14 tháng 9, 2011

Thầm lặng đời mẹ



          Tôi là đứa con bất hạnh. Lúc ấu thơ, tôi vẫn nhủ thầm như thế khi thấy nhà hàng xóm lúc nào cũng có bố mẹ đủ đầy. Còn tôi, thui thủi một mình, lăn lê hết nhà này qua nhà khác.

          Do không có bàn tay mẹ chăm sóc, cơ thể tôi mọc đầy chốc lở, mụn nhọt. Bố tôi là diễn viên, thường xuyên phải đi công tác, có khi cả tháng mới về. Trước các chuyến đi, bố gửi tôi cho những người bạn đáng tin cậy nhất chăm sóc. Thỉnh thoảng các bác vẫn hỏi tôi: “Con có nhớ mẹ không?”. “Không nhớ, không nhớ gì hết”, tôi dằn dỗi trả lời rồi bỏ ra cây chuối sau nhà khóc. Tôi trách mẹ sao không nuôi tôi, sao bỏ mặc tôi chênh vênh giữa chốn người xa lạ.

          Cuộc sống khốn khó của thời bao cấp khiến bố mẹ tôi phải sống xa nhau. Bố tôi có biên chế trong đoàn Tuồng Trung ương nên ở lại Hà Nội. Mẹ sống nơi quê nhà, tần tảo sớm hôm, chăm sóc ông bà nội già yếu. Cái nghèo đã bóc hình dáng của một cô thôn nữ xinh xắn, có giọng hát mượt mà thành người phụ nữ gầy gò, xanh xao, đôi mắt lúc nào cũng thâm quầng hốc hác.

          Thời gian trôi nhanh, tôi lớn lên trong nỗi cô đơn của người con xa mẹ, xa quê. Năm 15 tuổi, tôi trốn bố, lén lên xe về quê thăm mẹ. Mẹ nhìn thấy tôi, mừng mừng tủi tủi, rồi khóc thầm. Mẹ đi luộc khoai cho tôi ăn. Tôi cầm củ khoai một cách miễn cưỡng rồi thầm trách: “Bao năm con mới trở về mà bữa trưa mẹ chỉ cho con ăn khoai thôi sao?”.

          Mẹ lặng lẽ đi làm. Sáng hôm sau, mặt trời đã cao bằng con sào mà mẹ vẫn chưa về. Tôi chạy ra, chạy vào lo lắng. Cuối cùng, một toán người ầm ập chạy vào nhà, mẹ tôi da xám ngoét, trông như tàu lá chuối, rủ người trên tay một người lạ. Mẹ nhìn tôi, mắt ầng ậc nước, lấy hết sức tàn, mẹ chỉ vào rổ sứa.

          Một người trong số họ nói: “Mẹ mày mải bắt sứa quá, nước thủy triều lên, không chịu chạy đi, không có cô chú cứu kịp, chắc mẹ mày đã về với ông bà, ông vải rồi”. Ôi mẹ tôi, vì mải bắt sứa cho tôi thưởng thức đặc sản quê hương mà suýt chết đuối ư? Tôi quay mặt đi, nước mắt chảy ngược vào tim.

          Khi ông bà nội tôi mất, tưởng rằng bố mẹ tôi sẽ sớm được đoàn tụ, ngờ đâu, nạn trùng tang u ám bao trùm căn nhà nhỏ của tôi. Ngay sau năm ông nhắm mắt, bố tôi cũng ra đi. Tôi không hiểu sức mạnh nào đã khiến mẹ vượt qua dông gió cuộc đời như thế để nuôi 3 đứa con trưởng thành.

          Những gánh bắp cải, su hào oằn mình trên vai mẹ giữa mùa đông hun hút gió. Tôi chắc số rau đó nặng hơn rất nhiều so với số cân nặng của mẹ, bởi mẹ tôi lúc đó chỉ còn 33 kg sau khi đã cạn nước mắt khóc thương ông và bố. Nhờ sự tần tảo của mẹ, chị em tôi đều tốt nghiệp đại học. Mẹ dựng vợ, gả chồng cho từng đứa với nụ cười mãn nguyện.

          Ngày tôi sinh con đầu lòng, mẹ sang nhà chồng một tháng chăm sóc tôi, tối thức đêm bế cháu, ngày giặt giũ, dọn dẹp, nấu nướng, cùng mẹ chồng tôi xem phim. Sau những giây phút như thế tôi thấy mẹ thường xuyên ngồi ngủ mà lòng thắt lại.

          Mới 60 tuổi, răng mẹ đã rụng hết, may nhờ công nghệ làm đẹp, mẹ có hai hàm răng giả để khoe nụ cười với mọi người. Mẹ vẫn thích đi chợ, không nghỉ một ngày nào, mặc trời mưa gió. Có hôm mẹ gọi tôi lại thủ thỉ: “Lát đưa mẹ đi mua vàng”. “Chà, mẹ giờ đã biết giữ vốn riêng rồi đấy!”. Mẹ thầm thì: “Ừ, mẹ giờ cũng tuổi gần đất xa trời rồi, nếu lỡ mẹ chết, các con cũng có vốn đấy mà lo ma chay”.

          Tôi nuốt nước mắt vào trong, có giây phút nào trong cuộc đời, mẹ nghĩ cho bản thân mình không?


          Nguyễn Thị Hồng Hà




.

Không có nhận xét nào: