28 tháng 2, 2017

Sống càng bao dung thì gia đình càng hạnh phúc ấm êm

          Các thành viên trong gia đình càng bao dung nhau thì cuộc sống càng hạnh phúc. Vợ chồng càng bao dung nhau thì tình cảm càng mặn nồng. Hàng xóm láng giềng càng bao dung nhau thì cộng đồng sống ngày càng tốt đẹp. Bạn bè bao dung nhau thì mối liên kết thân thiết càng lâu dài. Đồng nghiệp bao dung nhau, sự nghiệp càng thuận lợi.
  

          Cuộc sống sinh hoạt không phải chiến trường nên không cần tranh giành phân cao thấp. Người với người hiểu nhau nhiều hơn sẽ bớt đi sự hiểu lầm, tâm liền tâm sẽ giúp tăng thêm phần bao dung và bớt đi sự phân tranh.
          Kỳ thực, bao dung càng nhiều thì cuộc sống càng vui vẻ, những thứ tốt đạt được càng nhiều.
          Con người thường nhìn vào những thứ vật chất trước mắt mà lo được lo mất, không muốn dùng ánh mắt của mình cùng nhận thức để tìm hiểu xem mình có bao nhiêu phần bao dung.
          Đừng nói xấu sau lưng người nào đó nếu không muốn mình cũng bị nói xấu như thế. Trên đời, không chỉ người mắc lỗi bị nói xấu mà càng là người tài giỏi xuất sắc lại càng bị ghen ghét nhiều hơn. Tất cả sự vật thế gian đều bị người bình luận huống chi một con người.
  

          Bớt nói một chút không chỉ không mất gì mà còn đạt được điều tốt đẹp gấp 3 lần.
          Một số việc yêu cầu chúng ta phải nhẫn nại không được phẫn nộ. Một số việc cần chúng ta nhún nhường, không cần truy cứu. Nói bớt đi không chỉ không có thiệt thòi gì, nó còn giúp người đó đạt được gấp 3 lần. Nước sâu sẽ tĩnh, người hiểu biết sẽ ít nói. Làm người nên học lấy đức tính điềm đạm, học lấy bớt nóng tính và bất mãn.
          Làm người, nên học lấy cách thể hiện biết một nửa và cầu học một nửa. Mọi việc không nên thể hiện quá tinh tường, quá giỏi sẽ khó có đường đi. Đối với mọi người không nên cứng nhắc, bởi cứng nhắc sẽ không đạt kết quả. Biết nhường một chút con đường rộng lớn sẽ lộ ra. Biết bao dung, con đường càng rộng mở.
Mọi việc không nên cầu hoàn hảo mà chỉ cầu tận tâm làm hết khả năng của mình, bởi ba phần dựa vào vận mệnh, bảy phần dựa vào bản thân.
  

          Khi đắc ý không nên tự mãn, thất bại không nên nhụt trí, hoa nở rồi cũng đến lúc phải tàn, con người rồi cùng già đi. Do đó chúng ta không cầu mọi việc như mình mong muốn mà chỉ cầu có thể tân tâm làm hết trách nhiệm.
          Người bị tổn thương vẫn mỉm cười là người có tấm lòng bao dung. Khi bị nhục mạ, người đó có thể làm ngơ coi như không có thì người đó có trí tuệ siêu phàm. Nhẫn không phải là nhu nhược, mà là tha thứ. Lùi bước không phải là không thể đi mà là thể hiện của cảnh giới nội tâm rộng lượng. Xem mọi thứ nhẹ nhàng đạm bạc thì chính là đang tự tại.

          Sưu Tầm



.

27 tháng 2, 2017

Tính Toán & Đau Khổ

Tính toán quá nhiều sẽ thành vướng mắc, si mê quá lâu sẽ trở thành đau khổ
  

          Nguồn gốc của phiền não nằm ở chính mình
          Tức giận, là vì bạn không đủ độ lượng;
          U buồn, là vì bạn không đủ phóng khoáng;
          Lo nghĩ, là vì bạn không đủ ung dung;
          Bi thương, là vì bạn không đủ kiên cường;
          Sầu muộn, là vì bạn không đủ ánh sáng;
          Ganh tỵ, là vì bạn không đủ ưu tú.
          Nguồn gốc của tất cả mọi loại phiền não đều nằm ở những điểm này của chính mình.
          Vì vậy, mỗi một lần phiền não xuất hiện, đều là một cơ hội để chúng ta tìm kiếm khuyết điểm của mình.
          Càng toan tính càng đau khổ
  

          Đời người
          Có bao nhiêu toan tính, thì có bấy nhiêu đau khổ;
          Có bao nhiêu khoan dung, thì có bây nhiêu niềm vui.
          Đau khổ và niềm vui đều là sự phản chiếu của tâm,
          Giống như bên trong gương có cái gì,
          Quyết định nằm ở vật đứng bên ngoài gương.
          Trong lòng không buông bỏ, tự nhiên trở thành gánh nặng,
          Gánh nặng càng nhiều, đời người càng không vui.
          Tâm toan tính giống như cái túi quần, tâm khoan dung giống như cái phễu.
          Tâm phức tạp thích toan tính, tâm đơn giản dễ vui vẻ.

          Oán trách là một loại thuốc độc.
          Nó phá hủy đi ý chí của bạn, làm giảm nhiệt tình của bạn/
          Oán trách số phận không bằng cải thiện cuộc sống,
          Dù sao oán trách khác với giải quyết.
          Chuyện gì cũng nên tìm phương pháp nhiều hơn, viện cớ ít hơn,
          Người mạnh không phải không có nước mắt,
          Mà là nuốt nước mắt trong cuộc chạy đua
          Không oán trách không hối hận
          Đời người không hối hận thì là đạo, đời người không oán trách thì là đức.
          Cái có được thì phải trân trọng; cái mất đi rồi thì từ bỏ.
          Bận tâm quá nhiều sẽ làm giảm bớt một nửa lạc thú của đời người,
          Thấy là bình thường, mọi thứ cũng sẽ nhẹ nhõm.
          Bám chấp thật ra là một loại gánh nặng, thậm chí là một loại khổ sở,
          Tính toán quá nhiều sẽ trở thành một loại vướng mắc, si mê quá lâu sẽ trở thành một loại đau khổ.
          Từ bỏ, không phải từ bỏ theo đuổi,
          Mà là dùng trái tim cởi mở của chúng ta để đối diện cuộc sống.


          Châu Yến (biên dịch)


.

CHUYỆN VUI



          Một nhà thông thái ngồi giữa đám đông và kể một câu chuyện cười. Mọi người phá lên cười.
          Một lúc sau, Ông kể đi kể lại câu chuyện đó. Đến lúc không còn ai trong đám đông cười nữa, ông mỉm cười và nói:

          - Một câu chuyện vui không thể làm chúng ta cười nhiều lần, vậy tại sao chúng ta lại buồn mãi vì một chuyện không vui?



.

26 tháng 2, 2017

DẠY TU MÀ KHÔNG TU



          Một người đến than phiền với một tu sĩ:
          - Con còn đứa con gái út mười sáu tuổi, nó không thích tu hành, cứ ham đua đòi theo vật chất xa hoa. Con khuyên lơn ngọt ngào thì nó còn nghe chút đỉnh, còn hễ rầy la thì nó làm dữ, cự cãi lại. Có khi không dám cự bằng lời lẽ, thì nó ra nhà sau dằn xán đồ đạc tỏ ý bất mãn. Con rất buồn phiền vì đứa con nầy, không biết phải làm sao. Mình dạy nó tu mà nó không chịu tu!
          Vị tu sĩ mĩm cười nói:
          - Còn nó cũng dạy cô tu mà cô không chịu tu!



.

25 tháng 2, 2017

HOA TÀN MÀ LẠI TƯƠI



          Hôm 30 tết, Thiếm Sáu đạp xe chạy ngang nhà thờ, thấy có bà già đứng ôm một mớ bông. Thấy lạ, Thiếm Sáu ghé lại hỏi:
          - "Bà bán hay mua mà đứng đây?"
          - "Bán, mà không ai mua cả!"
          - "Sao bà không đem lại chợ hoa bán, để đây ai biết mà mua?"
          - "Lại chợ bán gì được! Hoa người ta tươi tốt , còn của mình thì xấu hơn! Ở đây bán cầu may. Nhà có trồng ít bông để cúng nhưng tết túng tiền nhổ một mớ bán, mua đồ về cúng ông bà. Cô làm ơn mua giùm tôi đi!"
          Thấy hoa kém tươi, không muốn mua nhưng muốn giúp bả nên Thiếm Sáu nói:
          - "Bà cần bao nhiêu tiền? Tôi giúp cho bà mua đồ về cúng."
          - "Không, tôi không dám nhận tiền cô đâu. Cô mua giúp giùm tôi cám ơn lắm!"
          - "Thôi được, bà bó hoa lại đi. Bà định bao nhiêu tiền con trả đủ cho."
          Đem hoa về nhà, Thiếm Sáu bảo mấy đứa nhỏ thay hoa cũ, chưng hoa mới mua. Mấy đứa cười ngất:
          - "Hoa cũ còn tươi hơn hoa của bà nữa!"
          - "Kệ thay đi, hoa này kém tươi nhưng mới mua."



.

24 tháng 2, 2017

Ánh Trăng nhìn ta đó

          Ở trong một ngôi làng nọ, có một gia đình nghèo khó bần cùng, người cha vì không có tiền, thường lợi dụng ban đêm lẻn vào vườn rau nhà người ta hái trộm, hôm đó anh ta mang theo cả con trai đi cùng.  Khi người cha vừa mới nhổ một cây củ cải, đứa con bỗng nhiên ở sau lưng khẽ kêu:
         “Cha..cha.., có người nhìn thấy kìa”.
          Cha của cậu kinh hãi, ngó nhìn bốn phía, hoảng hốt hói: 
           - “Người đó ở chỗ nào?”. 
          Đứa trẻ vừa chỉ tay lên trời, vừa trả lời: 
          - “Cha! Cha xem, là mặt trăng đang nhìn cha đó!”.
          Người cha này nghe con trai nói vậy, đầu tiên thì cảm thấy sững sờ, tiếp đó lại cảm thấy hối hận vì hành vi của mình. Có chút hụt hẫng nhưng lại có chút vui mừng, vì thế anh lặng lẽ dắt tay con trai đi về nhà. Dọc đường về, anh ta thầm nghĩ: “Trộm cắp là gây nghiệp rất lớn, có lẽ là ông trời từ bi, mượn miệng con trai để giúp mình tỉnh ngộ, từ nay phải sửa sai hướng thiện thôi!”.
  

          Ngạn ngữ có câu: “người đang làm trời đang nhìn, thiện ác khác nhau ở một niệm”. 
          Trong câu chuyện, người cha kia đã suy nghĩ lại, vậy đã xảy ra chuyện gì tiếp theo?
          Nguyên là, chủ nhân của vườn rau vì thường bị mất trộm, tức giận vô cùng, đêm hôm đó đã sớm núp ở phía sau để rình bắt kẻ trộm. Lão nghĩ thầm tên trộm này thật đáng ghét, nhất định phải tóm gọn. Khi ông ta nhìn thấy có kẻ trộm lẻn vào, đang định hô hoán bắt trộm thì nghe được câu nói của đứa trẻ, nhất thời cũng 
sững người. Ở dưới ánh trăng, ông chủ vườn rau nhìn thấy gương mặt của tên trộm, biết gia đình hắn là nghèo khó trong thôn. Nhìn thấy hai cha con hắn lặng lẽ dắt nhau rời đi, ông ta cũng bất giác ngẩng đầu nhìn ánh trăng mà im lặng không nói gì.
          Về nhà ông chủ vườn rau đem chuyện này kể với vợ, vợ ông nói: 
          - “Mặt trăng kia chẳng phải cũng đang nhìn ông sao?”.
          Cả đêm hôm đó, ông chủ này trằn trọc không sao ngủ được. Đến trưa hôm sau ông ta chạy đi tìm hai cha con ăn trộm kia, nói: “Này anh kia, nhà của ta hiện đang cần tìm thêm người làm, anh có thể làm được không? 
          Ngoài tiền công, còn có thể cho anh một ít đồ ăn mang về nhà”.
          Như vậy là một cơ hội việc làm tốt, có thể mang đến no ấm cho cả nhà nay đã được đáp ứng rồi.
          Đêm hôm đó, người cha nghèo kia nắm tay con trai, lặng lẽ ngồi ngắm trăng, bỗng đứa trẻ nói:
           - “Ôi.. cha nhìn xem! Là trăng đang cười kìa!”
          Cho dù là ban đêm, nơi thanh vắng, chúng ta đang làm chuyện gì, đừng nghĩ rằng không ai biết, mặt trăng, mặt trời trên đầu cũng đang mở to hai mắt đang nhìn chúng ta đó!

          Mây Vô Danh



.

23 tháng 2, 2017

GIÁ TRỊ CỦA THỜI GIAN



          Để hiểu giá trị của 1 năm, hãy hỏi 1 học sinh vừa thi rớt!
          Để hiểu giá trị của 1 tháng, hãy hỏi bà mẹ vừa sinh non!
          Để hiểu giá trị của 1 tuần, hãy hỏi tổng biên tập của 1 tờ báo!
          Để hiểu giá trị của 1 giờ, hãy hỏi những người yêu nhau đang mong chờ gặp mặt!
          Để hiểu giá trị của 1 phút, hãy hỏi người vừa bị trễ tàu!
          Để hiểu giá trị của 1 giây, hãy hỏi người vừa thoát hiểm trong gang tấc!
          Để hiểu giá trị của 1 fần nghìn giây, hãy hỏi chủ nhân chiếc huy chương bạc kỳ thế vận hội!
 
          Hãy biết trân trọng mỗi phút giây các bạn đang có, và càng trân trọng hơn nữa khi bạn bè sẻ chia thời gian với 1 ai đó đặc biệt, đặc biệt đến mức bạn phải dành thời gian của mình cho người ấy. Hãy nhớ rằng thời gian không chờ đợi ai cả


22 tháng 2, 2017

"Ai ai cũng nợ"

         Ông Tư dì Tư, một cặp vợ chồng người miền Nam, định cư tại Quận Cam từ những ngày cuối năm 75. Ông Tư hồi xưa người trong thôn gọi cậu Tư Cường, răng cậu Tư bịt vàng sáng chóe.
         Sáng thứ Năm cuối tháng Mười Một, Lễ Tạ Ơn tới, vợ chồng ông Tư ngồi uống trà Bảo Lộc sân vườn. Nhìn mặt dì Tư hồng hồng tươi, miệng chóp chép nhai miếng trầu thuốc, ông Tư mở ruột tâm sự với vợ,
         — Hồi nọ lúc về bên Việt Nam thăm bà con xóm làng sau hơn ba mươi năm không gặp mặt, ta nói yên lặng thì không sao, nhưng hở miệng ra một cái là người ở bển biết mình từ bên Mỹ mới về.
         Dì Tư nhìn chồng, nửa đùa nửa thật,
         — Thì ai biểu! Ông cứ mở miệng ra là tiếng tây tiếng u rổn rảng rộn ràng. Hỏi sao người ở bển không biết ông từ bên Mỹ về...
         Ông Tư nửa như càm ràm vợ nửa như mở miệng phân bua,
         — Mần chi mà bà phải lên giọng bỉ thử với tui như thế! Bà biết tui đâu phải hạng người áo gấm về làng, rồi là huênh hoang tự đắc lên mặt song tàn với bà con chòm xóm… Ta nói thiệt tình là tui cũng cố gắng hết sức không chêm một câu tiếng Anh, không bớt một chữ tiếng Việt. Cho nên nhiều người ngạc nhiên nói với tui, “Lạ hén! Sao chú Tư, ổng ở bên Mỹ ba chục năm nay, nhưng nói không lơ lớ tuồng như người bị rắn lục mổ ngay bắp chân?”.
  

         Ông Tư cười hề hề, hỏi vợ,
         — Rồi cái...bà biết tui nói làm sao không?
         Dì Tư nhìn ông Tư, giọng ra chiều hưỡn đãi,
         — Sao? Ông nói làm sao?…
         — Ừ, thì tui nói, “Mặt này nhìn là biết dân nhậu thịt rắn với đế Gò Công. Làm sao mà nói tiếng Việt lơ lớ cho đặng!”.
         Dì Tư dừng tay cuộn tròn miếng trầu xanh, cộ mắt nhìn chồng,
         — Tưởng chi… Rồi đó, bây giờ thì ông nói tui nghe đi, làm sao mà ông mở miệng ra là người ta biết ông ở bên đây mới về?
         Ông Tư chép miệng,
         — Thì cũng có chi đâu. Cũng tại tui quen cái tật ưa nói “Cám Ơn”…
Như người nhai miếng cơm nghẹn ngang cần cổ, dì Tư trợn mắt nhìn chồng. Dì mở miệng muốn nói chi đó… nhưng nghĩ sao lại thôi, yên lặng lắng nghe ông Tư giải thích,
         — Bà biết không! Sống ở bên đây, riết thành thói quen. Ta nói ghé vào chợ quận mua đôi dép Thái tui cũng bật miệng nói cám ơn, xẹt ngang qua chợ làng làm tô hủ tíu cũng lại lập cập mở miệng cám ơn. Cho nên dấu đầu rồi cũng lại lòi đuôi là vậy...
         Dì Tư nhăn mặt, cự nự chồng cấp kỳ,
         — Nè, nè! Ông ăn nói không e dè kiêng nể, không sợ người bên Việt Nam họ giận, họ nói ông lên mặt song tàn coi thường người ở bển!!!...
Ông Tư phân bua cấp kỳ,
         — Á, à, bà! Tui không có cái ý đó. Tui chỉ muốn nói là người ở bên Mỹ họ quen miệng hay nói cám ơn. Thế thôi. Chứ tui không có nói người mình ở bển không biết nói cám ơn… Bà lại cái tật cứ ưa vẽ rắn thêm chân!
         Ông Tư phân trần,
         — Nè, bà nghe tui nói hén, rồi bà nghiệm xem lời tui nói có đúng hay không… Ở bên đây hả, vô nhà hàng ăn uống, mình cũng phải móc bóp trả tiền, chứ đâu có phải ăn đồ cúng trên chùa hay gặp ngày rằm hương thôn phát chẩn. Nhưng khi người ta bưng cơm ra, mình cũng mở miệng nói cám ơn. Khi ra quầy trả tiền, miệng lại nói cám ơn. Mình ở bên đây lâu rồi, cho nên ta nói riết rồi lời cám ơn nhập vào trong bụng lúc nào cũng không hay…
         Dì Tư góp ý,
         — Thì ông nói cũng có cái lý của ông. Nhưng có một số người họ nói, nói cám ơn nhiều quá, hóa nhàm, khách sáo, tuồng như cải lương Hồ Quảng...
         Ông Tư nhíu mày,
         — Sao lại khách sáo? Bộ bà không thấy ông bà mình có câu, “Con lợn có béo thì lòng mới ngon”, hoặc là tui nhớ đâu…đạo Phật người ta có câu, “Tâm Phật, nhìn đâu cũng thấy Phật”. Bà thấy chưa, lòng có đầy tràn tâm tình tri ân thì mình mới thốt ra những lời cám ơn cho những nghĩa cử tử tế của hàng xóm láng giềng chứ.
         Ông Tư hớp một ngụm trà rồi tiếp tục,
         — Tui biết không phải là mình ở bên Mỹ, rồi cái gì của Mỹ cũng khen là nhất là hay. Nhưng tình thiệt là tui thích cái tinh thần của người Mỹ ở chỗ đó. Chính phủ cám ơn dân chúng. Con cái cám ơn bố mẹ. Hàng xóm cám ơn hàng xóm. Mình mua một món hàng, người bán hàng cũng nhã nhặn nói cám ơn. Ai ai cũng cám ơn nhau, bởi tình thiệt mà nói tui thấy sống trên cõi đời này ai ai cũng mắc nợ ít ra là một món nợ…
         Dì Tư ngước mắt nhìn chồng,
         — Ông nói mắc nợ? Ai mắc nợ ai? Mà mắc nợ như thế nào?…
         Ông Tư ôn tồn giải thích,
         — Bộ bà không nhìn thấy hay sao? Nhà nước nợ dân những lời cám ơn, bởi nếu không có những lá phiếu của dân, thì đã không có nhà nước. Con cái nợ bố mẹ những lời cám ơn, bởi nếu không có bố mẹ, thì đã không có con cái. Hàng xóm nợ nhau một lời cám ơn, bởi nếu không có căn nhà sát bên tối lửa tắt đèn, thì đã không có phố phường. Thương gia nợ khách hàng những lời cám ơn, bởi nếu không có người mua, tiệm nào thì tiệm, dù có là tiệm 1 đô bán đồ rẻ cũng đã đóng cửa từ đời tám hoánh. Cho nên, ta nói tui là tui thích những ca sĩ, lúc nào họ cũng nhã nhặn nói lời cám ơn thính giả; bởi nói mà không sợ mất lòng, dù hát hay như chim sơn ca, nhưng nếu không có khán thính giả, thì làm sao có ca sĩ sân khấu?
Ông Tư dừng lại chiêu vào trong miệng một ngụm trà xanh Bảo Lộc, rồi nho nhỏ giọng lại,
         — Bà biết chi không? Nhân ngày Lễ Tạ Ơn năm nay có cái điều này tui cũng muốn tâm sự với bà từ lâu rồi...
         Đang nhai nhai miếng trầu trong miệng, dì Tư dừng lại cục thuốc rê vê tròn, nhìn chồng,
         — Ông muốn nói cái chi thì cứ nói đi, sao lại tự nhiên xuống giọng thì thào tuồng như kép độc chuẩn bị xuống sề không bằng?
         Ông Tư cười cười, mở miệng nịnh vợ,
         — Có bà làm đào thương thì họa may, chứ tui thì mần chi mà dựng tuồng đóng vai kép độc cho đặng.
         Ông Tư tiếp tục,
         — Tui nhớ có lần bà nói với tui hai vợ chồng mình được Trời Phật thương, ban cho con cái học hành tới nơi tới chốn, rồi trong nhà có thằng Hai, bác sĩ phòng mạch dưới phố, con Tư dì phước làm việc ở Phi Châu, hơn mười năm rồi; bởi thế, có người gặp bà ngoài phố cứ hay lớn miệng gọi bà là “Bà Cố”. Bà có nhớ hay không?
         Dì Tư nhìn chồng, gật đầu,
         — Ừa! Tui nhớ. Rồi thì sao?
         Ông Tư kiên nhẫn,
         — Tui nhớ có mấy lần bà về tới nhà, bà càm ràm với tui không biết phải đối đáp ra sao khi người ta gọi mình "Bà Cố", bởi không hiểu họ đang thật tình hay là có ý chi đây. Cho nên thôi, nhân tiện hôm nay cũng là ngày Lễ Tạ Ơn, tui đề nghị với bà như thế này, lần sau có ai gọi bà “Bà Cố”, bà cũng không phải mất công cất tiếng thanh minh thanh nga làm chi, bà chỉ việc nói, “Tạ ơn Trời Phật”, câu kinh mà mọi người đang sống ở Mỹ đều sẽ nói trong bữa ăn Tạ Ơn tối nay vậy thôi...
         Ông Tư nhìn dì Tư đo lường tình thế,
         — Bà nghĩ tui nói có đúng hay không?
         Ông Tư nghiêm trang thành khẩn,
         — Mà bà nghĩ thử coi, thiệt tình đúng là như vậy. Hồi đó, nếu không có ơn trời hướng dẫn cho mình được tàu Mỹ vớt, làm sao hai vợ chồng mình có trời mới, đất mới để mà bắt đầu một cuộc đời mới tinh?
         Ông Tư dừng lại, uống thêm một miếng trà Bảo Lộc,
         — Ta nói lần trước về thăm lại quê hương họ hàng, thấy những người thành công, trong bụng tui cũng mừng. Nhưng cũng có người tui thấy đời sống còn cực nhọc lắm.
         Ông Tư đổi sang giọng điệu bông lơn thường nhật,
         — Trông người lại nghĩ tới ta. Hồi năm 75 mà không được vớt mang tới đảo Guam, bà biết bây giờ bà với tui đang làm gì ở Việt Nam hay không?
         Dì Tư nhìn chồng,
         — Ông nói chiện! Làm sao mà tui biết..
         Ông Tư lại cười hở hai hàm răng móm xọm, khoe cái răng bịt vàng sáng chói,
         — Thì…thì giờ dám tui cũng đang rảo rảo chợ quận, miệng rao, “Trà đá không?”, còn bà thì cũng đang te te bê cái rổ ở bến xe chợ huyện, chào hàng, “Mía ghim hôn? Ai mía ghim hôn?”. Như vậy thì làm sao nhà mình có nổi một ông Bác Sĩ và một bà dì Phước… Bà nghĩ tui nói có đúng hay không?

         Nguyễn Trung Tây



.

21 tháng 2, 2017

MẤT NGỦ



          Nhà chật, chỉ có một cái giường duy nhất, con tôi lại có thói quen chòi, đạp lung tung khi ngủ nên vợ chồng tôi ít khi nào được yên giấc. Nửa đêm, thường phải dậy ẵm con nằm cho ngay ngắn lại. Nhưng sau đó tôi chẳng thể nào ngủ lại được nữa. Vì mất giấc. Tôi thường ước ao một cái giường rộng hơn để dễ ngủ. 
          Một ngày, cơ quan cử tôi đi công tác xa. Ở lại một mình trong nhà nghỉ với chiếc giường to, nệm êm, drap sạch. Tôi cũng không ngủ được, vì nhớ những cái đạp, chòi của con. 

          NGUYỄN THỊ MAI THU 



.

20 tháng 2, 2017

Thông minh và trí huệ là hai việc hoàn toàn khác nhau

          Thông minh và trí huệ, chúng khác nhau như thế nào?
          Thông minh là năng lực của con người, còn trí huệ là cảnh giới của tâm hồn. Kỳ thực đó là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau.
          Trên thế giới người thông minh không nhiều, mười người thì có một, người có trí huệ thì lại càng hiếm, có khi đi cả trăm dặm cũng không thấy một ai.
Trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày, người thông minh thường không dễ chịu thiệt, nhưng đối với người trí huệ điều đó lại là bình thường.
  

          Người thông minh luôn cố gắng bảo vệ lợi ích bản thân. Ví như trong kinh doanh, người thông minh sẽ đem hết lợi nhuận bỏ túi, nhưng người có trí huệ thì ngược lại, để kinh doanh được tốt, họ chấp nhận bỏ tiền túi của bản thân để thực hiện công việc.
          Người thông minh biết rằng bản thân mình có thể làm được những gì, nhưng người có trí huệ thì hiểu rõ bản thân không thể làm được những gì.
          Người thông minh thường tìm kiếm, nắm bắt cơ hội, cố gắng để đạt được nó; nhưng người có trí huệ thì hiểu rõ lúc nào cần buông tay. Vậy nên, người thông minh là người biết chớp thời cơ, người có trí huệ là người biết xả bỏ.
          Đôi khi người thông minh thái quá sẽ trở nên khôn ngoan, họ có thể tìm cách thoái thác công việc, nhưng người trí huệ lại không màng lợi ích cá nhân, việc gì cần thì họ sẽ nỗ lực làm việc.
          Người thông minh là có thể hiển thị tất cả tài năng của mình cho người khác biết, nhưng người trí huệ lại là người biết nhìn nhận vẻ đẹp của người khác.
          Người thông minh thường chú ý đến từng tiểu tiết; người trí huệ thường coi trọng cả chỉnh thể.
          Người thông minh trong tâm nhiều phiền não, khó được an giấc, vì người thông minh thường hay mẫn cảm với người khác, mà người trí huệ thường không có phiền não, có thể buông bỏ được nhiều thứ, đối với họ tâm tình rất thản nhiên.
          Người thông minh thường muốn thay đổi người khác, muốn  người khác phải thuận theo ý của mình, nhưng người trí huệ lại thường thuận theo tự nhiên. Do đó các mối quan hệ của người thông minh thường phức tạp, mặt khác người trí huệ thường có các mối quan hệ hài hòa.
          Người thông minh đa phần là do trời sinh, nhưng người trí huệ là người luôn tự rèn luyện, tu dưỡng bản thân mình.
          Người thông minh có thể tích lũy nhiều tri thức nhưng người trí huệ thường dạy người học văn hóa. Quay trở lại mà xét, người có nhiều tri thức thì càng thông minh, nhưng người có nhiều văn hóa càng thể hiện là người có trí huệ.
          Người thông minh thường dựa vào tai, mắt, hay gọi là “tai thính mắt tinh”, nhưng người trí huệ thường dựa vào tâm hồn, trí huệ xuất phát từ tâm.
  

          Các khoa học gia thường dạy con người phải biết thông minh, còn triết học gia dạy người ta trí huệ.
          Người thông minh có thể có nhiều của cải và quyền lực, người trí huệ lại giàu niềm vui. Vì người thông minh thường có nhiều kỹ năng hơn, nhưng trên thực thế, kỹ năng chính là do cơ duyên tạo thành, cũng có thể là đức tích từ nhiều đời trước, nó chuyển hóa thành tài phú và quyền lực. Nhưng của cải, quyền lực cùng sự vui vẻ không như nhau, vui vẻ đến từ chính tâm thái của chúng ta.
          Do đó, cầu tài, người thông minh có đủ; cầu thoát khỏi phiền não, không phải là người trí huệ thì không thể.
          Trịnh Bản Kiều nói “Thông minh đã khó, hồ đồ còn khó hơn”. Kỳ thực, “hồ đồ” mà ông nói là “hồ đồ” của người trí huệ. Vì vậy, “khó được hồ đồ” cũng có nghĩa là “khó đắc được trí huệ”.
          Thông minh và trí huệ, bạn muốn trở thành người nào?

          Chú thích: 
          Trịnh Bản Kiều tên là Trịnh Tiếp, tự là Khắc Nhu. Bản Kiều là danh xưng của ông. Ông quê ở Giang Tô, Hưng Hóa, làm tiến sỹ dưới thời vua Càn Long đời nhà Thanh. Ông tạm trú ở Dương Châu, được mệnh danh là “Tam tuyệt”: thơ, họa, và thư pháp nổi tiếng một đời.

          Minh Minh



.

19 tháng 2, 2017

CÔ GÁI VÀ CHIẾC CHÌA KHÓA VÀNG CỦA VỊ HÒA THƯỢNG

          Trước đây, có một cô gái trẻ tuổi luôn nằm mơ thấy một giấc mơ kỳ lạ. Trong tất cả các giấc mơ của cô đều có chung một cảnh tượng. Đó là, rất nhiều người bị nhốt trong một căn phòng đen tối. Trên cửa phòng có một khóa sắt đã bị gỉ. Mọi người đều ở trong căn phòng cầu xin.
          Sau mỗi lần tỉnh giấc, cô gái đều cảm thấy trong lòng vừa bồn chồn sợ hãi vừa buồn bực. Ít lâu sau, cô gái bị mắc bệnh, trong lòng luôn thấy hồi hộp, tức ngực và dễ cáu giận.
  

          Thời gian sau, cô gái nghe nói có một vị hòa thượng ở địa phương khác rất giỏi về trị liệu những căn bệnh kỳ lạ và phức tạp. Thế là cô liền trèo non lội suối đi tìm vị hòa thượng để cầu cứu.
          Khi cô gái gặp được vị hòa thượng, cô kể lại những giấc mơ kỳ lạ và căn bệnh mà cô mắc phải cho vị hòa thượng nghe. Vị hòa thượng liền nói: “Bệnh này của con quả thực không khó chữa. Ta cho con một chiếc chìa khóa vàng, con hãy đeo ở trước ngực của mình. Hãy nhớ kỹ, khi nào nằm mơ thấy giấc mơ kỳ lạ kia, con hãy dùng chiếc chìa khóa này mở khóa cửa của căn phòng đó ra để những người ở bên trong đó được ra ngoài. Chỉ cần như vậy, bệnh của con cũng sẽ lập tức khỏi ngay.”
          Cô gái vui mừng nhận chiếc chìa khóa và nói: “Con xin tạ ơn hòa thượng!” 
          Sau khi cầm chiếc chìa khóa ra về, cô gái luôn đeo nó bên mình như lời vị hòa thượng căn dặn. Quả nhiên, chỉ ít ngày sau, cô lại nằm mơ thấy giấc mơ kỳ lạ kia. Lần này, cô gái tiến lại sát căn phòng và nhìn. Cô phát hiện ra, trong căn phòng tối tăm ấy, đều là những người mà cô căm ghét. Có người phụ nữ đã từng mắng nhiếc cô rất thậm tệ. Còn có mấy người hàng xóm đã từng bắt nạt, ức hiếp cô. Ở góc bên phải của căn phòng là mấy người bạn đã từng đẩy cô xuống rãnh nước bẩn khi cô còn nhỏ khiến cô suýt chết đuối.
          Đột nhiên cô nhìn thấy một chú chó bị què chân và cô thắc mắc: “Tại sao lại có một con chó bị què chân ở đây?” Rồi cô nhớ lại, đó là chú chó hung dữ luôn xuất hiện trên con đường cô đến trường khiến cô sợ hãi. Tất cả những người trong căn phòng tối tăm kia đều là những người từng làm hại cô, làm tổn thương cô. Thế là cô nảy ra ý nghĩ: “Mình sẽ không mở cửa cho những người này. Họ đáng phải chịu tội!”  
          Trong khi những người bị nhốt trong căn phòng tối tăm kia vẫn không ngừng cất tiếng van xin cầu cứu thì cô gái đã kịp thu hồi chiếc chìa khóa của mình lại với vẻ ung dung tự đắc.
          Nửa năm trôi qua, bệnh tình của cô gái càng lúc càng trầm trọng hơn. Cô gái lại đi đến chỗ vị hòa thượng để cầu xin sự giúp đỡ. Vị hòa thượng nói: “Chỉ còn một cơ hội cuối cùng này mà con không tận dụng thì chiếc chìa khóa vàng này cũng không thể cứu được con nữa đâu. Nếu đêm nay con mơ thấy giấc mơ kia thì hãy đem chiếc chìa khóa này mở cái khóa kia ra trước khi nó bị gỉ không thể mở ra được thì bệnh tình của con sẽ khỏi. Bằng không thì bệnh của con sẽ vô phương cứu chữa!”
          Nghe xong lời căn dặn của vị hòa thượng, cô gái hạ quyết tâm thực hiện bằng được.
          Quả nhiên, ngay đêm hôm đó cô gái lại mơ thấy căn phòng tối và những người bị nhốt ở bên trong đang cầu cứu. Cô nhanh chóng mang chiếc chìa khóa vàng của mình đến để mở chiếc khóa kia ra. Khi cánh cửa vừa mở ra, tất cả những người bên trong đều chen lấn đi ra ngoài. Cô gái chợt nhìn thấy một người ở trong góc cùng của căn phòng. Càng đi lại gần, cô mới nhận ra người ở trong góc cùng kia chính là mình, gầy yếu và đáng thương. Ngay khi cô vừa từ góc trong cùng của căn phòng bước ra khỏi cửa thì căn phòng đổ sập xuống, ánh nắng mặt trời chiếu rọi khiến cô gái bừng tỉnh, toàn thân cô vã mồ hôi…
          Lúc này, giọng nói vang vọng của vị hòa thượng truyền đến tai cô: “Cầm tù người khác cũng chính là cầm tù bản thân mình. Khóa chặt quá khứ lại cũng chính là làm gỉ trái tim mình. Oán hận và phiền não chất chồng sẽ thành một căn phòng đen tối. Mở được cánh cửa trái tim sẽ khiến ánh mặt trời chiếu rọi.”
          Sau ngày hôm đó, bệnh tình của cô gái cũng khỏi hẳn. Hơn nữa, sắc mặt của cô cũng trở nên hồng hào rạng rỡ, đôi mắt tươi vui vô cùng xinh đẹp.

          Trong nội tâm của bạn có “căn phòng đen tối” đó hay không? Trong “căn phòng đen tối” đó có người mà bạn căm hận hay không? Nếu như trong tay bạn có chiếc chìa khóa vàng kia, bạn có nguyện ý mở khóa để thả mọi người ra không? Thả tự do cho những người trong căn phòng tối tăm kia, cũng chính là thả tự do cho chính bản thân mình đấy!

          Theo NTDTV
          Mai Trà biên dịch



.

18 tháng 2, 2017

Biết & Không biết !



          Có một thầy đồ rất lười biếng, thường kiếm cớ để không phải dạy dỗ gì cả. Một hôm ông vào lớp hỏi học trò :
          - Tụi bây biết hôm nay học cái gì không ?
          Cả lớp trả lời :
          - Thưa thầy không !
          Thầy đồ tỏ vẻ giận dữ :
          - Không biết ? Vậy tụi mày tới trường để làm cái gì ? Cút về hết đi !
          Đám học trò khúm núm kéo về hết và bàn với nhau là lần sau thầy có hỏi thì sẽ trả lời biết xem thầy tính sao.
          Hôm sau, thầy giáo lại hỏi :
          - Hôm nay tụi bây biết sẽ học cái gì không ?
          Cả lớp đồng thanh trả lời :
          - Dạ biết !
          - Đã biết hết rồi thì tụi bây còn ở đây làm cái gì vậy? Về hết đi !
          Tụi học trò tức lắm, cho nên bàn rằng kì sau thầy có hỏi thì nửa lớp sẽ trả lời “có” và nửa lớp sẽ trả lời “không” coi thầy tính sao.
          Ngày kế tiếp thầy hỏi :
          - Bây biết hôm nay học cái gì không ?
          Nửa lớp trả lời :
          - Thưa biết !
          Nửa lớp trả lời :
          - Thưa không !
          - Vậy thì đứa nào biết ở lại dạy mấy đứa không biết, còn tao về !



.