4 tháng 11, 2014

NGƯỜI KHÁCH TRÊN TÀU



          Đến rồi đi...bâng quơ tự hỏi :
          Giữa cuộc đời ngắn tựa chiêm bao
          Chúng ta có bao ngày hạnh phúc
          Mà mãi hoài để thất lạc nhau ?


          Đang nhắm mắt thả hồn lơ mơ với bản nhạc du dương từ cặp earphones gắn bên tai, giọng nói ồm ồm của người điều khiển Metro vang lên từ những chiếc loa trong toa tàu :"Next station is Metro center ; doors open on the left " đánh thức tôi trở về thực tại. Mi trên và mi dưới đôi mắt tôi còn lưu luyến chưa chịu rời nhau trong khi bộ não ráng gồng lên điểu khiển bàn tay phải lần vào handbag bấm tắt nút nhạc của chiếc phone, đồng thời tay trái đưa lên gỡ cặp earphones ra khỏi đôi tai để sẵn sàng trong vòng nửa phút nữa sẽ ra khỏi đoàn tàu Red Line này. Từ ngày qua định cư ở Maryland và đi làm ở DC, gần tám năm liên tục có mặt trên tàu điện ngầm, tôi đã quá quen thuộc với những gì diễn ra trên chiếc tàu điện này, biết rõ thời gian từ trạm này đến trạm khác, biết đặc điểm từng trạm và biết ngay cả một số hành khách hằng ngày thường lên và xuống ở trạm nào ....Trừ ngày lễ hoặc weekend , thủ đô DC mới có chỗ đậu xe free, những ngày làm việc trong tuần tìm được nơi đậu xe không phải dễ hoặc nếu có thì tiền parking khá đắt chưa kể là vào giờ cao điểm những con đường ở downtown bị kẹt xe liên miên, do đó hàng ngày lượng người làm việc ở đây dùng phương tiện tàu điện ngầm khá nhiều. Không cần mở mắt tôi vẫn biết thừa lượng hành khách đang đặc nghẹt trong toa tàu vì là ngày đầu tuần và đang là peak-hour. Chỉ có từ 5 đến 15 giây cho những cánh cửa tàu điện tự động mở ra, đóng lại tùy từng trạm có  lượng hành khách trung bình lên xuống ít hay nhiều, chậm chạp một chút là bị dính kẹt lại trong toa phải mất thời gian qua trạm kế tiếp mà đón chuyến ngược lại .
           Đôi mắt của tôi vừa lim dim hé bỗng bừng tỉnh ra khi "đụng" trúng một cặp mắt đang "chiếu tướng" mình . Tôi hơi ngượng không biết khi tôi ngồi thả hồn theo tiếng nhạc gắn chặt vào tai gần nửa giờ qua, tôi có dấu hiệu gì bất thường hay không mà ông ta nhìn tôi một cách chăm chú ? Người đàn ông dường như cũng hơi giật mình khi chạm vào ánh mắt tôi nên gật đầu nhẹ kèm theo nụ cười mỉm chi thay một lời chào. Tôi giả vờ không nhận thấy gì cả, tỉnh bơ đứng vụt lên lách qua đám đông, len gọn người ra khỏi toa tàu và chạy vội xuống tầng dưới của metro station này trước khi bị kẹt giữa mấy trăm người cũng đang vội vã uà xuống để kịp chuyến tàu điện Orange Line đang trờ tới .
          Bước nhanh vào toa tàu Orange Line và ngồi phịch xuống băng ghế, tôi vẫn còn cảm giác là lạ về khuôn mặt và nụ cười của người đàn ông vừa gặp. Tôi có cảm giác hình như đã gặp người này ở đâu rồi, tôi ráng nhớ thử xem nhưng sau đó tôi dẹp ý nghĩ này qua một bên vì đã đến trạm tôi phải ra để đến chỗ làm. Trạm Smithsonian là điểm đến của tôi hàng ngày; từ tầng dưới của Metro Center station theo tuyến Orange hoặc Blue Line qua trạm Federal Triangle đến trạm "của tôi" chỉ khoảng 3 phút . "Chui" ra được khỏi "hang" tàu điện ngầm, "trồi" lên mặt đường nhựa , tôi khoan khoái hít một hơi thật sâu bầu không khí buổi sáng sớm của một góc thủ đô Washington DC chưa bị khí thải của xe cộ ngập tràn, rồi băng qua 2 con đường để đến chỗ làm. Tia nắng của ngày mới cùng làn gió mát đầu tháng tư lùa qua mái tóc tôi đã đuổi mất hoàn toàn hình ảnh người đàn ông vừa tình cờ gặp...

 
          Giờ làm việc của tôi trong tuần thay đổi , mỗi tuần tôi làm 2 ngày ca sáng và 3 ngày ca chiều. Tuần sau đó vào ngày tôi làm việc ca sáng, buổi chiều trên đường về, vẫn theo thói quen lên tàu là gắn earphones vào tai, nhắm mắt, nghe nhạc và... ngủ gục ; chuyến tàu hôm nay bị trục trặc gì đó mà chạy chậm rù và thỉnh thoảng cà giựt làm tôi ngủ chẳng được. Bực mình vì thế nào sau khi đến trạm cuối tôi cũng sẽ bị trễ mất chuyến bus về nhà. Lúc này tàu đang chạy qua đoạn lộ thiên, tôi thở ra , đưa hai tay ôm lấy đầu lắc qua lắc lại kêu cái "cắc", trong khi cái đầu vẫn còn nghiên trên cổ, tôi nhướng mắt nhìn ra cảnh vật bên ngoài xuyên qua khung kính cửa sổ và khi chuyển đầu về vị trí ngay ngắn trên cổ cùng đôi mắt nhìn thẳng phía trước tôi giật bắn mình vì lại gặp đôi mắt và nụ cười mỉm của người đàn ông đã gặp tuần trước. Giữa đám người đen trắng lẫn lộn, dễ dàng nhận biết ông ta là người châu Á, tuy nhiên tôi không chắc ông ấy có phải là người Việt Nam hay không ? Thoạt đầu vì bực mình với chuyến tàu bị trục trặc , tôi bực mình lây với người này và trong đầu bật lên ý nghĩ "Lại một thằng cha khùng muốn thả dê !". Bất chợt tính ương ngạnh nổi lên, tôi nhìn thẳng thách đố và quan sát nhanh ông ta. Ông ấy trông có vẻ đứng đắn trong bộ veston với cravat thẳng thớm, như vậy chắc chắn ông này không khùng ; cũng như dáng ngồi ngay ngắn, khuôn mặt hiền lành và đồi mắt bối rối khi bị tôi "chiếu ngược" không thể là người có đủ "bản lãnh" để thực hiện ý đồ "thà dê" một bà xồn xồn ăn mặc bụi đời như tôi. Mặc xác ông ấy, tôi nhắm mắt lại và tiếp tục nghe bài nhạc yêu thích...
          Lần thứ ba gặp lại người đàn ông nọ trên chuyến tàu, ngồi ở hướng đối diện tôi, kê chiếc samsonite trên đùi mà hý hoáy viết hay vẽ gì đó vào quyển sổ , tôi không nghĩ mình có dáng vẻ "bắt mắt" đến nỗi có thể làm "người mẫu" nên vẫn tỉnh bơ như mọi ngày. Lần thứ tư, thứ năm, thứ sáu ...vẫn vậy, tôi vẫn giữ thái độ hơi "chảnh", không tạo cơ hội cho ông ấy bắt chuyện làm quen tuy trong lòng đã có cảm giác bình an không cần phải "cảnh giác" và hình ảnh người đàn ông này dần trở nên quen thuộc...
          Một buổi chiều trên đường về, giờ cao điểm, tàu điện chật như nêm, lách được người vào được trong toa tôi thở phào nhẹ nhõm nhưng rồi lại ngán ngẫm vì đang đau khớp gối chân trái, tám tiếng làm việc đã phải đứng , hết giờ làm việc phải vừa đi vừa chạy đến trạm tàu điện cho kịp chuyến, bây giờ phải đứng ít nhất vài trạm nữa chờ thiên hạ xuống xe mới may ra có được chỗ ngồi quả thật ...quải quá ! Chợt tay áo khoát tôi bị kéo nhẹ và bất ngờ nghe tiếng người đàn ông nói : "Mười Út ngồi chỗ này đi !" .Ông này đã mấy lần làm tôi bỡ ngỡ nhưng lần này thật sự làm tôi há hốc miệng ngạc nhiên ! Tám năm ở Mỹ, chưa bao giờ có ai gọi tôi là Mười Út , ngay cả chồng và con trai tôi cũng không biết hoặc không để ý cái tên mà ngày xưa tôi thường được gọi trong gia đình ! Tôi không rõ có phải ông gọi lầm và tình cờ trùng hợp hay không nhưng trong thoáng chốc một cảm xúc thật khó tả uà đến, tôi như bị thôi miên, ngoan ngoãn ngồi xuống chỗ ông ấy vừa đứng dậy mà quên cả nói lời cảm ơn...
          Sáng hôm sau , gặp lại ông ấy, tôi tỏ thiện ý bằng cái gật đầu chào và nụ cười rất "mỏng", ông lại gần và hỏi :
          - Mười Út nhớ anh không ?
          Tôi đưa tay gãi đầu , lắc lắc và ...cười cười ! Ông mở samsonite, lấy cuốn sổ mỏng khổ lớn đưa cho tôi và nói :
          - Cho Út nè , hôm nay anh bận, phải xuống trạm này rồi ! Chiều về gặp lại nghen !

 
          Trong khi tôi còn ngơ ngác chưa hiểu ông đưa tôi quyển sổ này làm gì thì tàu ngừng và dáng ông lẫn vào dòng người mất hút . Tò mò lật vội quyển sổ, bên trong là những hình vẽ bằng bút chì. Không phải là chân dung tôi mà theo từng trang , hình thứ nhất vẽ một ngôi nhà, hình thứ hai là một bàn ăn với năm sáu người, hình thứ ba là một cô bé nấp sau cây đàn guitare nghiên đầu ra nhắm một mắt, miệng le cái lưỡi ra và hình thứ tư là một bản nhạc kẻ dòng với những nốt nhạc bằng trăng sao.... Thoạt đầu tôi chẳng hiểu gì cả và nghĩ thầm đúng là ông này dở hơi . Nhưng rồi tôi có cảm giác là lạ nên lật lại mà nhìn kỹ lần nữa , hình ngôi nhà có ghi số nhà và tên đường đúng nơi tôi đã từng sống suốt quãng ấu thơ ; hình bữa ăn chung quanh chiếc bàn tròn có bé gái có vẻ lí lắc đứng chồm lên gắp thức ăn từ trong chén của người đàn ông lớn tuổi ngồi bên cạnh ... khiến tôi nhớ lại những sinh hoạt của gia đình mình ngày xưa, có con bé út lúc nào cũng "ăn hiếp" người cha lớn tuổi ; hình cây đàn guitare khá lớn so với người nấp phiá sau đúng là hình ảnh con nhỏ mê chơi đàn nhưng hay mắc cở và rất rụt rè với người lạ, và... hình như tôi hơi bị nghẹt thở khi thấy cái tựa đề bản nhạc classic quen thuộc ngày xưa mỗi lần đụng đến cây guitare là tôi mò mẫm gảy từng tưng ...Những hình ảnh này có nghĩa là người vẽ nó biết rất rõ thời thơ ấu của tôi chứ không phải là sự tình cờ trùng hợp tí nào ! Bao nhiêu năm sống một nơi cách quê mình đúng nửa vòng trái đất, ngoài gia đình và vài người cùng làm việc biết tên khai sinh của tôi, bất ngờ có người gọi mình bằng nick name và dường như còn biết rõ một phần đời của mình hơn 30 năm trước, làm sao tôi trong tôi không có chút bâng khuâng ? Tôi nôn nóng được gặp lại người ấy để được trả lời cái thắc mắc vô cùng chính đáng của tôi : "Anh ta là ai ?"
          Buổi chiều, dường như ông ta đã chờ tôi, vừa nhìn thấy tôi từ cầu thang cuốn tầng dưới Metro Center, ông ngoắt tay ra hiệu cho tôi. Khi tôi đến bên, ông cất tiếng một cách thân thiện tự nhiên :
          - May quá, anh sợ không được gặp lại Mười Út !
          Đứng trên platform nhìn lên bảng báo cho biết 16 phút nữa tàu mới đến, cảm thấy hôm nay vừa bị xui xẻo về tới nhà trễ nấu cơm không kịp cho chồng con ăn, vừa thấy thật hên vì nghĩ là sẽ có đủ thời gian để xóa những tò mò lâu nay, tôi buông giọng hờ hững :
          - Xin lỗi, sao ông biết tôi ?
          Giọng ông như reo vui :
          - Dữ hông, mấy chục năm rồi mới được nói chuyện với cô Út ! Anh Việt đây nè, hổng nhớ hả ?
          - Việt ? Dạ, Việt nào ? Xin chịu thua !!
          - Anh là Việt, ngày xưa lúc ở Lam Sơn mỗi tuần hay ghé nhà em cùng với anh Dân đó !
          A, bây giờ thì tôi nhớ mang máng, khoảng năm 1973 có một người quen ở Sài Gòn giới thiệu cho ba má tôi một người cháu tên Dân đi thụ huấn gì đó ở Trung Tâm Huấn Luyện Lam Sơn - Dục Mỹ, gởi gắm anh này cho ba má tôi "trông coi", giúp đỡ. Từ đó anh Dân cùng người bạn tên Việt cùng là dân Sài Gòn gần như cuối tuần nào cũng từ Dục Mỹ vào Nha Trang nghỉ ngơi ở nhà tôi . Ba má tôi xem hai anh như con cháu, hai anh có vẻ cũng thoải mái như ở nhà mình và khá thân thiết với anh trai kề của tôi . Riêng tôi, lúc ấy đã 14, 15 tuổi rồi nhưng rất nhút nhát với "người lạ" nên mỗi khi các anh tới thì ngoại trừ những bữa cơm buộc phải ăn chung, tôi trốn kỹ trong phòng ôn bài , "thiết kế" áo quần cho búp bê hoặc mang cây guitare tự tập chạy ngón mấy bài classic... Mâý chục cái cuối tuần hai anh ở nhà tôi nhưng tôi chưa một lần nhìn thẳng mặt các anh nên không biết rõ ai là Dân ai là Việt ! Vì vậy sau mấy chục năm tôi không thể nhận ra anh cũng là điều đương nhiên . Và như vậy thì người đàn ông này không còn là "người lạ" mà tôi phải dè chừng nữa , tôi vui vẻ và cởi mở hơn nên tò mò hỏi anh làm sao mà nhận ra tôi cũng như cuộc sống quá khứ, hiện tại của anh ra sao... Anh nói đơn giản là ngày xưa khi ở nhà tôi anh tình cờ nhặt được tấm hình thẻ học sinh của tôi, anh đã không trả lại mà cất giữ , ngắm nghía rồi "phát hiện" giữa cặp lông mày của tôi có một nốt ruồi và đầu lỗ mũi tôi thì tròn vo. Hôm đầu tiên gặp lại tôi trên Metro, anh ngờ ngợ rồi ngầm "theo dõi", có lần anh ngồi sau lưng tôi, nghe tiếng tôi trả lời phone cho bạn tôi và xưng hô bằng tên, anh mới chắc chắn nhưng chưa có dịp nói chuyện  được vì tôi "lạnh" qúa, cứ lên xe là nhắm mắt bịt tai , do đó anh mới nghĩ cách vẽ lại những tấm hình kia , chờ cơ hội để "tiếp cận" tôi ! Tôi cười thầm :"A, thì ra anh này đã sắp xếp "kế hoạch" thiệt là chu đáo !"
          Anh kể tôi nghe cuối năm 74 từ Lam Sơn anh và anh Dân cùng được điều về Tiểu đoàn 92 Biên phòng ở Biên Hoà , chưa bao lâu thì anh bị thương, sau tháng 4/75 anh đi học tập cải tạo gần 2 năm, mãn hạn ra phải theo gia đình đi vùng kinh tế mới ; anh nhiều lần tìm cách vượt biên , bị bắt, ra tù lại tìm đường vượt biên, đến năm 87 mới qua được Mỹ . Anh cho biết, ba anh mất trong thời gian anh đang "hoc tập cải tạo", sau đó mẹ anh mất vì sốt rét ác tính khi ở vùng kinh tế mới, anh chỉ có một em trai nhưng cũng đã mất tích trong một chuyến vượt biên năm 82. Hiện anh đang việc ở Bộ Nông Nghiệp khá gần chỗ làm của tôi . Anh hỏi thăm về những người trong gia đình tôi và ngõ lời xin lỗi đã không tìm cách liên lạc lại gia đình tôi vì đinh ninh gia đình tôi không còn ở đó nũa ; anh hào hứng nhắc lại những mẫu chuyện nhỏ, những món ăn đặc biệt mẹ tôi nấu cho các anh vào những cuối tuần ... Nhưng khi anh nói đây là khoảng thời gian quý báu nhất trong cuộc đời anh, tôi chỉ cười cười không nói gì tỏ ra tôi không tin anh làm anh cụt hứng ! Tôi hỏi tại sao hơn 20 năm qua anh không trở về VN , anh có vẻ hơi xúc động khi trả lời anh rất muốn được ít nhất một lần trở về để thăm mộ ba má của anh nhưng những lần dự tính cuối cùng đều bị kẹt và huỷ bỏ . Tôi tò mò hỏi vì sao trong bao nhiêu năm như vậy mà vẫn "kẹt" ? Anh bảo cứ chuẩn bị đi thì mẹ già ở đây lại trở bệnh nên anh phải ở lại để chăm sóc . Tôi ngạc nhiên hỏi : "Ba má ruột anh đã mất ở VN , đây là mẹ vợ của anh hả ?".Anh lắc đầu cười bảo anh chưa hề có vợ và tôi thật sự bất ngờ khi anh nói đó là mẹ ruột anh Dân !!!
          Anh Việt cho biết ba anh Dân mất khi anh ấy còn nhỏ xíu, mẹ anh Dân ở vậy chăm sóc cho đứa con trai duy nhất. Anh Dân và mẹ di tản qua Mỹ vào cuối tháng 4/75. Năm 87 khi anh Việt qua được Mỹ, liên lạc với anh Dân ; hai mẹ con anh Dân đã cưu mang anh, tạo điều kiện cho anh đi học thêm, nhưng lúc anh đang học nửa chừng thì anh Dân bị mất do tai nạn, không lâu sau vợ anh Dần dẫn đưá con gần hai tuối đi mất ! Mẹ anh Dân đau buồn sanh bệnh, chỉ còn anh là người thân duy nhất bên cạnh bà và anh thay anh Dân chăm sóc người mẹ này từ đó . Hai mươi mấy năm qua , anh xem mẹ anh Dân như mẹ ruột mình. Tôi hỏi sao anh không cưới vợ để san sẻ buồn lo ; anh cười trả lời cô nào quen anh một thời gian rồi cũng ra điều kiện anh phải gởi mẹ anh Dân vào viện dưỡng lão, bà cụ rất sợ khi nghe nói đến Viện dưỡng lão và anh cũng không nỡ lòng khi thấy sự căng thẳng của bà nên thôi ; vì vậy riết rồi anh cứ sống vậy mà lo cho bà . Anh cho tôi địa chỉ và mời tôi khi nào thuận tiện ghé qua chơi.

 
          Hai tuần sau tôi mua ít bánh trái và nhờ con trai chở qua nhà anh Việt thăm mẹ anh Dần. Tôi thật xúc động khi thấy cảnh tượng anh cho bà ăn , bà như đứa trẻ ương bướng, vùng vằng khi thấy tôi vào nhà , hất văng thià cháo anh đang đưa đến miệng bà , nhưng anh vẫn từ tốn nhẫn nại và lễ phép ngọt ngào với bà. Người giúp việc nhà của anh cho tôi biết chỉ có một mình anh mới dỗ dành được bà, bà không muốn nói chuyện với bất cứ ai , nhất là với người lạ vì bà sợ họ sẽ dụ dỗ anh bỏ bà mà đi mất. Sáng nào trước khi đi làm cũng vào thăm hỏi chuyện trò với bà và chiều về là tự tay đút bà ăn; chờ đến khi bà ngủ anh mới làm việc riêng. Tôi thật sự kinh ngạc về sự chịu đựng của anh và thoáng có ý nghĩ có lẽ anh làm như vậy vì mưu đồ gì ? Gia tài chẳng hạn ? Nhưng sau đó tôi tự xấu hổ vế ý nghĩ này khi biết cô vợ của anh Dân đã giải quyết "gọn" căn nhà và số tiền ít ỏi trong tài khoản của anh Dân trước kia , còn căn nhà nhỏ này là của anh mua sau đó vài năm . Tôi không dám tới nhà anh nữa vì sợ sẽ gây cho bà cụ sự hoảng loạn do hiểu lầm về mối quan hệ của tôi và anh Việt .
          Thỉnh thoảng lại gặp anh trên tàu điện anh cho biết tình hình sức khỏe của bà cụ ngày càng tệ ! Với tôi bây giờ , anh đã trở thành một người đáng nể . Tôi nghe rất nhiều chuyện về những gia đình khi cha mẹ già, con cái đùn đẩy nhau và cuối cùng đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão. Tôi không dám có ý kiến gì về vấn đề này vì tuỳ điều kiện gia đình và tình hình sức khỏe, đưa người già vào viện dưỡng lão để được y bác sĩ chăm sóc thuốc men đàng hoàng và các cụ có bạn cùng lứa tuổi để chuyện trò là việc làm hoàn toàn không sai. Riêng anh, tôi cảm thấy thật ái ngại khi gần 60 tuổi vẫn sống độc thân chỉ vì muốn làm an lòng mẹ, mẹ của bạn mà anh chăm chút như mẹ ruột mình. Tôi cứ thắc mắc và rồi buộc miệng hỏi anh sao anh phải làm vậy ? Anh cười trả lời đơn giản vì anh đã hứa với anh Dân khi anh Dân trăn trối lúc hấp hối ! Tôi thần người ra, thời buổi bây giờ, biết bao nhiêu người vừa hứa hẹn điều này điều nọ với nhau, chỉ vì tí quyền lợi cá nhân, xoay lưng tích tắc, lời hứa bị gió cuốn bay cái vèo ! Còn anh , ôm giữ "gánh nặng" hơn hai mươi năm chỉ vì một lời hứa ... Tôi hết ý kiến !
          Giờ làm của tôi thay đổi lung tung, bữa sớm bữa trễ, hơn cả tháng sau mới gặp lại anh . Tôi kinh ngạc vì thấy anh gầy sộp đi ; anh cho biết anh cũng vừa đi làm lại sau một tháng lấy vacation để ở nhà chăm sóc mẹ anh Dân khi bà trở bệnh nặng phải nhập viện và cuối cùng bà đã qua đòi hơn một tuần trước. Tôi trách anh không cho tôi biết để thăm viếng nhưng chợt thấy mình mới là người đáng trách khi chưa bao giờ cho anh số phone để liên lạc. Chia buồn cùng anh nhưng lại mừng cho anh từ nay không còn vướng bận. Anh lặng yên không nói gì...

 
          Hai tháng sau tôi lấy phép về VN chơi 6 tuần , gặp cô bạn thân xinh xắn hiền lành nhưng không may cũng gãy gánh nửa đường ; tôi chợt nảy ý định làm mai cho anh để cả hai có thể chia sẻ buồn vui những tháng năm còn lại . Trở lại Mỹ, tôi háo hức mong gặp anh để giới thiệu cô bạn hiền của mình cho anh kết bạn , 1 tuần, 2 tuần...,1 tháng, 2 tháng... không gặp anh , tôi sốt ruột chạy qua nhà anh ; cửa khoá ngoài im ỉm ! Tôi nghĩ chắc anh đi vacation đâu đó nên tôi tự nhủ thôi ráng chờ anh về . Hai tháng sau đó nữa ngang qua nhà anh thấy mấy tờ giấy niêm phong trên cánh cửa ! Kinh ngạc và cảm giác bất ổn tràn đến , tôi chạy vội đến nơi anh làm việc mà anh đã cho tôi biết khi trước hỏi thăm tin tức về anh. Tôi không tin vào tai mình khi nghe họ bảo anh ấy bị đột qụy và mất đã 3 tháng rồi ! Tôi sững người và dường như mất hết mọi cảm giác ... Lúc này tôi chỉ mong là do tiếng Mỹ mình nói dỡ quá, người ta không biết mình hỏi ai và chắc chắn họ trả lời nhầm thôi, tôi mới gặp và chuyện trò với anh đó mà, lẽ nào...??!! Tôi cứ tần ngần đứng trong văn phòng của anh cho đến khi một người khác đến xác nhận lại anh Việt thật sự không còn nữa...
          Trên chuyến tàu trở về nhà, tôi nghĩ lan man về anh, về những mảnh ghép qua những lần trò chuyện với anh. Chợt nhớ có lúc anh nói thời gian anh từ Sài Gòn đi thụ huấn ở Dục Mỹ, hàng tuần ghé Nha Trang ở nhà tôi là khoảng đời qúy báu nhất của anh, lúc đó tôi không tin, bây giờ tôi tin anh nói thật, nhưng tất cả chỉ còn là quá khứ ... Anh đột ngột ra đi lặng lẽ khi còn rất nhiều dự tính chưa thành, ngay cả ước nguyện nhỏ nhoi chính đáng là được về nơi chôn nhau cắt rún để sửa sang bồi đắp phần mộ cha mẹ mình, anh vẫn chưa thực hiện được ! Tôi không biết song thân anh có trách anh hay không, nhưng chắc chắn lương tâm anh sẽ tự trách nếu anh bỏ mặc người mẹ của bạn mình đang rất cần anh trong cuộc sống thường nhật mà về bên người đã nằm yên dưới lòng đất. Tôi nghĩ không chỉ vì nhận sự giúp đỡ của anh Dân trong một hai năm mà anh Việt đã trả bằng suốt 25 năm tình nguyện chăm sóc một người già đau yếu triền miên quên cả hạnh phúc riêng của mình . Chắc hẳn do sự đậm sâu của tình bạn và hơn thế nữa do tinh thần trách nhiệm của một người lính được rèn luyện trong quân ngũ . Các anh đã có chung khoảng trời thiếu niên, có những kỷ niệm buồn vui ở quân trường, có những khoảnh khắc sống chết bên nhau... Thế nên dẫu cuộc đời thăng trầm chìm nổi, anh Việt vẫn là người lính như hàng vạn người lính khác, sẵn sàng ghé vai gánh lấy trọng trách mà đồng đội đã tin cậy uỷ thác !



          Đoàn tàu chạy, rồi ngừng rồi lại chạy... Bất chợt tôi nhớ lại chuyện ngày xưa còn bé khi tôi nũng nịu với ba mình, tôi bảo với ông sẽ ở bên ông suốt đời không đi đâu hết, ông đã cười và lấy một bài hát tiếng Pháp dịch cho tôi nghe, tôi không thể nhớ hết từng lời từng câu của bài hát, chỉ nhớ ý ba tôi nói cuộc đời giống như một chuyến tàu còn cha mẹ, anh em, vợ chồng, bạn bè , người quen... là những người đồng hành, trên chuyến xe cuộc đời này, những người đồng hành sẽ đi cùng một quãng đường dài ngắn khác nhau và rồi sẽ phải xuống ở những trạm khác nhau, sẽ có người ngồi lâu trên tàu, có người phải rời sớm; có khi người đồng hành gắn bó luôn giúp đỡ hoặc mang lại cho mình cảm giác yên bình, tưởng như mình không thể tồn tại nếu thiếu mất họ trong cuộc hành trình, vì vậy mình cứ muốn họ ở mãi bên cạnh, nhưng dù luyến tiếc thế nào họ sẽ phải xuống ở một trạm nào đó ; ngược lại cũng có người khiến mình khó chịu với cảm giác họ đã làm mình vướng víu nhưng dù muốn hay không mình phải ở bên họ cho đến khi một trong hai buộc phải rời tàu ; có người vừa thoáng gặp đã vội xuống ga , có người mình yêu thích muốn được tới ngồi bên nhưng đã có người khác chiếm chỗ, có những nhóm hành khách quây quần vui vẻ, cũng có những hành khách đơn độc lặng lẽ ...; trên chuyến tàu cuộc đời , không ai rõ khi nào người đồng hành và bản thân mình sẽ phải xuống ga, nhưng sớm hay muộn , tất cả đều phải xuống tàu vĩnh viễn... Tôi liên tưởng hình ảnh anh Việt lên đoàn tàu có mẹ con anh Dân, anh Dân phải xuống ga trước, anh Việt thay thế làm chỗ dựa cho mẹ anh Việt cho đến khi người mẹ già rời tàu, anh Việt lại âm thầm tiếp tục cuộc hành trình ngắn ngủi ...
          Tiếng còi tàu thỉnh thoảng vang lên chói tai... Tôi nhìn quanh mỗi sân ga khi đoàn tàu đi qua, nhìn từng hành khách trên tàu tìm bóng dáng quen thuộc của anh, người đồng hành thoáng gặp trên chuyến xe cuộc đời và cả trên tàu điện Red Line này... Vô vọng ! Anh đã xuống tàu tự lúc nào không báo trước ! Hôm nay là đầu tuần, tàu vẫn đông, không còn anh, dường như toa tàu trống hoắc, sân ga sâu hun hút, thênh thang chi lạ....

          4T.


.

Không có nhận xét nào: