20 tháng 2, 2018

Ba Câu Hỏi Của Ðức Vua


           Thuở xưa, có một vị vua thuộc vào hàng minh quân, ngài thương dân như con đẻ, nhưng dù là minh quân, ngài vẫn không sao tránh được một ít lỗi lầm đáng tiếc.
           Lúc tuổi đã cao, nhà vua nghĩ rằng giá mà thời niên thiếu, ngài được các bậc hiền tài chỉ dẫn cho ba điều thắc mắc sau đây thì có lẽ ngài sẽ tránh được rất nhiều khuyết điểm.
           Ðó là những nghi vấn sau:
           1. Thời gian nào là quan trọng nhất của một công việc?
           2. Nhân vật nào cần chú ý nhất đối với ta?
           3. Công việc nào là tối quan trọng và khẩn thiết nhất?


            Ðức vua cho nêu ba câu hỏi trên trước hoàng thành, truyền rao khắp các thị trấn, làng mạc... và hứa sẽ trọng thưởng cho người nào có lời giải đáp khôn ngoan nhất. 
           Bố cáo vừa được niêm yết thì các bậc hiền tài tuấn kiệt, thạc học minh triết lũ lượt kéo nhau về kinh thành, mỗi người đưa ra một ý kiến. Triều đình phải thành lập một ban giám khảo, các quan thị lang làm việc tận lực suốt hai tháng liền mới đúc kết các khuynh hướng thiên sai vạn biệt thành một vài trường phái nhất trí và dâng lên đức vua, vị chánh chủ khảo tối cao cả nước. 

           Ðáp lại câu hỏi đầu tiên, có người bảo rằng: muốn biết thời gian nào là quan trọng nhất của một công việc, người ta phải thiết lập chương trình, kế hoạch, thời dụng biểu hẳn hoi. Xong, ta sẽ thực hành diễn tiến công việc theo những thời điểm qui định sẵn đó... 
           Nhưng ý kiến này liền bị nhà vua bác bỏ vì không có ai có thể tiên đoán được những điều sẽ xảy ra mà lập một khuôn mẫu sẵn, công việc đòi hỏi phải linh động mới được. Có trường phái lại cho rằng một người không thể khôn ngoan hơn tập thể. Ðức vua nên thành lập một nội các gồm nhiều đại biểu để soạn thảo kế hoạch trước khi thi hành và làm theo quyết định chung. Một trường phái khác lại đề nghị đức vua cần thành lập một hội đồng tiên tri để xủ quẻ trước khi thực thi một công việc... 
           Như thế, đại để mọi người đều đồng ý với nhau rằng:
            Thời gian quan trọng nhất của công việc là thời gian chuẩn bị, nghĩ suy về công việc ấy.

            Về câu hỏi thứ hai, người ta càng bất đồng ý kiến với nhau: Thượng Ðế, đức vua, quan tể tướng, các giáo sĩ, bốc sư v.v... được đề nghị là những nhân vật quan trọng nhất. 
           Câu hỏi thứ ba cũng được giải đáp trong một tình trạng tương tự - công việc nào phải được xem là quan trọng nhất - thưa: đó là việc nước, việc nhà, việc ăn, việc mặc, học hành, giao tế, tâm linh, hành chánh, kinh tế, quân sự hay là tôn giáo... các đề mục đều được các khối óc khôn ngoan tinh tế nhất đề cập tới. Và vị chánh chủ khảo tức là vua ấy không chấp nhận câu giải đáp nào cả. 



           Nhiều năm trôi qua, ba câu hỏi dần dần rơi vào quên lãng... Cho đến một hôm, nhà vua nghe đồn rằng ở trên một đỉnh núi phủ đầy mây nọ, có một đạo sĩ coi là bậc giác ngộ, nhưng vị chân tu này không bao giờ chịu hạ sơn để giao tiếp với các nhà quyền quí. Tiếng đồn về đạo sĩ khiến đức vua chú ý và một hôm, ngài quyết định cải dạng thường dân đến tham vấn vị ẩn tu. 
           Ðến nơi, nhà vua gặp đạo sĩ đang cuốc đất. Vua vái chào và nêu lên ba câu hỏi. Ðạo sĩ chỉ mĩm cười, đưa tay vỗ nhẹ nhà vua rồi tiếp tục công việc. Ðã được báo trước về tánh khí lạ thường của đạo sĩ, đức vua không nản lòng, ngồi xuống một tảng đá chờ đợi. 
           Hồi lâu, buồn tay, đức vua mời đạo sĩ nghỉ tay, trao cuốc cho vua làm giúp. Nhiều giờ trôi qua, đức vua vẫn xới đất, còn đạo sĩ thì nhổ cỏ quanh quẩn bên lều tranh. Khi đôi tay vương giả bắt đầu chai phồng, đức vua ngừng cuốc nghỉ mệt giây lâu và nói với đạo sĩ: 
           - Tôi từ xa lặn lội đến đây, cầu Thầy chỉ giáo cho ba điều nghi vấn. Nếu Thầy biết thì xin vui lòng chỉ dẫn cho. Bằng không cũng xin cho tôi biết để tôi trở về kẻo tối. Ðạo sĩ mỉm cười, định nói câu gì đó, thì chợt cả hai người cùng nghe tiếng chân chạy dồn dập. 
           Nhà tu bảo đức vua: - Bác xem ai đến kìa! Nhà vua quay lại thì thấy một người vừa ngã quỵ xuống đất, toàn thân nhuộm máu. Hai người già không ai bảo ai, đều hối hả đến bên người bị nạn. Nạn nhân chỉ còn thở thoi thóp. Vua phụ lực với đạo sĩ băng bó các vết thương... 
           Hai người im lặng làm việc cho đến lúc ngừng tay thì mặt trời đã lặn ở đỉnh núi bên kia. Ðưa nạn nhân vào thảo am đặt người bệnh trên chiếc chõng tre độc nhất của căn lều, họ chia nhau mấy củ khoai rừng luộc và vì quá mệt, đức vua ngả mình xuống nền đất thiếp đi.
            Sáng hôm sau, khi nhà vua giật mình thức giấc thì nắng đã nhuộm hồng chiếc thảo am, và chim rừng kêu rộn rã. Ðức vua phải bàng hoàng hồi lâu, mới nhớ rõ mình đang ở đâu và làm gì... Ðạo sĩ đã đi làm vườn, sau khi đặt một rổ khoai luộc bên cạnh ông khách. Trên chõng tre, nạn nhân đã hồi tỉnh và đang nhìn đức vua bằng cặp mắt long lanh. Ðức vua đến bên người bệnh, đặt một bàn tay lên vần trán nóng như lửa của anh ta và cất tiếng hỏi thăm bệnh tình... 
           Nạn nhân bỗng òa lên khóc: - Xin bệ hạ tha tội cho ngu thần... Vô cùng ngạc nhiên, đức vua hỏi: Khanh là ai mà lại biết Trẫm? Bệ hạ không biết thần đâu! Hạ thần chính là em trai của võ tướng Trần Ðoàn, người bị bệ hạ giết oan trong mùa thu năm Tân Dậu. Thần đã thề trước linh cữu anh là sẽ giết bệ hạ để báo thù... Biết bệ hạ lên núi này, thần mai phục sẵn. Không ngờ, đợi đến tối mà bệ hạ vẫn chưa xuống núi, thần liền đi tìm... và bị trợt chân té xuống triền núi. Nếu không nhờ bệ hạ ra tay cứu chữa thì có lẽ thần đã mất mạng. Từ đây oan cừu xin giải hết... Thần cúi mong bệ hạ tha tội chết cho thần. 



           Câu chuyện đáng tiếc năm xưa đã làm ta hối tiếc không nguôi... Nhưng việc đã dĩ lỡ rồi Trẩm không biết tính sao. Bây giờ chẳng những Trẩm sẽ tha tội cho khanh mà Trẩm còn phục hồi chức tước và chu cấp cho gia đình Trần Ðoàn nữa. Khanh hãy yên tâm mà tịnh dưỡng đi. 
           Ðức vua ra hiệu gọi vệ sĩ đến, cho khiêng nạn nhân xuống núi và vời ngự y chăm sóc vết thương. Sắp xếp đâu đó xong xuôi, vua đi tìm đạo sĩ. Nhà tu đang lúi húi trồng rau trên vạt đất mới cuốc hôm qua. Ðức vua ngỏ ý cáo từ và lập lại ba câu hỏi: - Xin đạo sĩ giải đáp cho. 
           Nhà tu mỉm cười: - Bần đạo đã trả lời cho bệ hạ rồi... Ðức vua ngạc nhiên:                    Thưa, hồi nào đâu? Ngay lúc bệ hạ vừa nêu câu hỏi. !?? Này nhé, 
          Thời gian nào là thời gian quan trọng nhất, đó là lúc bệ hạ cuốc đất giúp bần đạo. Nếu thiếu khoảng thời gian này thì bệ hạ đã chết về tay anh chàng kia rồi nhé! 
           Nhân vật quan trọng nhất chính là bần đạo đây, quan trọng đến nỗi bệ hạ phải trèo non lội suối đi tìm, có phải không? 
           Và câu thứ ba: "Công việc nào cần thiết nhất" - Thưa đó là cuốc đất, việc mà hai chúng ta đã làm ngày hôm qua... Rồi sau đó, khi chàng thanh niên xuất hiện thì anh ta biến thành nhân vật quan trọng nhất, công việc cần thiết nhất là cứu cấp cho anh ta, và thời gian đó quan trọng nhất... Có phải thế không nào? 
           Nhà vua cúi đầu ngẫm nghĩ giây lâu, cất tiếng: - Thưa đạo sĩ, Trẩm đã hiểu. 
           Thời gian quan trọng nhất là thời gian hiện tại. 
           Nhân vật cần thiết nhất là người mà ta cần gặp gỡ trong hiện tại, 
           và công việc khẩn thiết nhất, cũng là công việc trong hiện tại... 
           Quá khứ là những điều đã qua vĩnh viễn, vị lai chỉ là những ảo tưởng mơ hồ... 

           Chỉ có khoảnh khắc ngắn ngủi trong hiện tại là quí nhất mà thôi. Những điều cần làm nhất là giúp đở người chung quanh ngay trước mắt ta trong giây phút ngắn ngủi quí báu đó... Thưa, có phải thế không ạ? Ðạo sĩ mỉm cười, và nụ cười đó thay lời tống biệt, đưa nhà vua xuống núi, nơi mà triều đình và thần dân đang chờ đón ngài. 

           
.

Không có nhận xét nào: