31 tháng 1, 2017

BỐN NGỌN ĐÈN CẦY



          Có người kia may mắn được một vị thần tặng cho bốn ngọn đèn cầy. Ngọn thứ nhứt tượng trưng cho Hạnh Phúc & Tình Yêu, thứ hai Thành Công & Tiền Tài, thứ ba Địa Vị - Danh Vọng và cuối cùng là...
          Y đốt lên bốn ngọn đèn và từ đó y hưởng được hết tất cả hạnh phúc từ tình yêu, tiền tài từ công việc và danh vọng từ địa vị.
          Một ngày kia có cơn bão thổi tới nơi y trú ngụ, y mở cửa bước ra ngoài xem xét và ngọn gió vô tình đã thổi vù dập tắt các ngọn đèn. Y đóng cửa lại, gục đầu khóc than thảm thiết. Còn gì để sống nữa khi ta mất đi tình yêu, yếu kém tiền tài, xóa tan danh vọng?
          Vị thần hiện ra hỏi Y:
           “Sao con lại muốn chết?”
          Y thất vọng trả lời:
           “Con sống nữa để làm gì khi con đã mất đi tất cả!”
          Vị thần nhẹ nhàng nói:
           “Ta thấy hình như ở trong góc kia có một cái gì đó le lói. Trước khi hủy hoại cuộc sống, Con thử coi lại xem sao“
          Y nghe lời và đi đến góc nhà. Ngọn đèn cầy thứ tư bị gió thổi văng xuống sàn nhưng ánh lửa vẫn còn “ngoan cố” khi hấp hối, cố gắng phát ra ánh sáng nhạt nhòa, khi bùng lên khi hạ xuống. Nó nhỏ đến nổi y không nhìn thấy. Đó là đèn cầy của Niềm Tin & Hy Vọng!
          Vị thần nói:
           “Dù cho con mất tất cả nhưng nếu con còn niềm tin và hy vọng thì con vẫn còn có thể thắp sáng lại những ngọn đèn kia và biết đâu với kinh nghiệm xương máu, với sự mất mát nhức tim, con lại sẽ thắp lên được những ngọn đèn khác rực rở hơn, giá trị hơn!”.
          Nói xong vị thần biến mất.
          Y cúi xuống lượm ngọn đèn và đứng lên.

          Lệ Hoa Wilson



.

30 tháng 1, 2017

Chiếc áo len



          Ngày nào, ông già sửa giày cũng ngồi trên vỉa phố. Mùa này, trời lạnh căm. Chỉ một tấm áo mỏng che thân. Bạn tôi se lòng: Nhìn ông già lạnh, mình cũng lạnh .
          Tìm được chiếc áo len cũ, bạn tôi tặng ông. Ông mừng rối rít, cám ơn...
          Mấy ngày sau. Ông già ngồi đó vẫn run rẩy, co ro... Bạn tôi nghĩ: Có lẽ ông nghèo quá, nên bán áo ấm để mua gạo chăng? .
          Hỏi thăm ông, ông trả lời: Cô ơi, vợ tôi không có áo ấm, nên tôi đã nhường cho bà ấy mặc rồi! .



.

29 tháng 1, 2017

THÔNG TIN TỪ BIỂN



          Một người đi chợ mua cá. Anh ta lấy một con cá đưa lên ngửi. Người bán cá sợ anh này phát hiện ra cá không tươi, liền nổi cáu:
           - “Thưa ông, ông không mua thì thôi, ông ngửi cái gì?”.
          Người mua cá đáp:
           - “Tôi đâu có ngửi, tôi nói chuyện với cá mà”.
          – Ông nói gì với nó?
          – Tôi hỏi nó, gần đây ở biển có thông tin gì mới mẻ không?
          – Nó trả lời thế nào?
          – Con cá nói, nó không biết thông tin gì mới của biển, vì đã lâu lắm rồi nó không ra biển!

          Nhận xét:

          Diễn đạt ý của mình một cách khéo léo, đôi lúc có sức thuyết phục hơn là nói thẳng.


.
.

28 tháng 1, 2017

Chữ Hiếu

          Sinh con ra chăm chút từng tí một, mong muốn con khôn lớn trưởng thành, cha mẹ hy sinh mà không cần báo đáp. Khi trở nên già yếu, dù ít dù nhiều, cha mẹ đều muốn dựa dẫm vào các con, không phải là để yêu cầu đòi hỏi gì, mà chỉ là vì muốn tận dụng nốt những khoảnh khắc cuối đời bên con cái. Ấy vậy mà…
          Cha mẹ nuôi con biển trời lai láng,
          Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày....
          Nhưng cũng có những chuyện hiếu thảo cảm động đến trời xanh....


          Truyện xưa kể rằng, có người ở với mẹ rất hiếu thảo.
          Mỗi khi ông lầm lỗi bà mẹ lại bắt ông cúi xuống đánh thật đau! Mặc dù bị mẹ đánh đau, nhưng ông không hề khóc…
          Nhưng có một lần ông phạm lỗi, mẹ lại bắt ông cúi xuống mà đánh, mẹ đánh không đau nhưng ông cứ khóc suốt.
          Bà mẹ lấy làm lạ, hỏi: “Vì sao ngày trước mẹ đánh đau như thế mà con không khóc? Nay mẹ đánh nhẹ mà con lại khóc?”
          Ông gạt nước mắt thưa rằng:
           “Ngày trước mẹ đánh đau, con không khóc vì con biết mẹ còn khoẻ mạnh! Nay mẹ đánh con không đau, con khóc vì con biết mẹ đã già yếu lắm rồi! Không còn sức đánh con, cũng như không còn ở trên thế gian này với con bao lâu nữa! Vì thế con mới khóc!”



.

NÉT CHỮ NGOẠI XƯA



          Năm tôi lên 6, ngoại cầm tay tôi tô những nét chữ đầu tiên, từ cỡ chữ 1 li đến 4 li, các kiểu chữ hoa... Từ cái bút chì Gilbert luôn được gọt nhọn, ruột chì vừa đen vừa mềm đến cái bút mực ngòi lá lúa, ngòi rộng nét thanh nét đậm được cắm chặt nơi đầu quản bút bằng giấy do chính tay ngoại xe rất chặt. Hơi thở của ngoại nhè nhẹ bên tai mỗi lần tôi tập viết. Nhớ một lần đi học về, thấy vở tôi chữ viết không đều, ngoại bắt tôi viết lại ba lần sau khi đã ngửa bàn tay phải lãnh đủ 3 roi đũa cả. 
          Nghĩ đến lũ trẻ bây giờ mà buồn: bút đủ loại đắt tiền, toàn đồ ngoại. Vậy mà càng lớn, chữ càng xấu ... 

          ĐOÀN NGỌC TOẠI 



.

27 tháng 1, 2017

Cúng ông bà 30 Tết - HOT





.

NGÀY CUỐI NĂM GẶP BỤT



          - Vì sao con xoắn?
          - Con đi nhậu về. Đám nhậu có 9 người. 5 người đã trải qua hai chế độ, 3 người trải qua ba chế độ. Chỉ mình con được hưởng một chế độ thôi à. Giờ con muốn thêm một chế độ nữa cho bằng anh em, xin Bụt giúp cho.
          - Này ông bọ, nói năng cẩn thận, không tao báo công an nhập kho lần nữa giờ!
          - Ủa, ông không phải là Bụt à?
          - Bụt chớ sao không, nhưng là Bụt Việt Nam.



.

Ly Rượu Mừng (PhạmĐìnhChương) -- Thái Thanh





           Ly rượu mừng, bài hát bị cấm 40 năm, đã lọt vào danh sách những bài hát hay nhất của chương trình để được biểu diễn trong Gala Giai điệu tự hào. 
          Ly rượu mừng sẽ xuất hiện trong Gala Giai điệu tự hào vào 20 giờ 10 phút tối 28.1, tức Mùng 1 tết Nguyên đán trên VTV1


.

26 tháng 1, 2017

Xuân Miền Nam










Ảnh : AnhCa


.

30 điều kiêng kỵ trong ngày Tết nên biết để tránh

          Người Việt quan niệm, những ngày đầu năm mới nếu gặp nhiều điều tốt thì sẽ may mắn cả năm và ngược lại. Xuất phát từ quan niệm đó nên từ xưa trong dân gian có rất nhiều kiêng kỵ trong năm mới. Dưới đây là 30 điều kiêng kỵ trong ngày tết bạn nên biết và tránh nhé! 


1. Không quét nhà vào ngày mồng Một
          Trước Tết các gia đình đều quét dọn nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng nên vào ngày Tết không cần dọn dẹp nữa. Những ngày đầu năm, các gia đình đều kiêng quét nhà bởi theo quan niệm nếu quét nhà là sẽ hất tài lộc ra khỏi cửa.

2. Không đổ rác ngày mồng Một
          Phong tục này xuất phát từ câu chuyện của người Trung Quốc. Truyện kể rằng ngày xưa có một người lái buôn được Thủy thần tặng một nàng hầu tên là Như Nguyệt. Kể từ khi có nàng hầu này về nhà, ông ta bỗng trở nên giàu có. Đến một năm, đúng ngày mùng Một Tết, Như Nguyệt mắc lỗi, bị ông chủ đánh đập, mắng nhiếc thậm tệ nên nàng tủi thân, biến vào đống rác. Người lái buôn không biết, mang rác đổ đi. Từ đấy, ông ta trở lại nghèo khó. Nên người Việt Nam quan niệm nếu đổ rác ngày mồng Một thì cũng hết tài lộc của gia đình.

3. Không cho lửa đầu năm
          Lửa tượng trưng cho đỏ, cho sự may mắn nên vào những đầu năm, mọi người đều kiêng kỵ cho lửa người khác.

4. Không cho nước đầu năm
          Nước là một trong những nguyên tố khởi nguyên của vũ trụ nên người Việt Nam quan niệm, nước tượng trưng cho sự sinh sôi ” Tiền vào như nước”. Hình ảnh nước đầy ăm ắp tượng trưng cho sự may mắn, sinh sôi, mát lành

5. Không đi chúc Tết sáng mồng Một
          Người Việt Nam thường tránh đi chúc Tết sáng đầu năm vì không muốn xông đất nhà người khác. Với người Việt Nam người xông đất rất quan trọng, ảnh hưởng đến cả gia đình trong một năm. Ngày mồng một Tết người Việt Nam thường chỉ đi thăm họ hàng, người thân.

6. Không làm đổ vỡ đồ dùng
          Người Việt Nam quan niệm đổ vỡ đồ dùng trong nhà như bát đĩa, ấm chén, gương trong ngày đầu năm báo hiệu cho sự chia lìa, đổ vỡ nên rất kiêng kị.

7. Không tranh cãi, bất hòa
          Vào những ngày Tết, mọi người thường cố giữ hòa khí, không tranh cãi, gắt gỏng dù có khó chịu đến thế nào. Người lớn tránh quát mắng, trẻ con không khóc lóc để giữ cho hòa khí một năm luôn vui vẻ, hòa thuận.

8. Không mặc quần áo màu đen- trắng
          Với người Việt Nam, màu đen- trắng tượng trưng cho sự tang tóc nên vào ngày Tết thường tránh mặc quần áo nhiều màu đen hoặc trắng. Những ngày Tết, mọi người thường mặc quần áo nhiều màu sắc, tươi trẻ để mong muốn một năm mới may mắn, vui vẻ.

9. Không vay mượn đầu năm
          Ngày đầu năm đều tránh cho vay, đi vay, đòi nợ hay trả nợ.Vì theo quan niệm, nếu đi vay thì cả năm sẽ túng thiếu cùng quẫn còn cho vay thì tiền bạc phân tán, không được may mắn, phát đạt.

10. Không xuất hành ngày mồng Năm
          Ngày mồng Năm là ngày nguyệt kị, người Việt thường không xuất hành đầu năm vào ngày này. Dân gian có câu “mùng năm, mười bốn, hai ba; đi chơi còn lỗ nữa là đi buôn”, người Việt tin rằng mùng 5 không thích hợp cho các cuộc du xuân lấy lộc.
  

11. Kiêng để tang vào ngày mồng Một
          Ngày mồng Một là ngày vui của tất cả mọi người nên những nhà nào có tang sẽ được cất khăn tang trong vòng ba ngày, nếu có người mất đúng vào ngày mồng Một thì gia chủ sẽ không phát khăn tang ngay mà để sang sáng mồng Hai, còn nếu nhà có người mất vào ngày 30 thì gia chủ thường thực hiện tang lễ trong ngày hôm đó tránh để sang ngày mồng Một. Những gia đình có tang tránh đi chúc Tết, thăm hỏi người khác.

12. Kiêng nói những điều xui
          Những phát ngôn đầu năm sẽ có ảnh hưởng đến những chuyện sẽ xảy ra trong năm. Vì vậy, bạn đừng nên nói những từ xui xẻo như “Chết mất” hay ” Tiêu rồi”,”Hỏng rồi”. Đó là những từ không may mắn, thay vào đó bạn nên nói chuyện với mọi người bằng những từ ngữ dễ chịu, vui vẻ, và những câu mang lại may mắn không chỉ cho bản thân mà cho cả người xung quanh mình.

13. Kiêng treo tranh xui
          Không treo những bức tranh như đánh ghen, đi kiện, treo những bức tranh tượng trưng cho sự may mắn, sinh sôi, phát đạt.

14. Kiêng ăn món xui
          Ngày đầu năm, người Việt không ăn những món như thịt vịt, cá mè, thịt chó vì theo quan niệm đó là những món ăn không tốt cho năm mới. Ngoài ra, một số vùng không ăn tôm vì sợ… đi giật lùi như tôm. Nếu ăn trong ngày Tết, công việc sang năm sẽ lùi chứ không thể tiến tới.
Tránh ăn tôm vì sợ giật lùi cả năm

15. Kiêng mua đồ xui
          Dân gian có câu “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”, mua gì đầu năm cũng là một việc rất quan trọng bởi nó là món hàng đầu tiên gia chủ mang về nhà. Món hàng mua đầu năm được coi là mua để lấy hên, lấy lộc, bởi “của mua là của được”. Món hàng này mang nhiều ý nghĩa tâm linh hơn thực dụng. Đầu năm kiêng mua dao, thớt, chày, cối… Người ta hay mua muối ngay sáng sớm mùng Một với hàm ý cả năm đậm đà, ý vị.

16. Xông nhà khi không hợp tuổi
          Xông nhà hay còn gọi là xông đất, đây là phong tục tập quán lâu đời của người Việt. Nếu như có một người khách đầu tiên đến chúc Tết gia đình bạn trong năm mới thì người đó chính là người xông đất cho gia đình bạn. Nếu như người đó hợp tuổi với gia đình bạn, hoặc là người luôn gặp may mắn trong cuộc sống thì gia đình bạn sẽ có được nhiều điều may mắn trong năm mới. Vì vậy, những người “nặng vía”, không hợp tuổi với gia chủ đừng nên đến xông nhà ngày đầu năm. Người có tang không nên xông đất nhà người khác để tránh xui xẻo.

17. Đóng cửa sẽ đói nghèo tù túng
          Trong dịp Tết, trừ khi phải ra khỏi nhà đi chơi, thăm hỏi… vì theo tín ngưỡng dân gian từ sớm mồng một đến trước ngày rằm tháng giêng, Ngọc Hoàng cùng chư vị thần tiên sẽ giáng phàm du lý từng nhà và nếu đóng kín cổng, các vị coi như sự bất kính mà giận dỗi bỏ đi và cả năm, thậm chí nhiều năm sau gia đình sẽ không được hưởng phúc, sẽ bị đói nghèo, tù túng.

18. Tắm rửa, gội đầu hao mòn kiến thức, phúc lành
          Ở nhiều nơi, trong dịp Tết thường kiêng tắm rửa, gội đầu trong ngày Tết bởi e ngại thần tướng hao mòn, kiến thức, tài năng cùng phúc lành đã có trong năm cũ bị trôi sạch. Cũng kiêng giặt giũ vào mồng một Tết vì nó ứng với ngày thủy bá, vị thần của sự sinh sôi, thịnh vượng, việc xả đi nhiều nước sẽ làm tổn phúc lộc.

19. Ngủ dậy muộn, gia đình bất hòa
          Ngày Tết, ai nấy thường đi chơi nhiều dẫn đến việc ngủ vùi, dậy muộn tuy nhiên kỵ khách khứa gặp mình trong phòng ngủ, nhất là ngồi lên giường của nhà vì nó dẫn tới việc phải thức khuya, bị mất các bí mật phòng the hay bất hòa, đổ vỡ hạnh phúc, hôn nhân... Cũng kỵ việc ngủ nướng vào Tết khiến đầu óc mê muội, cả năm sức khỏe suy yếu, người hay mệt mỏi, lười biếng. Vào đêm 30, trẻ em thường thức rất khuya như một lời chúc ông bà, cha mẹ sống lâu.
 


20. Dùng vật nhọn, sắc cắt đứt lương duyên
          Đầu xuân, tránh dùng các vật nhọn và kỵ các vật sắc chĩa vào nhà bởi nó có sát khí, có thể cắt đứt lương duyên, vận hội, tuổi thọ của gia chủ. Để khắc phục, mọi người thường cất bớt dao kéo đi, chỉ chừa lại cái cần dùng. Và treo gương bát quái nhằm hóa giải hung tính, hay dán bùa phù, đặt hình tứ linh trấn địa, trừ tà, thu hút khí lành.

21. Ăn dở, bỏ thừa cả năm mất mùa, đói khát
          Dù món ăn ngày Tết thế nào, cũng tránh ăn nhè, nhả bã, bỏ phí, nếu không cả năm sẽ bị mất mùa, đói khát... Đặc biệt tránh để thừa cơm, gạo khiến sau này lấy phải người chồng/vợ bị rỗ nặng. Tránh chống đũa vào bát gây sự chậm trễ trong công việc, thua lỗ khi buôn bán và nếu làm nghề nấu ăn thì rất ít khách. Để chữa lại việc bỏ dở ăn uống, ở các lần sau người ta thường ăn cam, dưa, xoài, đu đủ... nhờ có màu đỏ hồng, vị ngọt thơm sẽ mang lại sự may mắn và thành công… Trẻ con thường được khuyên không ăn chân gà tránh viết xấu như gà bới, văn phong cẩu thả, lại hay gây lộn.

22. Kiêng mở tủ vào mùng Một
          Dù là loại tủ gì, kể cả tủ quần áo, cũng không nên mở vào ngày mùng 1 Tết, bởi việc này sẽ làm thất thoát tiền tài và vận may suốt cả năm. Vì thế, người xưa thường chuẩn bị sẵn quần áo cần mặc, treo ra ngoài trước giao thừa.

23. Kiêng ăn đuôi cá
          Ở miền Bắc có một số nơi cầu may năm mới bằng việc ăn cá chép – loài cá vượt vũ môn hóa rồng. Nếu ăn cá chép trong ba ngày đầu năm mới thì trong năm đó sẽ được hanh thông trong chuyện học hành, thăng tiến. Tuy nhiên, nhằm tăng sự may mắn, người ta tránh ăn phần đuôi, để luôn có dư thừa, tích lũy của cải trong năm mới, chứ không chỉ đủ ăn đủ mặc.

24. Kiêng trượt chân, vấp ngã
          Trẻ con, thanh niên thường được người có tuổi dặn dò phải đi đứng cẩn thận, ngay ngắn trong ngày Tết, tránh trượt chân, vấp ngã vì như vậy sẽ bị dông cả năm. Trượt chân hay vấp ngã tượng trưng cho sự xui xẻo, trục trặc trong công việc.

25. Kiêng ngồi hoặc đứng trước cửa
          Việc đứng hay ngồi án ngữ trước cửa chính trong dịp năm mới không chỉ vô duyên mà còn được coi là hành động gây phương hại đến vượng khí gia đình. Luồng khí tốt lành của năm mới trên đường vào nhà sẽ bị chặn lại, hao tán đi, khiến gia đình đó không được may mắn, thành công, hạnh phúc.

26. Kiêng vỗ vai, quàng vai người khác
          Hành động thân mật, bỗ bã này nếu được bạn thực hiện trong những ngày đầu năm mới thì rất có thể gây ra sự khó chịu, thậm chí phản ứng tiêu cực. Nhiều người cho rằng khi bị người khác vỗ vai, quàng vai vào dịp Tết, họ sẽ bị xui xẻo, gặp chuyện buồn về tình duyên hay hạnh phúc gia đình.
          Thật ra ngay cả trong những ngày bình thường, nhiều người Việt đương đại cũng tránh tối đa việc bị người khác vỗ vai hay quàng vai.

27. Kiêng chúc Tết người đang nằm ngủ
          Ngày xưa đất tuy rộng nhưng không phải gia đình nào cũng có nhà to để phân ra thành phòng ngủ, phòng ăn, phòng khách. Vì thế không hiếm trường hợp, khách đến nhà chúc Tết vào sáng mùng một, thấy vẫn có người nằm ngủ do phải thức khuya vào tối giao thừa. Đã đến nhà người ta thì phải xởi lởi mà chúc Tết, thế nhưng họ không chúc người đang nằm ngủ đó. Nếu không, lời chúc tốt đẹp lại bị xem như lời trù ẻo, muốn cho người ta phải nằm li bì trên giường bệnh.
          Vì thế, nếu có lòng, khách phải đợi đến khi người đó ngủ dậy mới nói ra lời chúc với họ.

28. Kiêng đánh thức người khác trong ngày mùng 1 Tết
          Gặp trường hợp đi chúc Tết nhà người ta, muốn dành lời chúc cho người đang ngủ nhưng không thể đợi lâu, tốt nhất là vị khách nên chờ dịp khác chứ không được đánh thức anh ta dậy. Không chỉ khách, ngay cả người nhà cũng không nên đánh thức ai trong ngày này, mà phải để người ta tự dậy. Nếu không, người nằm ngủ đó sẽ phải chịu sự thúc giục của người khác trong công việc quanh năm.

29. Kiêng để cối xay gạo trống vào ngày đầu năm
          Một số vùng quê Nam bộ tin rằng việc để cối xay gạo trống đầu năm sẽ đồng nghĩa với việc thất bại, mất mùa trong năm tới.

30. Kiêng tặng quà
          Không tặng đồng hồ cho người khác ngày tết
          7 món quà tuyệt đối không nên biếu, tặng trong ngày tết: đồng hồ, dao, kéo, cá mực, cà phê, hạt tiêu, hay mèo… là những món quà tuyệt đối không nên tặng trong ngày Tết.
          Cuối cùng, mỗi vùng miền sẽ có những phong tục, kiêng kỵ khác nhau nhưng trên là những điều kiêng kỵ chung bạn cần biết và ghi nhớ để đón một năm mới an lành, sung túc và phát tài phát lộc. Chúc bạn và gia đình năm mới hạnh phúc, an khang, thịnh vượng!

          Bài viết chỉ mang tính tham khảo.
          Theo Yêu Trẻ



.

24 tháng 1, 2017

Giửa ngày giáp tết vội vả







Ảnh : Ngô Trần Hải An


.

Tản mạn ngày tết: Hoài niệm xe đò

          Tản mạn ngày xuân…
          Xe không chạy trên sông sao gọi xe đò?
          Có lần tôi hỏi nhà văn Sơn Nam khi gặp ông ở quán cà phê vỉa hè trước Nhà Văn hóa quận Gò Vấp cách nay hai mươi năm. Trong chiếc áo sơ mi cụt tay, khuôn mặt ốm nhăn nheo màu bánh ít, mắt đăm chiêu sau cặp kiếng dày, ông thủng thỉnh trả lời theo kiến giải của mình. Đồng bằng Nam bộ sông nước chằng chịt, ngày xưa phương tiện đi lại chủ yếu bằng đò ghe, cho đến thập niên ba mươi, người Pháp thành lập vài hãng xe chở khách đi miền Tây. Thời ấy đường bộ chưa phát triển, xe đến bến khách phải chuyển tiếp bằng đò ghe nên người ta gọi là xe đò cho tiện.
  

          Sau này tôi tìm hiểu thêm chút ít, biết rằng người Bắc gọi xe đò là xe khách hoặc xe ca, còn người Trung lại gọi xe đò giống như người Nam. Một số người giải thích vì hầu hết các chủ nhà xe đi miền Trung là người Sài Gòn nên “xe đò” trở thành phương ngữ chung cho tiện.
          Nhưng điều thú vị nhất là ông kể hồi thời kỳ đầu xe đò do người Pháp làm chủ toàn là loại xe nhỏ chở khách chừng hơn hai mươi người. Nhưng chỉ một thập niên sau, người Việt mình giàu có tham gia mở công ty lập hãng, nhập cảng máy, khung gầm từ châu Âu châu Mỹ, đóng thùng thành xe đò loại lớn chở hơn năm chục hành khách, cạnh tranh ác liệt trong giai đoạn đường bộ được mở rộng và phát triển ở các tỉnh miền Tây và Ðông Nam Bộ. Giao thông kết nối khắp nơi, nhu cầu đi lại của người dân càng nhiều, tạo thành thời vàng son của xe đò.
          Chiến tranh Ðông Dương nổ ra, Nhật vào chiếm miền Nam, xăng dầu khan hiếm, bị giám sát chặt chẽ, ngành xe đò suy giảm, một số hãng xe hoạt động cầm chừng và phải thay đổi nhiên liệu cho xe hoạt động. Sơn Nam kể: “Xe ô tô chở khách phải dùng “ga”, hiểu là than củi tràm, bỏ vào cái thùng tròn đặt bên hông xe phía sau. Trước khi cho xe nổ máy thì quạt cho than tràm cháy, hơi ga ấy bị đốt, gây sức ép cho máy xe chạy, gọi “Autogène”, theo mô hình của Kỹ sư Thịnh Hưng Ngẫu chế tạo ở Sài Gòn”.
          Hình ảnh chiếc xe đò nhỏ chạy bằng than đốt trong cái thùng phía sau xe được lặp lại từ năm 1975 đến 1985, chắc người Sài Gòn tuổi trung niên trở lên đều biết rõ. Tôi từng đi loại xe sử dụng nhiên liệu này, mỗi lần chui vào cửa xe phía sau là đều phải cẩn thận với cái thùng than cháy nóng được treo dính ở đuôi xe.
          Thường thì người ta chỉ cải tiến xe đò lỡ – tức là loại xe Renault cũ xì từ giữa thập niên 50. Tuy giới lái xe gọi đó là xe đò hỏa tiễn nhưng nó chạy chậm hơn xe chạy xăng hoặc dầu. Có lúc xe chạy ì à ì ạch khi than cháy không hết, lơ xe phải dùng thanh sắt mở lò đốt cời than. Hoặc thỉnh thoảng gặp đường vồng xóc, than văng ra khỏi cửa thông không khí, rớt xuống đường cháy đỏ rực. Vô phúc cho chiếc xe đạp nào chạy phía sau tránh không kịp, cán phải cháy lốp xe.
          Xe đò hỏa tiễn chạy những đường ngắn như Sài Gòn – Long Khánh, Chợ Lớn – Cần Giuộc – Gò Công, Sài Gòn – Long An, còn xe đò dài vẫn chạy bằng xăng dầu, nhưng không còn nhiều như trước. Trên mui phía đầu xe thường có thùng phuy nước dùng để làm nguội máy, kế tiếp là nơi chở hàng hóa, xe gắn máy, xe đạp cho khách buôn chuyến và khách đi tỉnh xa.
          Xe lô có bãi xe ở Bến Bạch Ðằng và Bến Chương Dương. Bãi xe lô hay nhiều bãi bến xe đò khác khắp nơi trong thành phố Sài Gòn-Chợ Lớn đều nằm hai dãy dọc theo đường phố. Phòng vé là một cái quầy hay cái bàn gắn tấm biển to đề tên từng hãng xe, chạy lộ trình nào. Riêng xe lô không cần bán vé, khách đến bãi xe còn chỗ trống cứ lên, đủ người thì bác tài chạy.
          Loại xe này gọi đúng tên là “Location”, sơn màu đen, kiểu xe ô tô chở chừng bảy tám người nhưng bác tài cố nhét thêm hành khách thành 12-14 người. Xe lô chạy nhanh hơn xe đò vì không bắt khách dọc đường, không lên xuống hàng hóa cồng kềnh, lại có khi qua cầu tạm không cần bắt hành khách xuống cuốc bộ. Ðể gió lùa vào cho hỉ hả đám hành khách ngồi chật cứng như nêm, lại thêm giỏ xách túi bị, va li lỉnh kỉnh, bác tài mở cửa sau bung lên cột chặt lại, người ngồi phía sau ngó ra phố phường.
  

          Sau năm 1968, chiến cuộc ngày càng ác liệt, cầu đường nhiều nơi bị “mấy ổng” gài mìn phá hủy, có nơi phải dựng cầu tạm, đầu cầu có đặt trạm kiểm soát của quân cảnh hay cảnh sát. Ðường về Trà Vinh chỉ hơn 160 cây số mà qua mấy chục cây cầu, lại phải chờ phà Mỹ Thuận. Ði xe lô cho được nhanh mà về đến nơi phải mất năm sáu tiếng đồng hồ, huống hồ chi hành khách đi miệt Hậu Giang, Cà Mau xuống ở bến xe còn phải đón đò về nhà ở vùng U Minh, Miệt Thứ mất cả ngày đường.
          Chỉ có xe thư tức là xe đò làm nhiệm vụ giao nhận thư từ bưu phẩm chuyển cho bưu điện tỉnh mới được ưu tiên, không phải lụy phà hay bị cảnh sát xét hỏi.
Bây giờ xe đò tiến bộ hơn nhiều, xe có máy lạnh, ghế nằm thoải mái cho khách đường xa, duy chỉ không có phòng vệ sinh trong xe, lại còn tặng thêm nước uống, khăn ướt lau mặt. Xe chạy nhanh nhờ có cầu qua hai con sông Tiền và sông Hậu, tôi ngồi xe Mai Linh chạy một lèo về tới chợ Cà Mau chỉ mất sáu tiếng đồng hồ. Nếu không kể đến loại xe dù bắt khách dọc đường, thì xe đò là phương tiện đi đường xa tương đối rẻ tiền.
          Trước năm 1975, Xa cảng miền Tây là bến tập trung các xe đò về các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, bên cạnh đó lại có bến xe Chợ Lớn đi về Cần Giuộc, Gò Công, Lý Nhơn, về sau bến xe này gộp lại với Xa cảng miền Tây mở rộng thành Bến xe miền Tây nằm trên đường Kinh Dương Vương quận Bình Tân.
Còn bến Miền Ðông dành cho xe đi các tỉnh miền Trung và phía Bắc trên đường Petrus Ký trước kia thì gộp lại với hai bến xe nhỏ là Nguyễn Cư Trinh đi lộ trình cao nguyên và Nguyễn Thái Học đi Long Hải – Vũng Tàu – Phan Thiết, rồi sau đó vài năm chuyển về bến xe Văn Thánh, và cuối cùng yên vị tại Bến xe miền Ðông trên đường Ðinh Bộ Lĩnh hiện nay.
          Nhưng nghe đâu hai bến xe này sẽ phải dời ra xã Tân Túc huyện Bình Chánh và Suối Tiên Q. 9 để có diện tích rộng hơn, đáp ứng được cho nhu cầu ngày càng tăng.
          Sẽ thiếu sót nếu không nhắc đến Bến xe An Sương, bến này đúng ra có xe đi Tây Ninh – Bình Phước – Bù Ðăng, Bù Ðốp vùng Tây Trường Sơn, nhưng cũng có xe đi vài tỉnh thành của cả ba miền, do hai bến xe miền Ðông và miền Tây nhỏ hẹp.
          Ai cũng có kỷ niệm lần đầu đi xe đò. Mỗi chuyến xe chuyên chở nỗi niềm hoài niệm. Có người nhớ chuyện tiền vé như nhà văn Sơn Nam. Có người lòng phơi phới nhìn thấy phong cảnh đồng lúa xanh tươi chạy dài bên quốc lộ như tôi. Cũng có người nhớ mùi mồ hôi, mùi xăng dầu giữa nắng gió miền Trung. Nhớ bến bãi ồn ào í ới ngày xưa. Và cũng có người tuổi đời chồng chất, nhớ cảnh xuống xe qua cầu xe lửa Bến Lức, Tân An thuở xa lắc xa lơ.

          June 23, 2016
          Trang Nguyên



.

23 tháng 1, 2017

Tản mạn ngày tết: Đặt tên đường ở Sài Gòn trước 1975

          Cách đặt tên đường ở Sài Gòn trước 1975 rất hay, rất có dụng ý rất có ý nghĩa . Đi từ cửa ngõ vào tới trung tâm Sài Gòn, nếu để ý bạn sẽ thấy cả một chiều dài văn minh 4000 năm lịch sử của nước Việt trên từng bước chân.
  

          Khởi đầu từ Bến xe Miền Tây ta sẽ có Hồng Bàng, An Dương Vương, Triệu Đà… Bà Triệu… rồi thì có Lý Nam Đế, Triệu Quang Phục… Tiếp đến là Mai Hắc Đế, Phùng Hưng, Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh…Lý Chiêu Hoàng. Nhà Trần thì Trần Nhân Tông, Trần Hưng Đạo và các tướng quây quần Phạm Ngũ Lão, Trần Khánh Dư…
          Các bến sông gồm có Vạn Kiếp, Hàm Tử… Bến cảng lớn nhất thì đặt tên Bạch Đằng…
          Cứ thế vào càng gần trung tâm thì càng tiệm cận đến hiện tại như Lê Lợi, Lê Lai, Nguyễn Trãi… rồi tới nhà Nguyễn lại càng gần trung tâm hơn nữa như Nguyễn Hoàng, Minh Mạng, Tự Đức cùng các tướng lãnh như Võ Tánh, Lê Văn Duyệt…
          Chệch qua phía bắc khu trung tâm (phía Quận 3) ta có triều Tây Sơn và các nhà văn, nhà thơ, học sĩ: Bà Huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương… cùng với các võ tướng Tây Sơn: Bùi Thị Xuân, Trần Quang Diệu…
          Phải nói rằng một người đi từ bến xe vào trung tâm nếu thuộc Sử Việt và để ý tên đường thì rất dễ hình dung mình đang ở khu vực nào trong Thành phố.
          Hay nhất là sau dòng chảy lịch sử, thì tất cả đều tập trung vào một đại lộ mang tên Thống Nhất, đẹp và rộng với quảng trường bao la dẫn thẳng vào cơ quan quyền lực cao nhất thời đó (trước 1975) DINH ĐỘC LẬP.
          Con đường nhỏ hơn một chiều, chạy ngang Toà án và cổng chính Dinh mang tên Công Lý (Công Lý thì không thể nào 2 chiều được!). Hai con đường song song với Đại Lộ Thống Nhất được mang tên của hai danh nhân đã tạo ra chữ viết của Việt Nam là Hàn Thuyên và Alexandre de Rhodes với hàm ý biết ơn sâu sắc…

          Sưu tầm



.

21 tháng 1, 2017

Giúp tôi thanh toán

          Câu chuyện từng đoạt giải truyện hay trong năm tại Trung Quốc cho thấy một đất nước hào nhoáng bề ngoài nhưng lại mục rỗng từ bên trong, người người lợi dụng nhau chỉ vì một chút lợi nhỏ.


          Họp lớp, sau khi tốt nghiệp rất nhiều bạn học của tôi đều đã thành danh, có sự nghiệp, có địa vị trong xã hội. Còn tôi thì mãi vẫn chỉ là nhân viên đồ hoạ trong nhà máy, hai vợ chồng tôi đều dựa vào đồng lương ít ỏi mà sống qua ngày. Tôi vốn dĩ cũng không muốn tham gia, nhưng vì sự nhiệt tình của bạn bè không nỡ từ chối, chỉ còn cách nhận lời tham gia. Chồng tôi thì đang giúp con trai ôn thi, con trai tôi chuẩn bị vào cấp hai, gần đây chồng tôi chạy ngược chạy xuôi để tìm trường cho con nhưng tới nay vẫn chưa được. Ngắm nhìn con một lúc rồi tôi một mình ra khỏi nhà.
          Khách sạn Thiên An là một nhà khách sạn cao cấp. Khi tôi tới nơi, mọi người đã tụ tập đông đủ, chưa kịp ngồi xuống, mọi người tấp lập, mỗi người một tấm danh thiếp phi tới, vừa nhìn, người thì không phải là tổng giám đốc thì là trưởng phòng. Ngay cả A Quân, trước đây thành tích học tập luôn kém nhất vậy mà giờ đã là sở trưởng.
          Nhìn nhân viên phục vụ mang thức ăn lên mà tôi hoa mặt chóng mày, than cho số phận của mình. Đơn giản chỉ bữa ăn tối nay, ít nhất 3 tháng lương của tôi may ra mới đủ. A Quân giống như một người chủ bữa tiệc, không ngừng gắp thức ăn và rót rượu cho mọi người, miệng còn không ngừng nói: “Mọi người cứ việc ăn uống no say, hôm nay tất cả tôi bao hết“, mọi người cũng ăn uống rất nhiệt tình. Từng vòng từng vòng, rượu hết lại đầy, mọi người chúc tụng nhau, nói chuyện vang trời rập đất. Đến khi, cơm no rượu say, trời cũng không còn sớm nữa, lúc này cũng là lúc tiệc nên tàn, nhưng mà ai thanh toán? Tôi nhìn mọi người, hầu như tất cả đều không một ai muốn hào phóng thanh toán. Lúc này A Quân rút điện thoại gọi một hồi, đầu dây bên kia bắt máy, A Quân liền nói: “Tiểu Lý, tối nay có bắt được người khu ăn chơi tệ nạn trá hình chưa? … Ồ, tốt tốt, túm đại một đứa đưa tới khách sạn Thiên An thanh toán tiền cho tôi“, nói xong, anh ta đắc ý cất điện thoại vào trong túi, mọi người thấy vậy cùng cười nói rôm rả.
          Chưa đến 15 phút sau, một người trung tuổi đến, nhìn phiếu thanh toán, không ngừng chau mày nhăn mặt, xem ra số tiền mang theo không đủ trả. Ông ta rút điện thoại ra: “Liệu Công phải không? Tôi là Mã hiệu trưởng, việc con trai anh muốn chuyển đến trường tôi, hôm nay tôi đã giải quyết xong rồi… nhưng mà tối nay tôi mời bạn bè ăn cơm, anh đến đây thanh toán cho tôi? Ở phòng 203, khách sạn Thiên An…” sau 20 phút, có người gõ cửa, khi cửa vừa mở, tôi thực sự muốn ngất xỉu… hoá ra đó là chồng mình.
          Liệu Công chuẩn bị vào thanh toán tiền, cô phục vụ nói: “Chào anh, tổng cộng là 9,888 tệ (khoảng 32,327,000 đồng) nếu anh muốn thanh toán qua thẻ thì mời theo tôi xuống dưới quầy lễ tân.” Liệu Công vừa nghe thấy số tiền thì toát hết mồ hôi: “Trời ạ, ăn một bữa cơm gì mà hết nhiều tiền vậy chứ, tôi làm gì có thẻ, mà tiền lại không mang nhiều như vậy, phải làm sao bây giờ?” Chân bước vô định, Liệu Công đi theo cô phục vụ xuống quầy lễ tân.
          Vừa bước xuống quầy lễ tân, đột nhiên có người vỗ vai, Liệu công quay người lại, hoá ra là Lý tiểu thư. Lý tiểu thư vừa nhìn thấy Liệu công thì hào hứng vô cùng: “Ai da! Anh yêu, anh đến đây ăn cơm cũng không thông báo cho em một tiếng, thật là ghét quá đi.” Liệu Công và Lý tiểu thư hơn một năm trước đây tình cờ quen nhau qua mạng, hai người nói chuyện rất vui vẻ, Lý tiểu thư tiền thì không thiếu, chỉ có thiếu mỗi Liệu Công, còn Liệu Công thì lại quá nhút nhát. Lý tiểu thư thì ngược lại mạnh bạo theo đuổi, Lý tiểu thư nói: “Anh làm gì mà đứng đây vò đầu gãi tai vậy, định làm gì hả?” Liệu Công trả lời: “Tôi mời bạn ăn cơm, nhưng mà không mang đủ tiền, thẻ lại không có, đang không biết phải làm sao?”, “Bao nhiêu tiền?”, “9,888 tệ“, “Ài…Việc nhỏ như vậy có gì mà anh phải lo lắng.” Lý tiểu thư móc điện thoại trong túi ra gọi điện: “Cha nuôi à, cha đang ở đâu vậy? Con cùng bạn học cũ ăn cơm, quên mang tiền, bây giờ phải làm sao đây? Con đang ở phòng 203, khách sạn Thiên An. Cha mau đến đây đi, không nhiều, chỉ có hơn hai mươi nghìn tệ. Cái gì? … Cha không đến tý nữa con đến văn phòng tìm cha xem cha phải làm sao?”
          Cục trưởng Ngô cúp điện thoại của cô bồ nhỏ, bước ra khỏi phòng họp, gọi điện cho sở trưởng A Quân: “Tôi bây giờ đang chủ trì cuộc họp Trung thành như sơn, cảm ơn như phụng hiến, không có cách nào rời khỏi được. Tôi có khách đang ăn cơm ở phòng 203, khách sạn Thiên An, cậu nhanh chóng tới đó thanh toán cho tôi, không được chậm trễ!“

          Minh Vũ biên dịch



.

20 tháng 1, 2017

Có những người chỉ để giấu đi

          Rất nhiều người trong số chúng ta vẫn đang giấu riêng cho mình bí mật về một người, một người mà chính bản thân ta cũng thấy khó định nghĩa nhất, khó nắm bắt nhất, và đặc biệt là khó... quên nhất!


          Ta chẳng hiểu cơ duyên nào dẫn dắt họ xuất hiện trong đời mình: Để làm gì khi không hẳn là người dưng, không là bạn, không phải tri kỷ, cũng chẳng là tình yêu? Họ đến với ta, rồi làm trái tim ta loạn nhịp, nhưng lại không chịu (hay không thể) ở bên ta mãi mãi không rời?
          Ta chẳng hiểu vì sao, từ lúc nào và cho đến bao giờ ta mới thôi rung động khi đứng trước họ, mới thôi mỉm cười khi nghĩ đến họ và thấy khó chịu khi không thể tiến lại gần họ hơn một chút, hay để họ rời xa khỏi tâm trí ta một phút!
Ta cố gắng bao nhiêu lần thử làm rõ thứ tình cảm ta dành cho họ, họ dành cho ta là gì? Nhưng càng nỗ lực thì dường như mọi thứ càng mờ mịt và vô cùng khó đoán định.
          Cuối cùng, ta chấp nhận bỏ cuộc, buông họ rơi tự do vào một quãng nào đó vẩn vơ trong lòng mình. Nhiều lúc ta sợ nghĩ đến họ, sợ chạm tới họ, vì ở họ có tất cả những gì mà ta cần. Là vui cười hạnh phúc, là ngọt ngào lãng mạn, là tiếc nuối vấn vương, là xót xa nhung nhớ... Ta sợ, bởi vì ta nghĩ nếu không chạm vào thì sẽ không có chuyện chẳng may rơi ra, rồi vỡ, rồi tan, rồi hoang mang vì lạc mất.
Ta biết, mất họ, ta sẽ không còn là chính bản thân mình nữa. Và ta cũng biết, có họ ở bên, dù chẳng là gì của nhau, nhưng ta cảm thấy “an toàn”. Một sự an nhiên không dễ gì có được, từ một người vừa lạ vừa quen, vừa lạnh lẽo vừa ấm êm, vừa muốn quên vừa muốn nhớ...
          Và thế là, qua bao nhiêu niềm trăn trở, ta quyết định giấu họ trong sâu thẳm tim mình, thôi không định nghĩa hay tìm hiểu, thôi không đoán định hay mong chờ. Chỉ đơn giản là một người xuất hiện, làm cuộc sống của ta đa màu sắc hơn thôi...
          Có biết bao nhiêu người xuất hiện trong cuộc đời ta, có người ở lại, người bước ra, và có người ta giấu họ đi. Người “bị giấu đi” ấy, họ có khả năng làm cuộc sống của ta đặc biệt hơn rất nhiều, chỉ bằng cách có mặt ở đâu đó, vào những khoảnh khắc diệu kỳ nào đó...
          Và chúng ta, ai cũng cần có một người chỉ để giấu đi...


          Du Phong


.

19 tháng 1, 2017

Người thành thật không phải người ngốc

          Một ngày nọ, các nhân viên trong công ty điện ảnh đang làm việc thì chiếc máy quay phim đột nhiên xảy ra trục trặc. Bởi vì chiếc máy này là loại cao cấp đắt tiền được nhập khẩu trực tiếp từ Nhật Bản cho nên bộ phận quản lý của công ty sẽ chịu trách nhiệm sửa chữa.
          Sau khi người quản lý gọi điện cho đại diện của bên bán báo về tình hình trục trặc của chiếc máy, thì có một nhân viên của bên bán hàng đến sửa chữa.
Bởi vì thứ nhất là sợ máy bị nhân viên bên bán làm hỏng, thứ hai là sợ bị đòi tiền công sửa chữa cao, cho nên người quản lý này đã một mực đi theo giám sát người sửa chữa. Nhân viên của bên bán sau một hồi kiểm tra sửa chữa cuối cùng đã dừng lại.
          Quản lý ngồi bên cạnh hỏi: “Anh có thể sửa được không? Mất bao nhiêu tiền?”
          Nhân viên bên bán nói: “Có thể sửa được, phí tổn là 500.000 đồng.”
           “Sao đắt vậy?” Người quản lý hỏi lại: “Không thể rẻ hơn một chút sao?”
           “Có thể!” – nhân viên bán hàng tươi tỉnh trả lời: “Thực ra cũng không có vấn đề gì lớn cả. Anh chỉ cần vệ sinh nó theo cách đã ghi trong quyển hướng dẫn sử dụng là được. Nếu các anh tự mình làm thì chúng tôi sẽ không thu tiền.”
          Người quản lý dựa theo quyển hướng dẫn sử dụng, vệ sinh một lát, quả nhiên chiếc máy lại hoạt động được bình thường. Anh vô cùng cảm kích trong lòng.
          Một thời gian sau, chiếc máy lại xảy ra trục trặc. Người quản lý lần này cố ý gọi điện báo cho bên bán cử người đến kiểm tra sửa chữa. Nhân viên bên bán máy sau một hồi kiểm tra liền nói: “Máy của anh phải thay linh kiện, chi phí là 1000.000 đồng.”
          Người quản lý vì đã có kinh nghiệm từ lần trước nên lập tức thương lượng: “Nếu chúng tôi mua linh kiện và tự mình thay thì…”
           “100.000 đồng!” – nhân viên bán hàng rất thành thật nói: “Chúng tôi chỉ lấy tiền vốn thôi!”
          Sau khi thay linh kiện mới, chiếc máy lại chạy bình thường. Người quản lý nhịn không được liền hỏi: “Nếu ông chủ của anh biết anh đi sửa chữa như thế này thì có sa thải anh không?”
          Nhân viên bán hàng cười nói: “Chính ông chủ đã yêu cầu chúng tôi làm như thế!”
          Người quản lý này không thể tin nổi, nghi ngờ hỏi lại: “Thực sự là ông chủ của các anh đã yêu cầu thế sao?”
          Nhân viên bán hàng quả quyết nói: “Đúng vậy!”



          Sau khi nhân viên bán hàng đã hoàn thành công việc của mình xong ra về, người quản lý vẫn hoài nghi mãi trong lòng: “Một công ty mà lại làm ăn như vậy? Chẳng lẽ họ không muốn kiếm tiền à?” Nghĩ mãi không ra câu trả lời, người quản lý quyết định đến công ty bán máy này hỏi rõ.
          Ngày hôm sau, người quản lý đến công ty bán máy xem xét. Thật bất ngờ, đó là một cửa hàng khang trang, rộng lớn. Hơn nữa, khách hàng đến mua máy đồng nối tiêp nhau không dứt.
          Người chủ cửa hàng đón tiếp người quản lý kia một cách nhiệt tình, niềm nở. Sau khi anh ta nói rõ lý do mình đến, người chủ cửa hàng nói: “Anh là vị khách thứ 20 đến đây hỏi tôi về vấn đề này đấy!”
          Người chủ cửa hàng nói: “Thành thật không tốt sao?”
          Người quản lý vội trả lời: “Tốt, là tốt! Nói thật là các anh khiến tôi có cảm giác các anh quá trung thực. Chẳng lẽ các anh không biết là có rất nhiều khách hàng, như tôi chẳng hạn, đối với máy quay thì rất là u mê, thiếu hiểu biết sao? Các anh hoàn toàn có thể thu được số tiền sửa chữa kếch xù đấy!”
          Người chủ cửa hàng tươi cười : “Anh thấy rồi đấy. Mỗi ngày khách hàng đến cửa hàng chúng tôi đều là để mua máy. Họ đến với chúng tôi là bởi vì chúng tôi thành thật trung thực và giữ chữ tín đối với các dịch vụ sau bán hàng. Giữa chi phí sửa chữa và lợi nhuận thu về tử việc bán máy, anh chọn cái nào?”
          Sau một hồi nghe ông chủ cửa hàng giải thích, người quản lý bừng tỉnh đại ngộ: “Quả thực, lợi nhuận từ bán máy là cao hơn chi phí sửa chữa gấp bội phần!”



.