14 tháng 2, 2015

Tết và tuổi thơ - Tết và hoài niệm



          Câu chuyện tôi kể xảy ra cách đây khoảng 25 năm. Lúc đó, tôi còn bé nhưng dường như cứ đến Tết, những kỷ niệm đó lại ùa về. Tôi muốn gửi tặng câu chuyện này đến bà nội, bố mẹ, em trai như để mãi nhớ về quá khứ xa xôi…

          Mùng một tháng chạp…

          Thế là đã bước sang tháng cuối cùng của năm. Tết dường như đến quá sớm. Tôi biết được điều đó khi thấy bố tôi vội vã chở xe đạp những bao tải hương liệu cuối cùng trong năm, nào quế, hồi, thảo quả, xuyên khung… Cuối năm có khác, thứ nào cũng tăng một hai giá trong khi giá hương lại không được phép tăng. Vì cần phải giữ chữ tín với người mua. Nhưng biết làm sao được, đã bao năm rồi đến tháng này cả nhà chỉ lấy công làm lãi.

          Sau khi trộn nguyên liệu xong, chuyển cho thợ xe hương. May trời khô ráo, hương khô nhanh. Cả nhà vội vã đóng gói. Bố ngồi đếm hương, mẹ gói dán nhãn, tôi  làm nilon (bao nilon bên ngoài bó hương), em tôi ngồi buộc từng chục. Mỗi tối, bố thường quy định hai chị em đủ 1.000 bó thì đứng dậy. Tôi không biết mình đã làm hết bao nhiêu thời gian chỉ biết khi đứng lên, trời đã rất khuya, mình đau ê ẩm, chưa vào giường mắt tôi đã nhắm tịt. Nhưng tôi thấy vui làm nhiều có nghĩa là bán được nhiều, hứa hẹn một cái Tết đầy đủ…

 
           Rằm tháng chạp…

          Từng thứ cứ dần xuất hiện trong nhà. Tất cả đều là những thứ chuẩn bị cho Tết. Chiều muộn, bà nội bán hàng từ chợ về xách theo cải làn, một miếng bóng bì, bó măng khô, ít mộc nhĩ, nấm hương, cả miến dong nữa chứ… và tiếp đến là gà. Gà thường được mang từ quê lên sớm, rồi nuôi vỗ béo một hai tuần. Gạo nếp, lá dong, đỗ xanh, thịt lợn phục vụ cho món bánh chưng đã đầy đủ. Khó khăn đến mấy bà tôi cũng phải gói đủ 30 cái. Rồi cuối cùng là hoa quả, bánh mứt. Quả thường là chuối xanh, phật thủ, cam, hồng xiêm… miễn sao ít nhất có 5 loại để bầy ngũ quả.

Trừ gà để ngoài sân, còn lại tất cả được "ttích cóp" dần trong cái thùng gỗ to kín mít mà chỉ bà tôi có chìa khóa. Bà chọn lựa cẩn thận lắm, cất đi cũng nhẹ nhàng, cứ như sợ hỏng mất. Cũng đúng thôi, thứ gì lúc đó cũng đắt, mà nhiều khi muốn mua lại chẳng có. Tôi đã đứng rất lâu trước cái tủ kính bà bày hộp mứt. Nó có hình bầu dục trong suốt, lộ ra rất nhiều loại mứt thơm ngon như mứt dừa, mứt quất, mứt gừng… nhưng thích nhất là có quả táo tàu. Loại quả mà tôi rất thích, nhưng chỉ có 4 quả trong khi bà tôi có 6 đứa cháu. Ngày nào tôi cũng chỉ loanh quanh bên bà, thật ngoan để mong bà chia cho tôi trước nhất…

          28 Tết…

          Hôm nay cả nhà sẽ gói bánh chưng. Từ sáng sớm trên mảnh sân gạch đỏ, mẹ vo gạo, đãi đỗ, rửa lá dong, thái thịt ướp hạt tiêu để gọn gàng đâu ra đấy. Bố và các chú chuẩn bị củi, lửa, thùng phi. Bà nội rải cái chiếu hoa ra giữa nhà. Lần lượt từng thứ được đưa lên. Rá đỗ xanh vàng ươm, đỗ chín nắm từng nắm nhỏ (mỗi nắm vừa đủ một cái bánh), gạo nếp vo sạch cao có ngọn, lá dong xanh mướt mải sạch bong, bát thịt thơm phức nửa nạc nửa mỡ, lạt tre tinh tươm. Bà ngồi khoanh tròn, đặt chiếc mâm nhỏ trước mặt. Lần lượt bà đặt lạt, xếp lá, dùng bát con đong gạo nếp. Sau đó đến lượt một bát gạo, một nắm đỗ, một miếng thịt gọn gàng ở giữa, tiếp tục một nắm đỗ, một bát gạo.

          Bà thoăn thoắt, gói, buộc, vỗ, từng chiếc bánh hiện ra lần lượt. 30 cái chỉ gọn trong hơn tiếng đồng hồ. Bánh bà gói to, cao thành, vuông vắn. Chúng tôi chỉ chực để chờ đợi nhưng chiếc bánh con mà bà gói cuối cùng. Bà chỉ gói 6 cái cho 6 đứa cháu, cái nào cũng nhiều đỗ và thịt hơn. Bố và cái chú lần lượt xếp vào cái thùng phi to trên để chậu nước nóng. Lửa củi đượm bùng cháy. Chúng tôi xúm xít xung quanh để nghịch lửa và nướng ngô khoai. Thường chúng tôi vùi khoai trong đống củi lửa.          Nhanh lắm, củ khoai chín rộm, vàng ươm, đầy mật. Nghĩ đến đã ứa nước miếng. Chúng tôi vội vã bẻ, vội vã ăn lắm khi bỏng cả tay… Một lát cả lũ trẻ con ngủ gục còn người lớn vẫn tiếp tục những công việc còn lại cho hết đêm.

29 Tết…

          Bánh chưng dỡ được xếp cẩn thận thành từng hàng, dùng một tấm phản gỗ cũ đè lên cho ra nước và bánh được dền. Các chú thu dọn thùng, cọ sân cho sạch. Mẹ cặm cụi nấu các món ăn như nấu măng, muối dưa kiệu, ngâm bóng, đồ xôi, mổ gà, rán thịt… Nhà tôi nhiều việc lắm vì là dòng trưởng, các gia đình là em của bố sẽ tụ tập về ăn Tết từ chiều 30 cho đến hết mùng 4. Bố bơm nước lên tầng để cọ rửa nhà cửa, kê bộ bàn ghế cổ ra giữa nhà, quét dọn bàn thờ. Việc này bố làm rất cẩn thận và chu đáo.

Đầu tiên, bố chuyển hết đồ thờ xuống sập, lau từng thứ bằng khăn sạch và rượu gừng. Đồ đồng dùng tro đánh thật bóng và xếp lại cẩn thận theo đúng vị trí. Tiếp đến, bố bầy mâm ngũ quả, chiếc mâm bồng đỏ bán kính 50cm, bày đủ 4 nải chuối xanh to làm đế, tiếp đến là bưởi bòng nằm chính giữa, xung quanh là các loại quả nhỏ cam, hồng xiêm, ớt xanh đỏ xen kẽ. Trên cùng là trái phật thủ xòe đủ các ngón như để chở che.

Chiếc phản thờ rải chiếu đỏ mới tinh. Một góc bày chiếc mâm có đủ hoa quả bánh kẹo, đây là mâm cúng giao thừa. Chính giữa là mâm ngũ quả. Góc còn lại là mâm cỗ ngày tết. Xong xuôi bố thường đứng rất lâu ngắm nghía. Gần 3 giờ chiều, bố mẹ cho hai chị em ra chợ hoa. Chợ hoa Hàng Lược tập nập lắm, nhưng người mua ít người bán nhiều. Đào nhiều, đẹp mà đắt vì thế gia đình tôi cũng chỉ chọn được hai cành đào nhỏ cánh ban thờ  và một ít hoa violet...

          30 Tết…

          Bánh chưng từng đôi được buộc lạt treo lên xà ngang. Bát đũa để từng mâm gọn gàng, xôi thổi thơm phức. Gà mổ sạch sẽ. Việc cuối cùng của mẹ là gói giò xào và làm món quay. Mẹ thái mỏng tai lợn, mộc nhĩ, xào cùng nước mắm, hạt tiêu trút vào lá dong bầy sẵn ở mâm, gói, nẹp cận thận và cũng treo lên. Quay là món cổ truyền ở gia đình tôi. Nghe đâu đây là món bên quê ngoại của bà nội. Thịt ba chỉ để nguyên miếng to ướp riềng vàng ươm, sau đó buộc lạt vòng quanh cho chắc rồi đưa vào chảo rán. Khi ăn thái miếng mỏng. Miệng thịt mỡ nạc ăn mãi không ngán thơm mùi riềng. Cơm nước là việc của mẹ. Nhiều việc lắm, thứ gì mẹ cũng đều tự làm hết, từ thái đu đủ làm nộm đến làm mọc, nấu thịt đông. Tôi là con gái mà cũng không phải làm gì. Giờ đã lập gia đình, Tết nhất ở nhà chồng đơn giản, nghĩ lại mới thấy thương mẹ biết bao…

T          rưa, bố vội vàng chở hai chị em ra cửa hàng sách. Mỗi năm chúng tôi chỉ được mua hai quyển mà thôi. Các cô bán hàng đã quen với việc chúng tôi là những người "chốt hạ" nên chỉ cười mà giục "Nhanh cô còn đóng cửa nhé". Về qua Hàng Mã, bố cho hai chị em mua chục băng pháo tép. Về nhà, mẹ giục cả nhà lấy nước mùi nấu sẵn mà tắm rửa.

          Gần 5 giờ chiều, các gia đình đã tụ tập đủ. Cả nhà tôi phải 4 mâm. Tiếng nói rôm rả hòa lần tiếng bát đũa lách cách. Người lớn ngồi nói chuyện năm qua làm ăn ra sao, có điều gì hay dở. Trẻ con tranh nhau cái bát đẹp, cái thìa mới… Ồn ã gần ba tiếng mới giải tán. Mẹ lụi cụi dọn dẹp...

          Giao thừa…

          Pháo đì đùng nổ… Lúc đầu ở xa, sau mỗi lúc một gần rồi tấp cập, liên tục, năm mới đến thật rồi. Băng pháo nhà tôi cũng rộn ràng hòa theo. Bà nội thắp hương ngoài trời, cúng gia tiên… Hương nhang khói mù mịt, đèn nến sáng choang.

"Nào, lại bà mừng tuổi. Phong bao này cho cháu gái duy nhất. Phong này cho cậu đích tôn. Đây, của anh trưởng (bố) và của chị Thành (mẹ) nhé! Chúc cả nhà mạnh khỏe cả năm". Bố mẹ và chúng tôi cũng chúc bà năm mới sống lâu, buôn bán bằng năm bằng mười năm ngoái. Mẹ cũng mừng tuổi hai chị em tôi, còn bố thì chúc cả hai ngoan ngoãn, học giỏi.

          Tôi ôm chiếc phong bao đỏ do tự tay bà làm rồi đi ngủ. Trong mơ tôi thấy mình có hàng nghìn cái như thế... Tết đến thật rồi… Tết… Tết ơi!



          Hoàng My

          Nguồn: doisong.vnexpress


.

Không có nhận xét nào: