31 tháng 7, 2015

KHI MÁY MỔ HOÀN TẤT



          Năm 1997 tại Trung Quốc có một vị kỹ sư tài ba ưu tú, đã thiết kế và chế ra một máy mổ heo độc đáo khác người. Nếu đem heo sống bỏ vào miệng máy thì chỉ mấy phút sau da lông thịt xương huyết đầu v.v… từng phần đều được cắt chia thành phẩm và xuất ra hoàn hảo.

          Khi máy giết mổ này được lắp ráp thành công, ngày cho máy hoạt động thử thì tất cả ban lãnh đạo và gia đình viên kỹ sư thiết kế máy đều đến dự khán.
          Kỹ sư đích thân khai máy biểu diễn cho mọi người xem. Ông tự tin bật công tắc khởi động máy. Lúc ông quay mình bước đi, thì y phục bất ngờ bị vướng vào máy, giống như có người kéo giữ lại vậy, đang dùng tay tháo gỡ thì nơi miệng cỗ máy như có một lực hút cực mạnh hút ông vào thẳng trong máy. Những người đứng xem chứng kiến thảm trạng này đều bàng hoàng hoảng kinh.

          Một người vội lao tới ngắt điện nhưng quá muộn. Viên kỹ sư đã không còn sống, vì chỉ trong mấy phút đúng như tài năng ông thiết kế, máy giết mổ đã nhanh chóng hoàn thành sứ mệnh và chia chẻ thân ông thành từng phần hoàn hảo y như ý người sáng chế cài đặt: máu thịt xương cái đầu nội tạng đều xuất ra sắp xếp rất khéo trong thoáng chốc. Các đồng sự của ông chỉ biết sửng người đứng ngó. Còn gia quyến của ông thì khóc to vang trời, ai cũng bất ngờ vì sự cố vừa xảy ra, không thể tưởng tượng được chính ông lại là vật thí nghiệm đầu tiên cho cỗ máy giết mổ.



          Ta có thể thấy lòng ích kỷ không mảy may có chút từ tâm của nhân loại. Giả như vừa rồi rơi vào máy mổ là một con heo, thì tất cả sẽ reo mừng vì thí nghiệm thành công, và tuyệt chẳng hề thương tâm như thế.

          Đại văn hào nước Mỹ trứ danh Hemingway lúc ông chết toàn thế giới đều chấn động và dành cho sự thương tiếc, vì ai cũng cho rằng một nhà văn tài ba nổi danh như thế vì sao có thể tự sát, hơn nữa lại dùng súng tự tử? Đối với việc này người ta cảm thấy vô cùng thắc mắc, không sao hiểu nổi.
          Thực ra ông Hemingway lúc sinh tiền rất ưa săn bắn và đã dùng súng bắn giết vô số động vật, vì vậy mà cuối cùng ông đã dùng súng để tự giết mình. Nếu nói theo báo ứng nhân quả thì chẳng phải đây là đáp án hay sao?
 


.
.
 


30 tháng 7, 2015

Hiếu Thảo.



1.
          Đã một tuần ăn chực nằm chờ trong bệnh viện, nhưng tôi vẫn không thể nào thích nghi được với không khí ở đây. Từ khoa điều trị của mẹ muốn xuống căng tin phải đi qua lối vào nhà xác. Mỗi lần hai mẹ con dìu nhau đi, tôi cứ phải cố dấn bước cho nhanh và mắt nhìn thẳng tắp. Để bảo vệ chút mạnh mẽ còn lại mà không đổ gục. 
          Nhà tôi, mẹ góa con côi, nếu tôi cũng quỵ, sẽ chẳng còn ai làm chỗ dựa cho mẹ. Hết một tuần, tất cả kết quả xét nghiệm đều đi đến chung một kết luận: Khối u của mẹ lành tính nhưng bắt buộc phải phẫu thuật. Nỗi vui mừng chưa kịp nhen nhóm thì số tiền dự tính phải chi trả đã tàn bạo bóp nghẹt trái tim tôi lần nữa. 
          Tôi có bán răng, bán tóc, bán máu, bán cả nhà cũng không thể đủ một nửa con số trăm triệu đồng. Huy động tất cả người thân, bạn bè quen biết được vỏn vẹn hai chục triệu. Cây vàng mẹ định để dành làm của hồi môn cho tôi phải bán đúng lúc giá chạm đáy cũng chỉ gom thêm được bốn chục triệu nữa. Con số sáu mươi triệu đồng còn lại cứ như cái thòng lọng treo lơ lửng trên đầu tôi. Không có nó, mẹ không thể phẫu thuật được. Thời gian càng kéo dài, xác suất an toàn sẽ càng giảm. 
          Chưa bao giờ tôi lâm vào tình trạng quẫn trí như lúc này. Sao các đại gia không vào hành lang bệnh viện mà tìm tình một đêm? Năm trăm đô, hai trăm đô cũng được. Tôi cao 1m68, ba vòng đủ chuẩn, mặt xinh, da trắng. Tôi sẽ bán tôi ngay để đủ tiền phẫu thuật cho mẹ.

 
           Mỗi buổi sáng, bác sĩ điều trị cho mẹ đi qua thăm khám đều hỏi han về tình hình chuẩn bị của chúng tôi. Tôi chưa bao giờ khóc trước mặt bác sĩ, nhưng sắc mặt tôi trông còn thảm hơn cả khóc, nên bao giờ anh cũng ái ngại quay đi. Phòng bệnh của mẹ có mười hai người, chen chúc trong sáu cái giường cá nhân. 
          Buổi sáng hôm thứ sáu, bác sĩ điều trị của mẹ đi vào, mang theo mười hai cái phong bì, bảo là của các nhà hảo tâm gửi tặng. Mười một cái đều chỉ có một triệu đồng, riêng cái của mẹ tôi là năm triệu đồng, kèm theo tín hiệu "bí mật". Có nhiều tiếng khóc cùng lúc sụt sùi. Bác sĩ thấy ngại sao đó mà đi ra ngay, còn bảo tôi cuối giờ lên khoa gặp.
          Ai đã từng vào chăm bệnh nhân trong viện mới cảm nhận được hết cái thấp thỏm trong câu hẹn gặp với bác sĩ. Thường là vì tình trạng bệnh tiến triển không tốt bác sĩ điều trị mới phải gặp riêng người nhà. Cũng có khi vì phí điều trị tự nhiên lại đội lên quá cao. Với người giàu mà nói, đây không phải là khó khăn gì ghê gớm. Nhưng với dân nghèo như chúng tôi, mức độ sát thương của nó như các cư dân mạng hay nói, đúng là "vô đối".
          Cho nên, suốt cả ngày hôm ấy tôi hết đi ra lại đi vào, giơ tay xem đồng hồ liên tục, đến mức chính mẹ cũng bị lây cảm giác căng thẳng. Khi kim giờ chỉ đúng số năm, tôi lao như tên bắn qua hành lang bệnh viện. Ngồi trong phòng của anh rồi, hơi thở vẫn chưa điều hòa nổi, lòng bàn tay tôi túa mồ hôi lạnh toát. 
          Không có tiên liệu xấu nào cả. Anh chỉ cho tôi thêm một con đường sống. Tôi phải cấp tốc mua bảo hiểm cho mẹ, trước thời gian phẫu thuật. Anh thậm chí còn giới thiệu người có thể giúp tôi đẩy nhanh và hợp thức hóa các thủ tục. Tôi trào nước mắt cám ơn. Anh lại lúng túng: Cũng không giúp được gì nhiều đâu, vì ca mổ của mẹ em là tự nguyện, nên bảo hiểm chỉ trả giúp một phần viện phí. Giảm được khoảng 20% tổng chi phí là cùng! Tôi lẩm nhẩm trong óc, 20% của 120 triệu nghĩa là hơn hai chục triệu. Nghĩa là nỗi lo của tôi giảm xuống chỉ còn hơn ba chục triệu nữa thôi. Một triệu đồng lúc này cũng quý, nói gì đến hơn hai chục triệu.
          Nhưng một tuần sau đó tôi vẫn không biết làm cách nào để xoay ra hơn ba chục triệu đồng. Túng quá hóa liều. Tôi một lần nữa gõ cửa phòng bác sĩ điều trị chính. Trong tay là một hợp đồng đã soạn sẵn, ký sẵn. Tôi mạo muội đề nghị anh bảo lãnh cho ca mổ của mẹ tôi. Tôi biết điều này là bất khả thi. Trong bệnh viện lúc nào cũng có người nghèo. Mạng ai cũng quý. Ai cũng muốn nhờ bác sĩ bảo lãnh. Mà bác sĩ thì không là thánh.
          Nhưng tôi có một niềm tin mơ hồ: Hình như anh để ý đến tôi. Có để ý mới đưa phong bị dày hơn những người khác. Có để ý mới nói giúp việc làm bảo hiểm, không bác sĩ nào rỗi hơi lại đi mách bệnh nhân cách lách luật rắc rối và có phần trái quy tắc như vậy?
          Trong hợp đồng thảo sẵn, tôi đề nghị làm giúp việc không công cho gia đình bác sĩ trong 3 năm, bảy ngày trên tuần, ba giờ mỗi ngày. Không ngờ, anh nhìn tờ giấy rồi cười, đẩy lại phía tôi không nói gì. Cuống quá, tôi nói thẳng tưng mà không hề đỏ mặt: Hay là anh mua em đi, toàn quyền sử dụng trong một năm. Em cam tâm tình nguyện!
          Lần này, anh đơ ra một lúc, mặt đỏ bừng. Tôi gần như tuyệt vọng, thiếu chút nữa thì nằm lăn ra phòng anh ăn vạ. Một lúc sau anh bảo tôi chuẩn bị, thứ ba sẽ mổ cho mẹ. Tôi gần như bay ra khỏi phòng anh, bất chấp nỗi ê chề bán thân vô tiền khoáng hậu kia. Trước mắt tôi chỉ còn viễn cảnh mẹ sẽ được phẫu thật, sẽ khỏi bệnh, khỏe mạnh trở lại. Tôi làm gì còn người thân nào khác trên đời này!
          Ca phẫu thuật của mẹ rất thành công. Lúc này tâm trí tôi mới trở lại trạng thái bình thường. Nghĩ đến cái hợp đồng vẫn bỏ lại trong phòng anh, không khỏi ngượng ngùng. Nhưng mãi vẫn không thấy khổ chủ đòi nợ. Gần ngày mẹ ra viện, tôi lần nữa vác mặt mo đi đề nghị người ta "nghiệm thu" mình.



2.
          Tôi ngoài ba mươi tuổi. Bác sĩ của một bệnh viện lớn. Độc thân nhưng hình như không có duyên lắm với phụ nữ. Lần đầu nhìn thấy em đã rung rinh. Em rất đẹp, lại hiếu thuận. Chăm chút mẹ từng li từng tí. Làm việc trong bệnh viện lâu rồi, tôi đã chứng kiến không ít cảnh các ông bố bà mẹ cô đơn vò võ điều trị nội trú, toàn bộ việc chăm sóc phó mặc cả cho điều dưỡng viên, con cái một tuần tới điểm danh một lần đã là nhiều. 
          Thế nên, hình ảnh của em ngày ngày chăm chút mẹ tận tâm tận lực lại khiến tôi để tâm. Mẹ em phải phẫu thuật, lần lữa mãi mà không thu xếp đủ tiền, tôi cũng có chút động lòng. Mẹ tôi năm nay ngoài bảy mươi tuổi. Bố tôi mất đã năm năm, sở thích còn lại duy nhất của bà là chăm tôi và làm từ thiện. Lương hưu của bà không đáng là bao, ngày ngày bà may áo, đan len, rồi cứ gom lại từng tí một, thành một chục là hớn hở mang cho trẻ con nghèo.
          Trước đây, mẹ cũng hay mang vào viện tôi nhưng từ khi tôi bảo: Bệnh nhân thường họ không thiếu mấy thứ mẹ cho, cái họ thiếu nhất là tiền, thế là mẹ chuyển mục tiêu sang mấy xã ngoại thành và các xã vùng núi theo chường trình của Hội Chữ thập đỏ. Gần đây, mẹ vận động được cả các cô chú và bạn bè ở nước ngoài gửi tiền về làm từ thiện, thỉnh thoảng được một cục, mẹ lại tất tả đem cho. 
          Tháng trước, mẹ đi đường bị xe tông gãy chân, thế là phải nằm một chỗ, không đi lại được. Cục tiền của mẹ, tôi phải làm nhiệm vụ mang vào viện phân phát. Thực lòng, tôi không quen làm việc này nhưng trước sức ép của mẹ, đành chia ra các phần bằng nhau, đem chia cho phòng điều trị của mình, năm phút là xong. Riêng phong bì của mẹ em, tôi cố tình nhét thêm bốn triệu đồng. Cũng như muối bỏ bể mà thôi!
          Tôi chưa bao giờ tưởng tượng được em lại đề nghị "bán mình" cho tôi với cái giá như vậy. Nhất thời không biết phản ứng thế nào nên cứ ngồi ngậm hột thị. Nhìn gương mặt tuyệt vọng của em, tôi biết mình chẳng còn lựa chọn nào khác. Thế là rút tiền túi ra giúp bệnh nhân. Cũng chẳng phải vì lòng tốt như mẹ tôi, mà là vào cái thế không thể rút chân ra được nữa.
          Ngày mẹ em ra viện, em lần nữa nhắc lại chuyện phải "thanh toán" hợp đồng. Tôi lại lần nữa bị ép phải nói rằng: "Cứ coi như nợ anh, khi nào có tiền thì trả!". Không ngờ em "chốt hạ" ngay: Thế này vậy, nếu anh đã chê em thì làm theo phương án thứ nhất đi! Em biết mẹ anh đang ốm, cũng cần người giúp đỡ. Từ tuần sau, sau giờ làm em sẽ đến nhà anh giúp việc nhà. Em biết địa chỉ rồi, anh đừng ngại!
          Em làm Ôsin cho nhà tôi được đúng sáu tháng thì mẹ tôi một hai đòi nâng cấp em làm con dâu. Đến nước này tôi mà còn vờ vịt lập topic "có nên siết nợ bằng cách cưới con nợ hay không?" thì thật nhảm.


.

29 tháng 7, 2015

IM LẶNG - Một Nghệ Thuật Sống



          Im lặng là vàng. Có thực sự vậy không? Có những khi cần phải nói, thậm chí là nói nhiều, để có thể  mang lại lợi ích cho người khác, để giải hoà, để hoà hợp và cảm thông, hoặc để bảo vệ chân lý . 
          Tuy nhiên, có đôi khi lại cần im lặng, lúc đó sự im lặng có giá trị hơn nhiều. Và lúc này chính sự im lặng lại “nói” nhiều hơn. Đó là đặc ngữ của sự im lặng, một loại văn hoá kỳ diệu, nhưng không dễ thực hiện.
          Nói hoặc im lặng đều phải đúng nơi, đúng lúc, đúng người, và chỉ sử dụng khi thực sự cần thiết. Lời nói có thể là lưỡi gươm, mà gươm chưa dùng thì cứ để trong bao. Im lặng là thượng sách  nếu lời nói vô ích, nếu không thì có thể phản tác dụng.
          Thật chí lý câu nói của T. Man: “Người khôn ngoan mang tất cả tài sản vào trong đầu”. Đó chính là giá trị của sự im lặng. Nhưng khi nào nên im lặng?

 
           1. Khi người khác buồn phiền, đau khổ
          Biết vui với người vui, buồn với người buồn. Đó là hành vi của người có văn hoá, tri thức, biết điều, biết cư xử và thấu cảm. Không gì vô duyên hơn khi người khác khóc mà mình lại cười – hoặc ngược lại. Sự “nghịch lý” đó có thể  khiến chúng ta trở nên lố bịch, hợm hĩnh và kiêu ngạo.

          2. Khi người khác suy tư, lao động trí óc
          Sự im lặng là “ cần thiết ” của hoạt động trí óc. Nhờ đó mà có những kiệt tác, sự cao cả , sự hiểu biết, sự trưởng thành, sự hồi tâm… Văn hào W. Goethe xác định: “Tài năng được nuôi dưỡng trong cô tịch, còn ý  chí  được tạo bởi những cơn sóng dữ của giông tố cuộc đời”. Thấy người khác trầm tư , đừng phá “khoảng riêng” của họ. Sự im lặng lúc đó thực sự cần thiết và có ý nghĩa.

          3. Khi người khác không hiểu mình
          Khi chưa được hiểu, chúng ta cần cởi mở và hoà đồng để người khác có thể hiểu mình hơn – dù không thể hiểu hết. Nhưng nếu bạn cảm thấy người ta thực sự không thể hiểu hoặc không muốn hiểu thì tốt nhất là im lặng. Nếu không, những gì bạn nói có thể gây “dị ứng” hoặc hiềm thù.

          4. Khi người khác nói về vấn đề mình không am hiểu
          Biết thì thưa thốt. Người khôn ngoan chỉ nói những điều mình biết rõ và hoàn toàn im lặng đối với những gì mình không biết hoặc mơ hồ. Đừng ảo tưởng mình là “bách khoa tự điển”. Nhà bác học A. Edison nói: “Điều chúng ta biết chỉ là một giọt nước, điều chúng ta không biết là cả đại dương”. Còn hiền triết Socrates thừa nhận: “Tôi không biết gì cả, đó là điều tôi biết rõ nhất”. Chỉ là người bình thường, chúng ta càng cần khiêm nhường mà biết im lặng.

          5. Khi người khác khoe khoang, lý sự
          Thùng rỗng kêu to. Càng hiểu biết người ta càng ít nói, thâm trầm và cảm thông. Trong 4 phép toán, phép trừ là… “dễ” nhất, nhưng lại đầy ý nghĩa. Chỉ vì ngu dốt nên mới độc đoán, khắt khe hoặc cố chấp. Khoe khoang và lý sự là “đặc điểm” của đầu óc nông cạn, thiển cận. Dốt thì hay nói  để cố che lấp khiếm khuyết của mình.

          6. Khi người khác không cần mình góp ý kiến
          Đừng bao giờ “xía” vào chuyện của người khác hoặc tò mò chuyện của họ. Vả lại, nói nhiều thì sai nhiều. Nói thiên lệch thì mất lẽ chính, nói huênh hoang rồi đến chỗ đuối, nói xiên xẹo rồi đến chỗ sai trái, nói quanh co  sẽ đến chỗ cùng lý.

 
           Cibbon nói: “Đàm luận khiến người ta hiểu biết, nhưng im lặng là trường học của sự khôn ngoan”. Im lặng còn là yêu thương, tha thứ, và là cuộc sống.
          Tuân Tử dạy: “Im lặng, lắng nghe, ghi nhớ, hành động và khôn ngoan là 5  bậc thang  khác nhau của trí tuệ”. Có thể coi đây là ngũ-cung-sống của cuộc đời. Tóm lại, im lặng là một nghệ thuật kỳ diệu và là cách thể hiện văn hoá cao cấp.
          Nói ra được thì tốt nhưng có khi im lặng lại tốt hơn. Ta nên học lắng nghe để hiểu, dừng lại để thương. Nhưng khó đấy, bài học này chỉ dành tặng cho những ai đã biết buông bỏ ngạo mạn, biết đời sống là vô thường bất chợt.
          Vừa rồi trò chuyện với người bạn, anh ta nói: trong cuộc sống, rất ít người chịu học lắng nghe và im lặng. Bởi vì họ không muốn thua kém, không muốn khiêm cung để nghe rõ những gì người khác nói. Thậm chí, họ giành nói như để tận dụng hết thời gian gặp nhau, sợ thiệt thòi khi ra về mà đối phương chưa rõ hết câu chuyện. Thì vậy, cuộc sống là muôn màu!
          Ngày xưa, ngay chính ta cũng ham nói, vào cuôc họp cứ uyên thuyên bất tận, ra café với bạn thì lắm nỗi niềm… Lúc nào cũng muốn nói ra, muốn trút xuống, có khi quá cao trào bi đát, khóc thương. Nghĩ lại, ngày xưa ta ích kỷ thật, chỉ muốn nói cho thỏa. Thậm chí, hay gân cổ cãi lại mỗi khi có vấn đề gì đó về quan điểm. Người sai rồi, ta đúng! Rồi… ta đã được gì trong “đúng – sai” đó?
          Thật vậy, nhu cầu chia sẻ ai cũng có. Nhưng để làm người hứng chịu và biết lắng nghe, đếm được mấy người? Cảm xúc con người vô cùng phức tạp, tuổi càng cao, trái tim càng thu nhỏ, dù đã được bao bọc rất kỹ nhưng chỉ cần một lời nói vu vơ cũng có thể như mũi nhọn xé nát lòng người. Thành ra, người lớn chỉ nghĩ mà không cần nói, còn người trẻ thì cứ nói mà không cần nghĩ!
          Người ta càng về già càng thấy cô đơn, hay hoài niệm về thời son trẻ rồi bới tìm, rồi thở dài… Có lẽ, họ tiếc nuối điều gì của ngày đã qua. Người trẻ thì nôn nao mong cho ngày mau tới, sẽ vứt bỏ nếu không thích, cần gì người khác hiểu. Và dĩ nhiên không bao giờ chịu im lặng!
          Ta ví cuộc đời như trò chơi xếp chữ. Ai cũng được phát cho 1000 miếng, ai cũng có thời gian hoàn thành giống nhau. Chỉ có điều là con người ít khi kiên nhẫn chịu xếp cho mình đến mảnh cuối cùng để tận hưởng vẻ đẹp thực sự nằm bên trong đâu đó.
          Đa phần người ta than thở hoặc nóng nảy và cố gắng chắp vá, chồng chéo tất cả vào nhau, rối tung, mệt mỏi, chán nản, trách đời bất công, sao ông trời khó khăn với người này, dễ dãi với người kia?
          Chỉ có những ai đi đến cuối cùng của sự tận tụy mới nhận ra bức tranh cuộc sống thật đẹp, thật xứng đáng. Và có khi để hoàn thành nó, người ta đã âm thầm đi tìm, luôn kiên nhẫn và im lặng. Người ta phải nhẹ nhàng tìm kiếm, kể cả chẳng may ghép vài lần mà không đúng.
          Thì đã sao? Ta có 1.000 cơ hội kia mà. Lần này chưa được, lần sau sẽ được, chỉ cần bạn đủ niềm tin. Vì tin sẽ thấy, tìm sẽ gặp. Nếu ta tin chắc chắn mình sẽ hạnh phúc thì đã có hạnh phúc rồi đấy.
          Hạnh phúc ngay giây phút này đây, yên bình và thanh thản. Không một chút quấy rầy, không chết chóc hay chiến tranh. Đẹp quá phải không? Nếu có nhiều hạnh phúc hơn thế, hãy mang chia sớt nhé nhưng nhớ lặng thầm. Khẽ thôi, họ sẽ biết cảm nhận. Yên tâm !!!


.

28 tháng 7, 2015

Có Một Người...





          Trên đời có một người...
          Luôn ở bên bạn, lúc nào cũng nhắc bạn hàng tỉ lần rằng phải mặc thêm áo ấm, ra đường phải cẩn thận xe cộ, làm bạn thấy rất phiền phức, nhưng cũng thật ấm áp. Lúc bạn không có tiền, họ lúc nào cũng sẽ mang những câu đại loại như: “Bây giờ kiếm tiền đâu có dễ...” ra giáo huấn bạn, vừa nói, họ vừa giúi tiền cho bạn.
          Những người ấy, chính là cha mẹ bạn.

          Trên đời có một người...
          Lúc ở bên nhau, hai người thỉnh thoảng đánh nhau, thỉnh thoảng lại cãi nhau. Đó là kẻ xấu xa cướp món điểm tâm ngon lành của bạn, là kẻ chuyên đi mật báo với bố mẹ về bạn... Nhưng cũng là người quan tâm chăm sóc bạn hơn bất cứ ai trên đời, bạn và người đó có mối quan hệ cực kì, cực kì thân thiết.
          Người ấy, chính là anh chị em của bạn.

          Trên đời có một người...
          Lúc không gặp được người đó bạn sẽ một mực nhớ nhung khắc khoải, lúc gặp được rồi lại tim đập chân run, bao nhiêu lời định nói đều không thể nói được thành lời. Người đó chẳng tốn hơi sức đã nắm giữ được trái tim bạn, làm bạn không thể nào quên, làm bạn nghĩ ngợi miên man không thể nào chợp mắt, nhưng cũng làm bạn thấy ngọt ngào say đắm. Người đó là thứ mật ngọt đáng yêu nhất nhất trên đời.
          Thứ mật ngọt ấy tên gọi là người yêu.

          Trên đời này có một người...
          Người đó biết được một số bí mật không thể nói của bạn. Lúc bạn phạm lỗi, người đó giúp bạn chuộc tội; lúc bạn yêu thầm ai đó, người đó giúp bạn chuyển lời; lúc bạn cãi nhau với người yêu, bạn nhất định sẽ khóc lóc đến tìm người đó. Bạn cảm thấy thật có lỗi, bởi chỉ lúc nào cần thiết mới thèm nghĩ đến người ta, nhưng bạn cũng rất hạnh phúc vì đã quen biết một người như thế trong đời. Có lẽ những ngày tháng mà bạn và người ấy bên nhau, còn nhiều hơn là bên người yêu của bạn.
          Người đó, chính là bạn của bạn.

          Trên đời này có một người...
          Lớn lên trong vòng tay bảo vệ của cha mẹ, chín chắn dần từ mối quan hệ với anh chị em, tìm ra tình yêu đích thực trong sự bảo bọc của người yêu, cảm nhận sự ấm áp trong những quan tâm của bạn bè… Cảm thấy rõ ràng những người đó bước đi bên cuộc đời mình thế nào và cũng hiểu rằng nhờ họ mà cuộc sống của mình thêm tươi đẹp, trong tim cảm kích vô cùng những gì họ đã mang đến cho mình, nhưng chẳng bao giờ nói được thành lời.
          Người ấy, chính là bản thân bạn.

TheoGió thiên đàng (ST) / Trithuctre


.