19 tháng 2, 2015

Mồng Một Tết Cha. Mồng Ba Tết Thầy



          Năm hết tết đến, nhiều người Việt nhớ câu thành ngữ “Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy”. Câu thành ngữ phản ánh một nếp sống đẹp của người Việt ở thời điểm tống cựu nghênh tân. Nếp sống ấy đã thành quen thuộc, thành cha truyền con nối nên có thể có người không nhớ câu này, song họ vẫn sống theo lời dặn dò của cổ nhân trong câu thành ngữ.

 
           Tục xưa, con cái trưởng thành ở riêng hoặc đi làm ăn xa chẳng hạn về quê trong dịp Tết Nguyên đán, sáng ngày mồng một vợ chồng con cái anh em ruột thịt về nhà cha chúc thọ cha mẹ và ông bà bên nội. Theo thông lệ, người con cả, người anh cả, người cháu đích tôn vào trước, sau đó đến hàng em út vào sau, lần lượt nói lời chúc tụng ông bà, cha, mẹ sức khoẻ và những điều tốt lành. Ông bà cha mẹ bên nội chúc tết con cháu kèm theo những đồng tiền mới bọc trong giấy hồng điều goị là cho lộc con cháu để con cháu lấy may.

          Sang ngày mồng hai Tết, vợ chồng con cái ở riêng hoặc đi làm ăn xa nay có dịp về quê ăn Tết nhớ sang nhà ông bà cha mẹ bên ngoại. Nghi thức chung cũng tương tự như bên nội. Con cháu chúc tụng ông bà cha mẹ và ông bà cha mẹ mừng tuổi con cháu bằng những đồng tiền mới bọc trong giấy hồng điều tượng trưng.

          Sau những nghi thức vừa trang trọng vừa đầm ấm thân tình như thế, ông bà cha mẹ con cháu thường tổ chức ăn cỗ Tết đông vui. Nghi thức chúc Tết và ăn ngày đầu xuân bao giờ cũng để lại ấn tượng sâu đậm cho mọi người, đặc biệt là tuổi thơ về hạnh phúc gia đình đầm ấm, có trên có dưới, đầy đủ, viên mãn. Nếp sống đẹp ngày Tết thể hiện sự tri ân của con cháu với ông bà cha mẹ hai bên nội ngoại – cái gốc sinh thành và giáo dưỡng mình nên người.

          Sang ngày mồng ba, người Việt thường dành riêng đi lễ Tết thầy giáo. Không chỉ có các học trò học chữ đến với thầy dạy chữ mà thầy được người Việt mở rộng nghĩa là những bậc có công dạy chữ lẫn dạy nghề, dạy cả những bộ môn nghệ thuật như dạy đàn, dạy hát…

 
          Người Việt có một câu thành ngữ chân phương, nôm na nói về vai trò người thầy là “Không thầy đố mày làm nên”. Công dưỡng dục thuộc về cha mẹ nhưng công lao dạy dỗ thành người hiểu biết, thành người có nghề nghiệp để sau này sinh sống và định vị cuộc đời mình trước nhân quần xã hội là người thầy. Với tinh thần tôn sư trọng đạo, người Việt quan niệm “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” nghĩa là dạy một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy – để tỏ lòng tri ân người có công khai tâm cho con người bằng trí thức, bằng chữ.

          Ngày xưa cho dù làm quan đến tể tướng thì ngày Tết người học trò đến thăm thầy cũng vẫn một lòng tôn sư trọng đạo như thế. Thường thì ngày mồng ba Tết, người đứng đầu hàng môn sinh – những người cùng học, không phân biệt tuổi tác, chức vị, vị trí xã hội, thường tụ họp ở gia đình thầy giáo, chúc Tết thầy.

          Người cao tuổi nhất hoặc người được các bạn đồng môn tín nhiệm nhất thay mặt mọi người đứng lên trịnh trọng thưa với thầy về sự có mặt của học trò lớp mình và chúc thầy trường thọ cùng những điều tốt lành.

           “Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy”. Thực ra câu thành ngữ đã rút gọn của câu nói bình thường dài lời hơn: mồng một đến chúc tết cha, mồng hai đến chúc tết mẹ, mồng ba đến chúc tết thầy. Phong tục chúc tết ấy bắt nguồn sâu xa từ tinh thần trọng đạo nghĩa: “Uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo”.



          Nguồn: Saigonnet


.

Không có nhận xét nào: