12 tháng 2, 2015

Tết và tuổi thơ - Mẹ gánh xuân về



          Mỗi thời khắc giao thừa đến, lòng tôi lại trào dâng một cảm giác bâng khuâng, trống trải. Tiếng pháo nổ vang trời, tôi cảm thấy xao xuyến và nước mắt cứ rơi. Khi ấy là lúc tôi hướng về mẹ với niềm đau đáu khôn nguôi.

          Khi nhành đào phai trước hiên nhà chớm nở những nụ hồng mong manh, khóm cúc vạn thọ khoe một màu vàng rực rỡ, trong tôi lại dấy lên một cảm giác buồn man mác đến nao lòng. Bởi lẽ, trong tiết trời vào xuân, không khí Tết đang rộn rã trên mọi nẻo đường, tôi lại càng nhớ và thương mẹ hơn bao giờ hết!

 
           Cuộc sống của mẹ chất chứa bao nỗi lo toan, muộn phiền. Ngày tôi còn nhỏ, bố bị tai nạn lao động trong khi đang làm nhiệm vụ. Năm ấy mẹ mới 26 tuổi, mẹ một nách nuôi hai con thơ và lo chạy chữa cho bố. Đến khi sức khỏe dần hồi phục, đôi mắt bố lại mờ đục, cướp đi của bố bao niềm hy vọng về tương lai. Tưởng chừng, mẹ đã gục ngã, nhưng mẹ vẫn vì gia đình nhỏ bé, mạnh mẽ đứng dậy, vay mượn khắp nơi để có tiền chữa bệnh, mang lại ánh sáng cho bố.

          Kể từ đó, mẹ trở thành người trụ cột trong gia đình. Một mình mẹ nhọc nhằn chẳng ngại nắng mưa, đổ bao giọt mồ hôi trên ruộng đồng. Rồi mẹ lại thức khuya dậy sớm với những gánh hàng trên vai. Đôi bàn tay mẹ thêm chai sạn vì làm việc nhiều, đôi mắt mẹ thâm quầng vì thiếu ngủ. Đôi mắt ấy lúc nào cũng buồn rười rượi như chính cuộc đời mẹ. Mẹ luôn gồng mình tìm con đường đi để gia đình tôi thoát khỏi cảnh đói nghèo, khổ cực.

          Khoảng thời gian ấy, người dân quê tôi có phong trào đi xuất khẩu lao động. Bố mẹ tôi cũng gửi gắm vào đó một tia hy vọng mong manh, dẫu biết đó là một con đường đầy chông gai và nhiều may rủi.

          Tôi vẫn nhớ, đó là buổi tối mùa đông rét buốt, trước hôm mẹ lên đường vào miền Nam. Trong căn nhà nhỏ đơn sơ, ánh đèn heo hắt buồn mênh mang như chính tâm trạng của gia đình tôi khi ấy. Bố thẫn thờ nhìn theo làn khói thuốc, mắt mẹ đỏ hoe không nói nên lời. Tôi và chị nằm trong chăn mà nấc nghẹn từng hồi. Không khí não nề bao phủ khắp căn nhà, không ai nói với ai một lời, chỉ có tiếng khóc thút thít của chị em tôi và tiếng dế kêu rả rích ngoài đồng vọng vào.

          Sáng sớm hôm sau, mẹ lên đường. Chúng tôi tiễn mẹ mà lòng nặng trĩu nỗi buồn, nước mắt cứ tuôn rơi. Buổi sáng tháng chạp, gió rét căm căm, từng cơn gió rít lên từng hồi, mưa phùn rả rích, táp từng cơn vào mặt lạnh tê tái. Mẹ co ro trong manh áo mỏng, đôi môi mẹ tím tái khiến lòng tôi thêm chua xót.

          Có lẽ, đêm trước mẹ đã khóc rất nhiều, để cho hôm nay mắt mẹ sưng mọng. Mẹ dặn dò chị em tôi mà câu nói nghẹn lại bởi tiếng nấc, môi mẹ run run không hiểu vì giá rét hay niềm xúc động đang trào dâng. Cả hai chị em tôi khóc mãi không ngừng làm mẹ vội quay đi, lấy tay ngăn dòng nước mắt.

          Đôi vai mẹ gầy mỏng manh, lưng mẹ còng xuống vì chiếc ba lô trên vai như chính gánh nặng đang ghì chặt xuống bờ vai ấy. Bố lặng lẽ đứng nhìn mẹ và rồi bố khóc. Đó là hình ảnh về gia đình mà suốt cuộc đời này tôi không thể nào quên. Ba bố con tôi cứ đứng đó cho đến khi chiếc xe chở mẹ lao đi hun hút và biến mất vào màn sương đặc quánh.

          Mẹ đi chỉ cách Tết Nguyên đán 10 ngày. Những ngày giáp Tết ấy, nhà nhà rộn ràng đón xuân nhưng nhà tôi vẫn cứ im lìm và lặng lẽ, không có đào, không có hoa và không có cả bánh chưng. Không khí nặng nề, lạnh lẽo bao trùm khắp gian nhà đơn sơ, trống trải.

          Tôi còn nhớ mãi ngày 29, 30 Tết năm ấy, người người đến nhà tôi đòi nợ. Họ nói mẹ tôi bỏ xứ, bỏ chồng con đi trốn nợ. Họ nhẫn tâm lấy đi chiếc xe đạp cũ kỹ hàng ngày, hai chị em tôi vẫn đến trường, lấy đi chiếc TV trắng đen của ông nội để lại. Đó là những vật giá trị nhất trong nhà tôi khi ấy. Bố nhìn theo, đôi mắt buồn rầu như phó mặc. Tôi và chị thì khóc lóc van xin nhưng họ vẫn chẳng hề để tâm.

          Cho đến khi người đòi nợ cuối cùng ra khỏi nhà, cũng là lúc tiếng pháo giao thừa nổ vang trời. Từng chùm pháo hoa rực rỡ trên bầu trời cũng không xóa được cảm giác trống vắng trong lòng và nỗi buồn của ba bố con tôi. Đó cũng là lúc, trong lòng tôi cuộn trào biết bao dòng cảm xúc, nhớ thương mẹ vô bờ bến và thương cho hoàn cảnh của gia đình tôi khi ấy. Tôi biết rằng, ở nơi xa ấy, mẹ đang rất buồn tủi và nhớ quê hương da diết. Có lẽ năm ấy là cái Tết buồn nhất mà tôi từng biết.

          Thời gian thấm thoắt thoi đưa, mười một năm trôi qua, chưa một lần mẹ tôi được đoàn tụ, sum vầy cùng gia đình, người thân trong ngày lễ Tết. Cuộc đời của mẹ tựa như guồng quay với bao vất vả, bộn bề của nỗi lo cơm áo gạo tiền. Ở nơi đất khách quê người ấy, mẹ tôi lạc lõng, cô đơn giữa vô vàn người xa lạ, cùng những khó khăn về công việc và bất đồng ngôn ngữ. Tôi biết, mẹ rất muốn được hưởng những giây phút ấm áp bên với gia đình vào dịp lễ Tết, nhưng vì tương lai của các con, mẹ lại chôn chặt niềm ao ước nhỏ bé ấy vào sâu trong cõi lòng.

          Tết đến, ai ai đi xa cũng tìm về quê hương đoàn tụ với gia đình, nhưng riêng mình mẹ ở nơi ấy vẫn tiếp tục công việc. Bữa cơm ngày Tết, mẹ gọi điện về hỏi thăm mọi người, nghe giọng mẹ run run mà lòng tôi xót xa vô cùng.

          Khi gia đình còn túng thiếu, chưa năm nào mẹ có một cái Tết trọn vẹn, đến khi cuộc sống dần ổn định, mẹ cũng chưa một lần được ăn Tết với chồng con. Mẹ vẫn âm thầm hy sinh những niềm vui và hạnh phúc giản dị của mình để gia đình có được cuộc sống no đủ.

          Tết đến, xuân về, ngước nhìn bầu trời bao la, tôi thầm ước mong có một phép tiên nhiệm màu nào đó, để Tết này, mẹ được sum vầy bên gia đình và đón xuân trên mảnh đất quê hương.



          Phạm Thị Hoan

          Nguồn: doisong.vnexpress


.

Không có nhận xét nào: