Khi chúng ta tự ý thức được rằng, đây
là việc làm sai trái có hại cho người và vật, thì tự mình can đảm buông xả hoặc
từ bỏ là do ý chí của ta mạnh mẽ, thấy được việc làm sai trái mà mình dạn từ bỏ.
Và ta nếu muốn từ bỏ vững chắc và lâu dài không bị tái phạm trở lại nữa, thì ta
phải phát nguyện tu theo con đường Phật đạo, gìn giữ năm điều đạo đức, đời đời
kiếp kiếp quyết tâm không tái phạm lỗi lầm xưa và dứt khoát không chuyện xấu đó
nữa vì biết được sự tác hại của nó.
Chúng ta hãy thường xuyên suy xét và
kiểm soát chặt chẽ từ ý nghĩ, lời nói cho đến hành động mà có hại cho mình và
cho người thì ta nhất quyết không làm. Còn những gì mà ta thấy có lợi cho mình
và người thì ta cố gắng làm không bỏ qua, dù cho đó là một việc rất nhỏ.
Nhờ tâm phát nguyện rộng lớn như thế,
ta sẽ vượt qua được những chướng duyên nghịch cảnh trong cuộc đời. Vì sao? Vì
theo đạo lý nhà Phật, ai sinh ra trong cõi đời này hầu như không ít thì nhiều,
từ lớn đến nhỏ dù không làm ác nhiều cũng làm ác ít. Bởi vì chúng ta chưa có sự
hiểu biết chân chính, chưa có lòng tin nhân quả vững chắc, do đó chắc chắn ai
cũng có sai lầm.
Ngày nay, chúng ta may mắn gặp được
thầy lành bạn tốt có đầy đủ phúc duyên, tuy điều kiện của chúng ta không được tốt
đẹp trọn vẹn như người khác. Nhưng ta không có gì phải buồn phiền, khổ đau,
trách móc, đổ thừa tại bị thì là… Bởi vì chúng ta biết Phật pháp, biết thực
hành những lời Phật dạy, biết rõ nhân nào dẫn đến sa đọa khổ đau, nhân nào dẫn
đến an vui, hạnh phúc.
Nhờ vậy, chúng ta cố gắng dứt khoát
chừa bỏ thói hư, tật xấu ngay cả trong ý nghĩ và thường xuyên tu tập mỗi ngày để
soi sáng lại chính mình. Nếu ta chưa đủ khả năng tu tập về thiền quán, thiền trực
chỉ thì ta cố gắng tu tập theo phương pháp niệm Phật, Bồ tát tức là ta nương
theo câu niệm Phật để cho tâm không bị tán loạn (niệm danh hiệu vị Phật nào mà
ta thích).
Thí dụ, ta thích đức Phật Thích Ca
Mâu Ni thì ta niệm Phật Thích Ca Mâu Ni, ta thích Phật A-di-đà ta niệm Phật
A-di-Đà, nếu ta thích Bồ-tát Quán Thế Âm thì ta niệm Bồ-tát Quán Thế Âm… Bất cứ
danh hiệu Phật nào, danh hiệu Bồ-tát nào nếu ta nhiếp tâm, trì chí hướng về đức
Phật đó, để tự chiêm nghiệm, soi sáng thì ta sẽ vượt qua những chướng nạn, tai
ương trong cuộc đời.
Tuy thân này phải chịu quả đau khổ,
nhức nhối, bệnh hoạn, đau yếu… nhưng tâm ta vẫn trong trong sáng lặng lẽ chiếu
soi. Thân này tuy đau, nhưng tâm ta thường biết rõ ràng nên ta luôn được bình
yên, hạnh phúc.
Khi đau ta biết thân này đau vì nghiệp
tập nhiều đời nhiều kiếp mình đã gieo tạo trong quá khứ, nay ta biết được hậu
quả của nó làm cho mình người khổ đau, thì ta nhất quyết không để cho tái phạm
nữa, đến khi hội đủ nhân duyên thì nghiệp xấu sẻ hết. Nhờ vào sự tinh cần tu tập,
mà ta chuyển hóa được nỗi khổ niềm đau, vươn lên và vượt qua cạm bẫy cuộc đời.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét