23 tháng 11, 2017

Cây trâm vàng

          Thực trạng xã hội hiện nay quả thực rất đáng buồn, vì lợi ích thiết thân mà con người quên hết cái tình, thậm chí là sẵn sàng bất hiếu đối với các đấng sinh thành ra mình. Nhưng đâu đó vẫn còn có những câu chuyện ấm lòng khiến chúng ta phải suy nghĩ về nó. 
          Khi tôi còn nhỏ, trong làng có một góa phụ, cuộc sống của bà ấy vô cùng vất vả khó khăn, chồng bà mất từ khi bà mới sinh cô con út. Mười mấy năm lại đây, không ai còn nhớ tên thật của bà là gì nữa, vì ai cũng gọi bà theo tên chồng là bà Hiền.
          Nếu có đứa con trai để nương tựa tuổi già thì bà cũng không đến nỗi khổ. Nhưng nói là nói vậy, chứ cả cuộc đời này chưa bao giờ bà than phiền vì chỉ sinh được 3 cô con gái. Vì các con, bà cắn răng chịu đựng tủi nhục, vượt qua khó khăn nhọc nhằn để nuôi chúng khôn lớn. Rồi cuối cùng ba cô con gái cũng đi lấy chồng, bà thấy phần nào bớt lo lắng bởi các con đã yên bề gia thất.
          Mỗi cô con gái được gả đi bà cũng một già thêm. Sau khi con gái út lấy chồng, bà trở nên gầy rộc đi trông thấy, tóc đã bạc trắng cả đầu. Khuôn mặt bà nhăn nheo như một tờ giấy bị vò nát, nhìn bà ai cũng thương cảm cho một đời lam lũ vì thương con.
          Mùa đông năm đó, bà cảm thấy chân đi không còn vững nữa. Tỉnh dậy lúc nửa đêm, bà thấy những cơn đau dần đến nhiều hơn. Có lúc đau quá, bà không thể ra ngoài đi chợ nhặt rau nấu cơm. Nhưng bà không dám gọi cho các con, bà nghĩ chúng có cuộc sống riêng nên không muốn làm phiền. Bà đã quen tự mình lo liệu mọi việc, bởi vậy bà quyết định sẽ sống một mình trong gian nhà dột nát này đến cuối cuộc đời.
          Nhưng còn một việc bà vẫn chưa yên tâm đó là bà còn một cây trâm vàng, đó là của hồi môn khi bà lập gia đình.



          Trước khi ra đi, bà không muốn làm phiền các con, chỉ là muốn để lại cây trâm cho một cô con gái, nhưng người đó phải là người con hiếu thảo nhất. Chỉ có như vậy khi nhắm mắt xuôi tay bà mới an lòng. Nhưng ai mới là người hiếu thảo nhất? Trong lòng bà vẫn không tự đông đo lường được.
Các con bà sau khi lập gia đình thì như diều đứt dây, hầu như rất ít khi về thăm bà. Nhưng may mắn là các con bà đều lấy chồng gần, nên bà quyết định đi đến từng nhà gặp từng đứa.
Sáng hôm sau, bà đến nhà Quyên – con gái cả.
          Quyên được gả cho một gia đình khá giả nhất nhì trong làng. Thấy mẹ đến nhà, cô chỉ rang một bát lạc, trên bàn ăn còn một bát dưa muối và một bát cháo hoa.
          Bà ngại ngùng nói rằng răng bà không còn tốt nữa, nên bà ăn vài miếng cháo xong thì ra về luôn. Vừa ra khỏi cổng chưa được bao xa thì gặp con trai của Quyên đang chơi với bạn, cháu ngoại thấy bà thì ríu rít:
           “Bà ngoại, bà ơi đến nhà con ăm cơm đi ạ, hôm nay mẹ con làm món thịt hầm ngon lắm.”
           “Bà ăn rồi, con mau về ăn đi.”… 

        Nói xong, dòng nước mắt chua xót lăn dài trên má, chảy xuống môi, bà thấy mặn chát, đôi chân đau mỏi nay thêm trùng xuống.

          Bà đi đến nhà Anh – cô con gái thứ hai.
          Chồng Anh là tài xế xe tải, gia đình lại khá giả, thế nên con gái bà đỡ phần vất vả.
          Anh thấy mẹ đến nhà thì có vẻ không vui lắm, cô lấy đĩa giá xào ăn thừa, vài lát bánh mì và một cốc nước cho mẹ.
          Bà nuốt nước mắt vào trong, cay đắng và tủi thân, thấy con đối xử với mình như một người ăn mày. Bà lặng lẽ ăn vài miếng rồi đứng dậy. Anh coi như không có gì vẫn ngơ ngác nói: “Mẹ, ăn xong rồi thì về đi kẻo muộn. Lát chồng con về thì lại thêm phiền phức.” Bà gật gật đầu, rồi tập tễnh rời khỏi đó khi trời đang nắng chang chang.
          Hai cô con gái bà hết lòng yêu thương và lam lũ nuôi nấng chúng, nhưng hôm nay chúng nỡ đối xử với bà như vậy, bà vừa đi vừa đầm đìa nước mắt.

          Cứ thế bước đi, cuối cùng trời cũng đã sẩm tối. Đôi chân đưa bà đến nhà cô út – tên Tú.
          Tú không được may mắn như hai chị gái, gia cảnh cũng không tốt lắm. Lấy nhau cả năm trời nhưng hai vợ chồng cô út vẫn chưa tích cóp được gì. Nhìn thấy mẹ đến, cô út vội vàng lấy ra cốc nước mời bà, rồi để bà ngồi đó một mình.
          Bà lão lập tức bị sốc đến tột cùng, trong lòng bà đau buồn không còn lời nào để tả. Bà đã hết lòng yêu thương con gái út, vậy mà cô lại đáp trả công sinh thành của bà như vậy. Chẳng lẽ chiếc trâm gia truyền bà đành phải mang theo xuống mồ? Bà không ngờ được, mọi chuyện lại tàn nhẫn và phũ phàng như vậy?

          Nhưng đột nhiên cô út bê mâm cơm lên, trong đó có món thịt lợn xào hành tây, cô vui vẻ ân cần mời bà: “Mẹ, tối rồi đừng về nữa, ở lại cùng con ăn bữa cơm.”
          Hai vợ chồng cô út rất khó khăn, chỉ tết mới dám mua thịt về ăn. Bình thường xào rau cô cũng chỉ dám lấy đũa khều một chút mỡ trong âu. Vậy nó lấy đâu ra tiền mà mua thịt đãi bà?

          Khi ăn cơm, bà vô tình nhìn lên mái tóc cô út, cây trâm mà chồng cô tặng cô khi cưới đã biến mất. Lúc này trong lòng bà chợt ấm áp lạ kỳ, hai hàng lệ hạnh phúc cứ thế tuôn rơi.

          Tú tưởng mẹ đang lo lắng cho mình, bèn nắm lấy tay bà và an ủi rằng: “Mẹ à, chồng con đối xử với con rất tốt, cuộc sống của chúng con tuy có chút vất vả nhưng có sự cố gắng. Chồng con còn nói, đợi năm tới hoàn cảnh tốt lên một chút sẽ đón mẹ qua sống cùng chúng con.”


         
          Bà mỉm cười mà nước mắt giàn giụa, rồi bà lôi từ trong túi xách ra chiếc trâm vàng. Bà ôm con gái vào lòng như khi cô còn nhỏ, bà nhẹ nhàng vuốt lấy mái tóc dài óng ả và cài chiếc trâm lên đầu con gái.
          Bà nghẹn ngào nói: “Con à, đây là thứ cuối cùng mẹ có thể cho con, trước đây dù có đói khổ thế nào mẹ cũng không bao giờ bán nó đi, bởi vì nhìn vào nó mẹ thêm động lực để cố gắng. Cuộc sống chỉ cần không ngừng cố gắng thì dù có vất vả thiếu thốn thế nào cũng sẽ vượt qua được.”
Cô út gật gật đầu, nhớ lại những ngày tháng cùng mẹ và hai chị bên nhau, cô nức nở khóc nước mắt ướt đẫm vòng tay người mẹ già…

          Không lâu sau bà lão cũng ra đi mãi mãi, bà đã đi hết quãng đường đời tưởng dài mà rất ngắn ngủi kia và cuối cùng bà cũng yên tâm mà nhắm mắt xuôi tay.

          Sau này Quyên và Anh vì giành nhau ngôi nhà của mẹ để lại mà không qua lại nhìn mặt nhau nữa. Tú không muốn tham gia cuộc chia tài sản này, cô cùng chồng sống những ngày tháng giản dị êm đềm bên nhau. Rồi hai người cũng sinh con, con cái lại lớn lên và tự ra ngoài lập nghiệp.
Cây trâm vàng kia vẫn nằm trên búi tóc của Tú không rời, chỉ là năm tháng đã nhuộm bạc mái tóc đen của cô.

          Cây trâm đó sau này lại được truyền lại cho con cháu, vì Tú mãi ghi nhớ, nó là biểu tượng của sự cố gắng, mỗi khi nhìn nó cô lại nhớ lời dặn dò của mẹ mình. Sự tồn tại của nó là lời nhắc nhở cho con cháu sau này dù hoàn cảnh có khó khăn chỉ cần cố gắng, không buông lơi thì ắt sẽ vượt qua và có thể tiến về một tương lai tươi đẹp và hạnh phúc hơn.



.

Không có nhận xét nào: