2 tháng 7, 2013

Những mẩu chuyện thật ngắn đáng suy ngẩm

.



MẤT XE
          Nhà có hai chiếc xe đạp. Mẹ đi dạy hàng ngày phải chạy một chiếc. Còn lại một chiếc cho nó đi học đại học.
          Hơn hai năm đại học trôi qua, lối sống nhộn nhịp ở thành phố đã cuốn hút nó. Những quán nhậu, quán cà phê, quán bi da trở nên quen thuộc đối với nó.
          Một buổi tối nó đi bộ về nhà trọ. Mặt buồn xo. Hai đứa bạn cùng phòng đang học bài bật dậỵ “Xe mày đâu?”. “Mất rồi”. Để giáo trình lên bàn, nó nằm úp mặt vào gối, chẳng buồn nói chuyện. Hai đứa bạn lại gần vỗ về, an ủi.
          Cuối tháng nó về quê. Ba mẹ không mắng, chỉ buồn. Ngày đi, ba cho tiền. Nó nhét tiền vào bóp. Một tờ giấy mỏng chợt rơi xuống đất. Mẹ nhặt vội tờ giấy và trả lời thắc mắc của ba :”Hóa đơn thuốc của em, tháng trước em cho con tiền vô tình cái hóa đơn bị kẹp vào giữa xấp tiền, may mà còn”.
          Nó nhìn mẹ, hai dòng nước mắt lăn dài trên má. Ba đâu biết rằng, cái hóa đơn thuốc mà mẹ nói chính là giấy biên lai cầm chiếc xe đạp của nó.

ANH HAI
          Năm 18 tuổi, anh quyết định nghỉ học đi phụ hồ. Bố Mẹ giận dữ, mắng “ sanh ra.. giờ cãi lời bố mẹ… phải chi nó ngoan, siêng học như bé Út…”
          Anh lặng thinh không nói năng gì… Bố mẹ mắng mãi rồi cũng thôi. Anh đã quyết thế!
          Ngày bé Út vào Đại Học, phải xa nhà, lên Thành Phố ở tro. Anh tự ý bán đi con bò sữa – gia tài duy nhất của gia đình, gom tiền đưa cho bé Út. Biết chuyện, bố thở dài, mẹ lặng lẽ, bé Út khóc thút thít… anh cười, “ Út ráng học ngoan…”
          Miệt mài 4 năm DH, Út tốt nghiệp loại giỏi, được nhận ngay vào công ty nước ngoài, lương khá cao… Út hớn hở đón xe về quê…
          Vừa bước vào nhà, Út sững người trước tấm ảnh của anh trên bàn thờ nghi ngút khói… Mẹ khóc, “ Tháng trước, nó bị tai nạn khi đang phụ hồ…lúc hấp hối, biết con đang thi tốt nghiệp, nó dặn đừng nói con biết…”

ĐƯA ĐÓN
          Nội từ quê vào thăm, mang quà quê vào cho cháu, nào là bánh đa gạo nếp, có cả chục trái dừa khô.
          Thấy nội lỉnh kỉnh vất vả, con trách bố: Sao không đón nội. Bố bảo: Bận quá.
          Ngoại nước ngoài về thăm quê. Các cậu, dì thuê hẳn một xe ôtô đi đón. Bố cũng đóng cửa hàng nghỉ buôn bán vài hôm, để cùng đi đón ngọai. Bố bảo: Ai cũng có mặt, bố không đi ngoại trách. 


ĐÔI GIÀY
          Vào một ngày nọ, khi Gandhi bước lên tàu thì đột nhiên một trong hai chiếc giày ở chân anh bị rơi xuống đường tàu. Anh không thể lấy lại được nó nữa vì tàu đã bắt đầu chuyển bánh.
          Bỗng nhiên Gandhi từ từ lấy nốt chiếc giày còn lại ra và ném nó lại gần chiếc giày kia trước sự ngạc nhiên của các bạn đồng hành.
          Khi được hỏi tại sao lại làm như thế, Gandhi mỉm cười và nói: "Sẽ có một người nghèo khổ nào đó tìm thấy chiếc giày nằm trên đường ray và anh ta sẽ có cả một đôi giày để đi."

TÔ MÌ
          Em gái tôi rất thích ăn mì, nhưng hồi ấy nhà nghèo lắm, không phải thèm là ăn được.
          Có bữa ba đến trường rước nó về, hai cha con ghé lại xe mì đầu hẻm, ba kêu một tô mì, đẩy về phía nó : "Con ăn đi, ba no rồi !"
          Ăn xong, nó chợt nhìn thấy ba vét hết các túi mới đủ tiền trả tô mì .....
          15 năm trôi qua . Em tôi đã là một cô giáo. Hôm lãnh tháng lương đầu tiên về , nó cầm xấp tiền tần ngần hoài . Tôi hỏi :
          - Nhỏ định mua sắm gì đây ?
          - Em sẽ mua tô mì thiệt ngon để cúng ba !
          Rồi nó quay mặt hướng khác, giấu đi hai con mắt đỏ hoe .....

BÓNG NẮNG BÓNG RÂM
          Con đê dài hun hút như cuộc đời. Ngày về thăm ngoại, trời chợt nắng, chợt râm. Mẹ bảo:
          - Nhà ngoại ở cuối con đê.
          Trên đê chỉ có mẹ, có con
          Lúc nắng, mẹ kéo tay con:
          - Đi nhanh lên, kẻo nắng vỡ đầu ra.
          Con cố.
          Lúc râm, con đi chậm, mẹ mắng:
          - Đang lúc mát trời, nhanh lên, kẻo nắng bây giờ.
          Con ngỡ ngàng: sao nắng, râm đều phải vội ?
          Trời vẫn nắng, vẫn râm...
          Mộ mẹ cỏ xanh, con mới hiểu: đời, lúc nào cũng phải nhanh lên.

HÂN
          Hắn về quê cũ, chiếc Dylan quẹt thúng lúa đi ra từ ngõ vắng. "Đui à!", dáng khắc khổ lồm cồm ngồi dậy.
          Hân!!!
          Ngỡ ngàng.
          ......
          " Long cầm tiền đi, lên trên đó cố học nghề. Hân chờ..."

TIỀN CỨU TRỢ
          Lũ. Ba nhắn lên " ... Nhà ngập, con đừng về! "
          Mỗi tối, con cùng những người bạn trong đội công tác xã hội của trường cầm thùng lạc quyên vào các giảng đường, lớp học nhận tiền cứu trợ đồng bào miền Tây.
          Truyền hình vẫn tiếp tục đưa tin và hình ảnh lũ lụt ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có quê mình. Con số người và của cải mất mát cứ tăng dần. Con sốt ruột, nôn nóng.
          Hôm qua, cả nhà bác Ba kéo nhau lên ở tạm nhà chị Hai. Con sang hỏi thăm. Ra về, bác gái gởi cho con một gói mỏng và bảo: " Tiền cứu trợ, ba con gởi lên cho con đó! "


CHÀO
          Bố mẹ đi làm về. Bé gái miệng rất tươi:
          "Con chào bố mẹ ạ. Bố mẹ chào ông đi chứ?"
          Bố mẹ của bé lẳng lặng đi lên lầu.
          Chỉ còn lại ông và cháu, ông nói:
          “Cháu ạ, bố mẹ cháu quên mất điều ấy từ lâu rồi !”

ĐÀN ÔNG
          Tôi và anh đều có máu văn chương. Anh bảo tôi viết bài dự thi kể chuyện mới tình đầu của mình đi. Tôi hỏi anh:
          - Viết thật hay hư cấu?
          - Viết thật thì chỉ hay với mình thôi, phải thêm một xíu ngọt ngào và thơ mộng nữa chứ...
          Ngày hôm sau tôi đưa anh bản nháp. Anh đọc xong... lặng yên, không bình phẩm gì như mọi lần. Anh ghen!

ĐỢI
           “Mẹ ơi, sao bà hay ngồi ngoài cửa chiều chiều thế mẹ? Bà lãng mạn quá mẹ nhỉ!” Nó cười tít mắt, tưởng tượng vu vơ ở chân trời nào chả rõ.
          Mẹ chẳng nói gì, chỉ lặng im, lâu lâu lại ngẩn lên nhìn bà, mắt mẹ thoáng buồn, nó chẳng hiểu vì đâu…
          Sau đó nó biết ông khi xưa đi chiến trường không về, bà thì luôn bảo ông “chưa” về nên hay ra ngồi ngoài ngõ đợi.
          Có lúc nó dỗi bà, bảo bà không chơi với nó mà cứ ngồi đợi ông “Ông không về đâu, ông chết rồi!” Nó hét lên giận dữ, khóc thảm thiết. Bà vuốt má nó nựng nịu, rồi cõng nó vào trong.
          Mãi sau này, khi bà mất đi, mẹ kể nó nghe rằng: bà muốn đợi ông về, dẫn hồn ông đi kẻo lạc. Bà sợ năm tháng dài, mấy con ngõ trở thành lạ xa.
          Nó lặng im thẫn thờ, mắt thả về miên man… thấy nhớ bà vô hạn…
          Rồi chiều chiều, cũng tự khi nào không biết, nó ngồi trước hiên nhà, đợi bà ngang qua…

VÔ CAN
          Quốc lộ về đêm, hắn rải đinh rồi hắn vá bánh xe xẹp. Mưa, hắn bỏ về. Hai xe khác đang tìm nơi vá bỗng "Rầm..... Ree...ét". Một chiếc nữa ngã lăn, bé năm tuổi văng vào bánh xe tải.
          Người nguời rơi nước mắt. Hắn chẳng hay biết. Vô can.




RAU MUỐNG
          Ở Mỹ, viết thư về nó cứ bảo:
          "Mình thèm rau muống luộc chấm mắm nêm quá, ước gì!".
          Vừa rồi nó về, mình ra chợ mua một mớ rau muống ngon về luộc đãi nó.
          Nhìn đĩa rau muống nó bĩu môi:
          "Cậu ăn uống kham khổ thế à?".

LỜI NÓI DỐI
          Ngày đó nhà nghèo cha mất, mẹ tần tảo nhưng không đủ ăn. Để con có bữa ngon, mẹ gởi con về giỗ họ. Giữa đám cúng đông vui, chẳng ai đoái hoài, con bơ vơ lạc lõng... Về nhà mẹ hỏi con né tránh: "Dạ, vui! Cô bác mừng con...!!!".
          Lớn lên, con đi làm xa, tạm gọi là thành đạt. Ngày giỗ họ con về cùng con trẻ, mọi người vui gặp gỡ, chăm sóc đủ điều, từ miếng ăn, chiếc bánh...
          Về nhà nhìn ảnh mẹ con thấy lòng rưng rưng...

MÙA THI
          Ngày tôi thi tú tài, ba đạp xe hơn chục cây số, chờ tôi ngoài trường thi cả buổi, cốt để hỏi:
          - Con làm bài tốt không?
          Sợ ba nhọc lòng, tôi nói:
          - Ba chờ ngoài này, có khi con lại lo, không làm bài được.
          Buổi thi cuối, ra cổng không thấy ba, hỏi chú Bảy còi:
          - Ba con có đến không?
          Chú đưa tay chỉ cây bàng phía xa mươi mét bảo:
          - Ổng ở đằng kia, tao biểu đến ổng không chịu.

XA XỨ
          Em tôi học đến kiệt sức để có một suất du học.
          Thư đầu viết: "ở đây, đường phố sạch đẹp, văn minh bỏ xa lắc nước mình…"
          Cuối năm viết: "mùa đông bên này tĩnh lặng, tinh khiết như tranh, thích lắm…"
          Mùa đông sau viết: "em thèm một chút nắng ấm quê nhà, muốn được đi giữa phố xá bụi bặm, ồn ào, nhớ chợ bến xôn xao lầy lội… Biết bao lần trên phố, em đuổi theo một người châu Á, để hỏi coi có phải người Việt không…"


BÀN TAY
          Hai đứa cùng trọ học xa nhà, thân nhau. Lần vào quán nước, sợ tôi không đủ tiền trả em lòn tay xuống gầm bàn đưa tôi ít tiền. Vô tình đụng tay em... mềm mại.
          Ra trường, hai đứa lấy nhau. Sống chung, em hay than phiền về việc xài phí của tôi. Bận nọ tiền lương vơi quá nửa đem về đưa em... chợt nhận ra tay em có nhiều vết chai.
          Tự trách, mấy lâu mình quá vô tình.

NGHỀ CAO QUÝ
          Cô bé học giỏi nhất, ngoan hiền nhất. Chị tận tình chỉ dạy còn cô bé chăm chỉ học, cô-trò vô cùng tâm đắc. Chị hình dung đến một ngày cô bé đứng trên bục giảng.          Chị ướm thử :
          - Con có thích trở thành cô giáo không?
          Cô bé không ngần ngừ một giây, mạnh mẽ lắc đầu.
          Chị cảm thấy hụt hẫng. Sao cô bé lại dứt khoát đến thế? Nghề giáo vốn là nghề cao quý. Hay là...
          Nhìn lại cảnh nhà thanh bạch, chị thở dài.

NGÀY THI TRƯỢT
          Giọng bố run run khi báo tin anh trượt đại học. Mẹ thở dài não nuột, em chết lặng trong góc bàn, anh cổ nghẹn đắng giả vờ điềm nhiên đọc báo. Không ai khóc, cũng chẳng ai nói. Im lặng bủa vây tất cả, nhấn chìm mọi suy nghĩ vào hư không.


 
.

Không có nhận xét nào: