13 tháng 2, 2015

Tết và tuổi thơ - Hương Tết, hương tuổi mới



          Không chỉ là những hương sắc mùa xuân như cỏ cây, hoa lá và cả khí trời lành lạnh khiến tôi luôn cảm thấy yêu Tết, mà Tết còn có cả hương xuân đặc biệt - hương của tuổi mới.

          Khi còn bé, có hơn một lần ai đó từng bảo với tôi rằng "mai mốt lớn sẽ biết ghét Tết" hoặc đại loại một câu chi đó rằng Tết là dịp người lớn thở dài với những bộn bề lo toan và cộng thêm một cho số tuổi của mình. Chẳng hiểu khi nào với tôi mới là "mai mốt", khi nào tôi mới thật sự "ghét Tết". Nhưng lúc này đây, khi tôi đang ở tuổi 35 và có một cậu nhóc 10 tuổi bên cạnh thì với tôi Tết luôn là mùa của yêu thương đầy hương sắc.

          Tết không chỉ là những hương sắc mùa xuân như cỏ cây, hoa lá và cả khí trời lành lạnh khiến tôi luôn cảm thấy yêu Tết, mà còn có cả hương xuân vô cùng đặc biệt - hương của tuổi mới. Tôi cảm nhận mùa xuân từ chiếc quần bắt đầu cao quá mắt cá chân của con trai. Tôi vẫn còn nguyên vẹn tình yêu dành cho mùa xuân, cho Tết ngay khi ở tuổi mà ra đường đã có nhiều người gọi tôi là cô và xưng con thiệt ngọt.



          Với tôi, mùa xuân mang đến hương tuổi mới cho trẻ con và cho cả phụ nữ. Tuổi mới của trẻ con là sự thông minh qua mỗi năm, cùng những định nghĩa bớt dần sự ngô nghê về Tết. Tuổi mới của phụ nữ là thêm sự tự tin mỗi năm khi quyết định mặc một chiếc áo đầm màu vàng rực hay một bộ bà ba tím đậm, lang thang phố phường hoặc thử một bộ váy áo, mà không cần lời tư vấn của em nhân viên bán hàng.

          Thêm một mùa xuân là thêm lớn khôn và trưởng thành. Tôi vẫn chưa thể ghét Tết, chỉ đơn giản tôi nhận ra rằng với số tuổi càng lớn, tôi hiểu được vẻ đẹp thật sự của người phụ nữ không hẳn đến từ son phấn, từ những bộ cánh gợi cảm, mà đến từ sự tự tin vào bản thân, từ cái duyên bên trong, từ chính những kinh nghiệm sống đã qua trải nghiệm. Nghĩ về mùa xuân, tự dưng tôi thấy nhớ về những cách gọi Tết của con trai.

          Sáng nay ngồi cà phê sớm, nghe rộn rã nhạc xuân "em ơi, mùa xuân đến rồi đó", tôi nhớ đến câu nói của con trai "con sắp được nghỉ Tết Nguyên đán rồi đó mẹ". Tôi không biết con của bạn biết  gọi Tết cổ truyền Việt Nam với từ "Tết Nguyên đán" là khi nào. Tuy nhiên, với tôi, khi nghe con trai nói cụm từ này, tôi có một chút xao lòng khi nhận ra "em bé" ngày nào của tôi giờ đã có thể được gọi là "cậu bé".

          Tôi nhớ ngày nào con trai vẫn cứ hay hỏi đi hỏi lại một năm có mấy cái Tết và bao giờ cái Tết con trai thích nhất vẫn là "Tết được nghỉ nhiều". Nhớ lúc 3 tuổi, bé gọi tên Tết nghỉ nhiều là Tết lì xì, nhưng bé hầu như chẳng bao giờ quan tâm đến nội dung trong bao lì xì. Đa phần bé lấy hết "giấy" trong bao lì xì rồi quẳng bỏ, bé giữ lại cho mình cái bao màu đỏ, màu sặc sỡ yêu thích từ bé đến tận hôm nay.

Khoảng thời gian 4-5 tuổi, bé lại gọi đồng tiền cắc là "vàng bạc châu báu", bé xem những  đồng tiền có mệnh giá 5.000, 2.000, 1.000 là đồng vàng và đồng tiền 500, 200 là đồng bạc. Với bé, những đồng tiền vàng có giá trị để sắm ngôi nhà to. Nhớ một ngày giáp Tết năm 2007, tôi chở bé đi ngang ngân hàng gần nhà, bé đã dõng dạc tuyên bố "Tết bánh chưng xanh năm nay, con mà có nhiều đồng tiền vàng lì xì con không mua đồ chơi đâu, con cho mẹ hết để mẹ xây cho ngôi nhà to như nhà này. Nhưng mẹ chỉ cần làm cho con một điều thôi, mẹ xây cái bồn tắm giống khách sạn trong nhà được không mẹ?". 

          Lúc đầu, nguyên văn bé gọi tên Tết là "Tết bánh chưng xanh dưa hấu đỏ", nhưng có lẽ vì thấy quá dài nên bé chỉ nói ngắn gọn "Tết bánh chưng xanh". Trong tất cả các định nghĩa Tết mà tôi có thể nhớ, tôi yêu nhất là từ "Tết bánh chưng xanh". Vào Tết năm đó, tôi dặn tất cả bạn bè hãy lì xì cho chàng bằng những đồng vàng, vì chỉ như vậy, bé mới thật sự sung sướng và hạnh phúc.

T          ôi còn nhớ cô bạn thân từ Australia về nước dịp Tết đã cố gắng tìm hết những đồng bạc cắc cho bé, nhưng bé đã lắc đầu từ chối vì "tiền của cô Thy không có xài được". Đến Tết năm bé vào học lớp 1, bé vẫn gọi "Tết bánh chưng xanh", nhưng bé đã biết thêm Tết không chỉ có hoa mai, mà còn có cả hoa đào. Tuy nhiên, không hiểu sao bé vẫn cứ gọi là "Tết bánh chưng xanh". Có lẽ, đối với bé, từ này đã gợi nhớ về Tết và dễ nhớ hơn từ "Nguyên đán". Tôi chẳng bao giờ chỉnh sửa những ngôn từ đáng yêu đó của con trai, mà vẫn gọi theo con bằng cụm từ "Tết bánh chưng xanh".

          Mỗi khi gọi tên Tết, tôi lại cảm nhận hương vị ngày tết nồng nàn từ mùi nếp mới, mùi lá dong, mùi đậu xanh thịt mỡ. Tôi bắt đầu yêu bánh chưng xanh khi nó được con trai tôi ghép chung với từ Tết. Thật sự tôi không biết mình có là phụ nữ cảm tính hay không, nhưng tôi có rất nhiều tình cảm yêu thương dành cho tất cả những định nghĩa Tết của con trai. Nhớ tết năm 2009, con trai đã xin tôi "Tết bánh chưng xanh mẹ mua cho con một cây hoa mai và thêm một cây hoa tết màu đỏ nha mẹ". Tôi nhớ mình đã hỏi lại con xem hoa gì màu đỏ, thật sự ngay tại lúc đó tôi quên mất có một loài hoa đại diện cho Tết có sắc đỏ.

          Năm ấy, bé không nhớ được tên hoa nhưng khẳng định đó là loài hoa đại diện cho Tết, rằng hoa đó ở miền Bắc và nó có màu đỏ và hoa người ta hay nói chung với từ hoa mai. À thì ra hoa Đào. Tôi đã mỉm cười và cũng muốn rớt nước mắt với niềm mong ước của con trai. Tết bánh chưng xanh năm 2009 tôi không có quá nhiều tiền để sắm một cây hoa đào thật và thêm một cây hoa mai thật cho con trai, nên tôi chọn giải pháp mua một cây hoa mai thật và một cây hoa đào giả. Nếu như nói một năm đầy khó khăn trong công việc, ngày Tết sẽ không vui, cũng có thể rất đúng với nhiều người, nhưng với riêng tôi, những ngày Tết của năm không thể tặng cho con trai cả hai cây hoa mai và hoa đào thật lại là những ngày Tết ấm áp dễ thương.

Cứ nhìn những nụ hoa đào màu hồng trên cây giả, tôi lại mỉm cười hy vọng khi biết có một mùa xuân khác đang chờ hai mẹ con tôi. Một một xuân mà trong nhà tôi có hẳn một cây hoa đào sắc hồng dịu dàng, một cây hoa mai sắc vàng rực rỡ đón Tết cùng hai mẹ con.

          Có một điều gì đó mong ước để thực hiện vào mùa xuân tới là một niềm hạnh phúc!



          Trần Thị Nhung

          Nguồn: doisong.vnexpress


.

Không có nhận xét nào: