17 tháng 2, 2015

Tết và tuổi thơ - Ngày Tết ước mơ



          Tôi luôn thầm ước có một lúc nào đó, cả nhà lại được quây quần nơi bến sông cũ với khuôn bánh in trắng phau phau, bên nồi bánh tét, bếp lửa hồng bập bùng thâu đêm...

          Tôi ước được nhìn thấy ba, má hê ha cười bên cháu nội, cháu ngoại, dâu, rễ, con trai, con gái. Tôi sẽ được thỏa thích đắm mình trong mênh mang ký ức tuổi thơ, để đập tan cảm giác chông chênh của bao ngày bon ba cơm áo xa quê.

          Những ngày giáp Tết, nhìn ai cũng vội vàng. Họ đếm từng giờ phút trôi qua trong lo lắng, tất bật, chỉ mình tôi là rảnh mà nghe lòng chông chênh quá đổi. Ước gì tôi có cái để tiếc rẻ trước thời khắc của năm tàn cho lòng bớt mênh mông. Bất chợt thấy thèm quá chút nắng, mưa, gió, hương đồng thơm ngút và chút mặn chát của con sông quê.



          Tuổi thơ tôi gắn liền với khúc sông phía cuối hạ nguồn mà vị nước lúc nào cũng mặn chát, chua lè mùi phèn. Mảnh ruộng mưu sinh vì thế trở nên cằn cỗi. Đất dưới chân cứ vón cục, rít rịt như thách thức từng nhát cuốc lầm lũi của người nông dân quen đời chịu đựng như ba, má. Cả cái xóm nghèo chừng bảy, tám nóc nhà với đâu mươi lăm đứa con nít đen thui dầm dề hết bến sông này, sang hói rộc nọ mò hang cua, bắt con hến cho bữa cơm chiều.

          Rồi một sớm, những đứa trẻ chỉ quen với tấm áo đen thui, vàng chạch bởi bùn đất, bởi bao lần giặt chay với nước mặn nhày nhụa phèn, được mẹ níu tay dắt ra chợ. Khu chợ huyện náo nhiệt, đông đúc đến nghẹt thở nhưng cuốn hút lạ kỳ. Bao nhiêu là hoa, là bánh. Có cả dãy dài cửa hàng treo lủng lẳng áo đỏ, áo hồng khiến tôi hoa tít cả mắt. Con bé tôi được thử hết bộ này sang bộ nọ. Thi thoảng, má ghé sát tai tôi hỏi mà gần như gào lên "Con thích cái mô?".

          Tôi biết trả lời sao cho được. Cái nào cũng đẹp, cũng mới gấp chục, gấp trăm lần đống áo quần vá chằm vá đụp được thừa kế từ anh tôi, nhét kín trong chiếc thúng phía dưới đuôi giường. Chả lẽ tôi lại bảo "con thích hết tất cả" hay sao. Tôi giương cặp mắt ánh đặc mùi buồn lên nhìn má, nhìn cô bán hàng. Thật ra, má hỏi cho có hỏi, cho đỡ ngại với cô bán hàng vậy thôi chứ với gia đình nghèo như nhà tôi thì lấy tiền đâu ra mà mua cái đẹp.

          Má móc tiền trả cho chiếc áo đỏ chóe, mỏng lắt và bảo "Tụi ni bôi kinh lắm, mặc màu ni cho sạch". Má còn dặn đi dặn lại với tôi "Để Tết hãy mặc nghe con, mặc chừ lỡ hư mất thì Tết lấy chi mà mặc". Không cần má nói, tôi cũng biết phải làm gì. Mấy năm nay má có mua cho tấm áo mới nào đâu. Tôi chỉ toàn mặc đồ thừa của anh hai để lại đến quên mất khái niệm mua đồ mới, cho tới khi má dắt đi thử hết hàng này đến hàng kia. Cầm gói đồ trong tay, tôi mê tít, mặt ngẩng thật cao như thể mọi người xung quanh đang ngắm nhìn ngưỡng mộ.

          Hôm sau, khi tôi bận đi khoe khắp xóm cái áo mới mua thì má mang thúng nếp ra sông vút. Má vút đến là kỹ rồi kê hai viên gạch ngoài hè ngồi rang. Mớ nếp bốc mùi thơm ngút. Má bảo với dì hai sau nhà "Phải chịu khó rang thì bánh mới thơm được, chớ mang cho người ta bung, khỏe mình nhưng bánh không thơm ngon bằng, mà còn hao nếp lắm, chị ba nợ!". Tôi nghe má nói mà sướng rơn. Sắp có bánh ăn, không sướng sao được.

          Rang xong, má lúi húi dắt xe chở mớ nếp đi. Anh em tôi cứ thế khóc òa lên. Ba chừng không rõ lý do gì, nạt vội "Tao đét cho mỗi đứa mỗi cái chừ!". Anh hai mếu máo "Răng má lại đem nếp đi bán rứa ba, không làm bánh cho tụi con nữa nơ?". Ba cười hả hê "Má bây mang nếp đi xay bột làm bánh, chứ bán biết chi mô nơ!".

          Sáng hôm sau, má dậy sớm lắm, bê nia bột trắng phau phau đi phơi. Anh em tôi đứng đực ra ngơ ngác. Má nhìn chúng tôi có lẽ thương lắm "Hai anh em ngồi canh chừng nia bột cho má chớ lỡ ai bưng mất là không bánh biết chi hết đó nghe". Mãi đến sau này tôi mới hiểu, bột trước khi được làm bánh phải phơi qua sương cho dịu bớt. Có thế bánh mới dễ làm và ngon. Mặc kệ lý do là gì, lúc đó hai đứa con nít chúng tôi cứ ngồi nhìn chăm chăm vào nia bột, như thể chỉ cần một trong hai đứa chớp mắt thì nia sẽ tan ra thành khói bay lên trời mất hút.

          Má tôi bắt đầu cạo đường rột rẹt trong nhà. Bát đường đen trìn trịn mật mía bị con dao bén ngọt của má gọt nhanh từng nhát mỏng thín. Sợi đường rơi xuống thau mịn mướt. Tôi khoái chí thò bàn tay gầy trơ xương như những que củi cháy nham nhở vào thau, bóp nhẹ cho mấy sợi đường vỡ ra, xẹp lép xuống. Có lúc chừng vướng víu quá, má khẽ vào tay tôi mấy cái để nhắc nhở. Nhưng tôi biết, như vậy là má không đánh và cũng không bắt tôi phải lui ra ngoài, mà chỉ để tôi cẩn thẩn kẻo đụng phải dao.

          Má bảo anh em tôi chạy lên tít trên ngoại mượn khuôn làm bánh. Anh tôi chừng như vừa khám phá được bí quyết gì thú vị lắm nên hí hửng "Làm bánh cũng cần phải có khuôn đó nghe nhóc, như mấy hồi anh hai nhét đất vô vỏ con ngheo, rồi ịn ra thành bánh đó". Tôi cũng biết làm như vậy nhưng đó chỉ là trò chơi đồ hàng của đám con nít. Làm bánh chứ phải đồ chơi đâu, vậy nên tôi ráng gân cãi lại "Khuôn làm bánh là phải khác, không phải nắp ngheo mà".

          Bao nhiêu là bánh được in ra. Anh em tôi đếm mỏi cả miệng vẫn không hết. Ba khiêng cái bàn ra giữa sân rồi sắp bánh lên đó. Trời nắng đẹp, bánh phơi đến chiều là khô cong, cứng ngắt.

          Má gỡ cẩn thận từng cái một, xếp thành chồng đều đặn vào thùng giấy đến là khéo rồi bê vô cất. Hai anh em tôi bảo "Răng má không cho con ăn?". Má bảo "Để Tết mới được ăn". Tết là cái gì mà ghê vậy nhỉ, cái gì cũng phải dành cho Tết là sao. Cuối cùng thì cũng có một cái bị vỡ. Anh em tôi mỗi đứa một mãnh. Miếng bánh đặt cứng vỡ ra rồi tan nhanh trong miệng dẻo nhẹo, ngọt lịm. Cặp trâu đói mà chỉ vơ được mỗi cọng rau lang thì thấm tháp vào đâu. Tôi thèm thòm cong đầu lưỡi cố hất mạnh xẻo bánh còn dính kỹ trong hốc răng bị sâu ăn, rồi chép mạnh. Miếng bánh trôi tuột vào cổ họng đến nổi tôi chẳng kịp nuốt.

          Tôi thấy má mang cái thùng inox dùng để chứa nước uống ra sông kỳ cọ, rồi trét lên quanh thùng thứ xà phòng kem giặt đồ hiệu Li Sa. Ba tôi cùng chú ba bên xóm đi gom mớ gốc tre khô, gáo dừa, những thanh củi to đùng ngoài bến đêm ra hè. Tụi con nít cứ lấn quấn chạy theo, lấn quấn bàn tán đầy vẻ triết lý. Mấy hòn đá tổ ong to được kê ngay ngắn đở lấy chiếc thùng đầy ắp bao nhiêu đòn bánh xanh dờn lá chuối. Má hấp luôn vào đấy trả bột gạo để làm bánh đúc cho bữa khuya. Bánh đúc chấm mắm cái ngon không chịu nổi. Bọn con nít chúng tôi ăn no, lăn kềnh ra bên bếp mà ngủ. Lửa bập bùng đến tận tờ mờ sáng hôm sau.

 
           Ký ức của tôi về những ngày Tết tuổi thơ chỉ có vậy. Hay đúng hơn đó là những ký ức đẹp và tươi nhất luôn hiện hữu trong tôi mỗi khi năm cũ dần qua, năm mới sắp về.

          Năm tôi mười hai tuổi, gia đình rời bến sông, lên đường cái sống bằng nghề buôn bán. Ba má bảo thương bến lắm nhưng cứ trụ mãi ở đó thì lấy tiền đâu ra cho anh em tôi ăn học. Sự ra đi mà đến tận bây giờ, tôi vẫn nghĩ là tạm thời vì sự mưu sinh của cuộc sống.

          Những ngày cuối năm lục tục với bánh, nếp rang, bếp lửa rừng rực thâu đêm đi vào ký ức. Ba tôi không cho má làm bánh nữa bởi "Cái thời điểm ngày mần tháng ăn như ri mà bỏ đi làm những chuyện không đâu thì chết!". Vậy đành thôi, má không dám năn nỉ nữa.

 
           Năm tôi vào đại học, thương con quá mà hình như má cũng nhớ bao cái Tết bên bến sông hôm nào hay cả những ký ức tuổi thơ còn dạt dào trong má, mà má đánh liều đi làm bánh. Má âm thầm mua lá rồi nhờ người ta gói bánh giúp. Đến khi má lôi cái thùng đựng nước ngày xưa ra, nhóm bếp thì ba mới vỡ lẽ. Nhúm da đồi mồi chỗ ấn đường co lại, héo queo làm chảy ra mấy giọt bực bội khô rốc "Bà không nhớ tôi nói cái chi rồi hở?" Má chừng muốn khóc "Tội mấy đứa nhỏ mà ông, cả năm mới về nhà được lần, cũng phải có chi để ra Tết tụi hắn mang theo cho bạn bè nữa chớ!".

Cái lý đó ai mà cãi được. Đặc biệt với những người thương con như ba thì biết cãi làm sao. Ba lặng lẽ quay đi. Nhưng cũng chỉ được có một lần duy nhất đó thôi. Những lần sau, ba kiên quyết "Không", "Có tiền tụi nhỏ mới tiếp tục học được, bà biết không?". Má không dám cãi.

          Ra trường mới được một cái Tết, tôi đã vội theo chồng. Nhà chồng ở xa, hai vợ chồng lại bon ba mưu sinh nơi xứ người. Được ngày Tết, chả lẽ tôi dành mất của chồng. Không vì thế thì tôi cũng phải lo cho tròn bổn phận dâu con của mình nữa chứ. Có thế ba tôi mới mong không hổ thẹn với người đời. Đã bao con Tết trôi qua, tôi không còn quây quần bên ba má. Tôi biết, làm sao tránh khỏi cảm giác thiêu thiếu trong lòng ba, má khi mỗi đêm giao thừa về. Tôi luôn thầm ước sẽ có một lúc nào đó, cả nhà tôi lại được quây quần nơi bến sông cũ với khuôn bánh in trắng phau phau ngọt lịm, nồi bánh tét, bếp lửa hồng bập bùng thâu đêm. Ba má sẽ hê ha cười bên cháu nội, cháu ngoại, bên dâu, bên rễ, con trai, con gái. Tôi sẽ được thỏa thích đắm mình trong mênh mang ký ức tuổi thơ, để đập tan cảm giác chông chênh của bao ngày bon ba cơm áo xa quê.



          Vũ Xuân Thịnh

          Nguồn: doisong.vnexpress


.

Không có nhận xét nào: