Nếu phải viết về một người vĩ
đại thì tôi sẽ viết về cha tôi. Trên đời này, có lẽ tình mẹ dễ cảm nhận
hơn tình cha bởi lẽ đứa con nào cũng được mẹ mang nặng đẻ đau, được mẹ chăm nom
từng bữa ăn, tấm áo. Nghĩa mẹ dạt dào như nguồn nước, như trong lời ca
dao, song tình cha thì cao vời vợi, chỉ trong hoàn cảnh người con phải ngước
mắt lên thì mới nhìn thấy được.
Tôi vẫn nhớ buổi chiều hôm
ấy, tìm được một lời giải hay cho đề toán thầy ra và được thầy khen giữa đội
tuyển học sinh giỏi toán. Tôi hớn hở ngồi chờ cha tôi trước cổng trường,
thầm nghĩ sẽ chạy ù ra khoe với cha khi cha đến đón. Nhưng các bạn tôi đã
được mẹ cha đến đón, chỉ còn tôi đứng nép trước cổng trường trong bóng chiều
đang xuống. "Chắc cha quên đón mình rồi!" Mắt tôi cay xè, chực
khóc. Tôi giận cha tôi lắm. Tính ương ngạnh trẻ con trong lòng trỗi
dậy, tôi đứng lên và quyết đi bộ về nhà, qua một quãng đường dài 5 cây số từ
trường tôi gần chợ Tân Ðịnh về đến Hàng Xanh, Sài-gòn.
Tôi đã không ăn cơm tối hôm
đó dù mẹ tôi cố dỗ dành. Tôi nghe mẹ trách cha tôi sao quên đi đón, còn
cha nói: "Tuy là một học sinh giỏi nhưng con trai mình yếu đuối lắm.
Anh không hề quên đón con. Anh đã đến trường nhưng không đón mà
lặng lẽ theo sau con, xem con ứng xử thế nào. Con mình cần được thử
thách, phải tập giải những bài toán khó trong đời." Cha tôi đã
dạy tôi những bài học làm người như thế đó. Ngồi sau lưng cha, cha thường
nhắc tôi: "Ðừng ngồi cứng đờ, mà phải biết nghiêng người ngược hướng
nghiêng của xe thì cha chạy xe mới dễ." Ðể rồi bao năm tháng,
ngồi trên chiếc đò tròng trành trên mương rạch cùng các bạn sinh viên, tôi lại
nhớ yên xe của cha, biết giữ thăng bằng đó cũng như thích nghi giữa những
tròng trành của cuộc sống.
Cũng trên yên xe ấy, cha đã
dạy tôi bài học tình người. Mẹ tôi bị tai biến não và mất trí từ năm tôi
lên 11 tuổi. Cha tôi sau giờ làm việc thường đưa tôi đi chợ trưa.
Một hôm khi đến chợ nghe tiếng kêu "Giật đồ!" Cha bảo tôi
ôm chặt rồi phóng xe theo chặn đầu kẻ cắp: thì ra là một thằng bé. Bắt nó
trả lại túi xách và xin lỗi người phụ nữ, cha tôi dạt đám đông đang la ó đòi
đưa nó lên công an: "Nó hối lỗi rồi."
Ðến dãy hàng ăn, cha tôi hỏi
nó muốn ăn gì trước cặp mắt mở to ngạc nhiên của nó. Vừa ăn tôi thắc mắc
hỏi cha sao không cho nó tiền mà lại dắt nó đi ăn. Cha tôi trả lời như
cho chính cuộc đời này:"Tiền đã biến người bạn ấy thành thằng ăn cắp, con
không thấy sao?"
Tôi dậy rất sớm, chuẩn bị dắt
chiếc xe đạp ra cùng "lều chõng" đi thi đại học. Cha đã chờ tôi
trước cổng, nhẹ nhàng nói: "Con cất xe đi, cha đưa con đi thi.
Sao không cho cha biết hôm nay con đi thi đại học?" Tôi
chỉ biết lặng im vì muốn tự đi thi như chúng bạn. Cuối buổi thi, cùng cô
bạn thi cùng phòng ra đến cổng trường, đã thấy cha tôi từ xa vẫy gọi. Cô
bạn mãi từ quê miền Trung vào dự thi nháy mắt nói với tôi: "Bạn sướng
thật, có bố đếm từng phút mình làm bài bên cổng trường thi!" Sau này
khi nhận giấy báo trúng tuyển, cô bạn ấy hỏi tôi:"Ai sẽ là người thân đầu
tiên bạn khoe niềm vui này? - rồi nói luôn -mình đâu còn bố để khoe."
Ðêm đó rất khuya, tôi rón rén
đến bên cha. Người đang ngồi trên ghế bố đọc truyện Thủy Hử. Tôi
đưa cha giấy báo trúng tuyển đại học. Cha xem rất lâu, khẽ khàng xếp lại
rồi nắm chặt bàn tay tôi: "Hãy là một người thầy có trái tim như thầy
Mạnh Tử, con nhé… "
Sưu tầm.
Sưu tầm.
.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét