31 tháng 1, 2016

Nhớ đến tôi


            Ngày ấy sẽ đến, khi thân xác tôi nằm trên một chiếc giường phủ drap trắng trong một bệnh viện đầy ắp những người sống và những người đang hấp hối. Chẳng bao lâu bác sĩ sẽ quyết định rằng bộ não tôi ngưng hoạt động và rằng thực tế là cuộc sống của tôi đã chấm dứt.
            Khi điều đó xảy ra, đừng cố gắng giúp tôi một cuộc sống nhân tạo bằng việc sử dụng máy móc. Ðừng gọi chiếc giường này là giường chết mà hãy gọi nó là chiếc giường của cuộc sống, và hãy mang thân xác tôi ra khỏi giường để giúp đỡ những kẻ khác có cuộc sống vẹn toàn hơn.
            Hãy lấy thị giác của tôi cho người đàn ông chưa bao giờ được nhìn thấy ánh mặt trời lúc bình minh, một gương mặt trẻ thơ hay tình yêu trong ánh mắt của người phụ nữ. Hãy đưa trái tim của tôi cho người có trái tim tim bị đau đớn trong những ngày tháng vô tận. Hãy lấy máu của tôi cho một thiếu niên vừa được kéo ra khỏi đống vụn xe sau tai nạn để cháu có thể sống mà nhìn thấy hậu sinh của mình. Hãy đưa trái thận của tôi cho một người phải lệ thuộc vào máy để sinh tồn từ tuần này sang tuần khác. Hãy lấy xương của tôi, lấy từng bắp thịt, thớ thịt và từng sợi dây thần kinh trong thân xác tôi và tìm cách giúp một đứa trẻ tàn tật có thể đi được.
            Tìm kiếm trong từng góc cạnh của bộ não tôi. Hãy lấy những tế bào nếu cần thiết hãy để nó phát triển để đến một ngày nào đó, một cậu bé không biết nói sẽ la lớn và một cô bé bị điếc có thể nghe được tiếng mưa rơi trên cửa sổ.
            Hãy đốt những gì còn lại của tôi và rải tro vào gió để giúp cho những bụi hoa nở rộ.
            Nếu phải chôn một thứ gì đó, hãy chôn đi những lỗi lầm của tôi, sự yếu đuối của tôi và tất cả những thành kiến nhân loại.
            Hãy đưa những tội lỗi của tôi cho quỷ dữ. Hãy gửi linh hồn của tôi cho thượng đế.

            Nếu tình cờ bạn mong muốn nhớ đến tôi, bạn hãy có những lời nói hoặc việc làm thật tử tế đối với những người cần bạn. Nếu bạn làm được như vậy tôi sẽ còn sống mãi mãi.


.




Dẻo và bền nhất

           

              Thầy: Trò nghe đây: sắt thép, đồng… vật liệu nào dẻo dai và bền nhất?
           – Quỳnh: Thưa thầy là… Thưa thầy cho 5 phút suy nghĩa ạ. Á! Thưa thầy vật dẻo dai và bền nhất đó là sợi tóc ạ. 
          – Thầy: Sao! Làm gì có chuyện đó sợi tóc làm sao có thể dẻo hơn sắt thép được? 
           – Quỳnh: Sao lại ko ạ! Thưa thầy chẳng phải người ta nói "nghìn cân treo sợi tóc"đó thôi ạ.


.



Bóng tối là gì?

         Cuộc đối thoại giữa một đại sư lỗi lạc từ một ngôi đền thờ Phật cổ xưa và một người vô thần.
         Đại sư: Thí chủ, trên thế giới này, thí chủ không tin vào điều gì nhất?
         Người vô thần: Tôi tin những gì nhìn thấy là đáng tin và những gì không nhìn thấy là không đáng tin.
         Đại sư: Ồ, thưa thí chủ, thí chủ quả là một người rất thật thà. Nhưng, thí chủ thấy đấy, có một cung điện to lớn, trông thật lộng lẫy với vàng bạc và những thảm cỏ xanh, nguy nga tráng lệ trước mắt thí chủ 100m. Nhưng khi màn đêm buông xuống, bóng tối bao trùm tất cả, thí chủ có nghĩ là cung điện ấy không tồn tại không?
.


         Người vô thần: Dĩ nhiên nó vẫn tồn tại chứ, nhưng chỉ có điều nó đã bị bóng đêm che lấp.
         Đại sư: Vậy thì bóng tối là gì?
         Người vô thần: À….
         Đại sư: Vào ban đêm, thí chủ tin vào bóng tối? Và ban ngày, thí chủ lại tin vào ánh sáng sao?
         Người vô thần: À….
         Đại sư: Thưa thí chủ, trên thực tế, thí chủ chỉ nhìn thấy những thứ mà thí chủ có thể thấy. Cung điện rộng lớn ở kia sẽ mãi chẳng chuyển dời, chỉ có tâm lý và trí tuệ của thí chủ bị bao trùm bởi bóng đêm, cho nên đại điện đó đã biến mất trong tâm của thí chủ.
         Người vô thần (chắp 2 tay trước ngực biểu lộ sự tôn kính): Xin đại sư vĩ đại hãy giải thích rõ hơn cho tôi?
,


         Đại sư: Tất cả mọi điều làm rối loạn trái tim thí chủ cũng giống như bóng đêm mơ hồ vô biên này, chỉ có hình thức của chúng là khác nhau thôi. Vạn thứ tạo tác trong thế giới này cũng nhiều như số hạt cát sông Hằng, cho dù thí chủ có nhìn thấy chúng hay không, có cảm nhận thấy hay không, thì chúng vẫn ở đó. Nếu thí chủ ngồi dưới một cái giếng mà nhìn lên trời thì sẽ rất khó hiểu được vũ trụ bao la này. Nói cách khác, không thể đánh giá qua việc nhìn thấy hay không nhìn thấy được. Và khi con người nhìn thế giới qua tròng mắt này thì cũng giống như ngồi trong giếng mà nhìn lên bầu trời vậy. Con mắt người chỉ có thể nhìn thấy những điều nhỏ bé vô cùng hữu hạn, và còn những thứ to lớn hơn không nhìn thấy nhưng vĩnh viễn tồn tại nơi đó.





Quà sinh nhật



           Câu chuyện này được viết vào năm 1969 khi mà nạn phần biệt chủng tộc  ở Mỹ chưa được cải thiện.

           Sau khi con trai tôi học lớp một được một tuần, thằng bé về nhà báo tin rằng Roger, học sinh người Mỹ gốc Phi duy nhất trong lớp, là bạn ngoài sân chơi của nó. Tôi nuốt nước bọt rồi nói:
           – Hay nhỉ! Thế con sẽ chơi chung với nó bao lâu nữa thì có đứa khác thay con chơi với nó?
           – Ô, con sẽ chơi với bạn ấy mãi mãi mẹ ạ!- Mike trả lời tôi.
           Rồi một tuần sau, tôi lại nghe tin Mike rủ Roger ngồi chung bàn học với mình.
           Nếu như bạn không sinh ra và lớn lên ở tận miền nam nước Mỹ xa xôi này, như tôi đây, thì bạn sẽ không thể nào hiểu được những tin này khủng khiếp như thế nào. Tôi lập tức hẹn gặp giáo viên dạy lớp con tôi.
           Cô giáo đón tôi với đôi mắt mệt mỏi và đầy hoài nghi. Cô nói:
           – Thưa bà, tôi cho là bà cũng muốn con trai mình được ngồi chung với một học sinh khác, phải không ạ? Bà vui lòng chờ cho một lát. Tôi cũng có một cuộc hẹn với một phụ huynh khác và bà ấy đang đến kìa.
           Vừa lúc ấy, tôi trông thấy một phụ nữ trạc tuổi tôi bước tới. Tim tôi tự nhiên đập mạnh bởi tôi đoán chắc bà ấy là mẹ của Roger. Nơi bà toát lên vẻ trầm lặng và hết sức đĩnh đạc của một người phụ nữ có phẩm cách, nhưng những điều đó cũng không giúp bà ta giấu được nỗi lo lắng thể hiện qua giọng nói:
           – Cháu Roger thế nào rồi, thưa cô? Tôi mong rằng con tôi vẫn quan hệ tốt với những đứa trẻ khác. Nếu không như thế, cô cho tôi biết nhé!
           Bà ngập ngừng khi tự nêu câu hỏi:
           – Cháu có làm điều gì khiến cô phải phiền lòng không? Ý tôi nói là việc cháu phải thay đổi chỗ ngồi quá nhiều lần!
           Tôi cảm nhận được sự căng thẳng tột độ trong lòng mẹ của Roger, vì chắc bà đã biết rõ câu trả lời. Nhưng tôi thấy tự hào cho cô giáo lớp một này khi nghe cô dịu dàng đáp:
           – Không có đâu, thưa bà! Cháu Roger không làm gì để tôi phải phiền lòng cả. Chẳng qua trong những tuần đầu tiên, tôi cố gắng chuyển đổi chỗ ngồi để cuối cùng em nào cũng tìm được người bạn hợp với mình thôi.
           Bấy giờ tôi mới giới thiệu mình và nói rằng con trai tôi là bạn cùng bàn mới của Roger và tôi hy vọng hai đứa nó sẽ thương mến nhau. Ngay lúc nói ra tôi đã biết những lời của mình hoàn toàn sáo rỗng, chứ tận đáy lòng, tôi thực sự không muốn điều này. Nhưng rõ ràng là câu nói ấy đã làm yên lòng mẹ của Roger.
           Đã hai lần thằng bé Roger mời Mike đến nhà mình chơi, nhưng lần nào tôi cũng viện lý do để không cho con tôi đi. Và rồi có một việc xảy ra khiến cho lòng tôi cứ day dứt mãi không thôi khi nghĩ lại cách cư xử của mình.



           Vào ngày sinh nhật của tôi, Mike đi học về cầm trên tay một tờ giấy lấm lem được gấp lại vuông vức. Tôi mở ra và nhìn thấy ba bông hoa và dòng chữ “Chúc mừng sinh nhật Cô!” được viết nắn nót bằng bút chì ở mặt trong tờ giấy và một đồng cắc năm xu.
          – Roger gửi tặng mẹ đó!
          – Mike nói :
           – Đó là tiền mua sữa của bạn ấy. Khi con nói hôm nay là sinh nhật của mẹ, bạn ấy nhờ con mang về tặng mẹ. Bạn Roger nói rằng mẹ cũng là mẹ của bạn ấy, vì mẹ là người mẹ duy nhất đã không yêu cầu bạn ấy phải đổi sang bàn khác


.

30 tháng 1, 2016

Tấm lòng cô giáo

          Chúng tôi đang trong giờ học của cô Virginia Deview, khúc khích cười, thọc mạnh vào nhau và bàn tán về những “tin tức” mới nhất trong ngày, như thuốc chải mí mắt màu tím đặc biệt mà Cindy đang dùng. Cô Deview hắng giọng và yêu cầu chúng tôi trật tự.
          – Bây giờ, – cô vừa nói vừa mỉm cười, – các em hãy suy nghĩ về nghề nghiệp trong tương lai của mình.
.


          Cả lớp dường như đồng loạt há hốc miệng vì ngạc nhiên. Nghề nghiệp của chúng tôi ư? Chúng tôi liếc nhìn nhau. Chúng tôi chỉ mới 13, 14 tuổi. Cô giáo này thật là lẩn thẩn!
          Đó là điều mà khá nhiều đứa trong bọn chúng tôi nhận xét về cô Deview, người có mái tóc luôn búi lên và hàm răng trên nhô ra. Bề  ngoài như thế khiến cô luôn là mục tiêu dễ dàng cho những tiếng cười khúc khích và những câu đùa ác nghiệt của lũ học trò.
          Cô cũng hay làm cho các học sinh bực bội vì những yêu cầu khắt khe của mình. Hầu hết chúng tôi đều xem nhẹ năng lực của cô.
          – Phải. Tất cả các em phải suy nghĩ về nghề nghiệp trong tương lai của mình. – Cô hăng hái nói như thể đây là điều tuyệt nhất mà cô làm được cho học sinh của mình.
           – Các em sẽ phải làm một đề tài nghiên cứu về nghề nghiệp trong tương lai của mình. Mỗi em sẽ phải phỏng vấn một ai đó làm trong lĩnh vực mà mình chọn, rồi thuyết trình trước lớp.
          Hôm đó, tất cả chúng tôi đều tan học với sự lúng túng. Có ai mà biết mình muốn làm gì khi mới 13 tuổi chứ? Tuy nhiên, tôi đã thu hẹp những lựa chọn của mình lại. Tôi thích nghệ thuật, ca hát và viết văn. Nhưng về nghệ thuật thì tôi rất tệ, còn khi tôi hát các chị tôi hay hét lên: “Này, làm ơn ngậm miệng lại dùm đi”. Lựa chọn duy nhất còn lại là viết văn.
          Và trong những giờ lên lớp kế tiếp của mình, cô Deview đều kiểm tra chúng tôi: “Chúng tôi đã đi đâu?”, “Các bạn nào đã chọn được nghề nghiệp cho mình?”. Cuối cùng, hầu hết chúng tôi đều đã chọn được một nghề nào đó; tôi đã chọn nghề làm báo. Điều đó có nghĩa là tôi phải đi phỏng vấn một phóng viên báo chí bằng xương bằng thịt. Điều này làm tôi rất lo.
.


          Tôi ngồi xuống trước mặt người phóng viên mà tôi gặp gần như không thể nói nổi lời nào. Ông ấy nhìn tôi rồi hỏi:
          – Cháu có mang theo cây viết nào không?
          Tôi lắc đầu.
          – Còn giấy viết thì sao?
          Tôi lại lắc đầu.
          Cuối cùng, chắc ông ấy nhận ra là tôi đang sợ hãi và đã cho tôi một lời khuyên hữu ích đầu tiên để có thể trở thành một nhà báo.
          – Bác chưa bao giờ đi đến bất kỳ nơi nào mà không mang theo bút và giấy viết cả, bởi vì ta chẳng bao giờ biết mình đang rơi vào chỗ nào.
          Trong 90 phút tiếp đó, người phóng viên đứng tuổi đã kể cho tôi nghe toàn những câu chuyện về các vụ cướp, những trường hợp ăn chơi sa đọa và những vụ hỏa hoạn, ông kể về một đám cháy bi thảm đã cướp đi sinh mạng của bốn người trong gia đình nọ mà ông không thể nào quên, ông bảo rằng ông vẫn có thể ngửi thấy mùi thịt của họ đang cháy…
          Vài ngày sau, tôi đã trình bày bài thuyết trình về nghề nghiệp của mình trước lớp hoàn toàn bằng trí nhớ một cách say sưa như bị thôi miên. Tôi nhận được điểm A cho toàn bộ công trình của mình.
          Khi năm học sắp kết thúc, một vài học sinh quá bất mãn đã quyết định trả thù cô Virginia Deview vì công việc khó khăn mà cô đã bắt chúng tôi làm. Khi cô đi đến một góc hành lang nọ, chúng đã cố hết sức ấn mạnh một cái bánh vào mặt cô. Cô chỉ bị xây xát nhẹ bên ngoài, nhưng trong lòng cô đã bị tổn thương rất nặng. Nhiều ngày sau đó, cô đã không đến trường. Khi tôi nghe được chuyện ấy, ruột tôi như bị ai cắt. Tôi cảm thấy xấu hổ cho chính mình và những đứa bạn của tôi, những người không biết làm điều gì tốt hơn là lên án một người phụ nữ vì vẻ bề ngoài của cô ấy, thay vì thán phục những phương pháp giảng dạy thú vị của cô.
          Nhiều năm sau, tôi đã quên tất cả mọi chuyện về cô Deview cũng như những nghề nghiệp chúng tôi đã lựa chọn.
          Tôi vào đại học và tìm kiếm một nghề nghiệp mới. Cha muốn tôi đi theo lĩnh vực kinh doanh và dường như đó là một lời khuyên đúng đắn vào lúc bấy giờ, nhưng oái oăm thay tôi chẳng có lấy một ký năng kinh doanh nào. Thế rồi tôi chợt nhớ đến cô Virginia Deview cùng ước muốn làm phóng viên hồi 13 tuổi. Tôi gọi điện cho ba mẹ.
          – Con sẽ đổi nghề – Tôi thông báo.
          Một sự im lặng nặng nề ở đầu dây điện thoại bên kia.
          – Đổi sang nghề gì? – Cuối cùng cha tôi cất tiếng.
          – Nghề làm báo ạ!
          Tôi có thể đọc thấy sự không vui qua giọng nói của ba mẹ, nhưng họ không ngăn cản tôi. Họ chỉ nhắc nhở tôi rằng đây là một lĩnh vực đầy cạnh tranh và tôi đã muốn tránh nó như thế nào.
          Họ nói đúng. Tuy nhiên nghề phóng viên báo chí đã đem lại cho tôi điều gì đó; nó nằm trong máu thịt của tôi. Nó đem đến cho tôi sự tự do để đến được với tất cả những người xa lạ và hỏi họ về những điều đã xảy ra. Nó luyện cho tôi cách đặt câu hỏi và tìm được câu trả lời trong cả nghề nghiệp lẫn cuộc sống riêng tư của mình. Nó mang đến cho tôi sự tự tin.
          Trong 12 năm qua, nghề phóng viên đem lại cho tôi Sự hài lòng và rất nhiều điều ngạc nhiên thú vị. Tôi viết mọi chuyện từ những kẻ giết người đến những vụ rơi máy bay và sau cùng là viết theo sở trường của mình. Tôi thích viết về những giây phút bi thảm và mong manh trong cuộc sống con người, bởi lẽ tôi cảm thấy điều đó giúp họ trong một phương diện nào đó.
          Một ngày nọ, khi tôi nhắc điện thoại lên, một cơn sóng kỷ niệm  chợt ùa về trong tôi. Tôi nhận ra rằng nếu không có sự ủng hộ của cô Virginia De view, tôi sẽ không có được vị trí hiện nay của mình.
          Có lẽ cô sẽ chẳng bao giờ biết được nếu không có sự giúp đỡ của cô, tôi đã không trở thành một phóng viên và một nhà văn. Có thể tôi đang ngụp lặn trong thế giới kinh doanh ở một nơi nào đó, với những rủi ro to lớn bao vây lấy tôi mỗi ngày.           Tôi tự hỏi giờ đây có bao nhiêu học sinh khác đã từng là học trò của cô nhận thức được tầm quan trọng của bài tập nghiên cứu về nghề nghiệp đó.
.

          Người ta luôn hỏi rằng:
          – Anh đã chọn nghề báo như thế nào?
          – À, anh có biết không, có một cô giáo…
          Tôi luôn bắt đầu như thế và thầm cám ơn cô Deview.
          Tôi mong rằng những học trò của cô khi ngẫm nghĩ về những ngày còn đi học của mình, sẽ còn giữ lại trong tâm trí hình ảnh của một người giáo viên độc thân – cô Virginia Deview – rất riêng, rất khác biệt của họ. Có lẽ họ sẽ cám ơn cô ấy trước khi quá trễ.


.


Đôi mắt biết nói



           Đó là một buổi tối lạnh lẽo, rét buốt ở miền bắc Virginia cách đây đã nhiều năm. Bộ râu của ông lão cứng ngắc trong cái lạnh của mùa đông khi ông đợi có ai đó giúp ông sang sông. Sự chờ đợi dường như vô tận. Cơ thể ông tê cóng và cứng đờ bởi những cơn gió bấc giá lạnh.
           Bỗng ông nghe thấy tiếng ngựa phi nhịp nhàng đang đến gần men theo con đường đầy sương gió. Ông lo lắng nhìn khi một nhóm chàng trai phi ngựa rẽ qua khúc quanh, ông đã để cho người đầu tiên chạy qua mà chẳng hề gọi. Sau đấy, một người khác đi qua, rồi một người nữa. Lúc này, tuyết đã rơi, trông ông lão giống như một bức tượng bằng tuyết, ông đã thấy người kỵ sĩ cuối cùng. Khi người này đến gần, ông già ra dấu với người kỵ sĩ rồi nói:
           – Chào cậu, cậu có phiền đưa già này sang bên kia sông được không? Chẳng có lối nào để đi bộ được cả.

 
            Người kỵ sĩ ngồi trên ngựa đáp:
           – Được chứ, thưa bác. Bác nhảy lên đây nào.
           Thấy ông lão không thể nhấc nổi cơ thể đã gần như đông cứng khỏi mặt đất, chàng trai nhảy xuống và giúp ông leo lên ngựa. Chàng kỵ sĩ không chỉ đưa ông già sang sông mà còn mang ông đến nơi ông định đến cách đó vài dặm nữa.
           Khi đến gần một mái nhà tranh nhỏ xíu ấm cúng, chàng kỵ sĩ tò mò hỏi:
           – Thưa bác, cháu thấy bác đã để nhiều người cưõi ngựa khác chạy qua mà không nhờ lấy một ai để giúp qua sông. Khi cháu đến thì bác nhờ cháu ngay lập tức. Cháu thắc mắc không hiểu tại sao, vào một buổi tối mùa đông lạnh giá như thế này, bác lại đợi và nhờ người cuối cùng. Nếu cháu từ chối không giúp bác thì sao?
           Ông lão từ từ leo xuống ngựa, nhìn thẳng vào mắt chàng trai, đáp:
           –  Bác đã ngồi đấy một lúc rồi. Bác nghĩ mình biết cách nhìn người. Khi bác nhìn vào mắt những chàng trai kia bác nhận ra ngay là họ chẳng quan tâm gì đến tình cảnh của bác cả. Nhờ họ giúp cũng không ích gì. Nhưng khi nhìn vào mắt cháu, lòng tốt và sự thương người hiện lên rất rõ.
           –  Bác biết rằng thái độ dịu dàng của cháu sẽ mở ra cho bác cơ hội được giúp đỡ lúc bác cần.
           Những lời ấm lòng đó của ông lão làm người kỵ sĩ hết sức cảm động.
           – Cháu hết sức cám ơn những gì bác vừa nói. – Anh nói với ông lão – Có lẽ sẽ chẳng bao giờ cháu quá bận rộn với chuyện riêng của mình mà không đáp lại những gì người khác cần bằng lòng nhiệt thành cả.


.

29 tháng 1, 2016

NÓI NGHE NÈ



          Mấy bạn facebooker gì đó. Tới quán cơm 2000 dành cho người nghèo xong thấy mấy người đeo vòng vàng cũng ăn, người đi xe tay ga cũng ăn. Mấy bạn nói người gì tham lam nè. Không có tự trọng nè. Sao mấy bạn hổng hỏi họ thử, tại sao họ ăn chớ? Ví như họ hèn mọn vầy, nghe hỏi thì họ bỏ đi thôi. Chớ hổng quýnh các bạn đâu.

 
           Mình có quen cậu Hùng, quán cơm 2000 bên quận 10. Mấy lần mình đến hỏi, cậu nói người đeo vòng vàng, xe tay ga đến ăn nhiều lắm nha. Bị vì họ ủng hộ tiền gạo, tới ăn coi chất lượng cơm mình nấu cho bà con có bảo đảm không. Nhiều người giàu có lắm mà có mình ên, thèm cảm giác ấm cúng nên ngồi lặng lẽ ăn với vé số, ve chai. Thấy vui vui, thương gì đâu. Sau mỗi lần có họ, số tiền gạo ủng hộ tăng lên quá trời đất. Toàn những nhà hảo tâm ẩn danh, hông có nói tên tuổi. Bởi vậy, Hùng nói ai tới quán cũng vui, cũng có tâm ý riêng cả. Chớ ai đi ăn chực mà đeo vàng chạy tay ga hà rầm vậy. Thiệt tình.
          Hồi mình đi theo chị Lan vô bệnh viện mắt phát cơm miễn phí. Còn dư vài hộp, chị Lan mời mình ăn, mình hổng từ chối. Mấy dì mắt băng một con, một con chạy liến thoắng hỏi chớ con mần báo mà cũng ăn cơm này sao? Mình nói, dạ ăn chớ, mấy dì ăn được thì con ăn được. Ta nói, bữa cơm hộp sân bệnh viện nó ngon quá chừng.
          Mình đi viết bánh mì từ thiện. Quần Việt Tiến áo An Phước đường hoàng. Mình với tay lấy một ổ bánh mì gặm. Anh bảo vệ cười toét mắt. "Hiểu rồi nha. Ăn mới hiểu mà thương bà con chớ. Tui cũng ăn nè. Nhà báo quất một bài thiệt ngon để bà con ấm lòng, tới ăn ủng hộ nha".

 
           Một lần có tờ hai nghìn rớt giữa đường Cộng Hòa. Chẳng ai thèm lụm. Đường đông như cá mòi. Mình dừng xe cúi lụm bỏ túi. Trời quơ, ta nói mấy trăm cặp mắt soi mình như huê hậu á. Có mấy bạn trẻ trẻ nhếch mép cười duyên thấy ớn. Mình đem tờ tiền qua quận 1 cho dì ăn xin. Không quên vuốt thẳng, chùi bớt vết bẩn. Chớ để dì biết tiền mình lụm rồi dì rầu thì sao. Mình nói cái này người SG tặng dì á. Hehe.
          Người Sài Gòn hào hiệp dễ thương lắm à. Người SG gốc, giọng nói cũng rành rẽ hào sảng, hổng có lấy không của ai cái gì đâu.
          Có đi sâu vào những thân phận, mới hiểu được. Mấy bạn nói người SG xấu xí, là bị vì có những người hông có mở lòng gì ráo trọi, mà lại hay xét đoán lung tung hà.
          Hổng có lòng, hổng làm người SG được đâu. Hì

          Shared by: Nguyễn Tiến Tường
          Made In Sài Gòn

.