.
Trong đời sống hàng ngày, ta có cảm
giác cô đơn là do ta có tầm nhìn hạn hẹp. Tầm nhìn của ta hạn hẹp là do ta cố
chấp, thành kiến, không chịu lắng nghe và học hỏi. Ta càng ích kỷ bao nhiêu thì
tầm nhìn của ta càng hạn hẹp bấy nhiêu. Và tầm nhìn ta hạn hẹp bao nhiêu, thì
những cảm giác cô đơn và cô độc sinh khởi nơi tâm thức ta và nơi đời sống của
ta bấy nhiêu. Ta đừng bao giờ bảo rằng, giữa đời nầy không có ai hiểu ta, và nếu
ta muốn người khác hiểu ta, thì trước hết ta phải hiểu người khác; ta muốn người
khác thương ta, thì trước hết, ta phải thương người khác; ta muốn người khác
tôn trọng ta, thì trước hết ta phải biết tôn trọng người khác.
Nếu ta không hiểu người khác mà mong
người khác hiểu ta; ta không thương người khác mà mong người thương ta; ta
không tôn trọng người khác mà mong người khác tôn trọng ta, là những điều chưa
bao giờ xảy ra trong thế gian này. Chính những cảm giác cô đơn của ta từ đó mà
sinh khởi. Nếu ta không hiểu người khác mà người khác hiểu ta, cái hiểu ấy là
cái hiểu của những bậc đại nhân; nếu ta không thương người khác mà người khác
thương ta, cái thương ấy là cái thương của những bậc đại nhân; nếu ta không tôn
trọng người khác mà người khác tôn trọng ta, cái tôn trọng ấy là của những bậc
đại nhân.
Những bậc đại nhân là ai? Đó là những
người ở trong đời, cũng ăn như ta, cũng uống như ta, cũng đi, đứng, nằm, ngồi,
nói cười, sinh hoạt như ta, nhưng họ khác ta là do họ có tầm nhìn lớn, họ có
tâm hồn lớn, nhưng những nhu cầu tiêu thụ cho đời sống của họ thì lại rất ít và
họ lại chín chắn, cẩn trọng để làm chủ tâm trong những hành xử nhỏ nhặt hàng
ngày đối với bản thân họ và mọi người, vì vậy mà họ là bậc đại nhân. Những bậc
đại nhân thì không nhìn đời bằng nhận thức mà bằng tuệ giác; không thương đời bằng
cảm tính mà bằng từ bi; không đối đãi với đời bằng sự tương quan mà bằng xả lợi.
Do đó, bậc đại nhân đi đến đâu cũng
an toàn và sống với ai cũng an lạc.
Thầy Thái Hòa
.