31 tháng 3, 2014

Sống với nhau như thế nào?

Đọc thì dễ thực hành mới k​hó !!!!


Tôi hỏi đất: đất sống với nhau thế nào?
Đất trả lời: chúng tôi làm nền móng cho nhau
Tôi hỏi nước: nước sống với nhau thế nào?
Nước trả lời: chúng tôi hoà lẫn vào nhau
Tôi hỏi gió: gió sống với nhau thế nào?
Gió trả lời: chúng tôi nâng cánh cho nhau
Tôi hỏi mây: mây sống với nhau thế nào?
Mây trả lời: chúng tôi tan biến vào nhau
Tôi hỏi cỏ: cỏ sống với nhau thế nào?
Cỏ trả lời: chúng tôi hoà quyện và réo rắt bên nhau
Tôi hỏi cây: cây sống với nhau thế nào?
Cây trả lời: chúng tôi che chở và leo quấn cho nhau
Tôi hỏi người: người sống với nhau thế nào?
Không ai trả lời
Không ai nói gì cả
Vì người còn đang bận giận hờn và chà đạp lên nhau
Vì người còn chôn chặt nụ cười và không cùng chia sẻ
Vì người còn nghi kị và mưu chước lẫn nhau
Vì người còn nặng nỗi thương đau
Vì người còn quên cách yêu nhau
Vì người còn chưa biết được rằng sự sống vốn rất mau... tàn lụi...



.

The Gypsy Queens -L'Italiano (Toto Cutugno )





.

30 tháng 3, 2014

Ý nghĩa cuộc sống




          Có những điều hiển nhiên đến nỗi bạn không bao giờ bận tâm về nó. Có những điểu tưởngchừng như rất nhỏ nhặt và bạn đã không làm từ rất lâu vì nhiều lý do.
          Hãy bình tâm ngồi lại, bạn sẽ thấy trong những điều hiển nhiên ấy, những điều nhỏ nhặt ấy có rất nhiều điều để bạn suy ngẫm lại bản thân. Có thể những điều dưới đây không hoàn toàn đúng với tất cả chúng ta, nhưng hãy thành thật với chính bản thân, tôi tin mỗi chúng ta đều có thể thấy hình bóng của mình trong đó. Người ta không ai hoàn hảo cũng là để có cái đích mà hướng tới.

          Chúng ta có ít nhưng xài nhiều, chúng ta mua nhiều nhưng sử dụng ít.
          Chúng ta có nhà rộng với mái ấm hẹp; có tiện nghi nhưng ít thời gian.
          Chúng ta có nhiều bằng cấp nhưng lại có ít tri thức.
          Chúng ta có nhiều kiến thức nhưng lại thiếu sự suy xét.
          Chúng ta làm ra những thứ lớn hơn nhưng chưa chắc chất lượng hơn.
          Chúng ta làm giàu tài sản nhưng lại làm nghèo giá trị bản thân.
          Chúng ta nói quá nhiều, thương yêu quá ít và thường hay ghét người.
          Chúng ta kéo dài tuổi thọ nhưng không sống đúng ý nghĩa đích thực của cuộc sống.
          Chúng ta chinh phục không gian vũ trụ nhưng lại bỏ trống không gian tâm hồn.
          Chúng ta cố làm sạch không khí nhưng lại làm vẫn đục tâm hồn.
          Chúng ta biết đường đến mặt trăng nhưng lại quên đường đến nhà người hàng xóm.
          Chúng ta xây nhà cao hơn nhưng lại hạ thấp tâm tính; xây đường rộng hơn nhưng lại thu hẹp tầm nhìn.
          Chúng ta uống quá nhiều, hút quá nhiều, xài tiền không toán tinh, cười quá ít, lái xe quá nhanh, hay cáu giận; thức khuya để rồi uể oải dậy sớm; đọc quá ít và coi TV quá nhiều.
          Chúng ta được học cách phải tiến nhanh về phía trước mà chưa học cách chờ đợi.
          Chúng ta được dạy cách kiếm sống chứ không phải cách sống.
          Đây là thời đại của thức ăn nhanh và tiêu hoá chậm; của những con người to hơn nhưng nhân cách nhỏ hơn; tài sản rất sâu nhưng tình thương lại cạn.
          Đây là thời đại công nghệ có thể đem những điều này đến với bạn, thời đại mà bạn có thể đọc hoặc dễ dàng vứt nó đi.
          Hãy nhớ, dành nhiều thời gian hơn cho những người yêu thương bởi vì không chắc rằng họ sẽ ở bên bạn mãi mãi.
          Hãy nhớ, nói một lời dịu dàng đối với những người kính trọng bạn bởi vì con người nhỏ bé đó một ngày nào đó sẽ lớn, lớn hơn cả bạn.
          Hãy nhớ, ôm thật chặt người ngồi kế bên bởi vì đó chính là kho báu duy nhất của con tim và nó không tốn một xu.
          Hãy nhớ, một nụ hôn hay một cái ôm từ sâu thẳm con tim có thể sẽ chữa lành những vết thương.
          Hãy dành thời gian để yêu thương, để nói chuyện và để chia sẻ những điều quý giá trong tâm hồn bạn.

         Ý nghĩa của cuộc sống không được tính bằng độ dài thời gian, nó chỉ có nghĩa trong khoảnh khắc bạn từ bỏ nó.

         Nhật ký cuộc sống (St)



.


Trút bỏ gánh nặng

        

         Lúc này hay lúc khác, luôn có những người làm tổn thương chúng ta sâu sắc tới mức ta  mệt mỏi, đau khổ và khó bỏ qua. Nhưng hãy đọc bài viết sau của Andrew Matthews để học cách tha thứ.

         Chúng ta lấy đâu cái suy nghĩ là, nếu ta không tha thứ cho người khác, họ sẽ phải sống trong dằn vặt? Điều đó thật vớ vẩn hết sức!

         Chẳng hạn, bạn là sếp của tôi và bạn cho tôi nghỉ việc, hoặc bạn là bạn gái của tôi và bạn lại quay sang yêu người bạn thân nhất của tôi”. Và tôi sẽ nói: “Tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho bạn!” Nhưng ai sẽ là người dằn vặt, khổ sở đây? Chắc chắn, người đó là tôi!

         Tôi cảm thấy lòng mình đau thắt. Tôi mất ngủ. Trong khi đó, có thể bạn đang vui vẻ tiệc tùng. Khi tôi oán trách bạn, tôi là người đau khổ. Mặc dù tôi có thể tự nhủ rằng “mình đúng”, nhưng “đúng” đâu có nghĩa là tôi sẽ hạnh phúc.

         Và đây mới là mấu chốt của vấn đề. Khi tha thứ cho người khác, không có nghĩa bạn phải đồng ý với những việc họ làm. Bạn chỉ muốn cuộc sống của bạn được thoải mái hơn. Bạn không cần phải tha thứ cho người khác vì những lợi ích của họ. Bạn tha thứ vì chính bản thân bạn.

         Vậy nên, nhiệm vụ của bạn trong 24 giờ tới sẽ là:
         Hãy nghĩ về ai đó đã từng làm bạn đau lòng. Ngay hôm nay, hãy luyện tập thái độ rũ bỏ  mọi oán trách bạn dành cho họ. Hãy tập hợp mọi  ý nghĩ tức tối trong bạn, những ý nghĩ  kiểu như “tôi đúng, họ sai” rồi  vứt bỏ chúng đi.

         Có thể bạn sẽ cần vận dụng chút óc tưởng tượng sáng tạo của mình. Hãy đặt mọi hờn oán trong một quả bong bóng tưởng tượng rồi thả nó bay lên trời. Trong cả ngày, hãy lặp đi lặp lại suy nghĩ đó. Bạn sẽ thấy dễ chịu hơn.

         Tha thứ cho người khác không dễ dàng, nhưng hoàn toàn có thể làm được. Hãy tha thứ cho người khác vì chính bạn, để được hạnh phúc hơn.  




.

29 tháng 3, 2014

XIN HÃY CHẬM XUỐNG TAY

.


          Đại đa số các cộng sự viên đều rất phấn khởi, vì ở khâu làm việc này vừa đổi lại một viên quản đốc mới, nghe nói ông này rất có khả năng, đặc biệt được đưa đến đây để chỉnh đốn nghiệp vụ và nhân sự; ấy thế mà, cứ một ngày rồi một ngày trôi qua, ông quản đốc mới này chẳng có làm gì hết, mỗi ngày đều có những quà cáp được đưa vào văn phòng, ông vẫn "trốn" luôn trong đó, ít khi nào chịu ra ngoài, cái thành phần bất hảo ở khâu này, hiện tại chúng lại càng lộng hành tác oai tác quái dữ hơn. 

          "Ông ta đâu có phải là người có khả năng! Ông chỉ là một lão già tốt và nhu nhược, so với quản đốc trước còn dễ bị người ta ăn hiếp nhiều hơn"! 

          Bốn tháng trời trôi qua, đang trong tình trạng thất vọng đối với ông quản đốc hiền hòa mềm yếu này, bổng dưng ông ta "diễn oai", cái thành phần bất hảo kia, đều bị ông bứng từng tên một, cho về vườn "đuổi gà", còn những người có khả năng đều được ông cất nhắc cho thăng tiến. Xuống tay vừa nhanh, vừa chính xác, đối với bốn tháng "bảo thủ" được biểu hiện vừa qua, nay ông rõ ràng là một nhân vật cứng rắn và cương quyết, lại hoàn toàn khác xưa. 

           Trong tiệc liên hoan cuối năm, sau khi đã qua ba tuần rượu, ông quản đốc mới bèn thố lộ tâm tình: 

          "Tôi nghĩ là cái nhìn của các bạn đối với tôi trong những ngày vừa mới nhậm chức, và sau khi tôi khai đao múa búa trừ hại, nhất định là có những thắc mắc phải không? 

          Xin hãy nghe tôi kể lại một câu chuyện, các bạn sẽ hiểu ngay: 

          "Tôi có một người bạn, ông ta mua một căn nhà có cả một vườn cây hoa thảo, khi mới dọn vào, ông ta liền chỉnh đốn, tất cả những hoa thảo cây cối, đều được làm sạch hết, để trồng lại những bông hoa mới. 

          Có một ngày kia, người chủ nhà cũ đến thăm, mới vừa bước vào cổng, ông giựt mình hỏi rằng: "những cây hoa quý Mẫu Đơn giờ đâu mất hết rồi"? Bạn tôi bấy giờ mới hiểu ra là, chính mình đã triệt hạ hết những cây Mẫu Đơn quý mà mình tưởng chúng là những hoa rừng cỏ dại.

           Sau này, ông ta lại mua thêm một căn nhà nữa, tuy là vườn cây hoa cỏ tạp nhạp, ông vẫn "án binh bất động". Quả nhiên trong mùa Đông cứ ngỡ là những cây rừng cỏ dại thì, mùa Xuân lại nở hoa dầy đặc xinh tươi; trong những ngày Xuân ngỡ là cỏ dại thì, mùa Hạ lại hiện ra những tấm thảm gấm hoa tươi mát; và trong nửa năm chẳng động tịnh gì đến những loài cây nho nhỏ, thì những ngày Thu đã đỏ hồng những chiếc lá dễ thương. 

          Mãi cho đến cuối Thu, ông mới thực sự thấy được những loài cây cỏ vô dụng,và bắt đầu dọn dẹp sạch sẽ, đồng thời giữ lại những loài hoa thảo mộc thật sự trân quý. Nói đến đây, ông quản đốc bèn nâng ly: Xin cho tôi kính tửu các vị ở đây, vì các vị cũng như là những hoa mộc ở trong "vườn hoa" công ty này, các bạn đã là những cây trân quý trong đó, những cây trân quý này không thể nào trong năm mà có thể đơm bông kết trái hết được, cần phải trải qua một thời gian dài mới có thể nhận ra được. 



.

TỪ BI VỚI MÌNH



         Ngậm ngùi bởi tiếc nuối tuổi trẻ đã trôi qua lúc nào không hay ! Ngậm ngùi phải chi hồi đó thế này thế khác... Hình như ta chẳng bao giờ thực sống. Lúc còn trẻ, ta mơ ước tương lai, sống cho tương lai. Nghĩ rằng phải đạt cái này cái nọ, có được cái kia cái khác mới là sống. Khi có tuổi, khi đã có được cái này cái nọ, cái kia cái khác thì ta lại sống cho quá khứ ! Nhỏ mong cho mau lớn, lớn mong cho nhỏ lại. Quả là lý thú ! Tóm lại, ta chẳng biết quý những giây phút hiện tại.

         Từ ngày "thế giới phẳng", ta còn sống với đời sống ảo. Ta ngồi đây với bạn nhưng chuyện trò với một người nào khác, cười đùa, nhăn nhó, giận dữ, âu yếm với một người nào khác ở nơi xa. Khi bắt lại câu chuyện thì nhiều khi đã lỡ nhịp ! Hiểu ra những điều tầm thường đó, tôi biết quý thời gian hơn, quý phút giây hiện tại, ở đây và bây giờ hơn. Nhờ vậy mà không có thì giờ cho già nữa ! Hiện tại thì không có già, không có trẻ, không có quá khứ vị lai. Dĩ nhiên, không phải trốn chạy già mà hiểu nó, chấp nhận nó, thưởng thức nó. Khi biết "enjoy" nó thì quả có nhiều điều thú vị để phát hiện, để khám phá.

         Một người 60, tiếc mãi tuổi 45 của mình, thì khi 75, họ sẽ tiếc mãi tuổi 60, rồi khi 80, họ sẽ càng tiếc 75 ! Vậy sao ta đang ở cái tuổi tuyệt vời nhất của mình lại không yêu thích nó đi, sao cứ phải....nguyền rủa, bất mãn với nó. Có phải tội nghiệp nó không ? Ta đang ở cái tuổi nào thì nhất định tuổi đó phải là tuổi đẹp nhất rồi, không thể có tuổi nào đẹp hơn nữa!

         Ta cũng có thể gạt gẫm mình chút đỉnh như đi giải phẫu thẩm mỹ chẳng hạn. Xóa chỗ này, bơm chỗ nọ, lóc chỗ kia. Nhưng nhức mỏi vẫn cứ nhức mỏi, loãng xương vẫn cứ loãng xương, tim mạch vẫn cứ tim mạch... Cơ thể ta cứ tiến triển theo một "lộ trình" đã được vạch sãn của nó, không cần biết có ta ! Mà hình như, càng nguyền rủa, càng bất mãn với nó, nó càng làm dữ. Trái lại nếu biết thương yêu nó, chiều chuộng nó một chút, biết cách cho nó ăn, cho nó nghỉ, biết cách làm cho xương nó cứng cáp, làm cho mạch máu nó thông thoáng, làm cho các khớp nó trơn tru thì nó cũng sẽ tử tế với ta hơn. Anh chàng Alexis Zorba nói: " Cũng phải chăm nom đến thân thể nữa chứ, hãy thương nó một chút. Cho nó ăn với. Cho nó nghỉ với. Đó là con lừa kéo xe của ta, nếu không cho nó ăn, nó nghỉ, nó sẽ bỏ rơi mình ngang xương giữa đường cho mà coi" (Nikos Kazantzaki).



         Từ ngày biết thương "con lừa" của mình hơn, tử tế với nó hơn, thì có vẻ tôi... cũng khác tôi xưa. Tôi biết cho con lừa của mình ăn khi đói, không ép nó ăn lúc đang no, không cần phải cười cười nói nói trong lúc ăn. Món gì khoái khẩu thì ăn, chay mặn gì cũng tốt. Cá khô, mắm ruốc gì cũng được, miễn là đừng nhiều muối quá ! Một người cô tôi mắc bệnh "ăn không được", "ăn không biết ngon" vậy mà vẫn béo phì, đi không nổi, là bởi vì các con thương bà quá, mua toàn sữa Mỹ mắc tiền cho uống ! Sữa giàu năng lượng, nhiều chất béo bổ quá, làm sao còn có thể ăn ngon, làm sao không béo phì cho được? Giá nghèo một chút còn hay hơn! Cá kho quẹt, rau muống mà tốt, miễn bà ăn thấy ngon, thấy sướng ! Tôi cũng biết cho con lừa của mình ngủ hơn. Ngủ đầy giấc, đủ giấc. Ngủ đủ giấc là cơ hội tốt nhất cho các tế bào não phục hồi, như sạc pin vậy. Sạc không đủ mà đòi pin ngon lành sao được !

         Bảy trăm năm trước, Trần Nhân Tông viết: Cơ tắc xan hề khốn tắc miên! (Đói đến thì ăn, mệt ngủ liền!) trong bài Cư trần lạc đạo, (ở đời mà vui đạo)! Ông là vị vua nhà Trần sớm nhường ngôi cho con, lên tu ở núi Yên Tử, Tổ sư thiền phái Trúc Lâm. Tu hành như vậy mà khi quân Nguyên xâm lấn nước ta, ông liền xuống núi, ra tay dẹp giặc, xong, phủi tay lên núi tu tiếp !

         Mỗi người có đồng hồ sinh học của riêng mình, không ai giống ai, như vân tay vậy, cho nên không cần bắt chước, chỉ cần lắng nghe mình. Phương pháp này, phương pháp nọ của người này người kia bày vẽ chẳng qua cũng chỉ để tham khảo, nắm lấy nguyên tắc chung thôi, rồi áp dụng vào hoàn cảnh riêng cụ thể của mình, tính cách mình, sinh lý mình. Phương pháp nào có sự ép buộc cứng ngắc quá thì phải cảnh giác!

         Cũng nhớ rằng tới tuổi nào đó, tai ta sẽ bắt đầu kém nhạy, mắt bắt đầu kém tinh, đấu óc bắt đầu kém sắc sảo. Tai kém nhạy để bớt nghe những điều chướng tai. Mắt kém tinh để bớt thấy những điều gai mắt. Đầu óc cứ sắc sảo hoài ai chịu cho nổi! Tuy vậy, tai kém mà muốn nghe gì thì nghe, không thì đóng lại mắt kém mà muốn thấy gì thì thấy, không thì khép lại. Thế là "căn" hết tiếp xúc được với "trần". Tự dưng không tu hành gì cả mà cũng như tu, cũng thực tập ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm!



         Rồi một hôm đẹp trời nào đó ta còn có thể phát hiện mắt mình chẳng những nhìn kém mà còn thấy những ngôi sao lấm chấm, những lốm đốm hoa trên bầu trời trong xanh vời vợi kia. Nếu không phải do một thứ bệnh mắt nào đó thì đây hẳn là hiện tượng thoái hóa của tuổi già, nói nôm na là xài lâu quá, hết thời hạn bảo hành. Cái mà người xưa gọi là "hoa đốm hư không" chính là nó. Tưởng hoa đốm của trời, ai dè trong mắt mình! Chỉnh cái "tưởng" của ta nhiều khi làm hại ta. Biết vậy ta bớt mất thì giờ cho những cuộc tranh tụng, bớt tiêu hao năng lượng vào những chuyện hơn thua. Dĩ nhiên có những chuyện phải ra ngô ra khoai, nhưng cái cách cũng đã khác, cái nhìn đã khác, biết tôn trọng ý kiến người khác, biết chấp nhận và nhìn lại mình.

         Khi 20 tuổi người ta băn khoăn lo lắng không biết người khác nghĩ gì về mình. Đến 40 thì ai nghĩ gì mặc họ. Đến 60 mới biết chả có ai nghĩ gì về mình cả ! Tóm lại, chấp nhận mình là mình và từ bi với mình một chút. Nhưng muốn vậy, phải... chuyển đổi cách thở. Thở ư ? Đúng vậy! Một bác sĩ có thể biết rất nhiều về bộ máy hô hấp, về cơ thể học, sinh lý học, bệnh lý học của bộ máy hô hấp nhưng chưa chắc đã biết thở !

       Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc



28 tháng 3, 2014

MẸ và Chử Nghiệp



          Mẹ tôi có cách dạy con không giống như những người mẹ khác trong làng,không roi vọt, không những lời quở trách, mắng nhiếc hay dọa dẫm Mẹ dạy chúng tôi bằng những câu chuyện có hậu, những câu chuyện đời thường có kếtcục gần giống như những cái kết trong truyện cổ tích, hay những tấm gương về người tốt trong cuộc sống thường ngày. Những câu chuyện của mẹ không có bà tiên, ông Bụt nhưng lại có đủ sức mạnh, để cảm hóa những tâm hồn non nớt ngày ấy của chúng tôi. 

          Tôi sinh ra và lớn lên ở một làng nhỏ của miền Trung. Bố tôi mất sớm. Nhà tôi có ba chị em gái, mình mẹ phải vất vả nuôi chúng tôi ăn học nên người. Hiện tại, chị em chúng tôi đều thành đạt và đã có gia đình. Nhiều lúc, vì áp lực công việc tôi đã dạy con bằng những lời nặng nề, những câu dọa dẫm. Tất cả chỉ mong chúng nên người, nhưng ngược lại chúng lại buồn bã và đôi lúc lại tỏ ra… bất mãn với tôi.

           Bất chợt tôi nhớ về mẹ, nhớ về từng lời dạy dỗ ngày xưa. Những lời dịu dàng của mẹ như một sự nhắc nhở cho tôi về tình yêu thương, sự quan tâm đến con cái nhiều hơn. Và chính tình yêu thương xuất phát từ trái tim để đi đến trái tim, nó đã có sức mạnh hơn những roi đòn, mắng nhiếc. Mẹ tôi đã dạy chị em tôi rất nhiều, nhưng điều làm tôi nhớ và biết ơn mẹ nhiều nhất đó là mẹ dạy con bằng chữ “nghiệp”. 

          Lạ thay, chỉ với một chữ giản dị ấy đã theo tôi suốt một đời. “Không làm điều ác, không chửi bới người khác, phải luôn giúp đỡ những người yếu hơn mình. Nếu không sẽ gieo nghiệp”. Mà ai gieo nghiệp, thì sau này sẽ gánh cái nghiệp mà mình đã gieo, và tất nhiên sẽ khổ suốt đời. Nếu không bị báo ứng ngay trong kiếp này thì khi chết xuống…. âm phủ sẽ bị đày đọa. Hiểu một cách nôm na theo ý mẹ, đó là ở ác sẽ gặp quả báo ác.

           Câu chuyện về chữ nghiệp của mẹ làm tôi nhớ mãi: Ngày ấy, nhà tôi có nuôi một con gà trống để dành giỗ cha, nhưng gần đến ngày giỗ thì bất thình lình bị hàng xóm bắt mất. Chị em tôi định qua chửi cho lão hàng xóm hay ăn cắp vặt biết tay. Nhưng mẹ tôi ngăn lại với lý lẽ: “Người ta ăn thì mình khỏi ăn, có gì đâu mà các con tức tối, bận tâm. Nếu sang chửi thì con gà cũng không sống lại, mà các con sẽ mang… nghiệp vào thân đấy. Các con thấy bà Gạo ở đầu làng không, vì kiếp trước ăn nói xấc xược, thích gây gổ, chửi nhau nên kiếp này miệng bị lệch qua một bên đó, các con thấy chưa?”.Hình ảnh bà cụ miệng lệch sang một bên, thường hay thất thểu đầu làng cuối xóm để lượm ve chai, thoáng thấy chúng tôi đã sợ xanh mặt.

           Nên thôi, chúng tôi quyết định không cãi vã gì nữa. Và cho dù sau này lớn lên, lập nghiệp nơi khác, trong cách ứng xử với đồng nghiệp, hay bạn bè, ít có khi nào tôi gây gổ hay nói nặng lời một ai đó đã làm tổn thương mình.
.

           Không những dạy con cách đối đãi hàng xóm, mẹ còn dạy chúng tôi biết yêu thương nhau bằng những cụm từ “nếu không…”. Nếu không làm việc đức, thì con cháu của chúng ta sẽ khổ. Nếu không biết nỗ lực vươn lên, thì suốt đời ta sẽ như một đám lửa tàn. Nếu không biết thương yêu, nhường nhịn thì chúng ta sẽ gặp rắc rối, và cuộc sống sẽ chẳng có lúc nào bình yên." Bởi vậy, dù trong một gia đình toàn con gái nhưng ba chị em tôi không bao giờ đánh nhau hoặc ganh tỵ điều gì. Bởi chúng tôi thương và tin vào những lời mẹ dạy.

           Mặc dầu, những cụm từ đằng sau chữ “nếu không…” luôn xa vời với chúng tôi về một thế giới khác, ở cái… kiếp nào đó.Nhiều lúc tôi ngẫm lại thấy cách dạy của mẹ hay biết bao nhiêu. Mẹ vừa dạy cho chúng tôi tình yêu, lòng tin vào những điều tốt đẹp, vừa dạy cách đối nhân xử thế.          

           Ngày xưa, mẹ ít học lắm. Mẹ không học đến cao học như chúng tôi bây giờ. Nhưng những bài học về làm người chỉ ở mẹ mới có, những câu nói không có trong sách vở nhưng đã làm cho chúng tôi biết sợ, biết tin, biết yêu vào cuộc đời. Với tôi, mẹ là người tuyệt vời nhất, là người đã vẽ nên những cái kết có hậu trong cuộc sống. Mà ở đó con người không biết làm điều ác, chỉ biết yêu thương và san sẻ. Bởi khi ta cho đi những gì, thì ta sẽ nhận lại những thứ ấy.


           Cảm ơn tình yêu, cảm ơn những lời dạy dỗ của mẹ,để cho chúng con trưởng thành, biết sống hơn trong cuộc đời đầy những lo âu  và muộn phiền này



        
              Sưu Tầm
.