Lang thang trong nghĩa địa buồn để thăm người thân quá cố. Những ngôi mộ nằm
chen chúc nhau và rồi sau vài lần đến người thân mới đó tưởng ở mặt tiền như
ngày nào mới chôn nhưng nay lại nằm hụt về bên trong nhường mặt tiền lại dành
cho người khác.
Lần bước ra cổng đề về, chợt nhìn lên cổng nghĩa trang thấy dòng chữ cũ đã phai
mờ nhưng chưa mất chữ “nay tôi – mai anh”.
“Nay tôi – mai anh” như lời nhắc nhớ phận người
Quả vậy, phận người thật mong manh vắn vỏi kiếp phù sinh và chắc chắn không thể
nào thoát khỏi cái vòng định mệnh sinh – lão – bệnh – tử.
Cái vòng sinh mệnh của con người được nhiều người biết thành thơ, thành nhạc và
thành lời. Cố nhạc sĩ họ Trịnh ví cuộc đời này bằng những ca từ nhẹ nhàng bay
bỗng :
Con chim ở đậu cành tre
Con cá ở trọ trong khe
nước nguồn
Cành tre ... í ... a
Dòng sông ... í ... a
Tôi nay ở trọ trần gian
Trăm năm về chốn xa xăm
cuối trời
í ... a ... í ...
à ... í ... à ... a ...
Đêm tối ở trọ chung
quanh nỗi buồn
Ơ hay là một vòng sinh
Tôi như người bỗng lênh
đênh giữa đời.
Đúng như vậy vì lẽ con
người dù có làm gì đi chăng nữa, thì
Bao nhiêu năm rồi còn
mãi ra đi
Đi đâu loanh quanh cho
đời mỏi mệt
Trên hai vai ta đôi vầng
nhật nguyệt
Cái cõi đi về đó ai ai cũng
phải đón nhận dù không chấp nhận. Thế nhưng, đáng tiếc thay nhiều người không
chấp nhận và muốn níu kéo nhưng dù níu kéo thế nào đi chăng nữa cũng chẳng còn
gì và chẳng được gì khi nhắm mắt xuôi tay.
Điều này, hình như Sách Giảng
Viên đã nói rất rõ
Ông Cô-he-lét nói : "Phù
vân, quả là phù vân. Phù vân, quả là phù vân. Tất cả chỉ là phù vân. Lợi
lộc gì đâu khi con người phải chịu đựng bao gian lao vất vả dưới ánh nắng mặt
trời ? Thế hệ này đi, thế hệ kia đến, nhưng trái đất mãi mãi trường
tồn. Mặt trời mọc rồi lặn ; mặt trời vội vã ngả xuống nơi nó đã mọc
lên. Gió thổi xuống phía nam, rồi xoay về phía bắc : gió xoay lui xoay tới
rồi gió đi ; gió trở qua trở lại lòng vòng. Mọi khúc sông đều xuôi ra
biển, nhưng biển cũng chẳng đầy. Sông chảy tới đâu thì từ đó sông lại tiếp
tục. Chuyện gì cũng nhàm chán, chẳng thể nói gì hơn. Mắt có nhìn bao nhiêu
cũng chẳng thấy gì lạ, tai có nghe đến mấy cũng chẳng thấy gì mới.
Ở dưới bầu trời này, mọi
sự đều có lúc, mọi việc đều có thời :
một thời để chào đời, một
thời để lìa thế ;
một thời để trồng cây, một
thời để nhổ cây ;
một thời để giết chết, một
thời để chữa lành ;
một thời để phá đổ, một thời
để xây dựng ;
một thời để khóc lóc, một
thời để vui cười ;
một thời để than van, một thời
để múa nhảy ;
một thời để quăng đá, một
thời để lượm đá ;
một thời để ôm hôn, một thời
để tránh hôn ;
một thời để kiếm tìm, một
thời để đánh mất ;
một thời để giữ lại, một thời
để vất đi ;
một thời để xé rách, một thời
để vá khâu ;
một thời để làm thinh, một
thời để lên tiếng ;
một thời để yêu thương, một
thời để thù ghét ;
một thời để gây chiến, một
thời để làm hoà.
Rõ ràng, cuộc đời con người
cũng chỉ như hoa kia sớm nở tối tàn. Chính Thiên Chúa mới là nguồn cội của đời
người, là Đấng Vĩnh Hằng, là Đấng Vô Thủy Vô Chung mà thôi.
Bước chân ra nghĩa trang, ta bắt gặp những khuôn mặt rất thân thương, rất gần với ta. Mới đó thôi, họ vui cười và có khi còn giận hờn với ta nhưng nay còn đâu. Nay người mai ta, nay tôi mai anh đó là cùng đích của cuộc đời, của lẽ sống này. Nói như vậy, nghĩ như vậy để ta cân chỉnh cuộc đời của ta để rồi một ngày nào đó ta cũng nằm xuống với phần mộ mà Thiên Chúa đã dành sẵn cho đời. Chuyện quan trọng là ta có được một chỗ trong cung lòng Thiên Chúa hay không mà thôi. Có hay không đó là lời đáp trả của mỗi người chúng ta.
Nay tôi, mai đến lược anh nghĩa là đến lược mỗi người chúng ta sẽ ra trình diện trước mặt Chúa. Để được hưởng Nhan Thánh Chúa hay phải hư đi đó lại là lời mời mà Chúa dành cho mỗi người chúng ta tự do đáp trả.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét