20 tháng 8, 2013

BÀI HỌC TỪ CHIẾC KHĂN ĂN

.



          Năm đó mẹ tôi là sinh viên năm thứ ba của một trường đại học lớn của tiểu bang. Mẹ tôi là sinh viên thuộc loại giỏi, và ước nguyện duy nhất của mẹ là trở thành giáo viên dạy cấp III. Thế rồi có nhiều biến cố xảy ra, cộng thêm vô số lý do quan trọng khác ập đến khiến mẹ tôi phải bỏ dở việc học. Năm năm sau, mẹ tôi sang ngang, lấy chồng (tức là ba tôi), và rồi sinh ra một ả thị mẹt là tôi. Mang tiếng từ bỏ ngành sư phạm, nhưng mẹ tôi không hoàn toàn gạt phắt nó ra khỏi cuộc đời bà.
          Khi tôi bắt đầu có trí khôn, mẹ tôi tìm cách biến việc học hành thành một niềm vui bất tận. Bất cứ công việc gì chúng tôi làm cũng dựa trên sự trao đổi tích cực giữa hai bên, dù lúc đó chúng tôi đang nấu ăn, đang giặt giũ quần áo, hay đang lang thang trong thư viện với nhau... Hồi nhỏ tôi rất ít xem T.V, không phải vì tôi không được xem, mà vì ngồi viết những câu truyện ngắn với mẹ tôi có vẻ thú vị hơn. Thuở đó, tiền bạc trong gia đình tôi rất ít ỏi, nhưng sách vở, tiếng cười và những cái ôm hôn thì tôi không bao giờ cảm thấy thiếu.
          Lên năm tuổi, tôi mới bắt đầu học lớp Lá. Tôi nhớ mình thích thú lắm, nhưng cũng sợ hãi không kém. Trong ngày đầu tiên, suốt giờ ăn trưa tôi chỉ ngồi im như thóc, xúc cơm đưa vào miệng như cái máy. Nhưng khi mở hộp nhựa đựng hai quả chuối tráng miệng ra, tôi tìm thấy một dòng chữ mà mẹ tôi nắn nót viết trên chiếc khăn ăn. Dòng chữ nói rằng mẹ tôi yêu tôi, bà rất tự hào về tôi, và tôi là một học sinh lớp Lá giỏi nhất thế giới! Nhờ có dòng chữ trên chiếc khăn tay, tôi đã qua được ngày đầu tiên của lớp Lá... và rất nhiều ngày học tiếp theo...
          Kể từ đó, tôi thường xuyên nhận được những dòng chữ viết trên chiếc khăn ăn.
          Ở cấp I, khi tôi đánh vật với những công thức toán, thì dòng chữ trên chiếc khăn ăn động viên rằng: “Cố lên, con ơi! Con có thể làm được mà! Đừng quên con là một văn sĩ có hạng đấy!”
          Ở cấp II, khi tôi là một “ma mới” với mái tóc quê mùa và đám mụn lấm chấm trên mặt, thì dòng chữ trên chiếc khăn ăn nhắn nhủ rằng: “Cứ thân thiện với mọi người. Đừng sợ hãi nhé. Con nhỏ ngồi bên cạnh con sẽ rất may mắn khi có con là đứa bạn thân nhất của nó!”
          Ở cấp III, khi đội tuyển học sinh giỏi của chúng tôi được xếp hạng nhất toàn thành, thì dòng chữ trên chiếc khăn ăn khuyên bảo tôi rằng: “Không hề có “cái tôi” trong đội tuyển. Có được thành tích như ngày hôm nay đó là vì con biết cách chia sẻ với bạn bè”.
          Và không chỉ có thế, dòng chữ trên chiếc khăn ăn còn theo tôi vào trường đại học, dẫu lúc đó mẹ tôi đang sống tại một nơi xa lắm. Trong suốt chặng đường đời, tôi đã thay đổi rất nhiều điều – thay đổi chuyên ngành, thay đổi bạn trai, thay đổi quan niệm sống – nhưng có một điều tôi không bao giờ thay đổi, đó là lời động viên, an ủi, nâng đỡ của mẹ tôi qua những dòng chữ viết trên chiếc khăn ăn.
          Đứa em gái kế của tôi mười chín tuổi, là sinh viên năm thứ hai của trường đại học. Đâu đó trong căn phòng ký túc xá của nó, giữa những bộ đồng phục thể thao và mớ sách vở, nó cất kỹ một cái hộp nhựa nhỏ đựng những cái khăn ăn với dòng chữ viết nắn nót trên đó. Ở nhà, đứa em gái mười sáu tuổi và đứa em trai chín tuổi cũng có một đống khăn ăn với dòng chữ nhắn nhủ của mẹ tôi. Khi tụi nó mở khăn ăn ra và đọc dòng chữ viết trên đó, tôi biết tụi nó có cùng một cảm giác về lòng tự tin mà tôi đã từng có trong suốt những năm ngồi ghế nhà trường.
          Mùa Giáng Sinh năm nay, mẹ tôi nhận được một học bổng toàn phần của trường đại học Sư Phạm. Món quà cho thấy sự thay đổi sắp xảy ra trong cuộc đời bà. Cuối cùng, sau ba mươi năm đứt đoạn, người mẹ năm mươi mốt tuổi của tôi sẽ quay trở lại trường để lấy cho được tấm bằng sư phạm. Mặc dù rất tự hào về sự kiên trì, bền bĩ, theo đuổi giấc mơ của mẹ tôi, tôi muốn bà biết rằng, không cần phải có tấm bằng đó, bà vẫn là một giáo viên ưu tú nhất đối với bốn chị em chúng tôi.
          Thế là tôi tặng mẹ một món quà trong ngày bà nhập học: Hộp nhựa đựng đầy món ăn mà bà thích nhất. Mẹ tôi bật cười khi mở nắp hộp nhựa, giơ cao những bịch bánh snack thơm phức. Rồi bà chợt nín cười và cầm lên chiếc khăn ăn với dòng chữ nắn nót viết trên đó.
          Khi mở đôi chiếc khăn ăn, đọc nét chữ của tôi: “Con biết mẹ có thể làm được mà!” nước mắt bắt đầu ràn rụa trên đôi má bà. Khi ánh mắt của hai mẹ con tôi chạm vào nhau, tôi biết bà hiểu được một thông điệp không thành lời của tôi, đó là: Mẹ ơi, mẹ biết không, mẹ luôn là một cô giáo giỏi của chị em chúng con...

          Nguyen Thi Bich Ngoc biên dịch




.

Không có nhận xét nào: