4 tháng 6, 2016

Đôi Dép Hàng Hiệu



          Thật ra, tôi chỉ là đôi dép bình thường như tất cả đôi dép khác, nhưng có lẽ do người thiết kế ra tôi là nhà tạo mẫu lừng danh Robert Tèo, nên lúc nào tôi cũng được ưu ái trưng trong quầy giày dép sang trọng, nơi có nhiều qúy cô sành điệu giàu có săm soi, mua sắm.
          Tôi không thích Robert Tèo lắm. Nghe tên đã dị ứng, chẳng ra Tây mà chẳng ra Ta. Chưa kể mái tóc nhuộm vàng, cắt lỉa chỉa kiểu Hàn của anh ta. Một số người nói đó là phong cách. Còn tôi, tôi chỉ biết nói: "Gia tài của mẹ, một bọn lai căng" mà thôi.
          Tôi đã được thử với nhiều đôi chân của các người đẹp, hoa hậu, diễn viên…. Không biết những người thử tôi vì tôi, hay vì cái thương hiệu Robert Tèo dán trên thân tôi. Dù sao cũng mặc, cứ hãnh diện, cứ ngẩng cao đầu nhìn lũ giày dép xung quanh. Niềm kiêu hãnh của đóa hoa hồng, thường là nỗi đọa đày cho đám hoa giấy mà. Điều đó không có gì sai cả. Chỉ sai khi mà chúng ta cố giành được chỗ an toàn tốt đẹp cho mình bằng cách giẫm đạp hay đẩy được người khác về phía bão giông. Cuộc đời luôn có nhân có quả. Nhưng phần lớn chúng ta không lường được quả của ngày mai, nên cứ đi gieo những nhân xấu ngày hôm nay.


           Thú thật, cuộc đời chẳng có gì là mãi mãi và bản thân tôi có những thay đổi mà tôi không thể ngờ. Đến tận bây giờ nhớ lại, tôi vẫn còn thấy ngỡ ngàng. Vào buổi trưa nắng chói chang nọ, một người đàn bà bước vào cửa hàng mua dép.
          Nhìn sơ qua là biết bà ta nghèo, dáng đi vẻ cam chịu, chiếc áo nâu sờn vai. Bà ta đi tới đi lui chọn lựa. Cuối cùng thì bà ta nhìn thấy tôi trên kệ dép sáng choang ánh đèn. Tôi rùng mình, cầu mong bà ta đừng thử tôi. Đôi chân bà ta đầy bụi đất. Những bước chân người nghèo, thường là những bước chân gian nan. Những đôi dép theo chân họ sẽ mau chóng mòn phai và mất mát. Tôi sợ như thế.
          Thật xui, khi bà ta đã cầm tôi và đặt xuống chân ướm thử. Chắc bà không biết chút gì về cái "mác" của tôi. Mà làm sao biết được, khi bà ta là người nghèo không am hiểu về thời trang?
          Tôi thấy bà ta lần tay vào túi, như đếm những đồng bạc vụn. Vô tình để lộ ra xấp vé số đang bán dở. Bà ta cất giọng hỏi: Đôi dép này bán bao nhiêu? À, thì ra người miền Trung. Những người miền Trung nghèo khó thường bỏ xứ vào Sài Gòn, làm đủ nghề để mưu sinh, kể cả việc nặng nhọc nhất. Cuộc sống toàn những gam màu tối, chằng chịt những bước chân đi.
          Ông chủ cửa hàng liếc xéo khinh miệt, nhưng miệng vẫn ngoa ngoắt: Xem nào, 120 nghìn đồng. Người đàn bà ngập ngừng rồi đặt tôi lên kệ. Cuộc đời người nghèo ít có quyền lựa chọn. Nắng chiều như nhạt đi.
          Nhưng khi bà vừa trở mình bước ra cửa, thì ông chủ cửa hàng gọi giật lại và nói : Thôi, để tôi bán rẻ cho, “năm mươi nghìn”. Vì ông ta phát hiện ra tôi là đôi dép cuối cùng, kích cỡ lớn nhất trong sáu số dép đã bán hết. Và quan trọng hơn hết là : tôi đã lỗi mốt.
          Đau đớn khi biết được điều đó, tôi lịm đi.



          Không biết bao lâu sau tôi tỉnh dậy, nhưng khi vừa tỉnh, tôi cảm nhận toàn thân đau nhức rã rời. Người đàn bà này đã lê tôi đi khắp hang cùng ngõ hẻm thành phố để bán vé số. Một hành trình gian nan. Bà ta nện từng bước nhọc nhằn xuống mặt đường. Bà ta đi nhiều quá, nếu tính cả ngày, bà ta đi được hơn mười hai cây số. Một tháng bao nhiêu nhỉ, bốn trăm hai mươi cây số. Một năm thì sao, bốn ngàn tám trăm hai mươi cây số, gấp đôi chiều dài đất nước này. Vì đâu mà vất vả? Sức mạnh nào mà chịu nổi?
          Đêm xuống, bà ta chưa chịu nghỉ, bà ta lại tạt qua bệnh viện.
Tôi sợ bệnh viện, tôi sợ nhìn thấy những người khốn khó ở đó. Họ đang chiến đấu với thần chết, để giành sự sống. Trong khi có rất nhiều người đang sống ngoài kia, không biết mình đang sống, đang được thở được cười, được chạy nhảy được yêu ….
          Bà ta đến thăm đứa con bị ung thư máu. Nó đang vô hoá chất. Nó nằm im lìm, không biết thức hay ngủ. Bà ta đến và lặng lẽ ngồi kế bên.
          Đôi mắt người mẹ nhìn con lúc này, tôi không thể nào tả nổi. Bởi vì tất cả ngôn ngữ đều thừa khi nói về mẹ. Bà ta hôn nhẹ lên trán thằng nhóc khoảng hai mươi tuổi. Rồi đứng dậy cầm tờ phiếu thu viện phí đi đóng tiền. Lúc bà cất bước, tôi kịp nhìn thấy trên khóe mắt đứa con, một dòng nước mắt long lanh. Trong ngần, lặng thầm và rực rỡ.
          Tôi thích chìm vào trong dòng nước mắt. Tôi thích những dòng nước mắt. Vì đời bây giờ người ta vô cảm với nhau quá, chẳng còn ai biết khóc. Biết đâu, vài năm nữa, khi tôi kể về những giọt nước mắt, là y như tôi kể về một câu chuyện cổ tích nào đó xa lạ.
          Tôi lại lịm người đi. Trong giấc mơ tôi thấy toàn hoa hồng, dù đường đời đầy gió bụi. Tôi đã hiểu, vì sao người ta có sức mạnh vô song để vượt qua mọi khó khăn khắc nghiệt trong cuộc đời, bởi trong tim người ta có tình yêu.
          Bạn có bao giờ chú ý đến đôi dép của mẹ? Bạn có bao giờ ngồi xoa bóp chân mẹ? Bạn có bao giờ lắng lòng lại, để cảm nghiệm tình yêu bao la mà mẹ đã dành cho? Bạn có bao giờ nói với mẹ lời cám ơn?
          Hay bạn vẫn cứ hồn nhiên sống, y như mẹ phải làm tất cả vì chúng ta. Ừ, thì mẹ vẫn làm tất cả vì chúng ta. Mẹ làm với trái tim yêu thương vô bờ bến, nhưng lặng lẽ. Bất cứ thứ gì liên quan đến mẹ đều lặng lẽ.
          Cuộc đời tôi vẫn tiếp tục những chuyến đi dài như thế, nhưng tôi bằng lòng. Vì tôi hiểu, tôi đang bước đi trên con đường tình yêu. Và bạn ạ, có những thứ lấp lánh nhưng không phải là vàng, có những thứ rất đơn giản, thô kệch … nhưng luôn mang lại bình an.

Mẹ tôi áo vải sờn vai
Tay trần chân đất tháng ngày nuôi con
Thân cò lặn lội sớm hôm
Bạn ơi có biết tôi muôn tự hào!


.

Không có nhận xét nào: