27 tháng 6, 2017

Không cho thuê tiếp...

          Để có thể tìm hiểu được đầy đủ về nước Đức, có một nhà văn nổi tiếng nọ đã chuyển tới sống ở nước Đức và thể nghiệm cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của họ. Anh tìm thuê một căn phòng của hai cụ già ở Đức. Đây là hai cụ già rất hòa ái dễ gần. Căn phòng anh thuê là một căn phòng ở tầng năm. Khi vừa tới xem anh cảm thấy đây là một căn phòng rất tốt và hợp với mình, liền muốn ký hợp đồng thuê lâu dài.


          Nhưng rất ngạc nhiên hai cụ già lại từ chối anh, cụ ông nói: “Không được đâu chàng thanh niên à. Anh chưa tới đây ở chính thức, chúng tôi cũng chưa biết anh tốt hay xấu. Do vậy chúng ta nên ký hợp đồng thử thuê nhà để có thời gian trải nghiệm. Khi đã có tiếp xúc trải nghiệm rồi, chúng ta hãy quyết định có nên thuê lâu dài hay không“.
          Nhà văn nọ nghe xong cảm thấy hợp lý, liền đồng ý ký hợp đồng thuê thử 5 ngày với gia đình cụ già. Căn phòng anh ở rất ấm áp thoải mái, hai cụ già cũng rất tin tưởng anh, chưa bao giờ kiểm tra đồ đạc có bị mất hay không. Không những vậy, anh cũng không bao giờ phải mang rác xuống tầng dưới, chỉ cần để ngoài cửa sẽ có người đến thu dọn vào giờ quy định. Hành lang và mọi thứ đều rất sạch sẽ, không có một chút bụi.
          Đến ngày thứ năm khi nhà văn mong muốn có thể ký hợp đồng lâu dài với hai cụ già thì bỗng phát sinh một chuyện ngoài ý muốn. Khi uống nước vì không cẩn thận, anh làm vỡ một cái cốc thủy tinh của chủ nhà. Anh rất lo lắng cho rằng đây là một cái cốc đắt tiền, có thể chì vì điều này mà chủ nhà sẽ không cho anh tiếp tục thuê nữa.
          Tuy nhiên khi nhà văn gọi điện thoại báo tình hình cho hai cụ già, lại một lần nữa hai cụ làm anh ngạc nhiên. Cụ bà nói với anh: “Không sao đâu, anh không cố ý làm vỡ nó mà. Cái cốc đó cũng bình thường không đắt lắm, tôi sẽ lấy cho anh một cái khác nhé“. Nhà văn vui mừng, nói với hai cụ già là anh hy vọng có thể được ký hợp đồng thuê nhà lâu dài. Hai cụ đồng ý rồi tắt máy. Sợ cụ già tới thấy anh ăn ở lộn xộn, anh liền nhanh chóng quét dọn phòng, thu gom lại những mảnh thủy tinh vỡ đổ gọn vào túi rác và bỏ ra ngoài cửa.
          Khi hai cụ già vào tới phòng của nhà văn, chưa đợi anh mở miệng cụ bà liền hỏi: “Những mảnh thủy tinh bị vỡ kia cậu để nó ở đâu rồi?”. Nhà văn nhanh nhảu trả lời: “Dạ, cháu quét dọn và cho vào túi rác để bên ngoài rồi ạ”. Cụ già vội vàng chạy ra ngoài, mở túi rác ra xem, rồi chạy vào nhà nói với nhà văn: “Ngày mai cậu có thể dọn đi, chúng tôi không thể cho cậu thuê nhà tiếp nữa”.
          Nhà văn giật mình, trong đầu đầy nghi hoặc, không hiểu tại sao hai cụ lại thay đổi thái độ nhanh đến vậy, vừa nãy còn đồng ý vui vẻ giờ lại đột ngột thay đổi. Anh hỏi một cách nghi ngờ xen lẫn chút khó hiểu: “Dạ thưa cụ, có phải con làm vỡ cốc của cụ nên làm cụ không vui phải không ạ?”.
          Ông cụ lắc đầu và trả lời: “Không phải đâu con trai, vì qua sự việc đó chứng minh trong lòng cậu không biết suy nghĩ cho người khác”. Trong khi chàng trai đứng ngơ người như bị dội một gáo nước lạnh vào mặt, thì cụ bà mang một cái bút, một cái chổi, một túi rác và một cái kẹp từ đâu bước vào. Bà cẩn thận đeo bao tay và ngồi xuống đổ hết túi rác ra và phân loại các loại rác lại từ đầu.
          Cụ bà ngồi phân loại rất cẩn thận, tỉ mỉ từng chút từng, chút nhặt hết các mảnh thủy tinh cho vào riêng một túi rác, buộc chặt và viết ra bên ngoài “Có mảnh thủy tinh trong túi, nguy hiểm”, sau đó bỏ các loại rác khác vào một cái túi khác, và viết ra bên ngoài “Rác an toàn”. Nhà văn im lặng đứng bên cạnh chứng kiến từ đầu tới cuối công việc bà cụ làm, ngoài hai từ thán phục anh không biết nói thêm lời nào. Nhiều năm sau đó mỗi khi nhắc tới việc này, nhà văn đều cảm thấy ngại ngùng và lấy đó làm bài học nhắc nhở mình trong mọi việc
          Tuy chỉ là một câu chuyện rất nhỏ nhưng chúng ta cũng đã thấy rõ một nét văn hóa độc đáo trong cách sinh hoạt của người Đức. Thái độ suy nghĩ cho người khác này được người Đức giáo dục cho con trẻ từ khi chúng còn nhỏ, lâu ngày trở thành một thói nếp quen thuộc. Người Đức cũng rất tôn trọng sinh mệnh. Khi gặp các loại xe đặc biệt (ví dụ xe cứu thương, xe cứu hỏa, xe có rú còi của cảnh sát..) xe của người dân đều tự động đi sát vào lề nhường đường cho xe kia.
          Một xã hội thịnh vượng và phát triển là xã hội mà con người không tự coi mình là trung tâm, làm bất cứ việc gì cũng luôn suy nghĩ cho chính mình. Nếu một người quá ích kỷ, làm việc gì cũng chỉ muốn mình có lợi, chỉ mong mình được thoải mái, vì lợi ích của bản thân mà tranh mà đấu thì sẽ sinh ra nhiều tranh chấp và ân oán trong xã hội. Suy nghĩ cho người khác, vừa có thể giảm thiểu những tranh chấp, cũng có thể chăm sóc người khác và mang lại may mắn bảo vệ chính bản thân mình.

          Sưu tâm



.

Không có nhận xét nào: