Năm hết, Tết đến, những cơn gió của
mùa xuân mang tới cái không khí se se lạnh thổi qua người, khiến nó phải dừng
lại và quay đầu nhìn lại phía sau - một con đường trải đầy lá vàng vì cao su
vùng cao đã vào mùa thay lá.
Thích lắm! Cứ mỗi độ xuân về, lòng
rạo rực, bâng khuâng, thèm được trở về nhà sớm để sum họp cùng ba mẹ và thằng
em trai. Kể từ khi đặt chân xuống cái thành phố đông đúc đi học, bây giờ, khi
đã ra trường và có được một công việc cũng tạm gọi là ổn định, nó dường như đã
bị cuốn theo cái cuộc sống tấp nập ở nơi đây. 5 năm rồi chưa có được một cái
Tết trọn vẹn ở quê nhà. Nó thèm cái cảm giác được trở về những ngày còn bé,
những ngày cận Tết, được cùng ba trang trí nhà cửa, sơn lại từng cái cửa gỗ rồi
đánh vecni lên nhìn cho thật mới, chọn hai cành mai thật đẹp từ cây mai trước
sân đem cắm vào hai cái chậu để ở nhà trên và nhà dưới rồi treo những phong bao
lì xì lên, đẹp lắm!
Nó cũng nhớ cái cảm giác được ngồi
với mẹ canh nồi bánh chưng, bánh Tét đêm 29 Tết, mặc dù ba vẫn còn thức nhưng
chẳng chịu ngồi canh. Rồi cứ thế, năm nào cũng vậy, ba mẹ luôn gói bánh trước
một ngày để nhớ hương vị Tết những ngày còn ở Huế và cũng để giao thừa có đủ
bánh để lên bàn thờ tổ tiên. Và nó, năm nào cũng ráng thức, không giúp được gì
cho mẹ, nhưng cũng khiến mẹ cười và cũng để được nếm mùi vị của cái bánh nóng
hổi đầu tiên vừa vớt ra khỏi nồi.
Năm nào cũng thế, cứ Tết đến, dù khó
khăn đến đâu, nó vẫn được ba mẹ đặc cách sắm cho một bộ quần áo mới. Năm đó, nó
mới lên bảy, tối ba mươi Tết, mẹ mở tủ, lấy ra một cái bao nilong, đưa cho nó
"Thử vô mẹ coi, vừa không! Ba mi lựa đó! Khấp khởi, mừng thầm trong bụng,
nó đón lấy bộ đồ từ tay mẹ. Ba ngồi đó châm điếu thuốc cũng nở một nụ cười
"Thử vô ba coi, con gái ba mặc chắc là đẹp. "Ui! Đồ chi ri? Con không
mặc mô!". Nó cầm bộ đồ mới xòe ra rồi thét lên!
Bộ đồ mới với cái áo ngắn hở rốn, một
cái váy ngắn trên đầu gối. "Từ đó đến giờ chưa bao giờ mặc bộ đồ như rứa,
mặc xong chắc chúng bạn được một phen chê cười!", nó nghĩ như thế rồi òa
khóc, khóc nức nở như thể ba mẹ vừa đánh đòn đau lắm! Vậy đó, đêm 30 Tết khóc
như mưa. Ba mẹ cũng chỉ biết cười trừ với đứa con gái bướng bỉnh, vì đêm 30
rồi, có muốn đi mua thêm bộ đồ hợp ý con gái cũng không chỗ nào còn bán nữa.
Mùng một diện bộ áo cũ. Khuôn mặt
không vui, không hăm hở như những cái Tết trước. Mùng hai, ba lại lôi bộ váy
ra, và lại dụ dỗ thử. Không biết do ba nói ngọt quá hay do chỉ còn duy nhất bộ
váy là mới nên nó chịu thử. Mặc bộ đồ lên người nó, thấy nó khác hẳn, bước ra
sân thấy mấy đứa trẻ hàng xóm đứng tựa cửa nhìn sang với vẻ ngưỡng mộ, người đi
đường cũng nhìn nó tấm tắc khen đẹp!
Thế là, hai, ba cái Tết năm tiếp theo
nữa, nó vẫn giữ bộ váy ấy và mặc vào sáng mùng hai, mùng một vẫn phải nhường
chỗ cho bộ đồ mới nhất. Mãi cho đến khi lên tới lớp 5, không còn mặc vừa bộ váy
nữa, nó mới gói thật kỹ và cất vào trong tủ. Đến năm học cấp ba, lần dọn nhà
rồi cũng thất lạc. Nó vẫn tiếc cho đến bây giờ.
Nó còn nhớ như in gương mặt của ba mẹ
lúc Nó khóc vì bộ đồ mới - gương mặt cười nhưng phảng phất nét buồn. Bây giờ,
cứ mỗi lần về Tết, ba vẫn còn nhắc lại với nó cái chuyện ngày đó, chuyện một
đứa con gái bướng bỉnh và có một chút quê mùa nữa "Ba mua đồ thời trang
rứa mà không chịu mặc, còn khóc!". Đến lớn lên, ba mới nói cho nó biết
"Ngày đó ba mẹ cũng đắn đo lắm mới quyết định mua bộ đồ đó cho nó, bởi nó
đắc lắm, nhưng vì niềm vui của con trong ngày Tết nên ba không suy nghĩ gì nữa,
chỉ hy vọng được thấy con gái của ba cười thật hạnh phúc trong ngày mùng một
Tết".
Câu nói của ba cùng với kỷ niệm mà ba
đã cho nó có lẽ đi suốt cuộc đời này cũng không bao giờ quên. Tết đối với nó
hạnh phúc là được cảm nhận tình yêu thương của gia đình. Giờ đã lớn, đã biết
suy nghĩ, cuộc sống bộn bề lo toan, một cái Tết chỉ được về với gia đình hai,
ba ngày rồi lại xách balo đi. Chào ba mẹ một tiếng và không dám ngoái đầu nhìn
lại vì sợ chạm vào ánh mắt của mẹ có những ngấn lệ chỉ chực trào ra, cái nhìn
sâu thẳm của ba và trên vầng trán, những nếp nhăn đã hiện lên nhiều. Tự hứa với
lòng, dù có đi xa muôn phương hay đến một chân trời nào xa lạ, hơi ấm của tình
yêu thương cũng sẽ luôn hiện hữu. Dù là một, hai ngày, nó cũng sẽ trân trọng để
trở về khi năm hết, Tết đến!
Mynhonln
Nguồn: doisong.vnexpress
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét