23 tháng 4, 2018

Tiên học lễ…


          Tôi là con gái, sinh ra trong một gia đình có truyền thống hiếu học. Ở quê tôi, nhiều người con gái lấy chồng từ tuổi 17, 18. Tuổi thanh xuân ngắn ngủi, họ sớm vất vả làm dâu, làm vợ, làm mẹ, gương mặt những người thiếu phụ tuổi 20 phảng phất buồn ám ảnh mãi trong tôi. Cha mẹ tôi thường lấy đó làm gương để dạy tôi rằng: chỉ có con đường học tập mới có thể giúp tôi thoát khổ.
  

          Tôi nỗ lực hết mình trong học tập, và đỗ vào trường chuyên cấp 3 của tỉnh. Từ biệt cha mẹ xuống thành phố nhập học, tôi vừa phải tự chăm lo việc nhà cửa, bếp núc, vừa phải cố gắng học hành. Lịch học chính, học thêm dày đặc. Rất lâu tôi không có thời gian về thăm nhà. Có khi, tôi chỉ kịp cắm cơm bằng nồi cơm điện, và thả quả trứng vào nồi. Thế là xong bữa.
          Lớp 12, tôi lao vào học để thi vào đội tuyển Quốc gia. Tôi gần như phải bỏ hết thời gian học các môn khác để tập trung cho môn chuyên. Tôi ước mơ giật được giải Quốc gia, để cha mẹ tự hào, để tôi có thể được tuyển thẳng vào ngôi trường Đại học mơ ước. Vì ăn uống thất thường nên người tôi gầy như xác ve. Cô bạn thân của tôi xót xa bảo: “Mày được giải Quốc gia xong thì người chỉ còn mỏng như tờ giấy!”.
          Bao nhiêu hy vọng, chừng ấy mong chờ, bao nhiêu gắng gượng, chừng ấy đau thương. Ngày biết kết quả thi, bầu trời trên đầu tôi như sụp đổ. “Canh bạc” này tôi đã thua. Không có giải Quốc gia để vào thẳng Đại học, tôi lại đã xao nhãng các môn học khác quá lâu rồi. Sao tôi có thể học kịp để thi vào ngôi trường mơ ước đây? 3 năm cấp 3, tôi không yêu đương, không bạn bè tụ tập, tôi chỉ tập trung vào học. Sao tôi lại thảm thế này?
          Tôi nghĩ về kết cục trượt Đại học, nghĩ về gương mặt thất vọng của cha, nghĩ về tương lai tôi cũng sầu thảm như những người con gái lấy chồng thuở 17, 18 ở quê tôi, cả đời không ngẩng đầu lên được. Thẫn thờ đi dọc sân thượng tầng năm, tôi phóng tầm mắt ra xa, chỉ có những đám mây nhởn nhơ hờ hững. Một ý nghĩ chợt xuất hiện trong đầu tôi: “Mình sẽ kết thúc sự đau khổ này”.
  

          Tôi chuẩn bị đưa chân về phía trước, thì bỗng một giọng nói trầm ấm vang lên:
          – Ngọc ơi. Thầy phiền con một lát được không?
          Tôi giật mình quay lại. Là thầy giáo dạy Văn của tôi. Tôi đã bỏ nhiều tiết học của thầy để ôn thi cùng đội tuyển. Thầy sắp về hưu, mái tóc hoa râm, đôi mắt hiền từ nhìn tôi trìu mến. Tôi gạt vội nước mắt và đáp:
          – Dạ. Thầy gọi con ạ?
          – Phải. Sắp đến giờ vào lớp rồi, mà bảng chưa xoá, giẻ chưa giặt. Con có thể giúp thầy được không?
          Chẳng hiểu sao ý nghĩ trước đó của tôi bay biến cả. Tôi ngoan ngoãn làm theo lời thầy, và chờ đợi bài kiểm tra thầy dành cho lớp.
          Lớp học im phăng phắc. Tay thầy cầm viên phấn, cẩn trọng viết lên bảng dòng chữ: “Tiên học Lễ, hậu học Văn”. Đoạn, thầy mỉm cười, hỏi chúng tôi: “Trò nào có thể giải thích cho cả lớp về ý nghĩa của câu này?”.
          Một bạn giơ tay phát biểu: “Dạ con thưa thầy, câu này nghĩa là: Phải học lễ phép, lễ nghi trước, rồi học các môn văn hoá sau. Ví như trẻ nhỏ phải biết lễ phép vâng dạ, thưa gửi, rồi sau đó mới học chữ, học đếm ạ”.
          Thầy khẽ gật đầu rồi hỏi tiếp: “Vậy các con nghĩ mình đã học Lễ xong chưa? Có cần học Lễ nữa không?”.
          Bạn lúc nãy nhanh nhảu nói tiếp: “Dạ con đã học Lễ rồi ạ, bây giờ chỉ cần học văn hoá, các môn Toán Lý Hoá Văn Sử Địa v.v… để trở thành người có hiểu biết”.
          Thầy mỉm cười nhìn chúng tôi, im lặng trong giây lát, rồi ôn tồn nói:
          – Các con à! Chữ “Lễ” này rộng lớn thâm sâu lắm.
          Các con đều biết một người thầy vĩ đại của phương Đông, là Đức Khổng Phu Tử. Đức Khổng Tử cho rằng Lễ là quy phạm đạo đức và hành vi mà Thiên thượng, hay ông Trời, chế định cho con người, lấy đó mà biết việc nào nên làm, việc nào không nên làm. Thầy ngần này tuổi mà vẫn chưa đủ hiếu kính với cha mẹ già, chưa đủ ân cần với vợ con, đôi khi còn lỡ hẹn với bạn bè, chưa tận lực dạy dỗ các trò thành người hiền. Thầy còn phải học “Lễ”, nữa là các con.
          Ngày nay các con đi học chính, học thêm cả ngày, nhưng đều chỉ là học kiến thức. Còn học đạo đức, học lễ nghĩa thì các con còn thiếu lắm. Hôm nay bạn trực nhật nghỉ vắng, mà không ai tự giác xoá bảng, giặt giẻ thay. Như vậy là thiếu “lễ” với thầy, cũng là thiếu “nghĩa” với bạn. Một người dù có nhiều kiến thức đến đâu, mà khiếm khuyết đạo đức, thì cũng chỉ là “tiểu nhân” các con ạ. Muốn trở thành người “quân tử”, thành bậc hiền tài, các con phải chú tâm hơn nữa vào rèn giũa tâm tính, đạo đức của bản thân.
  

          Chúng tôi lặng yên nghe từng lời thầy giảng. Một câu nói đơn giản như thế mà giờ đây tôi mới hiểu ý nghĩa sâu xa. Tiếng thầy vẫn nhỏ từng giọt ấm vào tâm hồn chúng tôi:
          – Có những trò trong lớp mình nổi tiếng là ham học. Vì các trò ấy học ngày, học đêm. Nhưng mà theo các bậc tiên hiền thì “ham học” có ý nghĩa khác. Đức Khổng Tử nói: “Người quân tử ăn không cầu được đầy đủ, ở không cầu được yên vui, làm việc siêng năng mà thận trọng lời nói, tìm người đạo đức để thụ giáo sửa mình; như vậy có thể gọi là người ham học”. Vậy các con thử tự hỏi mình xem, mình đi học có mục đích gì? Có phải để tu sửa bản thân thành người đức hạnh không? Hay là để đỗ đạt hơn người, sau này giàu sang quyền thế?

          Lớp học im phăng phắc. Không ai bảo ai mà chúng tôi đều cụp mắt xuống, thẹn thùng xấu hổ. Tôi nghe như tiếng sét đánh ngang tai. Thì ra… tôi không hề “ham học” như mình vẫn nhầm tưởng. Thì ra… tôi đã đi sai đường rồi. Tôi đã tận lực nhồi nhét kiến thức với ước vọng đổi đời, chứ không phải với mục đích làm người thiện lương.


.




.

Không có nhận xét nào: