Ông Trương có một người con trai rất
hiếu thảo. Trương Quân con trai ông tuy chỉ mới 20 tuổi, chưa có tuổi đời lâu
năm trong ngành phòng cháy chữa cháy nhưng đã giành được rất nhiều huy chương
khen thưởng. Mỗi lần nhìn những tấm huy chương của con treo ở nhà, ông rất tự
hào và hãnh diện, cứ khi có bạn bè tới ông lại mang ra khoe.
Cha con ông vất vả lắm. Vợ ông không
may mất sớm, để lại ông cảnh gà trống một mình nuôi con. Chân ông đi lại bất
tiện, suốt ngày chỉ quanh quẩn với mấy sào ruộng và khoảnh vườn nhỏ sau nhà.
Nhưng cũng nhờ mấy sào ruộng đó ông đã nuôi dưỡng Quân thành tài nên người. Giờ
cậu đã đi làm đã có lương, tháng nào cũng gửi tiền về cho ông nên cuộc sống có
thể coi là tạm ổn. Nhiều lần Trương Quân gợi ý ông tìm một người nào đó để bầu
bạn, chăm nom những lúc trái gió trở trời nhưng ông đều gạt đi không nhắc đến.
Vì tính chất công việc, cậu phải công
tác xa nhà luôn. Nhưng cứ hễ đến kỳ nghỉ lễ thể nào Quân cũng cố gắng về thăm
cha. Mỗi lần thấy con vội vội vàng vàng về được vài ba ngày chưa kịp nghỉ ngơi
lại phải lên đường trong lòng ông không khỏi xót xa. Vậy nên lúc nào ông cũng
nói với con: “Được nghỉ có vài ngày như thế con ở lại đơn vị đi, đi đi lại lại
làm gì cho nhọc. Cha biết con luôn quan tâm, nhớ tới cha vậy là được rồi mà”.
Nhưng lần nào cũng vậy Trương Quân
đều trả lời ông: “Con làm thế sao được cha? Cha già rồi lại ở nhà một mình.
Công việc của con thì bận quá, một năm chỉ về nhà được có một vài lần. Phải về
nhìn thấy cha như vậy con mới yên tâm. Nếu con mà cứ đi miết thì là bất hiếu
rồi”.
Tuy nhiên một năm trở lại đây, Trương
Quân không về thăm ông như trước nữa. Lo lắng con trai gặp điều chẳng lành, ông
gọi điện thoại tới đơn vị con. Vì là đơn vị bộ đội, ông gọi để nhờ người nhắn
cho gặp con nhưng chờ mãi chẳng thấy. Họ bảo sẽ nhắn con trai gọi lại cho ông.
Ông thẫn thờ đợi cả ngày trời mãi tới chiều tối mới có điện thoại con trai gọi
về.
Cậu nói với ông bằng một
giọng run run: “Cha à, cha dạo này có khỏe không?”
Ở đầu dây bên kia, ông Trương ngập
ngừng: “Cha khỏe, mọi việc ở nhà bình thường. Con ốm hả Quân hay có chuyện gì?
Sao lâu rồi cha không thấy con về? Con mau về đi chứ, lâu lắm rồi cha cũng chưa
ra thăm mộ mẹ con. Chắc bà ấy cũng mong gặp con lắm đấy”.
Giọng con trai ông trầm trầm trong
điện thoại: “Con xin lỗi vì lâu quá chưa về thăm cha. Đơn vị con bỗng có nhiệm
vụ đặc biệt. Có lẽ trong vài năm tới con chưa thể về thăm cha được. Cha đừng lo
lắng cho con. Mỗi tháng con vẫn sẽ đều đặn chuyển tiền cho cha. Cha yên tâm và
cố gắng ăn uống cho khỏe nhé. Con đang bận chút việc. Thế nhé cha, có gì con sẽ
liên lạc lại sau!”.
Sau cuộc điện thoại đó ngày này qua
ngày khác, năm này qua năm khác, vừa tròn 5 năm chưa một lần Quân về nhà thăm
cha. Cùng xóm cũng có vài người ở gần đơn vị Quân nhưng họ vẫn về thường xuyên,
còn con ông thì lại bặt vô âm tín. Mỗi lần đêm khuya trở trời khó ngủ, ông hay
nằm suy nghĩ vẩn vơ và đôi khi cũng thấy có chút khó hiểu. Nhưng sau đó ông lại
tự trấn an mình: “Con mình bận công tác thôi mà. Không được nghĩ ngợi nhiều sẽ
làm con không yên tâm công tác”.
Một đêm mưa bão nọ, ông Trương bỗng
lên cơn đau tim đột ngột bị ngất đi. May hôm đó có người hàng xóm sang mượn đồ
nhìn thấy nên gọi xe cấp cứu đưa ông tới bệnh viện. Sau khi làm xét nghiệm kiểm
tra, bác sĩ cho biết ông không còn sống được bao lâu nữa. Bác sĩ dặn ông hãy
trân trọng khoảng thời gian còn lại của cuộc đời và làm những điều mình muốn.
Sống tới độ tuổi sáu mươi, khi đã ở
xế chiều, với ông sống chết dường như không còn là vấn đề gì quan trọng nữa.
Ông không thấy nó có gì đáng sợ hay còn vương vấn gì. Tự ông có thể cảm nhận
sức khỏe và tình trạng bệnh của mình ra sao. Ông tự biết rằng thời gian của
mình không còn lâu nữa. Chỉ là cậu con trai duy nhất của ông lâu quá không về.
Ông chỉ hy vọng trước lúc mình nhắm mắt xuôi tay được một lần nhìn thấy con
trai, được ôm nó vào lòng như mỗi lần nó về thăm ông.
Ông Trương lại gọi điện tới đơn vị
xin gặp con trai. Lần này rất nhanh ông nghe được tiếng con trai trong điện
thoai. Vội vàng gấp gáp như sợ không còn đủ thời gian, chưa kịp để con trai nói
ông đã nói: “Quân à, mẹ con muốn cha tới làm bạn với bà ấy rồi. Có lẽ thời gian
cha đợi con về cũng không còn được lâu nữa đâu. Con có thể đồng ý với cha một
điều được không? Cha chỉ muốn trước khi cha về với mẹ con, con có thể về thăm
cha một lần. Một lần thôi được không con?”
Đầu dây điện thoại bên kia bỗng nhiên
im lặng lạ thường, rất lâu sau đó ông nghe thấy tiếng khóc của bốn năm người
con trai trong điện thoại. Một người vừa khóc nấc lên vừa nói không thành lời
với ông:
Trần gian quán trọ đời mình
Đến chơi một chút thình lình rồi đi
Đến chơi một chút thình lình rồi đi
“Bác ơi! Chúng con vô cùng xin lỗi bác. Xin
lỗi bác vì chúng con đã lừa dối bác trong thời gian qua. Anh Quân con trai bác
đã hy sinh trong một lần làm nhiệm vụ cách đây 5 năm rồi ạ. Hôm đó ở khu chung
cư gần đây xảy ra một vụ cháy. Cậu ấy vì cứu mạng một bé trai và cả cứu mạng
chúng con nên đã hy sinh trong biển lửa rồi”.
“Anh ấy là một người con hiếu thuận, vì sợ bác
đau buồn, nên trước khi hy sinh anh đã bảo chúng con đừng báo tin dữ này cho
bác. Chúng con bất đắc dĩ mới phải giả làm con trai bác trong thời gian qua…”.
“Chúng con xin nguyện làm con
trai bác, thay anh Quân phụng dưỡng lo cho bác như anh ấy. Con xin lỗi xin lỗi
vì giờ này chúng con mới nói với cha tin đau buồn này!”.
Chỉ nghe được tới đó ông Trương đã
như người mất hồn, không còn đứng vững, để rơi cả điện thoại. Vịn một tay vào
giường, ông run run lần tìm tấm ảnh con trai vẫn để dưới gối. Trong hình là ảnh
Quân đang mỉm cười ôm cổ ông. Không kìm nổi lòng mình, trong cơn đau đớn tột
cùng ông bật khóc như một đứa trẻ: “Con ơi, con ơi… Tại sao tại sao lại thế hả
con? Con còn chưa kết hôn mà? Tại sao con lại bỏ cha lại một mình? Tại sao lại
để kẻ đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh thế này hả con. Đau lòng quá đau lòng quá con
ơi. Con đã hứa với cha sẽ lấy vợ để cha bế cháu, giờ lại bỏ lại cha một mình.
Cha nhớ con, nhớ con lắm Quân ơi!”.
Ông đổ sụp xuống đất, trong tim cảm
thấy đau đớn như hàng nghìn mảnh thuỷ tinh vỡ vụn đang đâm vào. Ông ôm lấy
ngực, nghẹn ngào giữa những dòng lệ. Ông đã mất đi báu vật của đời mình. Ông cứ
ngồi ở đó, bên ngoài ánh chiều tà đã chênh chếch ngả về tây. Nắng xuyên qua
từng bậu cửa sổ, hắt ánh vàng leo lét lên khuôn mặt ông lão khốn khổ. Dòng lệ
đã cạn khô, bây giờ là hư vô và trống rỗng.
Nhưng đúng lúc ấy, ông bất giác mỉm
cười, một nụ cười héo hắt: “Kết thúc rồi, dù sao cũng sắp kết thúc rồi. Dù sao
thì mình cũng không còn lưu lại quán trọ trần gian này bao nhiêu ngày nữa. Ba
người gia đình chúng ta sẽ sớm tái hợp trên Thiên Đàng vậy. Con trai à, con
đừng có đi nhanh quá như thế, đáng lẽ con phải đợi cha với chứ! Cha sẽ rất
nhanh đuổi kịp con thôi…”.
Dứt lời, cả người ông Trương
rung lên, đôi mắt như vô hồn cầm tấm ảnh của con trai trong tay lên. Khi giơ
lên không trung nó đột ngột rơi xuống đất…
Người ta vẫn nói, trần gian
chỉ là nơi quán trọ. Chúng ta đến với nhau là vì duyên, gắn bó với nhau là vì
nợ, và chia lìa nhau cũng là để kết thúc duyên nợ này.
Đời người tuy dài, nhưng quay đầu lại
mới thấy thật ngắn ngủi. Trăm năm trôi qua chỉ trong chớp mắt, đến phút cuối
cuộc đời người ta mới nhận ra rằng: Giá như ta có thể yêu thương nhiều hơn nữa.
Vậy nên, khi thời gian vẫn còn cho ta cơ hội, hãy trân quý mối lương duyên trời
định ấy, để khi nhắm mắt xuôi tay, ta không còn gì phải luyến tiếc, không còn
gì phải ân hận vì đã ‘yêu thương không đủ nhiều’…
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét