4 tháng 9, 2016

Vi trùng "tự thoả hiệp"




          Ném bóng thêm một quả, ăn thêm một miếng, chơi thêm một ván, ngủ thêm một phút, đó là loài vi trùng “tự thoả hiệp” có thể ăn sâu vào cốt tuỷ, khiến cả đời con không đứng thẳng lên được.
          Tiện có thợ làm vườn tới, sáng nay cha con ta nhờ anh ta tôn cột bóng rổ vốn hơi thấp lên cao 10 inch, sau đó ném thử mấy quả.
          Trở về phòng làm việc, cha vẫn thấy con tiếp tục ném bóng, vẻ muốn dừng mà không được. Cha gọi con mấy tiếng, con đều đáp “được rồi”, và lại tiếp tục chơi. Chỉ đến khi cha quát: 
          “Tiếng ném bóng ảnh hưởng công việc của cha”, con mới dừng một cách không mấy vui vẻ. Đi được mấy bước, con lại quay lại ném thêm vài quả nữa.
          “Đang sớm, ném vài quả là được rồi. Con nên dành lúc tinh thần tốt nhất để làm việc cần tư duy nhất. Đợi đến chiều hãy chơi bóng!” Cha nói: “Mà quan trọng là con phải học cách khống chế bản thân, muốn dừng là dừng được ngay!”
          “Con muốn dừng là dừng được, chỉ cần thu bóng lại là dừng chứ gì?” Con cãi vẻ không phục: “Có gì ghê gớm đâu?”
          Vậy cha hỏi con, một người ngồi bên bàn đánh bạc, bị dí súng, bảo không được chơi nữa, có phải là muốn dừng là dừng không? Đã có bao nhiêu con bạc nghĩ: “Chơi một ván nữa thôi! Một ván là được rồi! Thắng ván này là về!” Kết quả, hết ván này đến ván khác, thua đến khuynh gia bại sản, vợ con li tán!
          Họ tự nhủ, chẳng giống con nói “Ném một quả thôi! Một quả là được rồi! Trúng là thôi!” sao?
          Mà chẳng phải con bạc lúc nào cũng có thể thu “thẻ”, nói tôi không chơi nữa rồi đứng dậy sao?
          Bởi vậy, đừng xem việc “ném thêm quả nữa” là không có gì ghê gớm. Bao kẻ bê trễ, lỡ thời, cuối cùng là thất bại đều vì thứ tâm lí đó gây ra!
          Còn nhớ hồi bé cha rất thích ăn sô cô la. Lần nào cho cha sô cô la, ông nội cũng nói:
          “Ăn sô cô la nhiều không tốt. Con để dành ra cả ngày, đừng ăn liền một lúc!”
Sô cô la hồi đó không chia ra từng ô như ngày nay. Đầu tiên, cha chỉ nhấm các góc nhô ra, sau một hồi tạo thành chỗ lồi chỗ lõm, cha lại tiếp tục nhấm. Dù biết mình đã ăn không ít, nhưng cha vẫn nhủ thầm: “Nhấm thêm một miếng thôi!”
          Cuối cùng là sô cô la dính đầy mặt, bết đầy tay, trên tay chỉ còn một mẩu sô cô la bé xíu…
          Cha bỏ tọt vào miệng!
          Lẽ nào hồi đó cha cũng không biết tự khống chế? Nếu miếng sô cô la kia là tiền bạc, chẳng phải cha đã tự thoả hiệp từng bước một, rồi buông xuôi tất cả, cuối cùng là mất sạch sao?
          “Tự thoả hiệp” thực ra là một bản tính của con người. Nhưng con cũng nên biết, nếu không chiến thắng bản tính, chúng ta không thể có những thành tích phi phàm.
          Cha hay nói: “Đàn ông mà không biết khi nào phải tách khỏi phụ nữ người mẹ mà không biết lúc nào phải tách con ra, thì khó mở mặt được.”
          Vấn đề là: Tình yêu nam nữ, tình mẫu tử đều là bản tính thiêng liêng, lẽ nào cứ muốn thành công là phải làm trái lẽ?
          Vậy để cha phân tích:
          Con còn nhớ trước kia ở cửa sổ nhà ta có treo một chiếc bồn cho chim ăn không? Cứ mùa xuân là cha lại quan sát đám chim bố mẹ nuôi con thế nào.
          Sẻ gai có nhiều con. Một hàng bốn, năm chim non sát bên nhau, mỗi khi chim mẹ mang thức ăn về là chúng lại ra sức vẫy cánh, há mỏ, kêu liên hồi.
          Đầu tiên chim mẹ bay tới bồn lấy kê, sau đó sà xuống đất, mổ vụn kê rồi mới bay về mớm cho chim non. Dần dần, chim mẹ bớt số lần mớm cho con, có vài con non tới sát chim mẹ đòi ăn, chim mẹ mới miễn cưỡng mớm cho vài miếng.
          Sau đó chim mẹ không mớm nữa, nó còn tránh lũ con, thậm chí tấn công khiến chim con phải lùi lại.
          Bấy giờ cha bắt đầu ngộ ra, có lẽ tách con cái ra khỏi cha mẹ cũng là một bản tính. Bởi không làm như vậy, con cái khó thể độc lập được.

          Nói đi rồi nói lại, đến loài chim còn biết khống chế bản thân, biết lúc nào dừng thì phải dừng. Chúng ta là người, lẽ nào không biết làm vậy?
          Nên nhớ! Ném bóng thêm một quả, ăn thêm một miếng, chơi thêm một ván, ngủ thêm một phút, đó là loài vi trùng “tự thoả hiệp” có thể ăn sâu vào cốt tuỷ, khiến cả đời con không đứng thẳng lên được.
.
.

Không có nhận xét nào: