13 tháng 12, 2014

Truyện Rất Ngắn Mùa Giáng Sinh - 02



10. MƯA SAO BĂNG
          Nghe con gái nói chuyện với bạn qua điện thoại rủ nhau đêm nay thức xem mưa sao băng, khiến bà mẹ nhớ về tuổi học trò như chúng nó bây giờ. Ngày ấy, bà cũng cùng bạn bè ngẩng mỏi cả cổ, mắt hướng lên trời, mong chờ từng ánh sao băng để kịp ước những điều ước riêng tư thầm kín. Bây giờ, bà chỉ nghĩ đến những thiên thạch rơi vào bầu khí quyển theo lực hút của trái đất và bị ma- sát, bốc cháy tạo thành ánh lửa vụt sáng, rồi tắt lịm. Bà liên tưởng đến những gì chóng đến chóng qua, như tình yêu vội đến sẽ vội đi, như phù vân, cát bụi đời người… Bà không còn những điều ước với thiên nhiên vô định. Bà cầu nguyện xác tín vào Thiên Chúa. Nhưng tối nay bà vẫn cho con bà ngắm mưa sao băng với bạn bè nó, với tuổi học trò hồn nhiên, trong sáng.

11. NGÀY SINH CỦA CHA MẸ TÔI
          Tặng Riêng và Chúc Mừng Sinh Nhật Thầy Micae Nguyễn
          Ngày tôi còn là sinh viên nghèo lên thành phố học, cứ sắp đến ngày sinh nhật tôi, mẹ tôi lại nhờ người viết thư và gửi quà chúc mừng tôi. Mẹ không quên nhắn nhủ tôi phải chăm đọc kinh, cầu nguyện, đi lễ. Đến năm học cuối, gần đến ngày sinh của tôi, cha và mẹ tôi lên thăm tôi. Mẹ tôi mang cả một nồi khoai lang luộc. Tôi thấy không vui mà con ngại với bạn bè vì cha mẹ tôi nhà quê lam lũ.
          Bây giờ tôi đã ra trường và có công việc làm ổn định. Tôi chợt nhận ra tôi nhớ kỹ ngày sinh của người yêu và đã học thuộc lòng ngày sinh của một số anh hùng, danh nhân nhưng ngày sinh của cha mẹ tôi tôi lại không biết. Tôi âm thầm tìm giấy khai sinh và chứng minh nhân dân của cha mẹ tôi nhưng trên đó chỉ ghi năm sinh, không có ghi ngày sinh. Lý do sau ngày thống nhất đất nước, cha mẹ tôi làm lại giấy tờ và chỉ nhớ có năm sinh. Tôi muốn khóc vì không biết phải chúc mừng sinh nhật cha mẹ tôi ngày nào nữa. Tôi chỉ còn biết sống theo điều răn thứ tư: thảo kính cha mẹ tôi trọn đời.

12. ĐOM ĐÓM VÀ ĐÈN ĐIỆN GIÁNG SINH
          Tám năm về trước, tôi cùng một anh bạn có dịp về huyện Giồng Trôm ở Bến Tre. Nhìn xa xa bờ sông, chúng tôi thấy những dây đèn điện nhấp nháy, anh bạn tôi la lên: “Ở đây người ta mừng Giáng Sinh sớm quá!” Đi đến gần hàng cây có ánh điện nhấp nháy, chúng tôi phát hiện ra những chú đom đóm nhiều vô kể. Lạ lùng là chúng chỉ tập trung đậu vào một số cây đó mà thôi. Dân địa phương cho biết đó là cây bần. Đom đóm, không biết vì lý do nào đó, rất thích tập trung ở cây bần. Khá ngạc nhiên về một sự lạ thú vị nhưng tôi thấy buồn buồn vì biết rằng gần đây không có nhà thờ và không có người công giáo. Từ dạo đó đến giờ, tôi chưa thăm lại Giồng Trôm nhưng lòng vẫn thầm nguyện cho công cuộc truyền giáo. Nơi đó sẽ có nhà thờ, có người công giáo và có đèn điện Giáng Sinh thật sự.

13. CÙNG NHAU LÀM HANG ĐÁ
          Ba gia đình sát nhà nhau. Ba ông chồng thường ngày vẫn ngồi với nhau uống trà, hút thuốc. Họ gọi nhau là anh hai, chú ba, chú úc. Nhà chú ba có khách ở thành phố về tặng cho một tượng Chúa Hài Đồng và một cây thông, gia đình làm một hang đá trước nhà, có vẻ hãnh diện lắm. Hôm đó, chỉ còn anh hai và chú út ngồi uống trà, nói chuyện. Hai người nói những câu đại loại như: “Mừng Chúa Giáng Sinh cốt ở tấm lòng. Mấy thứ kia chỉ là phù vân, chóng qua.” Ba bà vợ thường gọi nhau đi chợ, hôm nay chỉ còn có hai.
          Đến lượt nhà chú Út cũng có tượng Chúa Hài Đồng do thằng con đi làm ở thành phố mang về. Gia đình chú Út cũng có hang đá nho nhỏ trước nhà. Hôm đó, ba ông gia trưởng không thấy ngồi tâm sự với nhau nữa. Ba bà hiền mẫu cũng chẳng còn rủ nhau đi chợ.
          Đêm qua có một trận mưa trái mùa, hai cái hang đá nhà chú ba và chú Út đều bị hư hại nặng. Người ta thấy ba chị em hàng xóm lại í ới rủ nhau đi chợ và ba anh em láng giềng lại ngồi uống trà hút thuốc với nhau. Họ bàn tính với nhau làm chung một cái hang đá thật lớn và đẹp.

14. ĐÈN NGÔI SAO MÀU XANH
          Đang phụ tôi làm hang đá, thằng con hỏi: Tại sao năm nào nhà mình cũng treo một ngôi sao lớn toàn màu xanh vậy bố? Tôi thầm cười trong khoé mắt, kể chuyện cho con nghe: Cách đây mười mấy năm, bố thương một cô gái cùng ở trong ca đoàn giáo xứ với nhau. Bố nghĩ cô ấy “tình trong như đã mặt ngoài còn e” nên đến gần ngày lễ Chúa Giáng Sinh bố quyết định viết thư tay gửi cô ấy, vì thời đó chưa có điện thoại, email.sẵn như bây giờ. Xóm mình có nghề gia truyền làm đèn trung thu và làm đèn sao trong dịp Giáng Sinh bán lại cho khách. Chính vì vậy bố nói cô ta nếu đồng ý đi dạo phố trước lễ với bố thì tối 24 treo một cái đèn ngôi sao xanh trước hiên nhà. Tối 24, từ 6 giờ bố đã thấy đèn ngôi sao xanh treo trước hiên nhà người yêu khoả lấp bao nhiêu niềm hy vọng. Cô gái, người yêu của bố, chính là mẹ con. Kỷ niệm niềm hạnh phúc đó, cứ đến dịp Giáng Sinh, nhà ta lại làm và treo một cái đèn ngôi sao màu xanh hy vọng để cảm tạ ơn Chúa.

 
 15. CÂY THÔNG GIẢ
          Cũng sắp đến Giáng Sinh, năm mới đến gần, tôi bàn với chồng mua một cây thông thật lớn để ở giữa phòng khách trông mới tương xứng với căn nhà rộng rãi sang trong mới mua. Đang trang trí thêm những cánh thiệp Giáng Sinh người ta gửi chúc mừng lên cây thông, tôi thấy thấp thoáng ngoài cổng có bóng người. Một cô bé đang lưỡng lự có nên bấm chuông cổng hay không. Trên tay cô bé là một bó nhỏ vừa hoa hồng lẫn hoa cúc trắng. Tôi ra mở cổng, hỏi xem cô bé muốn tìm ai, có việc gì. Giọng nói của cô bé hơi ngượng ngịu: “Cho cháu vào cắm hoa cho Đức Mẹ được không cô? Khi còn được ở nhà này, cháu vẫn thường dâng hoa cho Đức Mẹ ở tượng đài góc sân kia.”. Lúc đó, tôi nhận ra mình không xứng với ngôi nhà mình có và cây thông giả không thể sánh cùng Đức Mẹ được nhiều người tôn kính, mến yêu.

16. CÔ EM HÀNG XÓM
          Tôi làm hang đá ở hè phố trước nhà, cô bé ra đứng ngắm, xin tôi mấy miếng giấy bạc nhỏ.
          Năm sau, tôi cũng làm hàng đá, cố bé đứng góp ý chỗ được chỗ chưa.
          Năm kế tiếp. tôi đang làm hang đá, em ra gửi tôi tấm thiệp Giáng Sinh. Bên trong bì thư có lời mời rủ tôi đi dạo buổi tối.
          Năm kế tiếp nữa, chúng tôi đang giận nhau. Tôi đang chỉnh sửa lại mấy dây đèn điện, thấy em có người khác đón đi.
          Năm tiếp theo, vì lý do nào đó, em lại tặng tôi thiệp Giáng Sinh.
          Năm nay, em phụ tôi làm hang đá và chở nhau đi gửi thiệp hồng.

17. THIỆP GIÁNG SINH
          Tôi mở email ra thấy hơn một chục cái với tiêu đề “Merry Christmas…”. Tôi cũng tìm các mẫu thiệp sẵn có trên mang gửi đáp lễ lại các địa chỉ đã gửi đến. Trên đường về nhà trọ, tôi ghé nhà sách mua thêm một số thiệp in sẵn để gửi cho bạn bè và một số mối quan hệ xã hội. Về đến phòng, bạn tôi đưa thêm một số thiệp mới nhận được. Làm tôi bất ngơ và đáng lưu tâm là tấm thiệp của đứa em gái ruột ở quê nhà. Nó mới 13 tuổi mà đã biết lấy hoa khô, cỏ dại dán lên một tấm giấy bìa làm thiệp Giáng Sinh. Trong thiệp còn có ghi chuyển lời chúc của cha mẹ đến tôi. Tôi cảm động đến muốn khóc và thấy có lỗi vì tôi đã chưa gửi một tấm thiệp nào về cho gia đình. Những tấm thiệp ảo trên mạng, những tấm thiệp nhà in in sẵn, tôi thấy có gì đó vô hồn hơn tấm thiệp làm bằng tay đây tình thương gia đình và hương sắc quê mình.

18. BÀI THÁNH CA BUỒN
           (Nếu độc giả chưa nghe nhạc phẩm Bài Thánh Ca Buồn, nên tìm nghe trước khi đọc truyện sẽ thấy hay hơn.)
          Anh là người ngoại đạo có người yêu bên công giáo. Đêm Giáng Sinh hai người cùng đi dạo phố, sau đó đi lễ nửa đêm. Khi hai gia đình biết con cái mình quen người khác đạo, hai bên đều cấm cản. Mấy năm sau, chị vâng lời cha mẹ lấy người khác. Cha mẹ mất, anh tự do lấy một người công giáo khác và theo đạo.
          Đêm nay rộn rã ngày lễ mừng Chúa giáng sinh. Anh đang ngồi chơi piano cho dàn nhạc tại một nhà hàng. Một bé gái chuyển giấy cho ban nhạc yêu cầu hát tác phẩm Bài Thánh Ca Buồn. Đây là bài anh yêu thích. Anh nhìn theo bé gái trở lại bàn ăn, bất ngờanh và chị nhận ra nhau. Bé gái đó là con của chị. Anh độc tấu pianô và hát du dương tình khúc Bài Thánh Ca Buồn. Ca khúc hát chưa hết một nửa, tài xế xe gia đình đến bàn ăn nói: “Thưa bà! Ông ngồi ngoài xe chờ bà và cô cậu về.” Chị ráng lại nghe hết bài nhạc và bước vội ra ngoài sau khi kết thúc. Rưng rưng nước mắt, anh nhìn theo dáng người xưa khuất dần. Bước vào xe, chị còn sụt sùi với chiếc khăn mùi soa, nói dối chồng: “Em bị dị ứng không khí lạnh.” Nhưng trong tâm hồn chị đang dâng lên giai điệu và lời bài hát Bài Thánh Ca Buồn.

19. BONG BÓNG VÀ GẤU BÔNG
          Tan lễ đêm, anh và bạn gái đi dạo phố thêm. Giờ này, bên hè phố vẫn còn một em gái đang ngồi bán gấu bông nhưng không thấy ai mua. Anh tội nghiệp cô bé, vòng xe lại, tắp vào mua gấu bông cũng là để tặng bạn gái. Đang định hỏi giá gấu bông, một em trai chạy đến, mời mọc:“Chú ơi! Mua bong bóng giúp con.” Cô bạn gái ngồi sau xe vội nói: “Anh ơi! Mua một thứ thôi.” Em gái bán gấu ôm cũng nhanh nhẹn nói: “Chú mua bong bóng đi. Khỏi mua gấu ôm cũng được.” Anh hơi khó hiểu hỏi lại: “Tại sao lại không mua gấu ôm cũng được?” Cô bé nói nhỏ nhẹ như có nước mắt: “Nó là em trai con. Gấu bông để lâu được, còn bong bóng đã bơm thì cần bán ngay.” Tuy anh không nhiều tiền nhưng vẫn quyết định mua một con gấu ôm và một trái bóng bóng lớn. Trên đường về nhà, nhìn hàng chữ “Merry Christmas and Happy New Year” trên quả bong bóng, anh nói với bạn gái: “Ở độ tuổi đó, ngày lễ vui như hôm nay, đáng lẽ hai em đó phải được ở trong nhà với cha mẹ và chơi những đồ chơi các em thích.”

20. NGƯỜI TUYẾT TAN RỒI
          Anh về nước cưới chị, sau đó bảo lãnh sang Mỹ. Mùa đông anh đưa chị đi trượt tuyết, hai anh chị chơi trò nặn người tuyết. Mỗi người đắp riêng cho mình một người tuyết. Dù trời tuyết rơi lạnh anh thấy mình rất đầm ấm. Hai năm sau, chị bỏ anh theo người khác vì danh vọng, tiền của. Tình cảm của hai anh chị như người tuyết tan khi nắng lên. Anh buồn bã đem đứa con duy nhất về Việt Nam sống với mẹ già. Anh ở vậy vì muốn giữ bí tích hôn phối.
          Mừng Chúa Giáng Sinh năm nay, anh làm hang đá và làm hai người tuyết giả gắn bông gòn phía ngoài. Người tuyết lớn là anh. Người tuyết nhỏ hơn nhiều là đứa con. Người tuyết mẹ không có vì đã tan ở Mỹ rồi. Dù thời tiết Việt Nam ấm áp hơn nhiều nhưng lòng anh lại thấy quá giá băng.

          Nguồn: Internet


.

Không có nhận xét nào: