Chuyện xảy ra gần 20 năm
trước, khi tôi còn làm y tá của một bệnh viện trong một thành phố nhỏ ở tiểu
bang Arizona.
Tối hôm đó, bệnh viện của tôi
nhận một nhóm nạn nhân của một tai nạn xe hơi thảm khốc. Trên xe là bốn em học
sinh đều ở lứa tuổi 17-18, cùng đi về với nhau sau sau bữa tiệc. Người lái xe
18 tuổi, say rượu và chạy xe quá tốc độ, lạc tay lái tông vào một chiếc xe tải
đang đậu bên lề đường. Nhờ có thắt dây an toàn, người lái và em ngồi cạnh tuy
bị thương nặng nhưng không nguy hiểm tính mạng. Riêng hai em ngồi sau, 1 nam 1
nữ bị thương rất nặng vì không thắt dây an toàn. Em trai bị chấn thương sọ não
và chết ngay sau khi xe chở đến bệnh viện. Em gái hôn mê bất tỉnh phải mổ gấp,
không biết có cứu được hay không?
Thật đáng buồn, em trai tử
vong là một em Việt Nam, 17 tuổi, vừa tốt nghiệp trung học và đang sắp rời nhà
để vào một trường đại học danh tiếng. Các em còn lại đều người ngoại quốc.
Lúc đó tôi đang làm tại khu
ICU (Intensive Care Unit). Bệnh nhân tôi được giao đêm đó là em gái 17 tuổi của
tai nạn vừa kể trên. Một cô bé người ngoại quốc, đẹp hay không thì tôi không
biết vì cả khuôn mặt lẫn cái đầu tóc vàng của em đều tím bầm, sưng to như trái dưa hấu vì những
cú va chạm kinh khiếp. Em đang được mổ não khẩn cấp trong phòng mổ.
Tôi được (hay bị) kêu vào
phòng họp gấp để nhận một nhiệm vụ quan trọng.
Sau khi được biết nhiệm vụ
của mình là gì, tôi nhăn nhó phản đối, “Tại sao lại là tôi? Đây là nhiệm vụ của
bác sĩ mà!”
“Tôi biết, nhưng người nhà
của bệnh nhân không biết tiếng Mỹ rành lắm, cô đi theo thông dịch cho bác sĩ,
và ráng van xin họ giúp chúng tôi,” bà y tá trưởng năn nỉ.
Sau một hồi bàn qua tính lại,
tôi lê bước đi theo ông bác sĩ đến phòng chứa xác của em trai Việt Nam mới tử
nạn, với nhiệm vụ là cùng bác sĩ, năn nỉ gia đình người chết hiến tặng những bộ
phận còn tốt trong cơ thể của em cho bệnh viện.
Một em trai 17 tuổi đang khỏe
mạnh nhưng chết vì tai nạn, là một ứng cử viên tuyệt vời để làm người hiến
tặng, vì hầu hết các bộ phận trong cơ thể em còn rất khỏe, rất trẻ, rất thích
hợp để cứu sống các bệnh nhân đang chờ đợi để được thay các bộ phận trong
người. Đó là lý do bệnh viện hết sức cầu xin gia đình.
Thời gian đó, đối với người
Việt mình, khái niệm hiến tặng bộ phận cơ thể còn rất mới mẻ. Nếu không là cho
người thân trong gia đình, hầu như rất ít ai hiến tặng cho những người không
quen biết. Huống hồ gì, chuyện cha mẹ đồng ý hiến tặng các bộ phận trong cơ thể
của con thì hình như chưa hề xảy ra. Có cha mẹ nào mà nỡ lòng nào làm như thế?
Mất con đã đau đớn lắm rồi…
Chúng tôi gặp cha mẹ nạn nhân
trong phòng đợi, trong khi người con đang được chờ quyết định để rút tất cả ống
support bên trong, tôi bắt đầu trình bày lý do. Quả như tôi lường trước, cho dù
có van xin, nài nỉ, giải thích cách mấy, bác sĩ và tôi chỉ nhận được những cái
lắc đầu quầy quậy, ánh mắt oán ghét, và những lời xua đuổi.
Tôi lắp bắp xin lỗi rồi bước
nhanh như chạy ra khỏi phòng.
Phòng ICU rất vắng lặng vì ở
đây toàn những ca rất nặng. Những y tá cùng trực với tôi đêm đó ai cũng bận rộn
với bệnh nhân của mình nên chỉ có một mình tôi ngồi tại nurse station. Thường
thì ở ICU, mỗi y tá lãnh hai bệnh nhân trong một ca. Nhưng đêm nay tôi chỉ có
một, vì một bệnh nhân mới chuyển sang phòng thường. Bệnh nhân còn lại là cô gái
đang trong phòng mổ, nên tôi cũng khá rảnh rỗi, cho đến khi ca mổ xong.
Bỗng nhiên tôi thấy hơi nhức
đầu nên cúi gục vào lòng bàn tay một chút cho đỡ mỏi mắt. Khi tôi ngẩng đầu lên
thì vụt một cái, thoáng có một bóng người mặc áo trắng lướt thật nhanh qua mặt.
Tôi đảo mắt nhìn quanh. Không có ai cả!
Tôi vẫn thường thấy lao đao
như vậy lắm, có lẽ vì tôi bị chứng bịnh thiếu máu kinh niên. Tôi dụi mắt nhìn
kỹ lại một lần nữa, lần này thì thật sự có một bóng áo trắng đang từ từ tiến
lại gần tôi.
Tôi dợm đứng dậy để nhìn cho
rõ thì thấy có một cậu thanh niên Á Châu rất trẻ, gương mặt xanh xao mệt mỏi
đang đi lại phía tôi ngồi. Cậu đi nhẹ nhàng như lướt trên không vậy, xuất hiện
trước mặt tôi mà không gây nên một tiếng động. Cậu nhìn tôi, đôi mắt nâu hiền
và ngây thơ đến nao lòng. Có vẻ như cậu đang bị lạc đường. Chắc là cậu đi nuôi
người nhà bệnh và lạc từ khoa khác sang.
Thấy cậu đứng yên lặng không
nói gì, tôi hỏi bằng tiếng Mỹ, “Em cần gì, tôi có giúp được gì cho em không?”
Lạ thay, cậu trả lời bằng
tiếng Việt, “Em đi kiếm đồ!”
Giọng của cậu nhỏ và thanh,
nghe văng vẳng như từ một nơi xa xôi nào đó vọng về.
-“Em bị mất cái gì à?”
-“Em làm rớt cái ví trong xe.
Trong đó có một món đồ rất quan trọng. Chị kiếm dùm em nghe chị. Nhớ nghe chị…”
Không đợi tôi trả lời, cậu
quay lưng đi thật nhanh và khuất bóng sau góc quẹo.
Tự nhiên tôi cảm thấy lạnh
buốt, cái lạnh từ trong xương lạnh ra. Tôi rùng mình. Lạ thật, Tháng Sáu Mùa Hè
ở cái xứ sa mạc này nóng cả trăm độ. Cho dù máy lạnh có mở cũng chỉ vừa đủ.
Chưa bao giờ tôi cảm thấy lạnh cóng bằng cái lạnh của hiện tại.
Đầu óc tôi quay cuồng và tiếp
tục nhức. Chắc mình sắp bịnh rồi, tôi tự nhủ. Sao tự nhiên lại cảm thấy lạnh và
nhức đầu quá. Tôi đứng lên định đi theo cậu bé nhưng rồi lại choáng váng ngồi
phịch xuống một chiếc ghế.
Vừa lúc đó, một cô bạn đồng
nghiệp từ đâu đi tới. Nhìn thấy sắc mặt tôi, cô la lên, “Oh my God! Trời ơi sao
cái mặt cô xanh lè xanh lét thấy ghê quá. Are you OK?”
“Tôi thấy lạnh quá, cô lấy
dùm tôi một cái áo lạnh được không?”
Cô bạn nhanh chóng đi lấy cho
tôi một cái áo labcoat mới được giặt ủi và hấp nóng. Tôi mặc áo vào, ngồi co ro
mà thấy vẫn còn lạnh, mồ hôi rịn ra hai bên thái dương.
Tôi uống thêm hai viên
Tylenol. Một lúc sau, tôi thấy từ từ dễ chịu, và lại nghĩ đến cậu bé hồi nãy.
Cậu ta là ai, làm sao biết cậu ở đâu, đi kiếm cái xe gì, và cái ví gì nữa chứ?
Cả khu ICU này có 6 phòng.
Hiện giờ đang có năm bệnh nhân, mỗi người nằm một phòng. Tôi coi lại danh sách
bệnh nhân viết trên bảng treo trên tường. Không có bệnh nhân nào người Việt.
Vậy cậu từ khoa nào đi sang đây?
Tôi đi lòng vòng với hy vọng
gặp lại cậu bé, nhưng hỏi thăm những nhân viên quanh đó xem có ai gặp một cậu
bé người Á châu không, ai cũng lắc đầu không biết.
Thất vọng, tôi trở về khoa
đúng lúc bệnh nhân của tôi đã được giải phẫu xong và chuyển về phòng ICU. Bác
sĩ bảo em được cứu sống nhưng đôi mắt sẽ bị mù vĩnh viễn vì chấn thương quá
nặng. Chỉ có một hy vọng duy nhất là được thay đôi mắt khác em mới có thể thấy
lại ánh sáng.
Ba mẹ em ngồi bên giường
trong khi em vẫn đang nằm thiêm thiếp. Ông bà yên lặng chắp tay cầu nguyện. Tôi
không biết làm gì hơn là ngồi xuống bên cạnh và góp lời cầu nguyện trong lòng.
Người mẹ buồn rầu nói, “Tội
nghiệp chúng quá. Rồi đây Jane sẽ ra sao khi tỉnh dậy và biết là người yêu của
nó đã chết?”
-“Người yêu của Jane là anh
Việt Nam ngồi chung xe hả bà?” tôi hỏi.
-“Đúng vậy, chúng nó yêu nhau
lắm. High school sweethearts mà. Hai đứa đều học giỏi và có tương lai. Thế mà,
chỉ qua một đêm, một đứa ra đi vĩnh viễn, một đứa trở nên mù lòa.” Bà sụt sịt
khóc.
-Tôi ngập ngừng, “Bác sĩ nói
con bà còn có hy vọng thấy lại ánh sáng, nếu…”
“Vâng tôi biết! Nhưng ở đâu
ra có cặp mắt để thay kia chứ? Nếu đó là cặp mắt của một người còn sống cho con
tôi, tôi biết chắc chắn nó sẽ không chịu nhận. Nó là cô gái rất tốt, không bao
giờ muốn làm khổ ai.”
-“Nhưng nếu đó là cặp mắt của
một người vừa mới mất thì hoàn toàn có thể dùng được, chỉ có điều…” tôi bỏ dở
câu nói vì tôi biết chuyện đó sẽ không bao giờ xảy ra. Đừng bao giờ nên hỏi cha
mẹ cậu bé Việt Nam thêm một lần nữa.
Như đọc được ý nghĩ của tôi,
bà mẹ thở dài, “Cô y tá ạ, tôi biết nỗi đau của người mẹ mất con nó khủng khiếp
như thế nào. Tôi không dám đòi hỏi gì thêm. Số phận con gái tôi bị mù thì tôi
sẽ hết lòng chăm sóc cho nó. Con gái tôi có nghị lực lắm, tôi tin nó sẽ vượt
qua…”
Xót xa nhưng cũng rất xúc
động trước những lời nói của bà, tôi nhẹ nắm lấy tay bà.
Vừa lúc đó, một ông cảnh sát đang rảo bước tới, trên tay cầm một bọc giấy. Ông hỏi tôi, “Người ta chỉ cho tôi là có một cô y tá người Việt ở đây. Cô nói được tiếng Việt chứ?”
Vừa lúc đó, một ông cảnh sát đang rảo bước tới, trên tay cầm một bọc giấy. Ông hỏi tôi, “Người ta chỉ cho tôi là có một cô y tá người Việt ở đây. Cô nói được tiếng Việt chứ?”
-“Dạ được. Ông cần gì không?”
-“Tôi muốn nhờ cô đi với tôi
đến gặp gia đình người tử nạn trong tai nạn xe chiều nay. Chiếc xe bị total
lost. Trước khi xe tow kéo xe đi, chúng tôi kiểm tra trong xe và tìm thấy chiếc
ví này rớt trong xe. Nó thuộc về người đã chết. Tôi muốn giao lại kỷ vật này
cho thân nhân của cậu.”
Ví, xe, người tử nạn… những
mảnh rời rạc của chiếc hình puzzle tự nhiên ráp nối lại với nhau một cách có
trật tự. Tim tôi đập thình thịch và cổ họng tự dưng tắc nghẽn. Chân tôi bắt đầu
run lập cập và tay thì nổi da gà. Sao giống y hệt những điều cậu bé kia vừa nói?
Không lẽ mình vừa gặp ma sao?
Tôi lắp bắp hỏi ông cảnh sát,
“Ông có thể cho tôi xem qua chiếc ví được không?”
Ông ngần ngừ một chút rồi
nói, “Cũng được, nhưng trong ví không có gì quý giá hết, chỉ có tấm bằng lái xe
và một ít tiền mặt vậy thôi!”
Tôi tần ngần mở chiếc ví ra.
Thật vậy, trong ví ngoài một ít tiền nhỏ chỉ có tấm bằng lái xe. Tôi tò mò nhìn
vào tấm bằng lái và hoảng sợ làm rơi chiếc ví xuống đất. Trên tấm bằng là hình
của cậu bé vừa đến gặp tôi ít phút trước đây. Với gương mặt gầy và cặp mắt nâu
trong vắt thơ ngây như đang nhìn xoáy vào tôi, như muốn nói một điều gì.
Vậy ra cậu chính là người đã
chết đó sao?
Một luồng khí lạnh chạy dọc
theo sống lưng của tôi. Tôi thầm thì, nhắc lại lời của cậu bé khi nãy: “Trong
ví này có một vật rất quan trọng…”
-“Cô nói gì?”
Tôi lượm chiếc ví lên, mở ra
xem lại và lật tới lật lui. Quả thật không có gì khác ngoài vài tờ giấy $10 và
$5, cùng tấm bằng lái.
Tai tôi văng vẳng nghe tiếng
của cậu bé, “chị nhớ giúp em nghe chị, nhớ nghe chị…”
Tấm bằng lái!
Tôi nhìn kỹ lại tấm bằng lái
lần nữa. Đây rồi, vật quan trọng mà tôi cần tìm chính là tấm bằng lái này đây.
Trên bằng lái có tên, tuổi và
hình chụp của cậu bé. Còn nữa, nằm ngay ngắn ở góc phải của tấm bằng là cái
sticker nhỏ màu hồng, trên có dòng chữ “DONOR” màu đen in đậm nét.
Tim tôi đập thình thịch. Như
vậy là, chính cậu đã run rủi cho sở cảnh sát tìm thấy chiếc ví rơi trong gầm xe
trước khi xe bị kéo đi; chính cậu đã tìm đến tôi, và đưa đẩy cho ông cảnh sát
gặp tôi để mọi người có thể biết được ý nguyện của cậu. Thì ra ngay từ khi mới
có bằng lái, cậu đã quyết định là nếu có điều gì xảy ra cho mình, cậu sẽ sẵn
sàng hiến tặng những bộ phận còn tốt trong người cho tất cả ai đang cần chúng
nên đã tình nguyện ghi tên làm người DONOR. Có phải cậu đến tìm tôi vì biết tôi
là người chăm sóc cho người bạn gái thương yêu của cậu đêm nay và muốn nhờ tôi
tìm cách để trao tặng cho cô gái đôi mắt của cậu như một kỷ vật cuối cùng?
Tôi chỉ vào chữ “DONOR” và
nhờ vị cảnh sát xác minh lại với DMV. Sau khi xác nhận là cậu bé Việt Nam chính
thực đã ghi danh làm người “DONOR”, nhưng đồng thời vị cảnh sát cũng thông báo
rằng theo luật pháp, vì cậu bé mất khi cậu chưa đủ 18 tuổi, nên quyết định cuối
cùng, cho hay không, cũng vẫn là quyết định của cha mẹ.
Phái đoàn gồm các bác sĩ,
cảnh sát cùng với tôi sau khi đưa chiếc ví lại cho cha mẹ cậu và thông báo về
tất cả những sự việc trên cho họ. Trong khi chờ gia đình cậu bé bàn thảo với
nhau, chúng tôi đều lui ra ngoài đứng chờ.
5 phút, 10 phút trôi qua. Một
bầu không khí yên lặng đến nghẹt thở.
Rồi cha mẹ cậu bé cũng bước
ra. Người mẹ ôm mặt khóc, trong khi người cha nghẹn ngào nói với chúng tôi:
“Thôi thì con tôi nó đã muốn như vậy, chúng tôi xin nghe theo ý nguyện của
cháu. Xin bệnh viện giúp cháu làm tròn tâm nguyện, hãy giúp đỡ tất cả những ai
đang chờ được giúp.”
Tôi bật khóc vì quá xúc động.
Tất cả những người có mặt lúc đó đều khóc và cảm ơn cha mẹ cậu bé đã làm quyết
định đau đớn và khó khăn nhưng rất cao cả này. Cảm ơn ông bà, tôi thầm thì.
Trên cao kia, tôi biết cậu bé đang nhìn xuống và mỉm cười.
Những ngày sau đó, có ít nhất
là cả chục bệnh nhân đang chờ thay thận, gan, tim, v.v… đã được cứu sống nhờ
được ghép những bộ phận trong cơ thể cậu bé. Cô bạn gái cũng đã nhận được cặp
mắt của cậu.
Trên gương mặt trắng bóc và mái tóc vàng hoe, đôi mắt nâu trong
veo luôn tỏa những tia sáng ấm áp dịu dàng. Đôi mắt như biết nói những lời yêu
thương đến mọi người. Cậu bé đã ra đi mãi mãi, nhưng tình yêu quảng đại
của em vẫn tiếp tục tồn tại.
Ngay sau cái đêm “gặp ma”
trong bệnh viện đó, tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Tôi về bàn với chồng, và vợ
chồng tôi đã cùng đi đến quyết định là ra DMV để ghi tên tình nguyện làm người
“DONOR.”
Nếu một mai có người nào phải
ra đi trước, chúng tôi không muốn người thân mình ở lại phải suy nghĩ để làm
những quyết định đau lòng thế cho mình.
Cát bụi rồi sẽ trở về với cát
bụi. Thế thì tiếc làm chi các xác thân tạm bợ này! Nếu sau khi mình ra đi mà
vẫn còn có ích cho người khác thì đó chính là một niềm an ủi và hạnh phúc vô
biên cho mọi người chúng ta rồi.
Diễm Vy
Diễm Vy
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét