30 tháng 9, 2016

NGƯỢC LẠI VỚI YÊU LÀ GÌ...?



          Một giáo sư đang giảng về "tiểu thuyết" ở một lớp học của các nhà văn trẻ, giáo sư bỗng dừng lại hỏi các học viên:
          - Ngược lại với yêu là gì?
          Cả lớp đồng thanh đáp :
          - Ghét ạ!
          Giáo sư đi đi, lại lại, trầm ngâm, ông bỏ xấp giấy đang cầm trên tay xuống bàn và nói:
          - Thế này nhé: Ví dụ như anh đang yêu một cô gái, sau đó chia tay! 50 năm sau, anh 70 tuổi, tình cờ gặp lại người cũ trong một chiều đi dạo. Lúc đó, bà nọ chằm chằm nhìn anh và nói: "Ông A ơi, tôi ghét ông!" Nếu tình tiết xảy ra đúng như vậy, anh phải mừng cho bản thân mình!
          - Thưa vì sao mà mừng ?
          - Vì anh là người may mắn mới có người ghét anh hàng nửa thế kỷ.
          - Có gì mà may mắn, phi lý!
          - Bình tĩnh, bình tĩnh, anh nghĩ kỹ xem! Ghét cũng cuốn hút tình cảm như yêu, như thương, tức là tình cảm của ai đó vẫn nghĩ về anh. Có người ghét anh 50 năm, tức là vẫn nghĩ về anh 50 năm, thật là hiếm có đấy! Anh may mắn không nào?
          Điều đáng sợ là khi anh gặp lại người cũ, anh hỏi: "Bà B ơi có nhớ tôi không?".
          Người nọ đứng đực ra nhìn anh và nói: "Thưa ông, tôi nom ông hơi quen quen, ông là ai?"…
          Cả lớp cười ồ lên, câu chuyện tưởng tượng này quả là thú vị pha thêm chút ngượng ngùng…
          Giáo sư khẳng định:
          "Ngược lại với yêu đâu phải là ghét!"
          Cả lớp đồng ý với giáo sư:
          "Ngược lại với yêu là lãng quên!" 

.

.

29 tháng 9, 2016

Câu chuyện chiếc cỗng

          Trong một vương quốc nọ, có một hoàng tử tài năng lập nhiều chiến công, chàng hết sức hãnh diện về mình và tự nghĩ rằng, với tài năng và vị trí của chàng, chàng sẽ lập gia đình với bất cứ ai mà chàng muốn.
          Từ ấy trở đi, vua cha ra thông báo đến với mọi người trong vương quốc về ý định tìm công chúa của hoàng tử. Ngày từng ngày, nhiều cô gái xinh đẹp được tuyển chọn nhằm giới thiệu cho hoàng tử, nhưng xem chừng như hoàng tử vẫn chưa gặp được người mình mong ước. Cuối cùng, một quan cận thần cho hoàng tử biết, tại một khu rừng hoang vắng, có một cô gái rất xinh đẹp, cô có giọng hát ngọt ngào, dầu vậy cô không chấp nhận đến trình diện với hoàng tử. Cô cho biết, nếu hoàng tử thật lòng yêu cô, hoàng tử hãy đến tìm cô. 



          Nghe tin như thế, hoàng tử tỏ vẻ bực tức giận dữ; dầu vậy, chàng cũng đành lòng đi gặp cô gái. Với một đoàn rước oai vệ, nhiều xe cộ lộng lẫy, hoàng tử tin là chàng sẽ chinh phục được cô gái. Tới nơi, chàng hoàng tử thấy một toà lâu đài nhỏ gọn, xinh xắn nằm trên một ngọn đồi với tường rào xung quanh. Ngạc nhiên thay, toà lâu đài và bức tường rào trông rất đẹp, gọn gàng, nhưng chiếc cổng thì rất tồi tệ, cũ kỹ, và rất nhỏ thấp.
          Hoàng tử xuống xe ngựa, bước đến trước cổng tòa lâu đài và cất tiếng gọi.
          - “Hãy mở cổng đón rước ta!”
           Một giọng nói ngọt ngào trong trẻo đáp lại,
          - “ngươi là ai?”
          - “Ta là hoàng tử. Ta lập nhiều chiến công; ta sẽ là làm chủ vương quốc này trong nay mai; ta sẽ cho nàng làm hoàng hậu.” 
          Giọng nói ngọt ngào đáp trả,
          - “Xin lỗi, trong tòa nhà này chỉ có một phòng, hôm nay không thể đón ngài được!”
           Tức thì, mọi người đều thấy chiếc cổng tự hạ thấp xuống sát đất mà không ai có thể chui qua được. Hoàng tử tỏ vẻ giận dữ bỏ đi. Dẫu vậy, vài tháng sau, giọng nói ngọt ngào ấy đã thôi thúc chàng trở lại. Nhưng lần này, chàng phi ngựa cùng với vài người bạn.
           Đến bên cổng, chàng cất tiếng,
          - “Tôi là dũng sĩ, xin đón rước tôi.”
          - “Chàng là dũng sĩ ư! Xin lỗi, hôm nay cũng chỉ có một phòng, không thể đón chàng được.” 
          Lạ thay, chiếc cổng được nâng lên một chút, dẫu vậy nó cũng chưa cao đủ để cho người ta bước vào. Hoàng tử nổi giận bỏ đi.
          Chàng tự hỏi, tại sao chiếc cổng ấy lần trước nó lại hạ thấp xuống sát đất, lần này nó lại nâng lên một chút! Sau một thời gian, chàng quyết định một mình quay lại tòa lâu đài để gặp cô gái.
           Lần này, chàng làm một người nông dân, đi chân đất; đứng trước cổng hồi lâu, chàng cất tiếng gọi, 
          -“Tại hạ là hoàng tử, nhưng trước tiên, tại hạ là con người nông dân nghèo như bao người nông dân khác; tại hạ là dũng sĩ, nhưng trước tiên tại hạ cũng là một anh lính nhỏ như bao người lính khác; tại hạ sẽ làm vua, nhưng trước tiên tại hạ cũng là con người biết yêu và muốn được yêu.”
           Một giọng nói ngọt ngào cất lên,
          - “xin mời chàng”; tức thì chiếc cổng tự nâng cao lên, rộng mở ra và nhiều hoa lá kết xung quanh cổng. Hoàng tử bước vào cung điện gặp cô gái; họ yêu nhau, và kết hôn với nhau.

          Vương miện, huy chương thắng trận không chinh phục được quả tim vàng của cô gái, nhưng chính là lòng khiêm tốn nhận ra căn tính thật con người của hoàng tử.
           Điều này quả rất đúng đối với con người chúng ta. Những “ấn tượng” ban đầu của đôi bạn trẻ khi mới đến với nhau không kéo dài mãi được; chúng không trở thành nền tảng cho tình yêu và gia đình mà họ muốn xây dựng. Sau một thời gian yêu nhau vì những ấn tượng ấy, họ cần phải đến với nhau bằng bản chất thật trong con người của họ. Tình yêu bền vững không phải vì những ấn tượng ta dành cho nhau lúc ban đầu, nhưng chính là đón nhận bản chất thật của nhau. Bản chất thật ấy nó có thể “thấp, nhỏ, bất toàn,” nhưng khi đón nhận nhau với bản chất thật, tình yêu sẽ đơm nở – nó bền chặt, vững chắc.
          Tình yêu thật là chỗ đó; tình yêu không có giới hạn là chỗ đó. Con người chúng ta có khuynh hướng tự nhiên đi tìm vẻ đẹp bên ngoài, chức cao, quyền trọng; chúng ta thích được tán dương, thích được biết đến. Chúng ta nghĩ rằng, những điều “cao quí” ấy  là điểm chuẩn cho sự thành công của chúng ta trong đường đời, trong mối quan hệ. 
          Càng danh tiếng bao nhiêu, tôi càng hạnh phúc bấy nhiêu. Tuy nhiên, thực tế thì lại khác. Những tán dương ca tụng là điều tốt đẹp; những thành công, giải thưởng là điều cần thiết. Nhưng nếu chúng ta chỉ dựa vào những yếu tố đó để đối xử với nhau trong mối quan hệ thì nó rất nguy hiểm. Cái nguy hiểm chính là chúng ta đề cao những những thành quả mà mình đạt được để rồi coi thường giá trị thật nơi những con người mà mình đang sống chung trong một mái nhà. Cái nguy hiểm chính là những thành công ấy trở thành tâm điểm cho cuộc đời chúng ta mà quên đi những nhân vị khác đang sống chung quanh chúng ta.

          Chiếc cổng trong câu truyện đóng lại khi chàng hoàng tử thể hiện sự phô trương tự đắc, và nó đã mở rộng để đón chàng khi chàng biết hạ mình xuống nhận ra căn tính thật của mình. Câu chuyện Chiếc Cổng cũng nhắc nhở chúng ta rằng, cách cư xử hằng ngày của chúng ta với nhau có thể sẽ làm cho “chiếc cổng” đóng lại hay mở ra. Đã rõ, thái độ tự cao, cổng lòng đóng lại; thái độ khiêm tốn, cổng lòng mở ra.
           Bạn muốn cổng lòng người đóng hay mở để đón tiếp bạn?

.

.

28 tháng 9, 2016

Sự Khác biệt giữa chữ YÊU và chữ Từ Bi

          Đạo Phật không dùng chữ yêu mà dùng chữ thương. Chữ love của Mỹ (nặng về yêu hơn là thương). Đạo Phật dùng chữ cận nghĩa là thương, còn chữ cao xa hơn là từ bi.
          Vậy thì thương và yêu khác nhau thế nào?
          Dễ ợt: Có một ông vua nói với vị hoàng hậu rằng:
          - Trẫm yêu ái khanh còn hơn yêu trẫm nữa.
          Hoàng hậu cười nói rằng:
          - Đó là bệ hạ yêu bệ hạ đó thôi, đâu phải yêu thần thiếp.
          Ông vua chưng hửng không hiểu. Hoàng hậu nói tiếp:
          - Ví dụ một ngày kia, bệ hạ biết thần thiếp đang có tình nhân (ý nói ngoại tình) thì bệ hạ sẽ làm gì?
          - Ta sẽ sai người giết chết ái khanh ngay.
          - Thế thì bệ hạ đâu có yêu thiếp, mà bệ hạ yêu chính bệ hạ đó thôi. Yêu thiếp thì sao lại giết chết thiếp?


          Kính thưa quí bạn, câu chuyện có thể không có thật, nhưng rõ ràng đó là phản ứng chung của những người yêu nhau thật nhiều.
           Chữ yêu ở đây có nghĩa là thương đó, nhưng nếu làm trái ý thì giáng họa ngay lên đầu người được yêu. Yêu có nghĩa là thương với vướng mắc, với ràng buộc, với làm chủ (thủ).
          Còn chữ từ bi của nhà Phật thì là vì người, không vì mình.
          Từ bi là Hán dịch của chữ Karunâ trong kinh sách tiếng Phạn.
          Chữ Karunâ được dịch là Compassion không phải là love đâu. Nghĩa thật cạn của chữ từ bi là xót thương và cứu giúp tất cả chúng sinh. Nó không phải là love đâu. Chữ love (yêu) nầy nguy hiểm lắm, thương chúng sinh, nhưng nếu chúng sinh đó trái ý là giết ngay không xót thương.

          HCĐ

.

27 tháng 9, 2016

Cái giá của sự tức giận



           Một bà cụ có tính tình cau có, thường xuyên nổi giận vì những sự việc nhỏ nhặt, hơn nữa, mỗi khi tức giận hay dùng lời lẽ ác độc, vô tình đã làm tổn thương nhiều người, vì thế bà ta giao tiếp với hàng xóm, bạn bè đều không được hài hòa. 
           Bà ta cũng biết khuyết điểm của mình, mong muốn sửa lại lỗi lầm thành tật này. Nhưng mỗi khi tức lên thì chính bà ta cũng không thể khống chế được tâm mình. 
           Một hôm, một người đã nói với bà : “Chùa  gần đây có một vị thiền sư, cũng là vị cao tăng, tại sao bà không đến xin lời chỉ dạy, biết đâu thiền sư có thể giúp được cho bà.”
           Bà ta cũng cảm thấy có lý, đã đến tham vấn với thiền sư. 
           Khi bà ta thổ lộ tâm trạng của mình, bà ta có thái độ rất thành khẩn, mong muốn có được một vài lời khai thị từ vị thiền sư đó. Vị thiền sư im lặng nghe bà kể lể, chờ cho bà ấy nói hết, mới dẫn bà ta vào một thiền phòng, sau đó khóa cửa thiền phòng và rời khỏi đó.
           Bà ta một lòng muốn có được lời chỉ dạy của thiền sư, nhưng không ngờ thiền sư đã nhốt bà ta vào trong một thiền phòng vừa lạnh vừa u tối. Bà ta tức tối hét lên, và cũng như ngày thường, bà ta buông những lời nhục mạ quái ác. Nhưng cho dù bà ta có la hét cách nào, nhưng ở ngoài vẫn im lặng, thiền sư hình như không nghe thấy lời nào.  
           Khi không còn chịu đựng được nữa, thì bà ta thay đổi thái độ cầu xin thiền sư thả mình ra, nhưng thiền sư vẫn không động lòng thay đổi cách hành xử của mình, vẫn mặc kệ bà ta tiếp tục nói gì thì nói. 
           Qua một hồi rất lâu, cuối cùng, trong thiền phòng cũng không còn tiếng la hét hay nói năng của bà ta nữa, thì lúc này, phía ngoài thiền phòng mới có tiếng nói của thiền sư hỏi : “Bà còn giận không ?”
           Thế là bà ta giận dữ trả lời : “Tôi chỉ giận tôi, tôi hối hận sao phải nghe lời người khác, tìm đến cái nơi quỷ quái này để xin ý kiến của ngươi.” 
           Thiền sư ôn tồn nói : “Kể cả chính mình bà cũng không chịu buông tha, thì bà làm sao có thể tha lỗi cho người khác chứ ?” Nói xong thiền sư lại im lặng.
           Sau một thời gian im lặng, thiền sư lại hỏi : “Bà còn giận không ?” 
           Bà ta trả lời : “Hết giận rồi !”
           “Tại sao hết giận !”
           “Tôi giận thì có ích gì ? không phải vẫn bị ông nhốt tôi trong cái phòng vừa u tối, vừa lạnh lẽo này hay sao ?”
           Thiền sư nói với vẻ lo lắng : “Bà xử sự kiểu này càng đáng sợ hơn đấy, bà đã đè nén cơn tức giận của mình vào một chỗ, một khi nó bộc phát ra thì càng mãnh liệt hơn.” Nói xong, thiền sư lại quay đi. 
          Lần thứ 3, thiền sư quay lại hỏi bà ta, bà ta trả lời : “Tôi không giận nữa, ông không xứng đáng để tôi giận !”
           Thiền sư nói : “Cái gốc tức giận của bà vẫn còn, bà cần phải thoáng ra khỏi vòng xoáy của tức giận trước đã.” 
           Sau một hồi lâu, bà ta đã chủ động hỏi thiền sư : “Bạch thiền sư, ngài có thể nói cho con biết tức giận là cái gì không ?”
           Thiền sư bước vào, vẫn không nói chuyện, chỉ có động tác như vô tình đổ đi ly nước trong cái ly trên tay. 
           Lúc này thì bà ta hình như đã hiểu.
           Thì ra mình không bực tức, thì làm gì có tức tối, giận hờn ? Tâm địa trống không, không có một vật gì, thì làm gì có tức tối ?
           Trong lòng không có bực tức, thì làm sao có cơn giận ? 
           Thật ra, tức tối không những tự làm cho mình khổ đau, và những người xung quanh cũng theo đó mà buồn lòng. Lúc tức tối tức giận, không gì ngăn cản cái miệng, buông lời quái ác, một số lời lẽ trong đó có thể làm đau lòng người nghe, thậm chí có cả những người yêu thương quan tâm mình.
           "Nhất niệm sân tâm khởi, bách vạn chướng môn khai”, chỉ một niệm khởi sân mà kết quả là muôn ngàn chướng ngại nẩy sanh.
           Cho nên đừng nên vì sự việc nhỏ nhặt mà gây ra chuyện hại người hại mình, tức tối la hét là hành vi của kẻ ngu  muội.
           Tuy chúng ta chưa thể là một người thông minh, nhưng tối thiểu chúng ta cũng đủ trí tuệ ngăn cản mình làm một con người ngu dại. Xem nhẹ hơn mọi sự việc không như ý, đồng thời tìm thấy ich lợi trong im lặng, giác ngộ ý thiền trong cuộc sống. Từ đó, chúng ta sẽ cảm nhận cuộc sống không cần phải mệt mỏi như ta tưởng, cũng không phải khốn khó như ta đã gặp. 
           Những sự việc nhỏ nhặt cũng giống như những hạt cát trong đôi giày đã làm cho bạn khó chịu. 

           Thế thì bạn lựa chọn cách giũ bỏ hạt cát hay vứt bỏ đôi giày? Chúng ta không thể không mang giày, vì còn con đường dài phía trước, thế thì tại sao chúng ta không chịu giũ bỏ hạt cát? 



.

26 tháng 9, 2016

BF là gì?



Một cậu bé nói với một cô bé:

- Tớ là BF của cậu!
Cô bé hỏi:
Cậu bé cười hì hì trả lời:
- Nghĩa là Best Friend BF là gì?đấy. 

 
Sau này họ hẹn hò, chàng trai lại nói với cô gái:

- Anh là BF của em!
Cô gái dựa nhẹ vào vai chàng trai, thẹn thùng hỏi:
- BF là gì hả anh?
Chàng trai trả lời:
- Là Boy Friend đấy! 

Vài năm sau đó họ kết hôn, sinh được những đứa con thật xinh xắn,

người chồng lại cười và nói với vợ rằng:
- Anh là BF của em!
Người vợ dịu dàng hỏi chồng:
- BF là gì hả anh?
Anh chồng nhìn đàn con xinh xắn và hạnh phúc trả lời:
- Là Baby’s Father. 

Khi họ già, họ cùng nhau ngồi ngắm hoàng hôn trước hiên nhà,

ông lão lại nói với vợ:
- Bà nó à! Tôi là BF của bà đấy!
Bà lão cười với những nếp nhăn trên mặt:
- BF là gì hả ông?
Ông lão mỉm cười thật hạnh phúc và trả lời 1 cách thật thần bí:
- Là Be Forever! 

Khi ông lão hấp hối cũng nói :

- Tôi BF bà nha.
Bà lão trả lời với giọng buồn:
- BF là gì vậy ông??
Ông lão trả lời rồi nhắm mắt:
- Là Bye Forever! 

Vài ngày sau, bà lão cũng ra đi, trước khi nhắm mắt, bà lão nói nhỏ bên mộ ông lão:

Beside Forever nha ông!!


.
.

25 tháng 9, 2016

Câu Chuyện Niềm Tin



          1. Như bao bạn trẻ khác, tôi rời quê khi học hết phổ thông. Rồi cũng như bao người khác, tôi ra nước ngoài học tiếp khi xong đại học.
         Gần mười hai năm học tập và làm việc ở nước ngoài, tôi có bạn bè mới, thầy cô mới, đồng nghiệp mới. Trong công việc không có định kiến, không có phân biệt. Tất cả diễn ra trong một sự trung thực và cởi mở hồn nhiên. Hồn nhiên đến mức ngạc nhiên. 
         Tôi chìm đắm trong bầu không khí dân chủ, bình đẳng và tinh thần tự do học thuật. Tôi thấy mình được tôn trọng, và ý thức được mình có quyền được người khác tôn trọng. 
         Tôi phải làm đủ thứ giấy tờ nhưng không bao giờ thấy những con dấu đỏ. Chỉ cần một chữ ký cá nhân là đủ, một cuộc điện thoại, một lá email là xong. Không ai hạch sách, không ai đòi kiểm tra, không ai đòi công chứng bản gốc.
         Tôi lên tàu điện: không có người soát vé. Họ tôn trọng chúng tôi, và tin chúng tôi. Thỉnh thoảng họ có đi kiểm tra định kỳ thì cũng rất lịch sự, không gây cho mình cảm giác khó chịu.
         Tôi ra siêu thị: không ai bắt tôi phải gửi đồ trước khi vào mua hàng. Không ai kiểm tra chúng tôi khi ra. Họ tôn trọng chúng tôi, và tin chúng tôi.
         Tôi và một người bạn đi mua bảo hiểm xe. Điều khoản cho biết, nếu mất xe thì sẽ được đền xe mới. Bạn tôi hỏi: nếu chúng tôi bán xe rồi báo mất thì sao? Nhân viên bảo hiểm ngạc nhiên mất một lúc lâu mới nghĩ ra được câu trả lời: tôi tin các anh không làm thế.
         Lần đầu tiên tôi cảm nhận được sự tin tưởng mang tính hệ thống. Một sự tin tưởng cá nhân mạnh mẽ lan tỏa trong toàn xã hội. Chữ Tín được xác lập mà không cần sự có mặt của các loại công chứng bản gốc, chứng thực, xác nhận...  
         Tôi vỡ ra: À, ra thế. Họ giàu mạnh vì họ tin ở con người.

         2. Mười hai năm sau tôi trở về. Nhiều cái như xưa. Nhiều cái hơn xưa. Nhưng cũng nhiều cái tệ hơn xưa. 
         Tôi làm thủ tục nhận đồ mình gửi cho mình. Tên tôi đây. Địa chỉ tôi đây. Hộ chiếu của tôi đây. Vậy sao mà rắc rối đến vậy? Sao phải xác nhận? Sao phải chứng minh? Sao phải công chứng bản gốc? 
         Tôi có làm gì đâu, chỉ là nhận đồ mình gửi cho mình thôi mà sao phức tạp như vậy. Lẽ ra tôi chỉ chờ ở nhà, đúng hẹn công ty vận chuyển sẽ mang đồ đến. Tôi chỉ cần ký xác nhận là xong. 
         Tôi được giải thích ở Việt Nam mọi thứ cần phải đúng quy trình chứ không đơn giản như vậy. 
         Tôi ngẫm ra: Càng nhiều dấu đỏ, càng ít niềm tin.

         3. Tôi đưa gia đình đi siêu thị Big C Long Biên. Niềm vui khi thấy một siêu thị bề thế, nhộn nhịp vừa mới nhen lên thì gặp ngay một chuyện ngỡ ngàng: Tất cả những ai muốn vào siêu thị đều phải gửi đồ bên ngoài. Con gái tôi có một túi khoác nhỏ để đựng mấy thứ lặt vặt cũng phải niêm phong rồi mới được mang theo. 
         Vì sao vậy? Chúng tôi hỏi thì chỉ nhận được câu trả lời: Đây là quy định!
Quy định gì? Quy định không được tin nhau.
         Câu chuyện có lẽ sẽ chỉ là một phiền toái buồn, nếu không có chuyện sau khi thanh toán, tất cả khách hàng lại bị kiểm tra một lần nữa, và hóa đơn phải được đóng dấu đỏ “đã thanh toán” thì mới được nhân viên an ninh cho ra ngoài.
         Chúng tôi tự hỏi: chuyện quái quỷ gì đang xảy ra vậy? Quầy thanh toán có hai nhân viên kiểm tra và tính tiền. Từ quầy thanh toán ra đến cửa ra này chỉ chừng 2 mét, lại không có hàng hóa gì bày bán trên đoạn đường 2 mét đó. Vậy cớ sao phải kiểm tra lại? Cớ sao phải đóng dấu vào hóa đơn thì mới được ra?
         Vợ tôi phản ứng dữ dội: Nếu kiểm tra mà không tìm thấy sai sót nào thì các anh có xin lỗi chúng tôi không? Nhưng chúng tôi chỉ nhận được một câu trả lời lạnh lùng: Đây là quy định.
         Tôi nhìn những người xếp hàng chờ kiểm tra và đóng dấu hóa đơn. Tất cả đều kiên nhẫn và ngoan ngoãn. Họ có thể làm gì trên đoạn đường dài 2 mét đó để phải chịu cảnh khám xét?
         Tôi lặng lẽ quan sát. Rất nhiều người lớn tuổi. Lịch sử như phảng phất qua bộ quân phục cũ. Một vài nụ cười cầu hòa dù chủ nhân không làm gì sai. Một vài ánh mắt lấm lét không có lý do. Nhiều gương mặt cam chịu và chờ đợi cảnh được khám xét.
         Tôi cố gắng tìm lý do để biện minh cho việc làm kỳ quái đó, nhưng không thể. 
         Tôi rút ra kết luận: Nhiều người Việt không tin người Việt. Nhiều người Việt không hiểu rằng mình có quyền phải được người khác tôn trọng. 

         4. Chúng tôi ra về, nhưng vẫn ám ảnh câu hỏi: Vì sao người Việt không tin nhau? Phải chăng chúng ta đã quen sống trong một sự cảnh giác thường trực đến độ thành phản xạ có điều kiện? 
         Tôi bất giác nhớ đến mớ giấy tờ đỏ choét những con dấu công chứng sao y bản gốc. Tôi tự hỏi: Tôi và triệu người quanh tôi đã mất bao nhiêu thời gian cho những thứ này? 
         Tôi thở dài: càng nhiều dấu đỏ, càng ít niềm tin. 
         Tôi tự hỏi: Phải chăng đang có một cuộc “khủng hoảng niềm tin”? 
         Và khi nào thì người ta không tin nhau? 
         Rõ ràng là khi có sự dối trá. Người ta không tin nhau khi cần phòng tránh sự dối trá.
         Vậy là đang có một sự dối trá phổ biến, đến mức một đoạn đường 2 mét và được kiểm soát chặt chẽ cũng trở nên đáng ngờ.
         Và chúng ta đã mất biết bao nhiêu thời gian và nguồn lực để cảnh giác, phòng tránh, đương đầu với sự dối trá này?
         Không ai thống kê định lượng, nhưng chắc hẳn là rất nhiều. Nhiều đến mức có thể làm cho đất nước ta kiệt quệ. Kiệt quệ vì luôn phải cảnh giác, đề phòng.

         5. Việt Nam đang rất cần một sự quy tụ nguồn lực để phát triển. Nhưng quy tụ làm sao khi cả xã hội sống trong tâm trạng cảnh giác thường trực, lúc nào cũng nơm nớp đề phòng? Quy tụ làm sao khi sự giả dối đã trờ thành một lối sống của xã hội? Quy tụ làm sao khi niềm tin giữa người với người đã trở nên cạn kiệt?
         Việt Nam đang rất cần hội nhập, rất cần làm bạn với thế giới bên ngoài. Nhưng hội nhập làm sao khi luôn nhìn thế giới bên ngoài với con mắt thù địch nghi ngờ? Làm bạn làm sao khi không có lòng tin vào đối tác của mình?
         Đất nước đã thống nhất nhưng lòng người chưa thống nhất. Di sản của mấy mươi năm chiến tranh quá đỗi nặng nề. Trong này kinh tế khó khăn. Ngoài kia Biển Đông nổi sóng. Một cuộc hòa giải, để sau đó thực sự có một sự hòa hợp Nam Bắc, trong ngoài là cần thiết hơn bao giờ hết. Muốn vậy cần xóa bỏ mọi nghi kỵ lẫn nhau giữa mọi tầng lớp xã hội. 
         Nhiều học giả đã gọi niềm tin là một thành phần quan trọng của vốn xã hội. Khi niềm tin cạn thì vốn xã hội cũng cạn theo. Mà cạn vốn thì làm sao phát triển?


.

24 tháng 9, 2016

Một câu chuyện "bình thường"

Một câu chuyện "bình thường"
trong hàng trăm câu chuyện bình thường
về hiện tình đời sống toàn dân VN

 Chuyện bình thường
          Tôi có một ông bạn hiện ở Sài Gòn, vùng Tân Định. Chúng tôi thường liên lạc với nhau bằng email, dĩ nhiên là những trao đổi đã được " cân nhắc " kỹ để tránh " đụng chạm phiền phức ".
          Gần đây, tôi gởi ông ta tấm hình nầy, lượm trên internet :



          Và hỏi ổng nghĩ sao ? Ổng trả lời :
        - Ồ ! … Khoá xe vào chân để yên tâm ngủ trưa cho … ngon lành là chuyện bình thường ở xứ nầy, đâu có gì lạ ! Bồ coi, như tôi bây giờ, trên xe đạp lúc nào cũng có ba ( 3 ) cái khoá : một cái để khoá bánh trước vô sườn xe, một cái để khoá bánh sau vô sườn xe, còn cái thứ ba là để khoá sườn xe vô cột điện. Vậy là an toàn ! Không làm vậy, nghĩa là chỉ khoá một bánh xe vô cột điện là chúng nó tháo lấy bánh xe còn lại, có khi lấy luôn cái sườn xe nữa ! Chuyện bình thường mà bồ ! Có gan, bồ về đây chơi sẽ thấy toàn là chuyện bình thường hết !
          Ở cuối email, ổng viết một câu làm tôi thật xúc động :
        - Chỉ có bọn nầy, vì sống quen trong cái " môi trường  bình thường " đó, là có thể đã trở thành … bất bình thường thôi ! Mình biến thành " bất bình thường " mà mình không biết ! Đó, cũng là " chuyện bình thường " , bồ à !
          Đọc đến đó, tôi nghe thương ông bạn của tôi vô cùng : ổng đã nén cái đau của ổng để khỏi thốt ra một lời than cho thân phận !
          Thời gian sau, ổng gởi tôi một tấm hình trong email ổng viết : 


        - Tấm hình nầy chụp ở Ấn Độ . Người chủ xe đạp cởi đôi dép da để vào chùa lạy Phật , sợ mất dép nên … khoá đôi dép vào bánh xe đạp ! Đó là chuyện bình thường ở Ấn Độ. Nếu là ở xứ mình, làm như vậy là " bất bình thường ", bởi vì chuyện bình thường ở đây là khi thằng cha đó lạy Phật xong bước ra sẽ không còn thấy xe đạp và đôi dép da nữa !
          Rồi ổng kết : " Bồ thấy không ? Chuyện bình thường ở mỗi xứ mỗi khác ! Ở xứ mình cái khác đó rất … độc đáo cho nên nhiều khách du lịch, sau khi biết Việt Nam, đã nói Việt Nam không giống ai hết !
          Đây là hình ổng gởi :
          Ông bạn tôi " khơi " chuyện bình thường làm tôi nhớ lại những hính ảnh lâu nay tôi thấy trên internet mà vẫn tự hỏi : " Sao có thể như vậy được ? ". Thì ra ở quê hương tôi " Nó đã như vậy được " nên mới gọi là " Chuyện bình thường " !
          Đây : hãy coi Sài Gòn cứ sau cơn mưa " hơi lớn hơi lâu " là ngập lụt. Mà loại " mưa hơi lớn hơi lâu " tới mùa là … có mặt " liền tù tỳ ", nghĩa là thành phố cứ nay ngập mai lụt dài dài . Vậy mà chẳng thấy dân chúng đi biểu tình đòi hỏi chánh quyền phải " khai thông " cống rãnh ! Rồi thì cứ tự nhiên lội nước đi sanh hoạt, đem lưới ra lưới cá giữa lòng đường  y như ngoài sông rạch, còn trên đầu vẫn có biểu ngữ " Có nước sạch là có sức khoẻ ", đám cưới  vẫn rước dâu bằng xe ba bánh, có ướt chút chút cũng không sao – ngày lành tháng tốt mà ! - Riết rồi trở thành " Chuyện bình thường ", chẳng có gì phải bận tâm hết!

          Không biết chừng nào người dân xứ tôi làm một chuyện … động Trời - gọi là " Chuyện Bất Bình Thường " – nghĩa là cùng đứng lên đòi hỏi nhà cầm quyền phải làm thế nầy, phải làm thế nọ … để cuộc sống của người dân được " nâng cấp " như ở các nước … bình thường khác ?  
          Hỏi , tức là … không trả lời ! Than ôi ! 


.

23 tháng 9, 2016

Yêu thương mình trước

          Trong cuộc sống, không phải lúc nào chúng ta cũng có được tình yêu thương của những người xung quanh. Có những người luôn dành tình yêu cho những người thân và họ không thể dành tình cảm của mình cho những người xa lạ, dù sống bên cạnh nhưng không có quan hệ huyết thống. Trong cuộc sống này, điều quan trọng nhất, đó là mỗi chúng ta phải tự yêu thương chính mình – Trước khi nhận được lòng yêu thương từ người khác.


          Chúng ta ơi, đừng lúc nào cũng mặc định là người thì phải yêu thương những người xung quanh, tình yêu thương không phải là vô hạn và không phải ai cũng được yêu thương như ai. Có người giàu tình cảm, họ thể hiện tình yêu thương của mình một cách tự nhiên, có người lại rất khó khăn để thể hiện sự yêu thương của mình với một người nào đó. Vậy nên, nhìn bề ngoài, bạn không thể chắc là ai yêu thương và được yêu thương như thế nào – tình yêu thực sự ẩn nấp rất kỹ trong tâm hồn của bạn.

Tự yêu thương hay chờ đợi sự yêu thương của người khác?
          Chúng ta thường chờ đợi người khác dành tình cảm cho mình, nhưng tại sao bạn không yêu chính bạn, dành cho bản thân sự quan tâm, chiều chuộng mà bạn mong muốn có được từ người khác? Bạn hoàn toàn có thể dành cho mình những cái ôm ấm áp, tặng thưởng bản thân món quà tinh thần vô giá… Đừng chỉ đợi chờ người khác dành tình cảm cho bạn, hãy tạo ra tình cảm đó và hướng tình cảm ấy về phía bạn. Bởi không phải ai sinh ra cũng là người được yêu thương và săn sóc như nhau, có người rất dễ dàng để có được tình yêu thương của người khác, có người lại rất khó khăn mới tìm thấy được thứ tình cảm đó. Đơn giản thôi, bởi người hòa đồng, đáng yêu lúc nào cũng dễ dàng tìm thấy tình yêu thương dành cho mình. Ngược lại, người khép mình, sống lạnh lùng và tách biệt rất khó để có được tình yêu thương của những người xung quanh, vì đôi lúc vẻ lạnh lùng khó gần đó khiến người xung quanh e ngại, không dám đến gần hay bộc lộ tình yêu thương của họ đối với bạn. Muốn có được sự yêu thương của một ai đó, bạn phải học cách tự yêu thương bản thân mình trước và hãy dành cho họ những tình cảm chân thành, sự quan tâm của mình trước đã.

Yêu thương và đừng nuông chiều bản thân
          Một góc nhìn nào đó, chúng ta thấy rằng nhiều người trong chúng ta rất yêu bản thân mình, song yêu thương và chiều chuộng bản thân một cách thái quá khiến cho bản thân bạn trở nên tự mãn và ích kỷ trong cuộc sống. Chẳng hạn, đừng quá nuông chiều bản thân, đừng để bản thân bạn muốn ngủ bao nhiêu thì ngủ, học bao nhiêu thì học và được bao nhiêu điểm cũng không quan trọng! Dù yêu thương bản thân nhưng đừng để nó hư hỏng!
          Hãy để bản thân bạn đi vào một khuôn khổ cho phép, với những điều có thể làm và không bao giờ được phạm sai lầm. Hãy để bản thân được sống trong những quy định, phép tắc để nó trưởng thành và hòa mình vào cuộc sống một cách dễ dàng. Bạn có thể bắt đầu cuộc đua ở mọi lúc nhưng không phải lúc nào cũng có thể hoàn thành chặng đua của mình. Vậy nên, hãy cẩn thận với những bước đi trong đời và hãy chọn cho mình con đường nào bạn tin tưởng sẽ về đến đích. Đừng vì quá yêu bản thân, quá sĩ diện với bạn bè khiến những lựa chọn của bạn trở thành sai lầm và không thể sữa chữa được.

Và yêu những người xung quanh
          Khi chúng ta yêu bản thân mình, chúng ta thường quên những người xung quanh. Nhất là với những người quá yêu chiều bản thân, họ sẽ trở nên nhỏ nhen và ích kỷ không muốn cho ai một chút lợi lộc gì. Vì vậy, trong cuộc sống mới có những người không từ thủ đoạn nào để làm giàu cho mình, để hơn thua với người khác, để đạt những cái "muốn" của mình.
          Và một góc nhìn bao quát hơn, Chúng ta yêu bản thân và đừng quên yêu cả những người xung quanh, có như vậy cuộc sống của chúng ta mới trở nên hạnh phúc và ngọt ngào được. Không nên chờ đợi tình yêu thương của người khác và cũng đừng khư khư giữ lấy tình cảm của riêng mình. Hãy sẻ chia nó cho những người quanh bạn, bởi đó là món quà quý giá mà bất kỳ ai cũng hy vọng nhận được. Nhưng đừng tỏ vẻ thương hại người ta, bạn nhé. Bởi họ chỉ cần tình yêu thương chứ không cần lòng thương hại.
          Hãy sống và đừng quên tự yêu lấy mình, không phải lúc nào chúng ta cũng có được tình yêu của người khác. Hãy đón nhận, dù đau khổ hay hạnh phúc thì cả hai mảnh ghép đều mang sắc màu của cuộc sống.  



.

22 tháng 9, 2016


TÌM BẠN ĐỜI



          Có một người tên Thái Phúc, mồ côi từ bé, cũng chẳng có ai ruột thịt mà nương tựa, bị cuộc sống thúc ép phải bỏ nhà đi kiếm ăn từ năm mười sáu tuổi. Thấm thoắt đã mấy chục năm trôi qua, giữa lúc dân làng sắp quên hẳn thì ông ta lù lù trở về. Ai cũng có chút ngạc nhiên, càng sửng sốt hơn là trong ngần ấy năm, ra ngoài kiếm sống ông đã đem về được hơn triệu đồng. Về làng không bao lâu, Thái Phúc thuê đội xây dựng làm một ngôi nhà gác xinh xinh mà sang trọng. Đương nhiên cũng có một điều đáng tiếc cho ông Phúc, trong bao nhiêu năm đi xa lăn lộn làm ăn, ông đã bỏ lỡ việc xây dựng gia đình nên bây giờ sống quạnh quẽ lẻ loi. Thế là có người mách với ông rằng hiện nay người ta sính đăng quảng cáo tìm bạn đời qua báo chí, ông có bạc triệu trong tay, thế nào chẳng tìm được một cô vợ trẻ.


          Ông Phúc nghĩ bụng, ừ cũng phải, đây quả là một cách hay, mình phải lấy được một cô gái tân. Thế là ông Phúc cậy người viết một bản tin nhắn đăng lên báo tìm bạn đời:" Thái Phúc, đàn ông, sáu mươi hai tuổi, chưa vợ, hiện có một ngôi nhà gác nhỏ và một triệu đồng gửi ngân hàng, muốn tìm một cô gái chưa chồng xinh đẹp làm bạn đời. Nếu ai bằng lòng xin liên hệ với tôi ở làng ... xã ... huyện ... tỉnh ..."
          Vài ngày sau khi đăng báo, ông vẫn chẳng thấy có động tĩnh gì. Ông tỏ ra thất vọng, nghĩ hai đêm liền, rồi dường như vỡ lẽ ra một điều, ông liền sửa độ tuổi của mình giảm đi mười năm, còn các nội dung khác vẫn giữ nguyên, lại gửi đăng báo. Nhưng lần này cũng thế, tin đăng đã lâu lắm mà chẳng thấy tin tức gì cả.
          Ông Phúc lại đánh liều, hạ tuổi mình xuống thêm mười năm nữa, còn bốn mươi hai tuổi, rồi nhét cả tin lẫn chi phí quảng cáo vào phong bì gửi cho tòa soạn.
          Vài hôm sau, tòa soạn gửi cho ông số báo có đăng tin tìm bạn đời của ông. Ông Phúc chẳng thèm bóc ra xem, tiện tay quẳng vào một xó.
          Qua đi vài hôm, những lá thư nhận lời ông gửi đến tới tấp như tuyết rơi. Các ứng viên phần lớn là những cô gái chưa chồng xinh đẹp như tiên, nhiều cô còn gửi kèm ảnh màu. Người đẹp trong ảnh, cô nào cũng ngồn ngộn sức sống làm xiêu lòng Thái Phúc. Thái Phúc hớn hở mừng thầm, tự nhủ: "Đúng là cái tuổi bốn mươi có sức mạnh hơn cả". Ông xem kỹ từng bức thư, ngắm nghía từng bức ảnh để chọn một người bạn đời ưng ý nhất.
          Khi Thái Phúc đang say sưa chìm đắm trong đống "người đẹp", thì bỗng dưng người đưa thư mang đến một bức điện của tòa soạn. Ông Phúc có phần sửng sốt, bóc ra xem, một dòng chữ hiện ra trước mắt:
          - “Thưa ngài Thái Phúc, chúng tôi không may đã in nhầm tuổi của ngài bốn mươi hai thành chín mươi hai trong nội dung nhắn tin tìm bạn đời của ngài. Thành thật xin lỗi ngài. Chúng tôi sẽ cải chính trong số báo kỳ tới.”
          Đọc xong, ông Thái Phúc chỉ còn biết nhăn nhó khóc dở mếu dở…

          Hồ Phương Sơn


.