Tôi đi ngang một khu chợ tự phát, thấy cô bé độ 15-16 mặt mày xinh
xắn đang ngồi chào mời khách mua lươn. Cái chậu lươn của
em có đến mấy chục con. Em đang làm lươn, vẻ mặt rất bình thản, tay dính đầy
máu. Tôi bỗng thấy chóng mặt và nghe tim mình nhói đau.
Đúng là
trong cuộc sống, ta rất cần có được một tâm tư bình thản để đối mặt với đời.
Nhưng con lươn dưới tay em đang oằn oại, thống khổ tận cùng song em không chút
động lòng vì nỗi đau của nó, em đã quen với nghề nghiệp của mình và không
còn biết xót xa cho số kiếp những con vật bị an bài theo thuyết “Vật dưỡng
nhân”.
Hồi nhỏ, dạo 8-9 tuổi, tôi còn “anh hùng” hơn em. Ba tôi mở một quán kem gần
chợ. Mật ngọt của kem thu hút đông đảo khách hàng đến tiệm - không phải người -
mà là ruồi!
Ba tôi giao cho tôi nhiệm vụ đặc biệt: đập ruồi. Tôi nhận “vũ khí” ông đưa, mới
đầu tôi chỉ làm theo bổn phận, nhưng dần dà tôi cảm thấy khoái chí nhất là sau
mỗi tiếng “chát” vang lên, ruồi nằm chết dẹp lép, ruột lòi ra, công việc của
tôi đã thành trò tiêu khiển, ruồi phải nằm bẹp dí lòi ruột, thì tôi mới thích
thú.
Đó là quãng thời gian tôi sống trong tối tăm - tối tăm - vì tôi không biết đến
Phật pháp. Trong nhà tôi vẫn có thờ hình Phật, song giáo lý Ngài tôi chưa thấm
sâu, nhà tôi cũng cữ sát hại, chẳng giết con gì để ăn, nhưng những loài côn
trùng nhỏ nhít cỡ ruồi muỗi trở xuống thì chẳng ai quan tâm thương đến chúng.
Rồi khi vào chùa tu,
chúng tôi thường kể chuyện cho nhau nghe. Một pháp lữ bảo tôi:
- Hồi nhỏ chị khoái nhất là bắt chuồn chuồn, ngắt đuôi nó đi, rồi cắt tua giấy
kiếng nhiều màu, se nhọn một đầu, nhét vào ruột chuồn chuồn, thả nó bay
lên, chị thích chí nhìn đuôi giấy đủ màu bay lượn giữa trời, không biết
làm vậy là con chuồn chuồn đau ruột, cũng không hiểu nó đau như thế nào? Cho
tới năm hơn 20 tuổi chị bị viêm ruột, rồi về già thì ung thư ruột, bỗng dưng
chị lại nhớ và thấu hiểu nỗi đau của con chuồn chuồn.
Tôi thuật lại cảnh đập ruồi của mình, tôi không đau ruột như chị, nhưng bây giờ
tôi hưởng cái đau toàn thân, từng đốt xương đều nhức buốt, mỗi khi nhúc nhích
cơn đau càng gia tăng khiến tôi cử động thật khó khăn. Điều khiến tôi có thể
song hành và chấp nhận được cơn bệnh là tôi biết mình đang “nếm thử” quả của
nhân gieo không lành ngày xưa. Cơn đau này có thấm vào đâu so với nỗi đau hàng
trăm con ruồi lòi ruột bẹp dí?
Có thể cho là tôi suy
nghĩ viển vông, mơ hồ. Nhưng nghĩ theo nhân quả cũng rất có lợi, bởi vì mỗi lúc
thân xác bị bệnh hoành hành đau đớn, tôi lại nhớ đến hành động sát sinh của
mình ngày xưa và tự dưng có đủ sức chịu đựng và thấy cơn đau vơi đi, nhẹ bớt.
Bàn về thuyết nhân quả
của Phật giáo, tôi chợt nhớ đến chuyện bà cô họ của tôi. Hồi trước giải phóng,
bà chuyên bán bì bún chả giò ở chợ BH. Ngày nào cũng mua cả thúng thịt heo đem
về luộc chuẩn bị cho món bì vào buổi bán ngày mai. Sau này khi già, da bà ngả
màu y như thịt heo luộc, rõ nhất là phần bàn tay.
Còn bé Hà công quả chỗ
tôi, em ở nhờ chùa đi học bổ túc, vẫn tụng niệm, ăn chay và tu tập “nháp” theo
thời khóa dành cho Ưu bà di. Nhưng lúc cần tiền em cũng nhận làm móc câu cho
một hãng sản xuất cần câu cá. Vào nghề mới nửa tháng, cổ họng em sưng tấy, lưỡi
cũng sưng lở nhìn giống như bị lưỡi câu móc. Tất nhiên là em rất đau đớn, thế
là em hoảng kinh, vội lạy sám hối và bỏ nghề. Sau này em xin vào một hãng may,
lương ổn định, cuộc sống tương đối không chật vật.
Còn cô em gái của bạn mợ tôi có tài nấu ăn rất khéo. Do túng bấn nên khi được
các nhà khá giả bên Tin Lành giúp đỡ, cô liền cải đạo. Gặp tôi, cô có vẻ ngượng
ngùng, lo phân minh giải thích... tôi mỉm cười bảo:
- Không sao. Miễn là cô sống thấy an ổn và hạnh phúc là được rồi.
Sau đó, cô xin vào làm bếp cho một công ty nước ngoài, lương rất cao. Công việc
hàng ngày của cô là chế biến thịt bồ câu, hàng ngày cô cắt cổ cả trăm con. Gặp
tôi, cô kể về công việc của mình với vẻ mãn nguyện, hạnh phúc. Cô đang muốn tôi
chia sẻ niềm vui lớn của cô. Cuộc sống cô đang phất lên vì sung túc. Nhưng cô
không nhận ra nụ cười gượng gạo và tâm tư héo hon của tôi. “Một ngày cắt cổ cả
trăm con bồ câu...” tôi nghe mà đau lòng, cô đang tạo ác nghiệp chất chồng, làm
sao tôi dám khuyên cô, cô đã là người ngoại giáo, đâu thèm tin thuyết Nhân quả
quá cổ xưa nhiều cấm đoán của Phật(?), cô đang đổi đời xán lạn nhờ cải đạo, cải
nghề, không thấy sao?...
Tôi chào cô, lủi thủi đi. Nửa năm sau tình cờ gặp lại, tôi ngạc nhiên khi thấy
cô quá xanh xao tiều tụy. Cô báo tin mình đã bỏ nghề. Hóa ra, giết bồ câu được
sáu tháng, cô bị bịnh nặng, cổ và bụng đều nổi bướu độc, suýt chết. Số tiền
lương hậu hĩ không đủ để chạy thuốc thang. Cô hoảng quá, bỏ nghề, quay về đạo
Phật lại, lo lễ bái sám hối. Hiện giờ cô đang ở và công quả các chùa, phụ việc
trong phòng thuốc từ thiện. Cô không giàu, nhưng bệnh nhẹ hẳn. Tôi mỉm cười:
- Hồi đó em muốn khuyên mà không dám, lo thầm vì thấy cô tạo tội sát lớn quá,
mỗi ngày giết cả trăm sinh mạng, mà cho dầu cô kiếm được tiền bằng cả núi vàng
thì cũng là họa chứ không phải phúc...
Tôi không nói hết cô đã hiểu, mắt nhìn tôi đồng tình. Nắm tay tôi lắc lắc. Tôi
móc túi, lấy phần tiền nhuận bút của mình, biếu cô. Cô nhận, mắt rưng rưng. Bây
giờ tuy cô không dư dật, sống nhờ và công quả ở chùa nhưng có lẽ nội tâm thanh
thản hơn.
Đọc đến đây có lẽ sẽ có
người nói rằng: ... khối người giết chóc, khối người sát sinh mà vẫn sống phây
phây, ăn nên làm ra, có khổ báo gì đâu?
Phật
từng giải thích rằng: Quả báo có khi trả sớm, có khi trả muộn.
Thật sự nếu để ý, ta
sẽ thấy những người đang sống hiền thiện mà xoay qua làm ác, trả quả rất nhanh.
Quả này xảy ra như một cảnh báo, giúp họ đình chỉ việc ác và hồi đầu. Giống như
chiếc áo trắng, vừa mới bị lem vài vết mực, được chỉ để tẩy ngay. Có những
người cả đời làm ác, song do một biến cố nào đó khiến họ thức tỉnh, xoay qua
làm thiện mạnh mẽ. Đó là nhờ duyên lành đời trước nên họ còn được cảnh tỉnh để
quay về với nẻo thiện. Còn người làm ác quá nhiều mà không thấy “trả” gì. Thì
quả sẽ trả sang đời sau, khi phúc hưởng hết thì họa ập tới còn thê thảm hơn.
Phật luôn nhắc nhở môn đệ
Ngài: “Nên sống chánh nghiệp, không sống tà nghiệp”. Chánh nghiệp là những nghề
đem đến lợi ích cho mình và người. Tà nghiệp là những nghề kiếm ra tiền trên
đau khổ của người và vật. Còn nếu nói: “Vì nghèo nên phải sống tà nghiệp thì
sao?”... Tôi bỗng nhớ câu: “Trời Phật không triệt đường của ai cả, nếu người ấy
thật lòng muốn sống thiện thì niệm lành trong tâm sẽ chiêu cảm, giúp họ có cơ
may hành thiện nghiệp". Tôi thú vị khi nhớ thời xưa nước Ấn Độ vẫn có
những ngày vua chúa cấm giết hại, cấm bán thịt, nhất là những vị vua mộ đạo...
Nếu không có Phật, không có
giáo lý Ngài hướng dẫn, có lẽ tôi đã tạo tội bằng non. Nhờ Ngài, tôi biết phân
biệt thiện ác, biết suy gẫm lý nhân quả khi gặp phải bất công, biết đắn đo khi
gieo nhân, biết đình chỉ khi niệm ác khởi, biết trau dồi phẩm hạnh để phát
triển bi trí hầu xoa dịu bớt khổ đau trong đời.
Cô bé vẫn ngồi đấy làm lươn, con lươn vẫn tiếp tục oằn oại dưới bàn tay em, mặt
em vẫn rạng rỡ, luôn điểm sẵn nụ cười để chào mời khách. Ngoài nỗi xót
xa, tôi chẳng thể làm gì trong nhịp sống đang đều đặn diễn tiến. Cầu mong sao
ánh sáng Phật soi rọi khắp nơi, để người người sống theo Chánh pháp, không gieo
nhân khổ đau và biết tạo hạnh phúc cho mình lẫn người.
Hạnh Đoan
.