Hôm
nay là một ngày buồn, tôi về thăm lại nơi chốn tôi đã lìa đời hơn tám năm về
trước. Kia rồi, toà nhà cổ kính tường sơn màu vàng, nằm ẩn dưới những hàng cây
cổ thụ, cành lá xum xuê. Một bức rào sắt cao hơn đầu người vây quanh khu khuôn
viên rộng lớn. Phía trước, hai cánh cổng gỗ nặng nề chỉ đóng lại sau 9 giờ đêm,
ban ngày lúc nào cũng mở toang, thấp thoáng bóng người ra vào vội vã. Cổng được
gắn vào hai cái cột hình vuông, mỗi bên khắc một dấu thập đỏ. Trên cổng là một
tấm bảng lớn kẻ hàng chữ " bệnh viện sản phụ khoa " màu trắng nổi bật
trên nền sơn màu xanh lá cây. Phải, nơi đây là bệnh viện dành cho phụ nữ. Những
người đàn bà mang thai vào đây là để sanh con, hoặc để giết con. Có những em bé
may mắn được ra chào đời, và cũng có những em bé bị giết ngay khi còn trong
bụng mẹ, tôi là một trong những em bé xấu số đó.
Nơi
đây tám năm về trước, tôi đã bị chết một cách thê thảm. Người ta tàn nhẫn kéo
tôi ra khỏi bụng mẹ, vứt tọt vào trong một cái chậu. Dao kéo làm da tôi rách
một vệt dài, cú ném mạnh làm xương tôi gãy dập, tôi đau đớn quằn quại vài phút
rồi xuôi tay. Có nhiều tiếng nói lao xao:
- Thai
nhi coi trộng đến, chắc phải trên một kí.
- Ừ,
để trễ quá, lẽ ra phải hoá kiếp cho nó sớm hơn.
- Coi
xem trai hay gái?
- Con
gái… Ý da! nó chưa chết, xem kìa! tim còn đập…
- Kệ
nó mấy bà ơi! đừng nhìn, người nào nhìn sẽ bị nó bắt hồn đó.
- A di
đà phật, tụi mình không thù oán, đừng bắt các chị nghe bé?
Nhiều tiếng cười rúc rích, rồi tiếng một
người khác gắt khẽ:
- Làm
việc đi! trễ rồi...
Người
ta thản nhiên cười đùa, như đã quá quen với những cảnh này. Nằm trong cái thau
nhôm lạnh giá, tôi còn thoi thóp thêm một lúc nữa rồi mới ngưng thở, máu trong
người tôi chảy ra hết qua cái cuống rốn bị đứt lìa. Tôi thấy người nhẹ tênh và
tôi dập dềnh bay lên, người tôi như mọc cánh, một đôi cánh trong suốt, dần dần
tôi cũng trở nên trong suốt. Khi chết, người ta trở nên vô hình, nhưng vẫn nhìn
thấy cõi hữu hình. Tôi thấy mẹ tôi nằm trên băng ca đang được người ta đẩy tới
phòng hồi sinh, tôi thấy thân xác tôi nhỏ xíu, tím bầm, nằm trong cái chậu nhầy
nhụa máu cùng với lá nhau, vật thể nối liền giữa tôi và mẹ tôi, vừa được người
ta lấy ra từ cơ thể của bà. Tôi cũng nhìn thấy các cô y tá đang làm vệ sinh,
lau dọn, sửa soạn cho một ca mới, lại một em bé không may nữa…
Hàng
ngày có bao nhiêu em bé không may phải lìa đời một cách tức tưởi? những thân
xác bé bỏng đó sẽ bị thiêu hủy cùng với những đống thịt thối rữa được cắt lìa
khỏi những cơ thể bệnh hoạn hay gặp tai nạn: những cánh tay, cẳng chân, những
lá gan bầm tím, những khúc ruột xình thối, những cái bướu ung thư… Cái đống
thịt người đó bốc lên một mùi khăn khẳn, ai đi ngang cũng phải bịt mũi. Không
muốn chứng kiến thêm, tôi buồn rầu bay đi...
Thương
ơi! những bé thơ chết không một nấm mồ, linh hồn bé sẽ về đâu?
Không
biết đi về đâu, tôi lang thang chỗ này, chỗ kia. Đôi khi tôi len lỏi, trà trộn
vào những người sống, tôi đứng ngay cạnh họ mà họ không biết, nên vô tình họ đã
để lộ chân tướng. Lại có lần tình cờ nghe được câu chuyện của một nhóm người
đang bàn tán, âm mưu một việc làm phi pháp, tôi biết được những điều bí mật mà
người đời không biết...
Tôi
cũng thích ngao du đó đây, ngắm nhìn những cảnh đẹp. Có lần bay ngang một bãi
biển vắng, tôi dừng lại để nghe sóng vỗ, và tôi nhìn thấy một cặp tình nhân
đang hôn nhau. Họ còn trẻ lắm, cô gái chỉ chừng mười sáu tuổi, còn chàng trai
chưa tới hai mươi. Tôi đứng ngay sát bên họ, nhưng họ không nhìn thấy tôi, hai
người đang say mê ngắm cảnh hoàng hôn trên biển vắng, mặt trời từ từ chìm xuống
đáy nước, chàng trai thủ thỉ với cô bạn những lời tình tự âu yếm. Lắng nghe họ
nói chuyện, tôi mỉm cười, tình yêu sao mà đẹp quá, thơ mộng quá. Trời tối hẳn,
gió càng lúc càng mạnh, sóng vỗ vào ghềnh đá nghe ầm ầm, đôi tình nhân đứng
lên, nắm tay nhau đi về phía khách sạn ở gần đó, tôi theo sau họ, cách một
quãng ngắn. Dáng điệu ngây thơ, rụt dè của cô gái khiến tôi hiểu đây là lần đầu
tiên cô dấn thân vào một cuộc phiêu lưu nguy hiểm. Bây giờ họ đang đứng trước
một căn phòng ấm cúng, bên ngoài trăng tỏ, bên trong có ánh đèn mờ ảo, có nhạc
dìu dặt quyến rũ. Cô gái bỗng dừng chân nơi ngưỡng cửa, ngập ngừng không muốn
vào, tôi vội vã chen vào giữa hai người, ghé sát tai cô, khuyên nhủ:
- Phải đấy, đừng vào, vào đây sau này cô sẽ hối hận đó. Và tôi dục, về đi, về nhà ngay đi! cha mẹ cô đang chờ.
- Phải đấy, đừng vào, vào đây sau này cô sẽ hối hận đó. Và tôi dục, về đi, về nhà ngay đi! cha mẹ cô đang chờ.
Nhưng
cô ta vẫn đứng im, tôi bèn nói với cả hai:
- Hai
người trẻ tuổi ơi! tình yêu của tuổi học trò chỉ đẹp khi biết giữ cho trong
sạch. Nếu các người chưa sẵn sàng đi đến hôn nhân thì nên dừng lại đi! đừng
tiến xa hơn, đừng dẫm lên những vết chân lầm lỡ của cha mẹ tôi.
Tiếng
nói của tôi tan vào tiếng gió rì rào, chẳng ai nghe thấy gì hết, tôi cố gắng
nói lớn hơn, nhưng vô ích. Sau nhiều lần cố gắng nhưng không có hiệu quả, tôi
chán nản bỏ đi. Ký ức của tôi quay trở lại thời gian tám, chín năm về trước,
dạo đó cha mẹ tôi đều là những sinh viên rất trẻ, vừa mới đặt chân vào ngưỡng
cửa của trường đại học Y khoa, tương lai đầy hứa hẹn, nhưng con đường học vấn
còn dài. Họ đến từ hai thành phố khác nhau, gặp nhau nơi sân trường, rồi yêu
nhau. Họ yêu nhau ròng rã gần cả năm trời, tình yêu càng ngày càng khắng khít,
thân mật. Một đêm mưa gió, cha tới thăm mẹ nơi gác trọ, và ở lại không về…
Tôi
vào đời ngay đêm hôm đó, cả hai người đều không ai ngờ tới. Nằm trong bụng mẹ
êm ấm lắm, tôi thở bằng hơi thở của mẹ, tim tôi đập theo nhịp tim của mẹ, tôi
sung sướng lớn lên trong cái nôi êm ái đó. Tôi yêu mẹ, cảm thấy như có một sợi
dây thiêng liêng vô hình ràng buộc hai mẹ con. Còn trong bụng mẹ, mà tôi biết
hết, những lần cha mẹ tôi tắm biển, tôi như " ngửi " được mùi nồng
mặn của nước biển qua hơi thở của mẹ, tôi nghe thấy tiếng chim hót, tiếng sóng
rạt rào, và cảm nhận được những tia nắng ấm thấm qua làn da bụng mỏng manh của
mẹ. Những lần hai người dạo chơi trên những cánh đồng, ngắm phong cảnh đẹp, cha
âu yếm nói với mẹ:
- Em
xem kìa…
Tôi cố tưởng tượng ra bầu trời cao thăm
thẳm, những thung lũng bạt ngàn, những cánh đồng hoa dại, những con suối, ngọn
đồi xinh tươi, từng đàn chim trời… Nhưng không thể, bởi vì tôi chỉ là một thai
nhi, thị giác của tôi chưa phát triển, nhưng tôi biết thế giới này đẹp lắm, và
tôi nôn nao mong đợi cái ngày được ra chào đời.
Tôi được ba tháng, mẹ mới báo tin cho cha, tôi hồi hộp
chờ nghe xem ông nói gì, cha tôi không mừng như tôi tưởng, ông có vẻ lo lắng,
hai người tranh luận sôi nổi, rồi họ cãi nhau, cha nói:
- Anh
không muốn có con bây giờ, chưa phải lúc.
Im
lặng một hồi, tôi nghe mẹ khóc thút thít, rồi tiếng cha tôi cất lên, thật nhỏ:
- Bao
lâu rồi?
- Ba
tháng.
- Ba
tháng cơ à? sao không cho anh biết sớm hơn?
- Tại
em muốn chắc chắn rồi mới báo cho anh. Mới có kết quả thử nghiệm hôm qua.
-
Không sao, cũng chưa muộn, còn kịp.
- Kịp
làm cái gì cơ? Mẹ hỏi giọng run run.
- Phải
hủy nó đi chứ làm gì nữa?
- Phá
thai à?
Mẹ kêu
lên sợ hãi, tôi cũng đứng tim trong vài giây, cha định giết tôi ư?
- Tàn
nhẫn quá! Mẹ nói.
- Bây
giờ nó chưa phải là một đứa bé. Cha nói giọng thản nhiên, như ông vẫn thản
nhiên đo đạc, mổ xẻ những xác chết ngâm formol trong cơ thể học viện, nó mới
chỉ là một bọc nhầy dài chừng 5 phân, nặng 100 gram, to bằng và trông cũng
giống như cái trứng vịt lộn…
- Im
đi, thứ người không tim!
Những
ngày sau đó, họ vẫn tiếp tục cãi nhau. Mẹ khóc lóc, còn cha thì hết năn nỉ đến
giận dữ, rồi lại thuyết phục:
- Có
con bây giờ, anh hoặc em sẽ phải nghỉ học. Chẳng lẽ bao nhiêu công khó của
chúng ta trước đây để qua kỳ thi tuyển, bây giờ phải đổ sông, đổ biển hết chỉ
vì một đứa bé? Còn nữa, lấy tiền đâu ra để nuôi nó? chúng ta đều là những sinh
viên chưa ra trường, đâu có nghề nghiệp gì trong tay?
Mẹ cúi
đầu thở dài, nét mặt buồn xo, tôi hoảng lên:
- Mẹ!
nói gì đi chứ? chẳng lẽ mẹ cũng đồng ý giết con?
-
Không! dù thế nào đi nữa em cũng nhất định sẽ giữ nó. Mẹ chống đỡ một cách yếu
ớt, trời sinh voi, sinh cỏ, có ai chết đói bao giờ? gì chứ việc làm lương thấp,
tìm đâu chẳng có?
- Tùy
cô! Cha bắt đầu nổi nóng, nếu cô muốn tự ý quyết định thì cứ việc lo lấy.
Cha giận dữ bỏ đi, mẹ nhìn theo oán hận, bà
khóc cạn cả nước mắt. Những ngày sau đó, mẹ sống trong lo sợ, phập phồng, đau
khổ làm bà mất ăn mất ngủ, ốm nghén làm mẹ gầy sút đi. Qua ba tháng, tôi lớn
nhanh lắm, bụng mẹ bắt đầu đội áo, mẹ xấu hổ, cố lánh mặt mọi người, tinh thần
bà sa sút lắm rồi. Mấy tuần sau, cha trở lại, hạ một chiêu cuối cùng:
- Em
muốn bỏ tương lai là một bác sĩ giàu sang, danh vọng để đổi lấy địa vị của một
người lao động hạng bét thì tùy em. Nhưng còn danh giá gia đình nhà em, làm sao
cha mẹ em chịu nổi tai tiếng khi có cô con gái không chồng mà chửa hoang?
- Sao
chúng mình không làm đám cưới? Anh vẫn nói rằng anh yêu em, thề thốt sẽ cưới em
làm vợ, và em đã tin anh… Đứa con này là kết quả tình yêu của chúng mình...
-
Không, nó là kết quả của sự lầm lỡ thì đúng hơn. Chúng ta chưa đủ điều kiện để
kết hôn. Thôi, bỏ đi đừng tiếc, một đứa con thì có khó gì? sau này, khi ra
trường, chúng mình sẽ làm đám cưới, lúc đó em muốn mấy đứa mà chẳng được?
Mẹ có
vẻ xiêu lòng, bà thôi không chống đối nữa. Thế là số phận của tôi đã được định
đoạt: tôi phải chết! Tôi sắp bị giết, một việc giết người hợp pháp, không bị
pháp luật kết án, nhưng còn lương tâm? Trời ơi! lương tâm người ta để đâu?
Người ta sửa soạn cho cái chết của tôi nhanh nhẹn lắm,
vì tôi đã được hơn bốn tháng rồi, càng để lâu, việc giết người sẽ càng khó khăn
hơn. Chỉ một tuần sau, nhà thương đã cho mẹ một cái hẹn… Tôi cố phản kháng bằng
những cái đạp thật mạnh trong bụng mẹ, nhắc nhở cho bà biết rằng tôi đã là một
sanh linh, một con người, và tôi đòi quyền được sống. Nhưng sức tôi yếu lắm,
tôi chỉ là một thai nhi mới hơn bốn tháng, những cái đạp của tôi chỉ làm bụng
mẹ hơi rung nhẹ, nhưng bà cũng cảm thấy. Mẹ thở dài, đưa tay xoa bụng, bà cúi
xuống thì thầm với tôi:
- Mẹ
xin lỗi con, mẹ không còn cách nào khác. Con hãy tha thứ cho mẹ.
-
Không! Tôi hét lên, giết người thì không thể tha thứ, con sẽ không tha thứ cho
cả cha lẫn mẹ.
Rồi
tôi nức nở, và tôi lạy lục, kêu van:
- Con
không muốn chết… lạy mẹ, xin đừng giết con!
Nhưng
những lời van xin của tôi đều vô ích, người ta coi danh giá gia đình, địa vị
sang giàu quí hơn mạng người. Mọi công việc đã được xếp đặt, nhà thương là đoạn
đầu đài của tôi. Ngày hẹn, cha trốn biệt, mẹ tự đến nhà thương một mình, càng
tới gần, bà càng đi chậm lại, còn tôi thì không ngừng kêu thét:
- Mẹ,
quay lại đi! Đừng vào, van mẹ đừng vào…
Nhưng
bà vẫn chệnh choạng bước tới, qua cái sân rộng là tới căn phòng nạo thai, căn
phòng sát nhân kinh tởm, đoạn đường chỉ một quãng ngắn, nhưng sao mẹ thở dốc?
Sợ hãi hay hối hận làm bà chùn bước? Mẹ lê từng bước một cách khó nhọc, cứ vài
bước, bà lại ngập ngừng, và mỗi lần như vậy tôi lại hy vọng, để rồi thất vọng
và sau cùng là tuyệt vọng khi tôi nhìn thấy căn phòng màu vàng: mẹ đã đưa tôi
tới nơi, tới chỗ tôi sẽ bị giết!
Bất
thình lình, hai cánh cửa mở toang, bên trong lố nhố những người áo trắng. Hai
cô y tá chạy ra đón, nắm tay dẫn mẹ vào bên trong, bà đi theo họ như một người
máy, mắt bà ráo hoảnh, giọt nước mắt đọng trên đó đã khô tự bao giờ, bà cúi gằm
mặt không nhìn ai cả. Bác sĩ bảo mẹ nằm lên bàn mổ, trong lúc ông sửa
soạn đeo găng tay, tôi quẫy lộn trong bụng mẹ, thét lên kinh hoàng:
- Dừng
lại! hãy dừng ngay công việc giết người lại! Van các người cho tôi được sống!
Nhưng
bác sĩ đã chụp thuốc mê cho mẹ rồi. Mẹ mê, nhưng tôi vẫn tỉnh, tôi nhìn thấy
dao kéo sáng loáng, và tôi sợ hãi co rúm người lại, thét lên kinh hoàng khi
thấy những dụng cụ đó thò vào… Từ cái sống qua cái chết kinh khủng lắm, đau đớn
lắm, tôi không muốn nhắc đến, nhưng không bao giờ tôi quên được tôi đã chết như
thế nào.
Trong
cõi siêu hình, tôi nhập bọn với những linh hồn vừa mới lìa đời, hoặc chưa siêu
thoát như tôi, lang thang khắp đó đây. Tôi vào chùa, vào nhà thờ, trường học,
tôi ngồi cạnh mấy đứa học trò, chẳng ai nhìn thấy tôi, tôi vào cả rạp hát, đi
lẫn vào đám đông...
Một
buổi xế chiều, tôi vào chơi nghĩa trang. Con đường đất đỏ ngoằn ngoèo tung bụi
mờ mịt mỗi khi có cơn gió lớn, những đám lá khô đuổi nhau nghe xào xạc, hai
hàng cây dương liễu đứng phơi mình, ủ rũ trong ráng chiều. Mặt trời đã ngả về
tây, ánh nắng nhạt của một ngày sắp tắt chiếu phớt trên những mồ mả chập chùng,
đổ bóng những hàng bia mộ thành những vệt dài song song trên mặt đất, nghĩa
trang về chiều mang một vẻ buồn thê lương. Tôi nhìn thấy một đám người đứng xúm
xít quanh một cái mả vừa mới đắp, đất vẫn chưa khô, những cây nhang cắm trên mả
còn đang tỏa khói. Thân nhân đang sửa soạn ra về, mắt người nào cũng đỏ
hoe và đầu thì chít khăn tang. A! thì ra đây là một đám ma vừa mới chôn. Phủ
trên nấm mộ, cơ man nào là hoa, nhiều hoa quá, tôi tự hỏi người này lúc còn
sống chắc được nhiều người yêu mến, nên lúc chết được nhiều vòng hoa tiếc
thương? hay chỉ vì gia đình giàu có nên làm đám ma lớn? làm sao tôi biết? Người
nhà có đám tang đã ra tới cổng, còn tôi thì đi ngược đường với họ, vào sâu bên
trong. Lác đác đó đây vài nấm mộ cũng có hoa tươi, chứng tỏ vừa mới được người
nhà thăm viếng. Tôi có thể phân biệt nấm mộ nào được chăm sóc kỹ lưỡng, nấm mộ
nào bỏ hoang, cỏ dại mọc um tùm… Có những lăng mộ xây cất cầu kỳ, trái lại cũng
có những cái đơn giản chỉ là một tấm xi măng hình chữ nhật, một đầu có dựng cây
thánh giá. Tôi thở dài, đơn giản hay cầu kỳ, thì ngưòi nằm dưới đó cũng sẽ trở
thành cát bụi, chẳng ai còn đó mãi để ngắm mộ của mình.
Trời
đã tối hẳn, màn đêm đang buông xuống bao phủ cảnh vật, giờ này những người đi
thăm mộ đã ra về hết, nghĩa trang vắng vẻ không một bóng người. Tôi đi len lỏi
giữa những nấm mộ, ngước nhìn lên bầu trời tím đậm, những vì sao lấp lánh như
kim cương, ông trăng mới nhô lên khỏi ngọn cây, mặt trăng xanh xao toả ánh sáng
bàng bạc xuống trần gian. Rồi tôi cúi xuống, nhìn những xác chết ở sâu dưới đáy
mộ. Cái xác mới chôn, da thịt xình thối nhưng chưa rữa, khăn liệm còn nguyên
màu trắng toát. Những xác chết lâu năm trông đều từa tựa như nhau: cũng bộ
xương màu xám, cái đầu lâu với hai hốc mắt sâu hoắm, hàm răng nhe ra nhăn nhở…
tất cả ngập trong một thứ nước bùn đen, lúc nhúc ròi bọ. Tôi nhìn thấy một cái
xác có chùm tóc dài dính bết thành từng nạm… cơ thể con người, xương và tóc là
những thứ lâu tan rã nhất. Bộ tóc dài chứng tỏ xác người là một phụ nữ, người
này xưa kia lúc còn sống là một mỹ nhân hay là một cô gái xấu xí? làm sao biết
được? Tôi thử tìm xem xác nào là xác trí thức, xác nào là xác người ăn mày?
không có gì khác biệt cả. Rồi tôi tìm xem xác nào giàu, xác nào nghèo? cũng
chịu, không thể phân biệt. Khi chết, mọi người đều bình đẳng như nhau, mọi thứ:
giàu sang, phú quí, danh vọng, bạc tiền lúc còn sống, chỉ là phù vân, khi chết
không ai mang theo được gì. Thế mà lúc sống, người ta mưu mô tranh dành, xâu xé
lẫn nhau, thậm chí đôi khi gây ra tội ác cũng chỉ vì những thứ phù vân đó.
Như
cha tôi chẳng hạn, ông sẵn sàng đạp đổ mọi chướng ngại vật trên đường đi, để
đạt tới mục tiêu tối thượng của ông là giàu sang, danh vọng. Và ông đã đạt
được, bây giờ ông sống trong phú quí, bạc tiền, nhưng không thanh thản, vì lòng
tham không dừng tại đó, cứ thúc đẩy bắt ông phải tiến tới mãi. Cả đời vất vả
bon chen, tâm trí không lúc nào thảnh thơi cũng chỉ vì những của phù vân không
đáng gì, thật tội nghiệp. Tôi quên nói, vợ của ông bây giờ không phải là mẹ
tôi. Sau biến cố đó, hai người xa nhau, chỉ ít lâu sau, cha tôi cưới vợ là một
cô gái con nhà giàu. Mẹ tôi hận người yêu bội bạc, bà ốm liệt giường, gần như
điên loạn một thời gian dài. Khi bình phục, bà chẳng còn nhớ những gì trong quá
khứ, cũng tốt thôi, để bà khỏi đau khổ vì dĩ vãng buồn. Rồi mẹ xuống tóc đi tu,
mặc áo nâu xòng, mượn câu kinh, tiếng kệ tìm sự bình an cho tâm hồn, bà lánh xa
cõi tục, quên đi những hệ lụy của cuộc sống…
Tôi
thở dài, không muốn nghĩ ngợi thêm nữa. Đêm đã khuya lắm, giun dế, côn trùng
đang cùng nhau trỗi giọng đồng ca. Trên cao trăng sáng vằng vặc, thoảng trong
không gian có mùi hương của hoa nhài, hoa nguyệt quế… một đêm thật yên tĩnh,
thật đẹp, nhưng cũng thật buồn cho những kẻ bơ vơ. Tôi bay là là trong ánh
trăng, ngắm những quả cầu lửa bay lởn vởn trên những ngôi mộ, đó là những đốm
lân tinh bốc lên từ xương người rữa mục, gặp lạnh thì phát sáng. Người ta gọi
đó là ma trơi, không ai dám vào nghĩa trang lúc ban đêm cả, người ta sợ ma, sợ
người chết. Nghĩ cũng lạ, những người nằm đây, lúc sanh tiền ai cũng có gia
đình, có người thân yêu cùng sống chung dưới một mái nhà, cùng ăn, cùng ngủ,
cùng mưu sự những việc riêng, thế mà khi chết đi, người nhà lại sợ? thật là khó
hiểu…
Một
chiếc lá rơi làm tôi cắt dòng suy nghĩ, tôi ngẩng lên, bất chợt trông thấy một
cô bé tóc vàng có đôi cánh màu hồng rất đẹp, đang ngồi ca hát trên một nấm mộ,
cô ngồi đây từ lúc nào, tôi không để ý. Cô còn bé lắm, chắc chưa được hai tuổi
đâu, nhưng so với tôi, một thai nhi mới gần năm tháng, thì cô lớn hơn nhiều.
Thấy tôi, cô mỉm cười, vẫy lại gần:
- Lại
đây bé ơi! chị tên Emily, còn em tên gì?
- Em
không có tên. Tôi nói.
- Tại
sao thế? Cô tròn xoe đôi mắt xanh biếc nhìn tôi ngạc nhiên, ai cũng phải có một
cái tên để gọi chứ?
-
Nhưng em không có. Tôi buồn bã nói, vì em chưa được sanh ra.
Cô bé
lúc lắc cái đầu tóc quăn, tỏ vẻ không hiểu, tôi hỏi:
- Chị
từ đâu tới đây?
- Chị
ở trên trời, hôm nay về thăm gia đình, vì là ngày giỗ của chị, rồi chị ra đây
chơi…
- Ngày
giỗ là ngày gì hả chị?
- Là
ngày kỷ niệm một người thân đã qua đời. Gia đình tụ họp nhau lại, thắp nhang để
tưởng nhớ và cầu nguyện cho người chết.
Thế ư?
tôi chết đã tám năm rồi, mà sao chẳng ai nhớ và cầu nguyện cho tôi? cũng chưa
bao giờ có ai thắp cho tôi một nén nhang, hoặc đốt cho tôi một ngọn nến. Người
ta đã quên chuyện cũ, mà họ coi là một biến cố rất nhỏ.
Cuộc
sống bận rộn, người ta mải lo cơm áo, mải lo hưởng thụ, có ai dư thì giờ nghĩ
đến những đứa bé vô tội đã chết dưới tay họ khi chưa được ra chào đời? có lẽ họ
cũng chẳng còn nhớ những gì họ đã làm. Thấy tôi đứng ngẩn ngơ, chị Emily hỏi:
- Bao
giờ em mới về trời?
- Em
cũng không biết nữa.
Nói xong, tôi từ giã chị, bay đi. Đã quá
nửa khuya, ông trăng biến đâu mất, sương xuống ướt đẫm cỏ cây, một con chim vạc
bay ngang cất tiếng kêu ảo não. Giờ này mọi người còn đang say giấc điệp, tôi
bay lập lờ trong sương đêm, cũng chẳng biết về đâu. Đêm tàn dần, nơi chân trời
phía đông vừa ló lên vài tia sáng yếu ớt, bầu trời từ từ hừng sáng, một ngày
mới lại bắt đầu…
Những
khi buồn, tôi thường hay đi tìm bạn, bạn bè của tôi đa số là những đứa bé đồng
cảnh ngộ như tôi, chúng tôi họp thành từng đoàn vất vưởng, lang thang, tìm
những nơi có nhang đèn, cúng kiến để hưởng chút hơi ấm. Đêm Giáng sinh, chúng
tôi theo mọi người đi xem lễ. Nhà thờ đông và vui, tôi nhìn thấy tượng Chúa hài
đồng nằm trong máng cỏ, vây quanh là Đức Mẹ đồng trinh và các Thánh, lại có cả
những kẻ chăn cừu… Trên cao, bầu trời đầy sao lấp lánh, những thiên thần có đôi
cánh trắng bay luợn, hát mừng Chúa giáng sinh ra đời. Trong nhà thờ, cha xứ mặc
áo lễ, và ca đoàn nhà thờ đã sẵn sàng cho thánh lễ nửa đêm, con chiên quì chật
kín trên những hàng ghế. Tiếng thánh ca và tiếng kinh cầu vang lên, không khí
có vẻ thiêng liêng quá, chúng tôi cũng quì xuống cầu nguyện:
- Lạy
chúa Jesus là đấng cứu thế, lạy mẹ Maria nhân từ, xin cứu rỗi linh hồn chúng
con. Amen!
Tự
dưng tôi bỗng thấy lòng dịu lại, thanh thản lạ thường, tiếng kinh cầu hay phép
màu nào đã làm tan đi băng giá trong tim tôi? cho tôi cảm giác ấm áp như vừa
được an ủi, vỗ về. Tôi ngước nhìn lên, tượng mẹ Maria sáng toả hào quang, tay
Mẹ dang ra như đang ban phước lành cho chúng sinh, một niềm tin bỗng dâng lên,
tôi xúc động, kính cẩn cúi đầu tạ ơn Mẹ.
Sau
mùa Giáng sinh, người ta sửa soạn đón Tết. Đêm nay là đêm cuối năm, đêm xum họp
của tất cả mọi người trong gia đình, nhà nào cũng đèn nến sáng choang, bàn thờ
nghi ngút khói hương. Mọi người tề tựu đông đủ, chờ đón giao thừa, chắc không
ai biết có những linh hồn trẻ thơ vất vưởng, lang thang không biết về đâu. Rồi
tiếng pháo giao thừa nổ vang, đồng loạt với những tiếng chuông chùa, chuông nhà
thờ dồn dập đổ, tiễn năm cũ, đón mừng năm mới, người ta hân hoan chúc tụng lẫn
nhau. Ngày đầu năm, thiên hạ đi nhà thờ, đi lễ chùa đông nườm nượp, cầu nguyện
mọi sự tốt lành cho năm mới.
Xin
mọi người hãy dành ít phút để cầu nguyện cho chúng tôi, những đứa bé xấu số,
khát khao mong được ra chào đời, nhưng không được toại nguyện nên còn vương vấn
mãi cõi trần. Xin cầu nguyện cho chúng tôi sớm được siêu thoát về cõi vĩnh
hằng, và xin hãy dừng lại việc giết những thai nhi vô tội. Mong lắm thay!
PHƯƠNG
LAN
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét