Trong chùa, có một anh
câm. Không ai nhớ anh ta đến chùa từ bao giờ, vả lại cũng không mấy người để ý
đến anh ta. Anh ta lo mấy sào vườn ở sau chùa, lúc thì trồng rau, lúc thì trồng
đậu, làm việc rất là siêng năng. Lúc rảnh, anh ta vào bếp giã gạo và vào những
ngày sóc vọng, chùa đông khách, anh ta giúp việc dưới bếp, và rửa bát ở bờ ao cạnh
bếp.
Vì anh ta câm, nên chẳng ai nói với anh và nếu có việc cần nói thì
phải ra hiệu. Hết việc, tối nào anh cũng quanh quẩn ở trên chánh điện, quét
dọn, lau chùi, và mỗi năm vào kỳ Kết hạ, mỗi lúc có khóa giảng thì anh ta cầm
chổi đứng gần cửa phòng hội, ra vẻ đang quét nhà, nhưng thật ra là nghe giảng kinh
...
Một ngày kia, không thấy anh, vị tri sự bước vào căn phòng nhỏ xíu
của anh ở góc vườn, lúc đó mới biết rằng anh câm bị đau, sốt nặng không dậy
được. Vị tri sự trình Tổ và mọi người thấy Tổ vào thăm anh câm. Ngài ngồi với
anh rất lâu và khi Ngài trở về phòng, nét mặt trang nghiêm của Ngài thoáng vẻ
hân hoan.
Từ hôm ấy, chú tiểu ngày hai ba lần mang cháo vào cho anh câm và
Tổ mỗi khi xuống thăm thì ngồi cả giờ, mọi người cho rằng anh câm có phúc, được
Tổ thương và nếu có mệnh hệ nào thì được Ngài độ cho.
Vào đúng giờ Ngọ hôm đó, người ta thấy Tổ chậm rãi bước ra khỏi
phòng anh câm và khi Tổ nhận thấy mọi người chắp tay vây quanh thì Tổ nói rất
ngắn:
“Ngài đã viên tịch rồi”.
Ai ai cũng tỏ vẻ ngạc nhiên: gọi anh câm cuốc vườn là Ngài! Tổ là
một thiền sư đạo hạnh nổi tiếng không những trong vùng, mà ngay cả ở chốn kinh
kỳ xa xôi nữa. Nhưng không ai dám hỏi Tổ cả.
Cho đến khi làm lễ hoả thiêu xong, bài vị của anh câm đã được đặt
trên chùa, và khóa cầu siêu thường lệ chấm dứt, mọi người được nghe Tổ nói như
sau:
“Thật ra, vị chấp tác làm vườn
ở chùa ta là một vị tăng, không những là một vị tăng ở kiếp này, mà là từ kiếp trước.
Kiếp trước, Ngài tu hành tinh tấn, nhưng Ngài vẫn tái sinh làm kiếp người, chưa
lên được cõi trên vì nghiệp của Ngài còn nặng.
Kiếp này, Ngài lại tu nữa, và do ta giúp đỡ, Ngài biết rằng Ngài
chưa xóa được khẩu nghiệp. Vì thế Ngài phát nguyện tu tịnh khẩu nghiệp.
Ngài tịnh khẩu, ai cũng tưởng là Ngài câm. Đến nay thân, khẩu, ý của Ngài đều
đã thanh tịnh nên Ngài đã ngộ, vì thế ta mới nói rằng Ngài tịch diệt. Bàn thờ Ngài
ở kia, có thể bỏ đi được, nhưng thôi hãy cứ để đấy, không phải là để cúng Ngài,
mà chính là để nêu cái gương tu hành cho mọi người.”
Người nghe chuyện, ai ai cũng yên lặng cúi đầu, nghiền ngẫm về sự
tu hành. Từ ngày đó, trong chùa, không ai bảo ai, người ta chỉ nói vừa đủ,
những mong đến lúc nào đó tịnh được khẩu nghiệp, thoát khỏi sinh tử luân hồi
như vị bồ-tát đóng vai anh câm làm việc sau chùa.
Sưu tầm
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét