Những tình huống giản dị và gần gũi với
cuộc sống, tới mức độc giả dường đã từng nghe thấy ở đâu đó, nhìn thấy ở đâu đó
bên lề cuộc sống của chính mình, đã được Anna Gavalda kể lại từ tốn, chậm rãi.
Cô để cho nhân vật lên tiếng và tự bộc bạch, đôi khi tản mạn như những dòng nhật
ký cá nhân.
Trong phần lớn những câu chuyện, nhân
vật của Gavalda đều bình thản đón nhận những biến cố, những trắc trở của số phận:
“Giờ thì tôi đang ngồi bên bàn bếp. Tôi đã hâm lại cà phê và đang hút một điếu
thuốc. Tôi đợi xe cảnh sát đến. Tôi chỉ hy vọng họ sẽ không hú còi” - với lời
tuyên bố khẳng khái “Định mệnh, ta đã sẵn sàng”.
Những câu chuyện tình của Gavalda có
khi là những mối tình dai dẳng, đầy trăn trở và ám ảnh “Trong nhiều năm liền”. Ở
đó, có một người đàn ông luôn khắc khoải về một mối tình trong quá khứ. Mặc dù
hết lòng yêu thương vợ và các con, song một phút nào đó trên con đường trở về
nhà, ông vẫn đưa mắt dõi theo con đường xưa mong nhận ra một bóng hình quen thuộc.
Nỗi nhớ tưởng như đã chìm khuất sau tất
cả những bộn bề của cuộc sống hàng ngày nhưng ông vẫn mong chờ “tìm lại được cô
ấy ở khúc quanh của một khoảnh khắc cô đơn”.
Cũng có khi đó là một mối tình bất ngờ
và mãnh liệt như tình cảm của chàng lính trong đợt “Về phép” với niềm mơ ước
“giá đâu đó có người đợi tôi”. Nhưng dù có cháy bỏng, tràn đầy khao khát, chàng
trai vẫn để mối tình đó trượt khỏi tay mình.
Với Giá đâu đó có người đợi tôi, người
đọc có thể thả trôi mình trong dòng đời bình lặng, đôi khi vụn vặt để thảng thốt
nhận ra những biến cố lớn làm chuyển hướng cả cuộc đời lại xuất phát từ chính ở
những điều vụn vặt mà họ đã vô tình bỏ qua trong một phút lơ đễnh nào đó.
Người đàn ông và người đàn bà
Người đàn ông đó và người đàn bà đó
đang ngồi trong một chiếc xe sản xuất tại nước ngoài. Chiếc xe có giá ba trăm
hai mươi nghìn quan và, lạ lùng thay, chính là cái giá ghi trên giấy chứng thực
đã trả thuế ôtô đã khiến người đàn ông do dự khi ở chỗ đại lý độc quyền.
Gic-lơ bên phải chạy kém. Chuyện ấy
khiến ông ta tức điên.
Thứ Hai, ông sẽ nhờ cô thư ký gọi cho
Solomon. Ông thoáng nghĩ tới bộ ngực của cô thư ký, nó lép kẹp. Ông chưa từng
ngủ với các cô thư ký riêng. Làm thế thật tầm thường và ngày nay, làm thế còn
có thể khiến chúng ta mất rất nhiều tiền. Dẫu sao thì ông không còn phản bội vợ
nữa, kể từ hôm ông và Antoine Say đùa nhau bằng cách lần lượt tính toán khoản
nghĩa vụ cấp dưỡng của mỗi người khi đang chơi dở một ván golf.
Họ đang cho xe chạy về căn nhà nghỉ
cuối tuần ở nông thôn. Một trang trại hết sức xinh xắn ngay gần Angers. Những tỉ
lệ tuyệt vời.
Họ đã mua nó với giá rẻ mạt. Trái ngược
với chi phí sửa sang sau đó …
Gỗ ốp tường cho tất cả các phòng, một
cái lò sưởi được dỡ ra và lắp lại từng viên đá, họ tìm thấy nó ở chỗ một nhà
buôn đồ cổ người Anh và vừa nhìn thấy đã ưng ngay. Các khung cửa sổ đều có những
tấm rèm dày nặng vén sang hai bên. Một gian bếp rất hiện đại, những khăn lau có
họa tiết cải hoa và những mặt bàn bếp bằng đá cẩm thạch màu xám. Các phòng ngủ
đều kèm nhà tắm khép kín, đồ gỗ tuy ít những đều là đồ mới. Trên tường trên những
khung vàng rực và quá tôi đối với những bản tranh khắc có từ thế kỷ XIX, chủ yếu
miêu tả cảnh săn bắn.
Tất cả những yếu tố này tạo nên một
phong cách mang hơi hướm nhà giàu mới nổi nhưng may thay, họ không nhận ra điều
ấy.
Người đàn ông mặc trên người trang phục
cuối tuần, một chiếc quần âu vải tweed cũ cùng một chiếc áo cổ lọ màu xanh da
trời vải lông dê cachemire (món quà tặng vợ nhân dịp sinh nhật lần thứ năm
mươi). Đôi giày ông đang đi mang hiệu John Lobb, ông sẽ không đời nào đổi sang
hiệu khác vì bất cứ lý do nào. Tất nhiên tất ông đi dưới chân dệt bằng sợi e-cốt
và che kín bắp chân. Dĩ nhiên rồi.
Ông lái tương đối nhanh. Ông đang mải
miết suy ngẫm. Khi đến nơi, ông sẽ đi gặp hai người gác cổng để bàn với họ về
nông trang, về việc coi sóc, về việc tỉa cành cho đám sồi rừng, về nạn săn bắn
trái phép
… Và ông ghét cay ghét đắng
việc ấy.
Ông ghét phải cảm thấy người ta coi mình
chẳng ra thể thống gì và đó đúng là những gì đang diễn ra với hai người này –
mãi tận sáng thứ Sáu mới uể oải bắt tay vào việc bởi vì ngay tối ngày hôm đó
ông bà chủ nhà sẽ về tới nơi và nhất định phải tạo được ấn tượng là mình đã làm
lụng vất vả.
Đáng lẽ ông nên tống khứ cả hai mới
phải nhưng ngay lúc này, quả thực ông không có thời gian để lo việc đó.
Ông mệt mỏi. Những người cùng hùn vốn
làm ông phát bực, ông hầu như không làm tình với vợ nữa, muỗi bám đầy kính chắn
gió của xe và gic-lơ bên phải chạy kém.
Người đàn bà tên là
Mathilde. Bà xinh đẹp nhưng gương mặt bà
hiển hiện cả nỗi chán chường trong cuộc sống.
Bà luôn biết mỗi khi bị chồng phản bội
và bà cũng thừa hiểu nếu ông không còn phản bội vợ nữa thì lý do cũng không là
gì khác ngoài chuyện tiền nong.
Bà vẫn sống mà không khác nào đã chết
và luôn tỏ ra hết sức sầu muộn trong những chuyến đi đi về về bất tận vào mỗi dịp
cuối tuần.
Bà nghĩ đến chuyện mình chưa bao giờ
được yêu thương, bà nghĩ đến chuyện mình không có con cái, bà nghĩ đến thằng bé
con trai bà gác cổng tên là Kevin, tháng Giêng này nó sẽ tròn ba tuổi … Kevin,
cái tên nghe mới gớm ghiếc làm sao. Bà ấy à, nếu có một đứa con trai, bà sẽ đặt
tên thằng bé là Pierre, giống tên bố bà. Bà vẫn nhớ như in cái cảnh tượng kinh
khủng khi bà nhắc đến chuyện nhận con nuôi… Nhưng bà cũng nghĩ đến bộ vest nữ
màu lục vừa thoáng thấy hôm trước trong quầy kính của tiệm Cerruti.
Họ đang nghe Fip. Nghe cũng thú, Fip:
thứ nhạc cổ điển mà người ta hẳn phải lấy làm mừng nếu biết cách cảm thụ, những
bản nhạc phổ cập toàn thế giới, mang lại cảm giác khoáng đạt và những mẩu tin tức
hết sức ngắn gọn chừa đủ thời gian để chuyện vặt vãnh ùa vào khoang lái.
Họ vừa đi qua trạm thu phí. Họ đã
không nói với nhau dù chỉ một lời và họ còn cách đích khá xa.
Anna Gavalda
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét