại đã đành, cả thế giới hình như cũng rủ nhau chơi trò cút bắt đâu đó, để chốn này dành riêng hai đứa. Như thường lệ, chúng tôi lên lầu Ngũ Phụng. Em ngồi cách tôi ba gang tay, ngước trông ra dòng Hương lặng lờ vài mái thuyền bồng. Cái răng đau ngỡ rơi lại dưới chân lầu, hóa ra em vẫn mang theo.
          – Phải bỏ một cái răng em tiếc đến đứt mười sợi tóc. Mạ phán răng dù hư, nhổ xong phải cất kỹ, hơ hỏng chuột tha lên tận cung trăng suốt đời sẽ ngơ ngơ ngáo ngáo, hễ ra đường là ngước mặt trông tìm trăng, bị xe tông chết không kịp trối.
          – Ôi, mê tín dị đoan. Em tin ư?
          – Không tin mạ thì tin ai? – Vừa nói Thảo Cầm vừa mở khăn tay cầm chiếc răng trắng hếu bỏ vào tay tôi – Tặng anh, quý lắm đó. Nhớ giữ gìn cẩn thận kẻo chuột tha lên trời em hóa khùng hóa dại thì tội lắm!
          Quý? Mặt tôi lúc ấy hẳn ngớ ra nom thộn đáo để. Em mỉm cười:
          – Chàng ngốc nì, người ta nói “Cái răng cái tóc là góc con người”. Em tặng anh một góc người em đó, hiểu chưa?
          Gió thốc từ lòng ra hay từ sông Hương lên khiến tôi chợt rùng mình nghe lạnh? Em nghiêm trang hệt nữ tu trong giờ cầu kinh, khác xa cô bé thuở nào mới gặp. Ngày ấy, nắng sớm mai vừa xuyên qua màn sương bít bùng cuối hạ đầu thu, bước xuống xe lam bên này Đập Đá, cậu bé nhà quê ôm khư khư bọc quần áo sách vở trước bụng, đang ngơ ngác trông ngược xuôi phố phường, giật mình nghe cô bé ở hàng xôi trước hàng hiên ngôi nhà đầu ngõ xóm rợp mướt chuối xanh vui vẻ cất tiếng:
          – Ê, vô ăn xôi đi, răng đứng xớ rớ mãi rứa?
          – Có phải đây là xóm Chuối có nhà bác Sản thợ may ở phía trong, gần bờ sông không? – Tôi e dè hỏi, bước vào, ké né ngồi xuống chiếc ghế đẩu thấp. Ngó bộ dáng nhà quê rặt của khách lạ hẳn buồn cười, em bật cười thành tiếng:
          – Phải rồi, anh từ mô lên?
          – Làng Chuồn, lẽ ra mạ tui dẫn đi nhưng bận công chuyện nên gởi đại cho ông xe lam, mừng quá, rứa là đúng chỗ rồi.
          – Lên chơi hay…
          – Ở trọ, đi học! – Hình như mặt tôi hơi vênh lên – Vừa thi đậu vô lớp đệ thất (lớp 6) trường Nguyễn Tri Phương.
          – Rứa à? Tui, à em cũng vô trường Đồng Khánh. Răng ngụy ri hè? Hai đứa cùng…


          Tới lúc ấy Thảo Cầm mới bẽn lẽn cúi mặt, tôi mới thấy đôi bím tóc và cặp mắt người ta ngộ nghĩnh y như búp bê. Sau này nhắc lại cái phút ban đầu ngơ ngác ấy, tôi nói dóc là dĩa xôi đậu xanh rắc muối mè thơm lựng ngon nhất đời bữa đó lần đầu tiên được ăn. Cho rằng lũ con trai sống xa nhà vụng về, thiếu thốn đủ mọi thứ, em luôn bao dung như người chị. Sẵn sàng giặt giùm quần áo. Mùa thi lục cá nguyệt, cánh cửa sổ bên bàn học thỉnh thoảng được khẽ khàng mở ra giữa khuya, tuồn vào trái bắp nướng phết mỡ hành thơm phứt, hoặc đôi trứng vịt lộn. Sáng sớm “thằng nhỏ” ngang qua nhà bật vài tiếng ho khan, trưa về cô bạn chận lại đặt vào tay chai dầu Nhị Thiên Đường, vài viên thuốc cảm vân vân. Ngày tháng qua mau, chúng tôi dần lớn. Sau lắm lần thay đổi chỗ trọ, rời Nguyễn Tri Phương chuyển sang Quốc Học học tiếp đệ nhị cấp, tôi vẫn không quên cô bạn hàng xóm cũ. Tình bạn kể như thâm giao, đậm màu anh em hơn là trai gái, không đưa đón trước cổng trường, không cả thư từ trao tay giống như bao đôi cặp khác. Sáng nay có ngọn gió lạ nào khiến em bỗng “chuyển mùa” chăng? Chiếc răng nho nhỏ nhưng mang cả ý nghĩa “trọng đại” làm thằng tôi bất ngờ nên hơi… khớp.
          – Tặng răng, mai mốt đừng có tặng thêm tóc nữa nghe! – Tôi nửa đùa nửa thật.
          Em xụ mặt:
          – Răng rứa?
          – Thêm một góc nữa ai mang nổi?
          – Xí, đừng có ham! – Nguýt dài, khoảng cách nới ra thêm hai gang tay, Thảo Cầm mát mẻ: – Tụi bạn em nói típ người mê văn chương chữ nghĩa như anh là chúa mơ mộng, lãng mạn, tim có tới trăm ngăn lận, phải không?
          – Tim dân dã chỉ có tâm thất phải và trái, tim dòng dõi Tôn Thất như em mới nhiều ngăn. Nhớ coi, có ông vua mô chỉ một vợ?
          – Anh ngốc thật hay giả ngốc?
          Xoáy vào tinh mũi tôi khóe nhìn não nùng chưa từng thấy, đoạn Thảo Cầm rảo bước xuống sân rồng, giấu mình sau cội sứ. Mưa mênh mang bốn phía như nghìn triệu năm đã mưa, vẫn âm điệu trầm buồn sao bấy giờ tôi tưởng chừng nghe cả tiếng rạn vỡ mơ hồ trong không gian. Tiếng gọi giục giã những lẻ loi cất cánh tìm đến nhau? Lặng người một lúc, tôi cất mình hệt chiếc lá bay vào lưới mưa. Và, trong chiếc lưới điệp trùng ấy bốn bàn tay đã nắm lấy nhau. Năn nỉ mãi em mới không đòi lại món “quà quí” mà em đã tặng, rồi lúc bất ngờ nhất em bỗng ngửa mặt dịu dàng nhắm mắt lại, cho tôi được uống những hạt mưa trên môi em tinh khiết, ngát hương thời trẻ dại.
          Những cuộc hẹn như thế ngỡ sẽ mùa tiếp mùa đâm chồi nẩy lộc cho chúng tôi thêm những ngày vui. Nhưng rồi thời học trò chưa qua, Thảo Cầm đã bước ra khỏi mặt đất này hệt ngôi sao nhỏ nhoi băng mất tăm trong bầu trời rộng.


          Xóm Chuối nay đã bị xóa hẳn, chìm khuất dưới nền khách sạn Hương Giang đồ sộ. Chiếc răng sâu của em con chuột thời gian đã tha lên tận cung trăng, hay rơi lọt qua kẽ đời mất hút từ bao giờ không hay, sau nhiều lần thay đổi nơi cư trú của tôi. Hễ thoáng nhớ, tôi lại trách mình là đứa vô tâm, nỡ để thất lạc chút kỷ vật đối với em rất là hệ trọng và thiêng liêng ấy. Gã trai trẻ ngày xưa rời Huế, phiêu bạt lắm phố nhiều sông, thỉnh thoảng quay về, ngang qua trước đường Đồng Khánh – nơi một tai nạn xe cộ đã cướp mất em vào giờ tan học – chưa nguôi ngậm ngùi, đôi khi tưởng chừng thấy bạn hư ảo hiện ra sau một gốc cây hay ngõ phố khuất khúc nào. Có chiều mưa bụi hắn lại quay lại chỗ ngồi trên lầu Ngũ Phụng, bâng khuâng nhìn bông sứ rụng trắng mặt hồ, bắt gặp mình lẩm nhẩm những điều hết sức vô nghĩa. Những điều may ra chỉ có mưa mới hiểu, còn cả thời gian chung quanh cơ hồ chơi trò cút bắt đâu ai thèm nghe!
          Đã và sẽ còn có những ngày mưa không tên bay qua trong đời. Riêng cơn mưa khó quên hôm ấy – lần cuối cùng tôi lại gặp em – ở Đại Nội, mỗi lúc chợt nhớ tôi gọi nó bằng cái tên: Mưa Thảo Cầm.

          MƯỜNG MÁN



.

21 tháng 6, 2017

Người giàu bắt người nghèo trả tiền cà phê – Một bài học giàu nghèo thấm thía



          Uống cà phê với người bạn cùng thời phổ thông. Bạn mình bảo tao luôn theo dõi mỗi bước đi của mày, nhiều khi muốn gặp mày làm vài chai nhưng tao hơi ngại và hơi tự ti.
          Ngày xưa đi học mày học tệ hơn tao. Vây mà giờ tao với mày cách xa nhau quá. Đời cũng bất công thật. Tao học đại học chính quy ra giờ… Mày thì chả học hành gì, giờ mới đi học quản trị kinh doanh tại chức mà lại thành đạt thế. Đúng là mỗi người có một cái số.
          Tôi nói với ông nhé:
          – Thứ nhất: Đừng bao giờ cảm thấy tuyệt vọng hay hụt hẫng trước sự hào hoa, xán lạn của người khác… Vì mỗi người, đều có một giá trị, và giá trị đó không ai có thể sánh bằng, huống chi chúng ta là bạn bè.
          – Thứ hai: Ông và rất nhiều người mắc một sai lầm rất lớn đó là luôn nghĩ: “Người này, người kia chả học hành gì mà vẫn thành công”. Tôi chưa thấy trên đời này có một ai thành công dù là một chút mà không học cả, trái lại họ còn học rất rất nhiều. Nếu ông nói “họ chả có bằng cấp nào mà vẫn thành công thì tôi còn tạm đồng ý”.
          Để tôi nói cho ông nghe một sự thật. 8 năm qua số sách mà tôi đọc gấp 100 lần những cuốn sách mà ông biết. Số tiền mà học phí mà tôi trả nhiều gấp 100 lần số tiền mà ông trả để có được tấm bằng Đại học. Và hơn hết những khó khăn, những áp lực tôi vượt qua nhiều hơn 1.000 lần những gì mà ông đã trải qua. Ông có biết một năm sau ngày ra trường nhiều lúc bạn bè gọi đi cà phê, hát karaoke tôi luôn từ chối không. Không phải tôi không thích đâu, mà là những khi đó tôi phải xoay sở, vật lộn với công việc để kiếm từng đồng trang trải cuộc sống. Tôi đoán ông chưa trải qua cảm giác ba tháng liền ăn mỳ tôm, dắt xe đi bộ 20 km trong đêm vì không có tiền đổ xăng đúng không.
          Tôi chia sẻ những điều này với ông để ông hiểu rằng cuộc đời mỗi người do chính người đó quyết định. Cuộc sống của tôi ngày hôm nay là kết quả của những gì tôi đã lựa chọn, suy nghĩ, hành động trong suốt 8 năm qua. Và cuộc sống của ông 8 năm sau sẽ là kết quả của những gì ông lựa chọn suy nghĩ, hành động bắt đầu từ ngày hôm nay. Cho dù tôi hay ông có là ai đi chăng nữa chúng ta mãi là những người bạn. Tôi không thể giúp ông về tiền bạc nhưng tôi có thể giúp ông định hướng, tôi không cho ông sự cam kết nhưng tôi sẽ cho ông niềm tin. Vậy nhé. Tiền cà phê hôm nay ông trả nhé!



.