6 tháng 2, 2015

Mẹ ơi! Con nhớ tết ngày xưa



          Gió heo may thổi dọc phố dài. Trời khô ráo và sạch sẽ. Nhà ai đốt hương trầm, Mùi thơm bay ra hòa tan trong không khí se lạnh. Các cửa hàng hai bên đường như sáng lên bởi các tấm ap-phích sặc sỡ. Tết lại đến rồi đây! Lòng con bỗng dưng trào lên nỗi nhớ: nhớ quê, nhớ mẹ, và đặc biệt: nhớ cái hương vị tết của những ngày mình thơ ấu.

          Ngày xưa, mỗi lần chăn bò trên núi, nhìn thấy hoa yến bạch nở là lòng con háo hức lạ thường. Hoa yến bạch nở vào khoảng tháng 11-12 dương lịch, và khi hoa tàn cũng là thời điểm năm cũ sắp qua, năm mới sắp đến. Từ hôm ấy, mắt cứ chăm chỉ nhìn vào tờ lịch. Mỗi ngày qua đi, lại xung phong là người đầu tiên xé tờ lịch cũ với một sự bồi hồi khôn tả. Thời gian trôi chậm chạp biết nhường nào.



           Nhưng rồi cuối cùng Tết cũng đến sau bao nhiêu mong mỏi. Chiều 27 Tết, mổ thịt lợn. Con và mấy đứa trẻ khác ngồi chồm hỗm, tay khoanh trên gối, mắt dán vào chiếc nong ngả giữa sân, chờ bố đem cho chiếc bong bóng. Lấy được bong bóng rồi, đem nhồi tro cho khô, bơm hơi vào, cột dây lại và ra sân kho chơi đá bóng, đến tận tối mịt mẹ gọi mới về.

          Đêm 27 Tết năm trăn trở mãi mà không ngủ được, vì ngày mai có phiên chợ Tết. Ngày mai sẽ được theo mẹ đi chợ, được mua quần áo mới và được quyền nhõng nhẽo đòi bánh kẹo, đòi máy con tò he, mấy băng pháo tép. Đi chợ về lại tụ tập với đám trẻ con trong xóm, đứa nào cũng khoe những thứ mới mua được và đem ra chơi cùng nhau.

          Tết về, trẻ con được người lớn cưng chiều hơn. Được đi chơi thỏa thích. Mọi công việc thường ngày đã có anh chị, bố mẹ đỡ đần. Việc học cũng tạm gác sang một bên, vả lại ngày ấy, trẻ con chưa phải làm nhiều bài tập Tết như bây giờ.

          Ngày 29. Ông và bố ngả nong ra sân bắt đầu gói bánh chưng. Ông hứa sẽ gói cho con một cặp bánh ít. Thế là suốt buổi chỉ luẩn quẩn ở nhà, chờ đến lúc được cầm cặp bánh trong tay. Đêm đến, cả nhà ngồi quanh bếp lửa, vừa coi bánh, vừa nghe ông kể chuyện ngày xưa, để rồi ngủ gục trong lòng mẹ lúc nào không biết.

          Đêm giao thừa, mẹ dặn ngồi ôm chặt con Xồm trong lòng, vì sợ nghe tiếng pháo nổ nó sẽ bỏ đi mất. Đúng 12 giờ, thôn xóm rộn ràng bởi những tiếng la hét chúc mừng năm mới, tiếng pháo đì đùng khắp đó đây. Đêm bỗng nhiên bừng lên rực rỡ. Đêm ba mươi sáng lòa.

          Thế rồi một năm mới bắt đầu. Mẹ biết không? Con là một đứa trẻ đa cảm. Mới mồng một Tết, con bắt đầu thấy buồn: buồn vì Tết sắp hết rồi. Lại phải chờ đợi một năm đằng đẵng.

          Ông dẫn con đi chơi. Ngày ấy quê mình thật nhiều trò vui. Ở đầu làng người ta chơi đánh đu. Trong sân kho người ta chơi cờ người. Ở sân bóng trước nhà mình có tổ chức văn nghệ nữa. Con cứ đòi ông dẫn đi hết chỗ này đến chỗ khác. Ông mỉm cười. Tết về, quê mình ai cũng như trẻ lại.

          Rồi Tết cũng hết. Bao nhiêu cái Tết của tuổi thơ đã đi qua. Con đã trở thành người lớn. Ông bà và bố đã mãi mãi đi xa. Anh chị đã xây dựng gia đình. Con ra giữa phố phường với lo toan bươn chải. Làng quê mình đã khác đi nhiều. Cuộc sống đã khá giả hơn, nhưng những nền nếp cũ cũng phai dần theo năm tháng. Người ta lo làm giàu. Tết đến rồi đi như người dưng qua ngõ. Trẻ con cũng chẳng háo hức gì. Ngày thường chúng đã muốn gì được nấy rồi. Tết bây giờ: đó là một tuần nghỉ có lương.

Tết ngày xưa đã về đâu hở mẹ?

          Năm nay con sẽ về quê ăn Tết. Mẹ đừng mua bánh chưng ở chợ nhé. Con sẽ tự gói bánh chưng. Con sẽ thức trắng đêm bên bếp lửa, để nhớ về Tết của ngày xưa!



           Nguồn: Hạt Giống Cho Tâm Hồn


.

Không có nhận xét nào: