30 tháng 4, 2016

Dòng sông không sâu




          Một lữ khách đi ngựa đến một dòng sông xa lạ. Ông ta hỏi một thiếu niên xem dòng sông ấy có sâu không.
          - Không đâu, - chú bé đáp,
          Và người kỵ mã bắt đầu vượt sông. Nhưng ngay sau đó ông nhận ra cả người lẫn ngựa đều phải bơi trối chết.
          Khi người lữ khách đã tới bờ bên kia, ông quay lại hét lên :
          - Tao cứ tưởng mày nói là sông không sâu.
          - Ðúng thế mà, - chú bé đáp - nước sông này chỉ ngập ngang bụng lũ vịt của ông cháu thôi.

           Sưu Tấm


.

HÃY LÀM NGƯỜI LỊCH SỰ NHÉ !



          1. Đừng nhại lại giọng của người khác dù là vì bất kỳ mục đích gì. Chuyện đó không có gì là vui vẻ cả.
          2. Đừng nói chuyện với thái độ ra mặt, dạy dỗ người khác. Đừng tùy tiện nói những câu như: "Anh chưa biết à?", "Cái đó ai chẳng biết!",...
          3. Khi người khác cho mình xem một tấm hình trên điện thoại, đừng vuốt chuyển sang tấm hình tiếp theo. Sách báo hay cái gì khác cũng vậy.
          4. Đừng đến muộn, nếu có lỡ hẹn thì phải báo trước một tiếng, đừng nghĩ rằng họ sẽ họp trước chứ không chờ mình. Thật ra là mọi người đang chờ đấy!
          5. Khi ho hay hắt xì, nhớ quay mặt sang một góc và bịt miệng lại cho khẽ tiếng.


          6. Khi nhờ người khác giúp đỡ, hãy nói ra rõ chuyện mình muốn được giúp trước chứ đừng hỏi xem họ có thời gian không? Trả lời có thời gian mà lỡ không giúp được thì kỳ, trả lời không ngay từ đầu thì lại quá ngại. Đừng tạo ra tình huống như thế!
          7. Nếu có đến rất sớm thì cũng nên trả lời là chỉ vừa mới đến thôi. Như vậy mới là lịch sự.
          8. Khi nhai thì không nói chuyện, nuốt xong rồi hãy mở miệng ra kẻo thức ăn nó rơi ra ngoài. Đừng nhai nhồm nhoàm, tạo tiếng động khi ăn.
          9. Nếu được ai đó giúp đỡ như rót cho ly nước, lấy giùm thứ này thứ kia, phải cám ơn và đón nhận lịch sự.
          10. Nghe để hiểu, hiểu rồi mới nói đến quan điểm bản thân. Người giỏi là người biết lắng nghe và thấu hiểu. Lắng nghe một cách tập trung và thấu hiểu một cách chân thành. Làm được vậy thì ai ai cũng quý mến.
          11. Ở những tiệm thức ăn nhanh hay các cửa hàng tiện lợi, ăn xong nhớ tự dọn dẹp cho sạch vì nhân viên ở đây lâu lâu mới dọn một lần. Người khách tiếp theo có thể sẽ "nguyền rủa" cái đứa ăn xong mà xả rác bừa bộn đấy.



          12. Đừng nhìn vào màn hình laptop của người khác rồi hỏi "đang làm gì thế?"
          13. Đi chơi với nhau thì đừng chăm chăm nhìn vào cái điện thoại, chơi như vậy lần sau không ai thèm rủ đi nữa đâu.
          14. Hai đứa yêu nhau mà đi chơi có rủ thêm bạn bè thì phải rủ từ 2 đứa trở lên. Rủ mỗi 1 đứa là nó cô đơn không chịu nỗi khi thấy chúng mày quấn quít bên nhau đâu.
          15. Đối với vật dụng của người khác, phải xin phép trước khi mượn dùng.
          16. Ở nơi công cộng, đặc biệt là các quán cà phê cần nói chuyện nhỏ nhẹ, đặc biệt là con gái. Cười hồn nhiên, mồm mở to chỉ dễ thương khi nhìn từ xa thôi, nhìn gần thấy toàn mưa bay thôi à.
          17. Chỉ nhờ giúp đỡ đối với những người bạn bè mà mình còn giữ mối quan hệ. Đừng nhờ vả những người mà suốt bao năm qua không nói chuyện một lần, như vậy không thấy kỳ à?

          Sưu Tầm


.

29 tháng 4, 2016

Danh Ngôn và Cuộc Sống 108








.

Bữa trưa với Thượng đế



          Có một cậu bé muốn gặp Thượng đế. Cậu biết rằng phải đi cả một quãng đường rất dài mới có thể đến được nơi ở của Người, nên gói ghém mang theo bên mình những chiếc bánh Twinkie và cả sáu hộp nước trái cây, rồi bắt đầu cuộc hành trình.
          Khi đi qua được khoảng ba dãy phố, cậu gặp một bà lão. Bà đang ngồi trong công viên, chăm chú nhìn lũ bồ câu. Cậu bé ngồi xuống cạnh bà và mở túi xách của mình ra. Cậu định uống một hộp nước trái cây, nhưng chợt để ý thấy bà lão có vẻ đói, nên không ngần ngại mời bà một chiếc bánh.
          Bà cảm ơn, cầm lấy bánh và mỉm cười với cậu. Nụ cười của bà tươi tắn đến nỗi cậu bé muốn trông thấy một lần nữa, thế nên cậu mời bà một hộp nước trái cây. Bà lại cười với cậu. Cậu bé cảm thấy rất vui sướng!
          Họ ngồi đó cả buổi chiều, ăn bánh và mỉm cười với nhau, họ không cần nói với nhau một lời nào. Khi trời bắt đầu tối, cậu bé cảm thấy mệt nên đứng dậy ra về. Đi được vài bước, cậu quay trở lại, chạy đến bên bà và ôm bà. Bà cười với cậu - một nụ cười đẹp nhất mà cậu từng được thấy.


          Không lâu sau, khi trở về nhà, mẹ cậu rất đỗi ngạc nhiên vì nét mặt tươi tắn hân hoan của cậu.
          Mẹ cậu hỏi: "Hôm nay có chuyện gì mà trông con vui thế?". Cậu trả lời: "Con đã ăn trưa với Thượng đế mẹ à!" trước khi mẹ cậu kịp nói, cậu lại tiếp: "Mẹ biết không, Người có nụ cười đẹp nhất mà con từng thấy!".
          Trong khi đó, bà lão cũng về tới nhà, khuôn mặt rạng rỡ niềm vui. Con trai bà lấy làm ngạc nhiên trước niềm hạnh phúc rạng ngời trên gương mặt bà: "Mẹ ơi, hôm nay có chuyện gì khiến mẹ vui đến thế?"
          Bà đáp: "Mẹ ăn bánh Twinkie trong công viên với Thượng đế." trước khi con trai bà kịp nói, bà lại tiếp: "Con biết không, Người còn bé hơn là mẹ nghĩ cơ đấy!".

          Thông thường chúng ta không xem trọng giá trị của một cái vỗ về, một nụ cười, một lời nói tử tế, một lời khen chân thành hoặc một sự quan tâm nhỏ nhặt nhất. Tất cả chúng đều có một sức mạnh tiềm tàng để biến chuyển đời sống chúng ta. Hãy luôn trân trọng những ai đã, đang và sẽ đi qua đời bạn.


.

28 tháng 4, 2016

Hãy lắng nghe và…



          Không có gì hồn nhiên và trong sáng bằng thế giới của trẻ thơ. Những câu đối đáp dưới đây giữa bé và ba mẹ sẽ khiến bạn bật cười sảng khoái vì không thể tưởng tượng được trẻ có thể nghĩ ra những câu hỏi, câu trả lời, câu nói hay và thú vị đến thế…

 
Làm biếng là làm gì?
          - Ba ơi ba chơi xếp hình cùng con đi
          - Thôi con chơi với mẹ đi, ba làm biếng lắm!!!
          - Ba ơi, làm biếng là làm cái gì mà ba làm hoài vậy?

Con chó mẹ đang làm gì đó!
          Mẹ đi công tác, gọi điện về cho con
          - Con chó con đang làm gì đó, nhớ mẹ không con?
          - Con nhớ con chó mẹ lắm, chừng nào mẹ về với chó con?!

Mẹ ơi cái miệng con sao dính máu quá trời!
          Mẹ đang nấu ăn trong bếp, con gái 3 tuổi trong phòng hốt hoảng chạy ra khóc
          - Mẹ ơi con không có té mà sao cái miệng con chảy máu quá trời?
          Mẹ quay ra nhìn con mém té xỉu, cây son mới vừa mua tối qua!

Mẹ ơi đừng nhét con vào bụng!
          Con phá phách mẹ nói hoài không nghe, bèn dọa
          - Con mà phá quá là mẹ đánh đòn đó nha!
          - Dạ, mẹ đánh con thì được nhưng mẹ đừng nhét con vào trong bụng nha, con sợ lắm!

Vừa gà vừa vịt là con gì hả mẹ?
          Mẹ dạy con gái 5 tuổi học tính
          - Nhà em có 2 con gà và 3 con vịt, hỏi em có bao nhiêu con vừa gà vừa vịt?
          - Con không tính được
          - Vì sao vậy con, rõ ràng hôm qua mẹ đã dạy con rồi mà
          - (Thút thít) Nhưng con không biết vừa gà vừa vịt là con gì hết mẹ ơi….

Sao cô đó lại ăn em bé vậy mẹ?
          Lần đầu nhìn thấy bà bầu, nhóc con hỏi mẹ:
          - Mẹ ơi cô đó sao bụng bự dữ vậy mẹ?
          - À, cô đang có em bé trong bụng đó con
          - Giống như con khi ăn cơm no bụng cũng to vậy phải không mẹ?
          - Đúng rồi con trai.
          - Vậy sao cô đó không ăn cơm mà lại ăn em bé?


.

Ứa nước mắt với bài tập làm văn về thực phẩm bẩn



Đề bài: Hãy tả lại công việc hàng ngày của gia đình em

          Bài làm của học sinh:
          Sáng nào cũng vậy, khi con gà trống nhà em gáy te te là mẹ em trở dậy lục tục chuẩn bị ra đồng. Mấy năm nay mẹ em cứ dậy là kêu đau người, đau đầu liên tục.
          Mẹ thường ca cẩm với bố, ông to xác thế, sao không chăm bẵm mấy sào rau cho tôi, ngày nào tôi cũng phải quần quật từ sáng đến tối ngoài đồng, tôi sắp chết rồi ông có biết không?
          Bố em cũng đã dậy từ lâu, ông đăm chiêu nhấp một ngụm rượu sếch (ở quê em uống rượu vã không có đồ nhắm thì gọi là rượu sếch) rồi bảo mẹ: Bà phải chịu khó mà cày cấy, tôi ở nhà còn đàn lợn, gà rồi lại còn bán quán lòng lợn tiết canh, vất vả lắm thay.
          Mẹ em không nói không rằng, chuẩn bị quần áo, khẩu trang kín mít rồi ra đồng.
          Ở đồng, mẹ em trồng nhiều rau muống, rau cải với xu hào, thi thoảng bà còn tăng gia thêm cả vài sào dưa hấu. Mùa nào cũng vậy, raau xanh mơn mởn, lá nảy mượt mà.
          Em rất muốn giúp mẹ nhưng cứ hễ thò mặt ra đồng là mẹ em đuổi em quầy quậy, bà bảo: "Về ngay, cái thằng ranh kia, chỗ sung sướng thì mày không ở lại đâm đầu ra đây. Mày có muốn chết sớm không con."
          Em hỏi mãi thì mẹ mới nói thật: "Con ơi rau nhà ta chỉ có 1 luống ở gần nhà ăn được, mấy sào này phải phun thuốc cho nó lớn nhanh, bán nhanh thì mới có tiền cho mày ăn học.
          Mẹ ngày nào cũng ra đồng, cũng phun thuốc nên đầu hay đau nhức, cơ thể mệt mỏi, mắt mờ, tai ù, chân chậm... chẳng biết rồi mẹ sống được để chăm bẵm mày đến bao giờ".
          Em thương mẹ quá nhưng chẳng biết làm gì giúp mẹ. Em còn bé chưa phun được thuốc sâu.


          Ruộng rau của nhà ăn khác hẳn với những luống rau mơn mởn đang chuẩn bị thu hoạch để bán.
          Nghe mẹ nói em mới biết, hóa ra kiến thức sinh học trong mấy cuốn sách giáo khoa cô giáo vẫn dạy chẳng còn đúng nữa.
          Sách dạy trồng rau muống, rau cải, su su, rau ngót, rau cần... phải 1,2 tháng mới cho thu hoạch còn rau của mẹ em cho thu hoạch chỉ 4,5 ngày.
          Hôm trước em thấy mẹ phun thuốc chì chạt, sáng hôm sau đã thấy rau xanh mơn mởn rồi mẹ cắt xoàn xoạt đem đi chợ bán.
          Em thèm ăn mấy mớ rau đó lắm vì nó xanh và mướt nhưng mẹ toàn bắt em phải ăn luống rau còi cọc quanh nhà.
          Một hôm vào vụ dưa, em đi học về ngang qua ruộng dưa gần nhà, đói và khát nước quá nên em nhảy xuống vặt tạm một quả định ăn cho mát.
          Ai ngờ đang hí hoáy thì mẹ em chạy từ đằng xa lại kêu như cháy nhà, bà la lên bai bải: "Ối con ơi mày không thương bố mẹ nữa sao, muốn ăn thì về luống dưa ở vườn mà ăn chứ mẹ có tiếc con đâu.
          Mày ăn quả này vào sau này con có mệnh hệ gì mẹ sống làm sao được".
Em chán quá bỏ ngang miếng dưa rồi về. Mẹ chắc chẳng thương em, mấy quả dưa trong vườn nhà cũng trồng cùng ngày với dưa ngoài ruộng mà nó bé bằng con chuột nhắt. Đợi đến bao giờ em mới được ăn.


          Ra đồng giúp mẹ không được, em muốn về nhà để phụ bố. Nhưng bố em cũng chẳng khiến. Ông và mấy chú hàng xóm giết lợn rất nhanh và thạo.
          Hàng chục con lợn lúc bắt về nó kêu eng éc điếc cả tai nhưng bố chỉ hòa hòa cái thuốc gì đó cho chúng uống là con nào con ấy ngủ lăn quay. Chờ cho lũ lợn ngủ hết ông mới sai mấy chú giúp việc bơm nước vào mồm lợn cho bọn nó no ễnh bụng lên.
          Đợi một lúc lâu cho lợn ngấm nước bố em mới sai các chú đem đi mổ. Chú Tỉn là chú họ của em hay bảo: "Bây giờ có cái chiêu bơm nước này hay thật, một con lợn lãi được bao nhiêu từ nước lã.
          Cái thuốc an thần này cũng đúng là lợi hại, mổ con lợn cả tạ mà chả phải vất vả, thịt lại được giữ lâu, rất tươi mầu".

          Những vỏ thuốc an thần được sử dụng bơm vào heo trước khi đem đi giết mổ - ẢNH: B.S.
          Mang tiếng là nhà bán thịt lợn lại bán cả lòng lợn tiết canh đầu ngõ nhưng em chẳng bao giờ được ăn miếng thịt, miếng lòng nào.
          Hễ em ho he ra quán bảo bố: "Bố ơi con đói là ông lại quát ầm lên: "Vào nhà xem còn cơm nguội không, ăn tạm đi con ạ, thiếu chất tí cũng được còn hơn ăn thịt lợn này thừa chất.
          Mấy cái nước lã với thuốc an thần bố bơm vào lợn đã ăn thua gì, ở chỗ nuôi người ta còn cho lợn ăn toàn chất cấm, thuốc kích thích tăng trọng, lợn nuôi có 2 tháng mà được non 1 tạ. Lợn này là lợn thuốc đấy con ạ".
          Thế là ngày nào em cũng chẳng được ăn gì, dù toàn thứ nhà em làm. Ăn gì bố mẹ em cũng cấm chỉ sợ em phải thực phẩm bẩn ngộ độc, ung thư. Sao em khổ thế?
          Hôm trước, bác hàng xóm có tổ chức đám cưới cho con trai lấy vợ ở làng bên. Tiệc cưới rất vui nhưng đến lúc ăn cỗ thì hai họ đánh nhau ầm ĩ.
          Lệ làng em là khi làm cỗ cưới, nhà trai nhà gái đều phải góp thực phẩm để mâm cỗ thêm ấm cúng, tình nghĩa chan hòa.
          Vào tiệc, bố chú rể gắp một miếng thịt gà vào bát của bố cô dâu rồi bảo: "Đây, đây, mời bác xơi miếng thịt gà, gà nhà bác thì mời bác xơi trước mới phải phép". Bố cô dâu hình như đã nóng mắt lắm nhưng vẫn cố kìm chế.
          Ông lại gắp miếng thịt lợn rồi bảo: "Mời bác xơi miếng thịt lợn nhà bác, tôi cung kính nhường bác ăn lợn nhà bác trước." Hai bên thông gia cứ đùn đẩy cho nhau nhưng chẳng ai dám ăn gì.
          Bố cô dâu ngà ngà say rồi đỏ mặt tía tai nói: "Thịt lợn nhà nó mà nó không dám hốc, nó định lừa cho cả họ nhà mình ăn để mình chết sớm à?" Thế là cả hai họ lao vào đánh nhau.
          Bố chú rể và bố cô dâu vật lộn với nhau rất hăng, ông thì cầm miếng thịt gà, ông thì cầm miếng thịt lợn cứ đòi nhét vào mồm nhau xong rồi hét toáng lên: "Hôm nay tao cho mày chết, hôm nay tao cho mày chết."
          Đám cưới lẽ ra là ngày vui mà cuối cùng bung bét hết. Cả hai họ đói ngao lên rồi vác bụng rỗng đi về. Họ nhà giai thì chê thực phẩm nhà gái bẩn, nhà gái thì bảo mấy con lợn tăng trọng vù vù của nhà trai ăn sao được. Cô dâu chú rể khóc hết cả nước mắt.


          Em với thằng Tủn đi xem đám cưới từ sáng mà phải đem cơm nắm rang muối trắng để ăn.
          Cả mấy năm ăn chay trường như vậy em với Tủn với nhiều đứa trẻ nữa trong làng đều gầy giơ xương, má hóp, đít tóp, da xanh tái hoặc vàng bủng.
          Chiều nay khi đi học về ngang ruộng dưa, em với Tủn đói quá bèn ngồi xuống bờ để thở.
          Cô bảo chúng em bị suy dinh dưỡng rồi, nếu bố mẹ các em cũng như nhiều người nông dân khác không thay đổi cách trồng chọt, chăn nuôi thì sớm muộn gì cả lớp, cả trường sẽ có nguy cơ bị ung thư.
          Ung thư thể chất đã đáng lo nhưng ung thư tâm hồn còn đáng sợ hơn gấp bội.
          Em và Tủn chưa hiểu rõ ung thư tâm hồn là như thế nào. Em chỉ thấy đói, đói và thèm bát canh bầu mẹ nấu, thèm đến ứa nước miếng đĩa thịt gà thơm phức bố luộc cho ăn.
          Tủn thì bảo, nó mơ được chạy chân trần trên bờ ruộng thơm mùi cỏ mật, thèm miếng dưa hấu mát lành, thèm bầu trời xanh mát không có mùi thuốc trừ sâu. Hai đứa cứ thế nằm trên bờ ruộng kể về nỗi thèm thuồng bình dị của trẻ thơ.
          Hình như chúng em đói lả và ngất đi. Trong mơ em vẫn nghe thấy tiếng mẹ khóc nấc lên rồi kêu thảm thiết: "Ối con ôi sao mà ra nông nỗi này, sao hai đứa nằm thiêm thiếp ở đây".
          Em muốn nói với mẹ, con chỉ đói lả đi thôi, chỉ cần mẹ cho con ăn miếng dưa hấu là sẽ tỉnh lại ngay. Thế mà mẹ nhất quyết không cho em ăn.
          Buồn quá. Người lớn sao lại khó hiểu như vậy nhỉ. Ai cũng nhăm nhăm kiếm thật nhiều tiền. Nhưng tiền nhiều để làm gì khi hàng ngày cứ hủy hoại, đầu độc lẫn nhau. Em sợ rồi sẽ giống bố mẹ. Em sợ rồi sẽ ung thư cả tâm hồn.

          P/s: Đây chỉ là bài tập làm văn tưởng tượng nhưng dựa trên thực tế đang diễn ra...


.