7 tháng 2, 2016

TẾT



          Khi người ta nghe tới cái tiếng quen thuộc này thì hình như cả xã hội rộn rã lên vì hình ảnh mùa xuân mới sẽ tràn lên mọi ngõ đường của quê hương. Tết có mãnh lực xóa tan mọi ưu phiền của đời sống vì người ta biết rằng trong những ngày này, mọi lo âu về cuộc sống thực sẽ tạm thời được gác sang một bên. Gia đình sum họp, bạn bè gặp nhau hàn huyên cho bõ lúc một mình hẩm hiu sau những giờ dài nơi công sở. Người ta dọn dẹp nhà cửa từng chút một và trong thời khắc quan trọng cuối năm ấy, dọn dẹp nhà cửa như một dịp tốt nhất để nhìn lại căn nhà của mình từng mỗi chi tiết nhỏ. Những chi tiết ấy có cả buồn vui, giân hờn, thành công hay thất bại của cả năm qua.

 
           Dọn dẹp nhà cửa giống như lau lại khuôn mặt quá khứ để đón những gì sắp tới mà nhiều người tin rằng sẽ rực rỡ hay ít ra cũng sáng lạn hơn năm cũ.
          Tết cũng là dịp để người phụ nữ nấu nướng, mua sắm và chứng tỏ mối quan tâm của mình đối với người thân và những người chung quanh. Ngày Tết người ta nhìn nhau bằng đôi mắt thân thiện hơn, ngay cả với người mà họ không thích. Người Việt tin rằng trong mùa Xuân, những chồi non hạnh phúc của đất trời sẽ làm người xấu nhất cũng trở thành người tốt, và vì vậy mọi đố kỵ, ghen ghét lẫn nhau trước đây sẽ tạm thời lắng xuống, thay vào đó là niểm hân hoan cần chia sẻ với nhau.
          Thế nhưng, đánh đổi lại những hình ảnh tươi vui, đáng sống ấy là mồ hôi, là những gánh nặng đè lên đôi vai của những người chủ gia đình bất kể gia đình ấy thuộc thành phần nào trong xã hội.
          Người đàn ông trong gia đình vào thời khắc này thật quan trọng vì họ là đầu máy của con tàu nhỏ. Trong nhiều trường hợp ngoài bổn phận kiếm tiền trang trải cho mọi chi phí ngày Tết, người đàn ông còn là người nhạc trưởng quan sát mọi chi tiết trong gia đình và bù đắp những khiếm khuyết bằng những hình ảnh tươi vui ngày Tết.
          Họ là người chu đáo sửa soạn bạn thờ, trang trí bức tường đã quá quen thuộc trong suốt năm bằng những tấm ảnh mang đậm màu sắc của ngày Tết. Có thể mỗi năm chỉ một lần, họ tự tay cắt xén giàn hoa trước ngõ hay chăm chút cho căn bếp được ngăn nắp hơn để người phụ nữ của họ thoải mái trong việc bếp núc… những đóng góp và chia sẻ ấy rõ ràng là hình ảnh quen thuộc của đàn ông trong ngày Tết mà chúng ta đều đã và đang nhìn thấy.

 
           Nhưng cuộc đời, xã hội Việt Nam nào phải đâu đâu cũng chỉ có những hình ảnh lý tưởng như vậy?
          Bên cạnh người vợ quần quật dưới bếp từ ngày 28 Tết là tiếng cụng ly chan chát của bạn bè chồng trên phòng khách. Tiếng cười nói không ngưng nghỉ hòa cùng với tiếng hò reo trong cuộc rượu bên nhà hàng xóm tạo thành một không khí mở hội quen thuộc và những người phụ nữ trong các căn nhà ấy chớ hề lên tiếng, ngay cả cằn nhằn về các cuộc nhậu của chồng. Họ còn đòn bánh chưng phải gói, rổ kiệu còn phải xem chừng, nồi măng trên bếp không được quá lửa, quần áo cho con dịp Tết năm nay mua ở siêu thị nào cho rẻ....
          Cho đến bây giờ là thế kỷ thứ 21 rồi nhưng mà chúng ta vẫn ăn Tết truyền thống hoàn toàn theo cái quán tính của các năm trước đây lúc mà món ăn được nhấc lên hàng đầu và người ta coi Tết tức là ăn Tết chứ không phải chơi Tết hay là vui Tết. Thậm chí kể cả trước Tết chăng nữa thì dù là quà hay là mua sắm nó ám ảnh người ta không những là quán tính trong đời sống mà nó còn tồn tại khiến cho cái Tết trở thành gánh nặng cho hàng triệu phụ nữ tại Việt Nam.


.

Không có nhận xét nào: