30 tháng 4, 2013

Câu chuyện con nhện và Phật Quan Âm

.


          Trước miếu Quan Âm mỗi ngày có vô số người tới thắp hương lễ Phật, khói hương nghi ngút. Trên cây xà ngang trước miếu có con nhện chăng tơ, mỗi ngày đều ngập trong khói hương và những lời cầu đảo, nhện dần có Phật tính. Trải nghìn năm tu luyện, nhện đã linh.
          Một ngày, bỗng Phật dạo đến ngôi miếu nọ, thấy khói hương rất vượng, hài lòng lắm. Lúc rời miếu, ngài vô tình ngẩng đầu lên, nhìn thấy nhện trên xà.
          Phật dừng lại, hỏi nhện: “Ta gặp ngươi hẳn là có duyên, ta hỏi ngươi một câu, xem ngươi tu luyện một nghìn năm nay có thật thông tuệ chăng. Được không?”
          Nhện gặp được Phật rất mừng rỡ, vội vàng đồng ý. Phật hỏi: “Thế gian cái gì quý giá nhất?”
          Nhện suy ngẫm, rồi đáp: “Thế gian quý nhất là những gì không có được và những gì đã mất đi!”. Phật gật đầu, đi khỏi.

          Lại một nghìn năm nữa trôi qua, nhện vẫn tu luyện trên thanh xà trước miếu Quan Âm, Phật tính của nhện đã mạnh hơn.
          Một ngày, Phật đến trước miếu, hỏi nhện: “Ngươi có nhớ câu hỏi một nghìn năm trước của ta không, giờ ngươi đã hiểu nó sâu sắc hơn chăng?”
          Nhện nói: “Con cảm thấy trong nhân gian quý nhất vẫn là “không có được” và “đã mất đi” ạ!”
          Phật bảo: “Ngươi cứ nghĩ nữa đi, ta sẽ lại tìm ngươi.”

          Một nghìn năm nữa lại qua, có một hôm, nổi gió lớn, gió cuốn một hạt sương đọng lên lưới nhện. Nhện nhìn giọt sương, thấy nó long lanh trong suốt sáng lấp lánh, đẹp đẽ quá, nhện có ý yêu thích. Ngày này nhìn thấy giọt sương nhện cũng vui, nó thấy là ngày vui sướng nhất trong suốt ba nghìn năm qua. Bỗng dưng, gió lớn lại nổi, cuốn giọt sương đi. Nhện giây khắc thấy mất mát, thấy cô đơn, thấy đớn đau.
          Lúc đó Phật tới, ngài hỏi: “Nhện, một nghìn năm qua, ngươi đã suy nghĩ thêm chưa: Thế gian này cái gì quý giá nhất?”
          Nhện nghĩ tới giọt sương, đáp với Phật: “Thế gian này cái quý giá nhất chính là cái không có được và cái đã mất đi.”
          Phật nói: “Tốt, nếu ngươi đã nhận thức như thế, ta cho ngươi một lần vào sống cõi người nhé!”


          Và thế, nhện đầu thai vào một nhà quan lại, thành tiểu thư đài các, bố mẹ đặt tên cho nàng là Châu Nhi. Thoáng chốc Châu Nhi đã mười sáu, thành thiếu nữ xinh đẹp yểu điệu, duyên dáng. Hôm đó, tân Trạng Nguyên Cam Lộc đỗ đầu khoa, nhà vua quyết định mở tiệc mừng sau vườn ngự uyển.
          Rất nhiều người đẹp tới yến tiệc, trong đó có Châu Nhi và Trường Phong công chúa. Trạng Nguyên trổ tài thi ca trên tiệc, nhiều tài nghệ khiến mọi thiếu nữ trong bữa tiệc đều phải lòng. Nhưng Châu Nhi không hề lo âu cũng không ghen, bởi nàng biết, chàng là mối nhân duyên mà Phật đã đưa tới dành cho nàng.
          Qua vài ngày, tình cờ Châu Nhi theo mẹ lên miếu lễ Phật, cũng lúc Cam Lộc đưa mẹ tới miếu. Sau khi lễ Phật, hai vị mẫu thân ngồi nói chuyện. Châu Nhi và Cam Lộc thì tới hành lang tâm sự, Châu Nhi vui lắm, cuối cùng nàng đã có thể ở bên người nàng yêu, nhưng Cam Lộc dường như quá khách sáo.
          Châu Nhi nói với Cam Lộc: “Chàng còn nhớ việc mười sáu năm trước, của con nhện trên xà miếu Quan Âm chăng?”
          Cam Lộc kinh ngạc, hỏi: “Châu Nhi cô nương, cô thật xinh đẹp, ai cũng hâm mộ, nên trí tưởng tượng của cô cũng hơi quá nhiều chăng?”. Nói đoạn, chàng cùng mẹ chàng đi khỏi đó.
          Châu Nhi về nhà, nghĩ, Phật đã an bài mối nhân duyên này, vì sao không để cho chàng nhớ ra chuyện cũ, Cam Lộc vì sao lại không hề có cảm tình với ta? Vài ngày sau, vua có chiếu ban cho Trạng Nguyên Cam Lộc sánh duyên cùng công chúa Trường Phong, Châu Nhi được sánh duyên với thái tử Chi Thụ. Tin như sấm động giữa trời quang, nàng không hiểu vì sao Phật tàn nhẫn với nàng thế.
          Châu Nhi bỏ ăn uống, nằm khô nhắm mắt nghĩ ngợi đau đớn, vài ngày sau linh hồn nàng sắp thoát khỏi thân xác, sinh mệnh thoi thóp.
          Thái tử Chi Thụ biết tin, vội vàng tới, phục xuống bên giường nói với nàng: “Hôm đó, trong những cô gái giữa bữa tiệc sau vườn thượng uyển, ta vừa gặp nàng đã thấy yêu thương, ta đã khốn khổ cầu xin phụ vương để cha ta cho phép cưới nàng. Nếu như nàng chết, thì ta còn sống làm chi.” Nói đoạn rút gươm tự sát.
          Và giây khắc ấy Phật xuất hiện, Phật nói với linh hồn sắp lìa thể xác Châu Nhi: “Nhện, ngươi đã từng nghĩ ra, giọt sương (Cam Lộc) là do ai mang đến bên ngươi chăng? Là gió (Trường Phong) mang tới đấy, rồi gió lại mang nó đi. Cam Lộc thuộc về công chúa Trường Phong, anh ta chỉ là một khúc nhạc thêm ngắn ngủi vào sinh mệnh ngươi mà thôi.
          Còn thái tử Chi Thụ chính là cái cây nhỏ trước cửa miếu Quan Âm đó, anh ta đã ngắm ngươi ba nghìn năm, yêu ngươi ba nghìn năm, nhưng ngươi chưa hề cúi xuống nhìn anh ta. Nhện, ta lại đến hỏi ngươi, thế gian này cái gì là quý giá nhất?”
          Nhện nghe ra sự thật, chợt tỉnh ngộ, nàng nói với Phật: “Thế gian này cái quý nhất không phải là thứ không có được và đã mất đi, mà là hạnh phúc hiện đang nắm giữ!”
          Vừa nói xong, Phật đã đi mất, linh hồn Châu Nhi quay lại thân xác, mở mắt ra, thấy thái tử Chi Thụ định tự sát, nàng vội đỡ lấy thanh kiếm…


          Câu chuyện đến đây là hết, bạn có hiểu câu cuối cùng mà nàng Châu Nhi nói không?

           “Thế gian này cái quý nhất không phải là thứ không có được và đã mất đi, mà là hạnh phúc hiện đang nắm giữ!”

          Trong suốt đời ta, sẽ gặp hàng nghìn hàng vạn loại người.
          Để yêu một người thì không cần cố gắng, chỉ cần có “duyên” là đủ.
          Nhưng để tiếp tục yêu một người thì phải cố gắng.
          Tình yêu như sợi dây, hai người cùng kéo hai đầu, chỉ cần một người kéo căng hoặc bỏ lơi, tình yêu ấy sẽ căng thẳng hoặc chùng xuống.
          Vậy khi bạn đi kiếm người ở đầu kia dây, hãy cân nhắc. Hoặc bạn có quá nhiều sợi dây tình cảm, hoặc bạn cứ liên tục tìm cái mới, hoặc khi dây đã đứt, bạn không còn can đảm hay lòng tin, tình yêu để đi tìm một tình yêu mới nữa.
          Bất kể thế nào, khi sợi dây đó đứt, bạn chỉ mất đi một người không yêu bạn, nhưng người đó đã mất đi một người yêu họ.
          Mất một người không biết trân quý bạn, có gì phải buồn rầu?
          Bởi bạn còn cơ hội, một lần nữa, gặp người biết rằng bạn quý giá.

          Có muốn nghe tôi kể câu chuyện ấy lần nữa không,
          … ngày xưa, trước miếu Quan Âm…



.

Ai sẽ là “tôi” cho tôi ?

.



          Tôi là một người sống độc thân (và không có con), năm nay tôi 50 tuổi. Tôi sinh sống ở Virginia thuộc Hoa Thịnh Ðốn, sức khỏe đầy đủ và tôi có một việc làm vững chắc. Tôi có một người cha 85 tuổi, sống tại Houston , Texas . Ôi bao dặm đường xa cách.
          Từ ngày mẹ tôi mất cha tôi sống một mình, ông không chịu rời căn nhà với những năm tháng của quá khứ và tôi không thể bỏ việc để dọn về nhà cha.
           Mùa Xuân năm ngoái cha tôi bị ngã bể xương hông và dập một bên sườn.
          Bây giờ cha tôi phải vào viện dưỡng lão dành cho người già ốm yếu và cha tôi được xếp vào danh sách phải săn sóc đủ một vòng tròn của chiếc đồng hồ treo trong phòng ông.
          Từ ăn uống, nằm ngồi, đi đứng, làm vệ sinh, nhất nhất điều có y tá. Cái điều đáng buồn là trong khi nhận tất cả phục dịch cho thân thể thì đầu óc của cha tôi vẫn còn cái minh mẫn của một ông giáo sư dậy toán cách đây mấy chục năm.
           Tôi không thể thường xuyên bỏ công việc để đi xuống thăm cha, nhưng mỗi ngày tôi phải điện thoại, điện thư liên lạc với bác sĩ, dược sĩ, y tá và những người săn sóc cho cha tôi tại viện dưỡng lão.
          Tôi cố gắng thu xếp để mỗi hai tháng đến với cha tôi một cái cuối tuần, và mỗi năm về một tuần vacation vào dịp lễ Tạ Ơn hay Giáng Sinh.
          Tôi biết là cha tôi rất mừng mỗi lần thấy con đến thăm.
          Cái ánh mắt của cha tôi khi nhìn tôi chào ra về bao giờ cũng theo tôi suốt chuyến bay. Hôm nay cũng thế, khi ngửa cổ ra sau ghế để tìm một giấc ngủ ngắn trên phi cơ, tôi nhìn rất rõ lại hai con mắt của cha tôi.

          Bất giác tôi tự hỏi "Khi tôi vào tuổi già yếu. Ai sẽ là 'TÔI' để tới lui săn sóc hỏi han tôi thường xuyên?"


          Một người độc thân không có anh chị em và những người già không có con, những người có con sống không cùng một tiểu bang, hay xa hơn nữa ở tận một quốc gia khác thì sẽ rơi vào hoàn cảnh nào khi tuổi già lặn xuống như mặt trời lặn trên biển .
          ( Bạn đã ngắm mặt trời lặn trên biển bao giờ chưa?
          Nó mất vào nước nhanh vô cùng )
          Cái thùng thư ba, bốn ngày không có người lấy, hay đống báo thành chồng trước hiên nhà, cỏ không cắt, lá không cào, các cửa sổ không mở là dấu hiệu cho hàng xóm biết nên báo cho cảnh sát vì chủ nhân trong căn nhà đó ở một mình và là một người già.
           Nỗi lo âu của một người không có thân bằng quyến thuộc ở gần lúc tuổi già không phải là nỗi lo âu "quá đáng". Ðó là một điều chúng ta nên nghĩ đến khi còn có thể tìm hiểu và thu xếp cho chính mình.
          Bà Barbara Gordon có mẹ già 92 tuổi sống ở Florida, trong khi bà làm việc ở New York bà đã đặt ra câu hỏi "Who will be ME for me."
          Bà đem câu hỏi đó hỏi những người bạn độc thân như bà, không con hay có con tản mác mười phương, họ cùng nhau bàn bạc, đặt ra những câu hỏi cho tuổi già:
 

          - Tôi sẽ sống ở đâu?
          - Tôi sẽ sống như thế nào?
          - Tôi có đủ tiền không?
          - Ai sẽ săn sóc tôi nếu tôi mất khả năng hoạt động?
          - Nếu tôi ngã (lúc già yếu) nằm dưới đất hai, ba ngày thì sao?
          - Một ngày nào đó liệu tôi có phải rời căn nhà tôi đang ở ?


          Những câu hỏi trên đưa đến những câu trả lời khác nhau mà câu nào cũng rất mơ hồ.
          Cuối cùng họ đi đến kết luận: Cái cách mình đang sống bây giờ sẽ ảnh hưởng rất nhiều vào đời sống của mình lúc về già.
          Họ làm cái danh sách sau đây như một kim chỉ nam:

          "Có bạn bè ở mọi lứa tuổi."
          Ðừng bao giờ nghĩ mình chỉ có thể thân với những người cùng lứa tuổi hay cùng hoàn cảnh như mình. Ðồng ý là họ hiểu mình hơn nhưng đồng thời cũng chỉ nghe những than thở của nhau, không có gì mới lạ.
          - Giao thiệp với những người trẻ hơn mình cũng trẻ lại với cách suy nghĩ và ứng xử với đời sống "Mới" này.
          - Giao thiệp với người già hơn mình để được hưởng sự khôn ngoan của họ.

          "Kết thân với hàng xóm." Chắc bạn không muốn ngã xuống sàn nhà, nằm dưới đất hai ngày rồi mà không có ai đến vực lên.
          Một tiếng gọi cửa của hàng xóm có khi cứu được sinh mệnh của bạn đấy.
          Chạy qua chạy lại nhà hàng xóm lúc còn khỏe là một điều rất nên làm.
          Có hàng xóm tin và thân nhau còn giao cho cả chìa khóa nhà nữa.
          Người lớn tuổi đâu còn sợ mất mát gì về vật chất, cái quý nhất chính là bản thân mình thôi.
          Nếu hai gia đình cùng trẻ cùng có con nhỏ ở cạnh nhau mà thân thiện được là một điều rất quý.
          Tránh được rất nhiều va chạm về con cái và hữu ích cho nhau khi về già.

          "Một bác sĩ thân thiện và có lương tâm" rất cần.
          Ông bác sĩ này phải là một người sẵn sàng cho bạn khi bạn cần tới. Một người không bao giờ từ chối cắt nghĩa một câu hỏi xem ra không được chính xác mấy của bạn. (Những câu hỏi không có kinh nghiệm gì của người trẻ tuổi và quá lẩm cẩm của người già.)

          "Dược sĩ trẻ hơn mình nhiều tuổi."
          Mua thuốc với những người này, bạn được họ cắt nghĩa rõ ràng và thân thiện hơn. Người bệnh ở lứa tuổi nào cũng cần những dược sĩ trẻ trung.

          "Tiêu ít, để dành nhiều."
          - Người trẻ để dành cho ngày mai.
          - Người già để dành cho hậu sự.
          Cần kiệm luôn luôn là một đức tính.

          "Ăn uống cẩn thận hơn."
          Thức ăn luôn luôn là một nguyên nhân chính cho sức khỏe.
          Người dân nước nào cũng tự hào về văn hóa ẩm thực của nước họ.
 Nhưng cái bao tử của cả bàn dân thiên hạ chỉ muốn tiêu thụ những thức ăn nhẹ nhàng, ít dầu mỡ và bổ dưỡng.
          Bạn cứ lắng nghe xem cơ thể bạn phản ứng thế nào sau mỗi bữa ăn khác nhau, thì bạn sẽ hiểu ngay nó muốn nói điều gì.

          "Thể thao nhiều hơn" 
          Ai cũng biết cơ thể cần vận động thì mới khỏe mạnh và đầu óc mới minh mẫn.
          Cứ cả ngày ngồi gõ cọc cọc (như chính tôi đây) ở máy vi tính, hay xem phim bộ như phần đông người Việt lớn tuổi, chắc chắn là không đúng rồi.
          - Hãy đứng lên.
          - Người trẻ có thể thao của người trẻ, người lớn tuổi có những sinh hoạt thể thao cho tuổi của mình.
          - Nếu không đi xa được thì loanh quanh trong khu xóm, hoặc vung tay, khua chân ngay trong nhà mình.
          - Ðừng ngồi yên một chỗ. Chim chóc ngoài vườn đang gọi bạn.
 

          Ngay bây giờ phải là "MÌNH".
          Có người đặt câu hỏi: "Ai thương tôi nhất" 
          Câu trả lời: "Mình thương chính mình nhất"

          Vì chồng, (vợ) hay con mình cũng không thương mình bằng chính mình thương mình. Chồng, (vợ) hay con không thể chịu trách nhiệm về thân thể bạn được. Họ chỉ chia sẻ một phần nào.
          Nếu bây giờ bạn thực hiện được những điều trên thì khi về già chính bạn đã lo được cho bạn khá nhiều.
          Vì có ai đó, không phải bà con mình (người bạn hàng xóm) sẽ nhắc cho bạn "Tối nay lúc 9:00 giờ có mục đọc truyện của đài phát thanh (tiếng Việt) hay lắm.
          Hoặc: "Ngày mai Chủ Nhật bà có đi chùa không? Sẽ có xe đón đấy." 

           (Trần Mộng Tú)



.

29 tháng 4, 2013

Gieo nhân nào gặp quả ấy

.



          Một hôm một người đàn ông trông thấy một bà lão với chiếc xe bị ‘pan’ đậu bên đường. Tuy trời đã sẩm tối, anh vẫn có thể thấy bà đang cần giúp đỡ. Vì thế anh lái xe tấp vào lề, đậu phía trước chiếc xe Mercedes củ...a bà rồi bước xuống xe. Chiếc xe Pontiac cũ kĩ của anh vẫn nổ máy khi anh tiến đến trước mặt bà. Dù anh tươi cười nhưng bà lão vẫn tỏ vẻ lo ngại. Trước đó khoảng một tiếng đồng hồ, không một ai dừng xe lại để giúp bà. Người đàn ông này liệu có thể hãm hại bà không? Trông ông không an toàn cho bà vì ông nhìn có vẻ nghèo và đói.
          Người đàn ông đã có thể nhận ra nỗi sợ hãi của bà cụ đang đứng bên ngoài chiếc xe giữa trời lạnh. Anh biết cảm giác lo sợ của bà như thế nào rồi. Cái run đó, nỗi lo sợ trong lòng đó mới là lý do tự nó thành hình trong ta…
          Anh nói: ‘Tôi đến đây là để giúp bà thôi. Bà nên vào trong xe ngồi chờ cho ấm áp? Luôn tiện, tôi tự giới thiệu tôi tên là Bryan Anderson.’
          Thật ra thì xe của bà chỉ có mỗi vấn đề là một bánh bị xẹp thôi nhưng đối với một bà già thì nó cũng đủ gây phiền não rồi. Bryan bò xuống phía dưới gầm xe tìm một chỗ để con đội vào và lại bị trầy da chỗ khuỷ tay cũng như lòng bàn tay một hai lần gì đó.
          Chẳng bao lâu anh đã thay được bánh xe. Nhưng anh bị dơ bẩn và hai bàn tay bị đau rát.
          Trong khi anh đang siết chặt mấy con ốc bánh xe, bà cụ xuống cửa kiếng và bắt đầu nói chuyện với anh. Bà cho anh biết bà từ St. Louis đến và chỉ mới đi được một đoạn đường. Bà không thể cám ơn đầy đủ về việc anh đến giúp đỡ cho bà. Bryan chỉ mỉm cười trong lúc anh đóng nắp thùng xe của bà lại. Bà cụ hỏi bà phải trả cho anh bao nhiêu tiền. Bryan chưa hề nghĩ đến điều là sẽ được trả tiền, đây không phải là nghề của anh. Anh chỉ giúp người đang cần được giúp đỡ vì Chúa, Phật hay chính bản thân anh cũng biết rằng đã có rất nhiều người trong quá khứ ra tay giúp anh. Anh đã sống cả đời mình như thế đó, và chưa bao giờ anh nghĩ sẽ làm chuyện ngược lại.
          Anh nói với bà cụ, nếu bà thật sự muốn trả ơn cho anh thì lần khác khi bà biết ai cần được giúp đỡ, bà có thể sẵn sàng cho người ấy sự giúp đỡ của bà, và Bryan nói thêm: ‘Và hãy nghĩ đến tôi’
          Anh chờ cho bà cụ nổ máy và lái xe đi thì anh mới bắt đầu lên xe của mình đi về. Hôm ấy là một ngày ảm đạm và lạnh lẽo nhưng anh lại cảm thấy thoải mái khi lái xe về nhà.


          Chạy được vài dặm trên con lộ, bà cụ trông thấy một tiệm ăn nhỏ.. Bà ghé lại, tìm cái gì để ăn và để đỡ lạnh phần nào, trước khi bà đi đoạn đường chót về nhà. Đó là một nhà hàng ăn trông có vẻ không được thanh lịch. Bên ngoài là hai bơm xăng cũ kỹ. Cảnh vật rất xa lạ với bà.. Chị hầu bàn bước qua chỗ bà ngồi, mang theo một khăn sạch để bà lau tóc ướt. Chị mỉm cười vui vẻ với bà dù đã phải đứng suốt ngày nay để tiếp khách. Bà cụ để ý thấy chị hầu bàn này đang mang thai khoảng tám tháng gì đó nhưng dưới cái nhìn của bà, bà thấy chị không bao giờ lộ ra sự căng thẳng hay đau nhức mà làm chị thay đổi thái độ.
          Rồi tự nhiên bà lại chợt nhớ đến anh chàng tên Bryan hồi nãy. Và bà cụ vẫn còn thắc mắc, không hiểu tại sao một người có ít đến độ thiếu thốn mà lại sẵn lòng cho một người lạ mặt rất nhiều…
          Sau khi ăn xong, bà trả bằng tờ giấy bạc một trăm đô-la. Chị hầu bàn mau mắn đi lấy tiền để thối lại tờ bạc một trăm của bà cụ.. nhưng bà cụ đã cố ý nhanh chân bước ra khỏi cửa mất rồi. Lúc chị hầu bàn quay trở lại thì bà cụ đã đi khuất . Chị hầu bàn thắc mắc, không biết bà cụ kia có thể đi đâu. Khi dọn dẹp, chị để ý trên bàn thấy có dòng chữ viết lên chiếc khăn giấy lau miệng…
          Nước mắt vòng quanh khi chị đọc dòng chữ mà bà cụ viết: ‘Cô sẽ không nợ gì tôi cả. Tôi cũng đã từng ở vào tình cảnh thiếu thốn giống như cô hiện nay. Có ai đó đã một lần giúp tôi, giống như bây giờ tôi đang giúp cô. Nếu cô thực sự nghĩ rằng muốn trả ơn lại cho tôi thì đây là điều cô nên làm: Đừng để cho chuỗi tình thương này kết thúc ở nơi cô.’
          Bên dưới tấm khăn giấy lau miệng, bà cụ còn lót tặng thêm bốn tờ giấy bạc 100 đô-la nữa.
          Thật ra, còn có những bàn ăn cần lau dọn, những hũ đường cần đổ đầy, và những khách hàng để phục vụ… Và chị hầu bàn đã hoàn tất những việc ấy để sửa soạn cho qua ngày mai.
          Tối hôm đo, khi đi làm về và leo lên giường nằm, chị vẫn còn nghĩ về số tiền và những gì bà cụ đã viết cho. Làm thế nào mà bà cụ đã biết chị và chồng của chị hiện đang cần số tiền ấy? Với sự sanh nở đứa bé vào tháng tới, điều ấy sẽ là khó khăn… Chị biết chồng chị lo lắng đến mức nào, và trong lúc anh ta nằm ngủ cạnh chị, chị cho anh một cái hôn nhẹ và thì thào bên tai anh, ‘Mọi chuyện sẽ tốt đẹp cả. Em thương anh, Bryan Anderson, ạ.’

          Có một cổ ngữ ‘NHÂN NÀO QUẢ NẤY’
          Hôm nay tôi gửi bạn câu chuyện này, và tôi mong rằng bạn chuyển tiếp nó. Hãy để cho ngọn đèn này chiếu sáng. Đừng xóa nó, đừng gửi nó trở lại. Chỉ việc chuyển câu chuyện này đến một người bạn. Những người bạn tốt, giống như những vì sao. Bạn không luôn luôn trông thấy họ, bạn biết họ luôn luôn có mặt ở đó.



.

28 tháng 4, 2013

Ta sẽ làm chi đời ta



          1. Trong nhóm thợ xây đang làm việc cạnh nhà tôi, có một cậu phụ hồ dáng ốm yếu thư sinh, nhưng luôn miệng ca hát. Cậu vừa tốt nghiệp phổ thông, làm những việc vặt như khiêng vác, sắp xếp đồ đạc, và ở lại công trường vào ban đêm để trông coi vật liệu. Đêm, nằm dài trên chiếu, dưới ánh đèn tờ mờ, xung quanh ngổn ngang gạch cát, cậu vừa đọc ngấu nghiến những tờ báo tôi cho mượn vừa hát vang hết bài này đến bài khác. Hỏi chuyện mới biết, ba mẹ cậu đều đi làm mướn, cố cho con học hết phổ thông, giờ thì ngặt lắm nên cậu phải lên Sài Gòn làm phụ hồ để kiếm sống và phụ giúp ba mẹ. Rồi cậu nói chắc nịch là sẽ kiếm đủ tiền để mai mốt đi học tiếp. Tôi hỏi cậu thích học ngành học gì. Cậu nói ngay rằng mình sẽ thi vào Nhạc viện.
          Một cậu phụ hồ nhà nghèo rớt đang nuôi giấc mơ vào Nhạc viện. Một hình ảnh dường như không thật khớp. Như hiểu ánh mắt ngại ngần của tôi, cậu nói thêm rằng nhiều người đã khuyên cậu nên theo một ước mơ khác, thực tế hơn. Nhưng cậu tin vào bản thân, và không có một con đường nào khác có thể làm cậu xao lãng.

          Tôi nghe tim mình nhói lên, vì một điều đã cũ, người nghèo nhất không phải là người không có một xu dính túi, mà là người không có lấy một ước mơ. Nói cho tôi nghe đi, ước mơ của bạn là gì vậy?




          2. Cách đây lâu rồi, tôi đọc được một cuốn sách của Vũ Hoàng Chương. Cái đầu đề của nó làm tôi mất ngủ nhiều đêm: “Ta đã làm chi đời ta?”.
          Có nhiều người tôi gặp đã từng day dứt bởi những điều giống nhau: Có phải chính mình đã chọn nghề này không? Có phải chính mình đã chọn cách sống này? Sao nó khác những ước mơ thời hoa niên của mình đến vậy? Hay là mình theo dòng đời đưa đẩy, mình chọn ngả dễ đi, đường êm ái chứ không phải chọn đường mình muốn được đi? Ước mơ tuổi mười lăm sao không biến mất, mà vẫn đeo bám mình cho đến tận bây giờ? Năm tháng qua đi, bạn sẽ nhận ra rằng những ước mơ không bao giờ biến mất. Kể cả những ước mơ rồ dại nhất trong lứa tuổi bất ổn định nhất là tuổi học trò.. Nếu bạn không theo đuổi nó, chắc chắn nó sẽ trở lại một lúc nào đó, day dứt trong bạn, thậm chí dằn vặt bạn mỗi ngày. Lúc ấy, có thể bạn sẽ phải ngậm ngùi mà thốt lên: “Chao ôi, ta đã làm chi đời ta vậy?”
          Nếu vậy, sao chúng ta không nghĩ đến điều này ngay từ bây giờ?
          Sao ta không ngồi xuống đây trong một ngày cuối năm và tìm kiếm câu trả lời từ đáy tim mình: Ta muốn làm gì? Ta muốn sống ra sao? Ta muốn trở thành ai trong cuộc đời này? Ta muốn làm chi đời ta?
          Sống một cuộc đời cũng giống như vẽ một bức tranh vậy. Nếu bạn nghĩ thật kỹ về điều bạn muốn vẽ, nếu bạn dự tính được càng nhiều những màu sắc mà bạn muốn thể hiện, nếu bạn càng chắc chắn về chất liệu mà bạn đã sử dụng, thì bức tranh trong thực tế càng giống với bức tranh mà bạn hình dung trong tâm trí. Bằng không, có thể nó sẽ là những màu mà người khác thích, là bức tranh mà người khác ưng ý, chứ không phải là bạn. Dan Zadra viết rằng: “Đừng để ai đánh cắp giấc mơ của bạn”.

          Vậy thì hãy tìm ra ước mơ cháy bỏng nhất của mình, nó đang nằm ở nơi sâu thẳm trong tim bạn đó, như một ngọn núi lửa đợi chờ được đánh thức…




.

27 tháng 4, 2013

Những con dốc cuộc đời !

.



          Bạn đạp xe lên một con dốc, mồ hôi chảy ướt áo và bàn chân tưởng như mỏi nhừ thì bạn sẽ được tận hưởng sự tuyệt vời khi chiếc xe lăn nhanh xuống con dốc phía trước, những giọt mồ hôi bốc hơi, để lại cảm giác mát lạnh khiến bạn quên nhanh tất cả mệt mỏi…
          Cuộc sống cũng giống như một con đường rất dài. Dù có đang chạy trên những đoạn bằng phẳng, người ta vẫn không bao giờ quên sẽ có lúc phải đối diện với việc lên dốc và cả xuống dốc. Một người bạn đã nói với tôi điều giản dị ấy khi cùng một lúc, cô bạn phải đối diện thất bại, cả trong tình yêu lẫn trong công việc ở công ty.
          Điều làm tôi nể phục cô bạn ấy là sự can đảm. Cô ấy không khóc, không oán trách, cũng không lặng lẽ suy sụp. Bởi lẽ bạn tôi biết tự thu xếp, đặt những nỗi buồn sang một bên, dành sức lực để tiếp tục “vượt dốc”.
          Rất nhiều khi trong nhịp sống gấp gáp này, nỗi mệt mỏi, sự chán chường, cảm giác thất vọng đã vắt kiệt sức lực; lấy đi niềm lạc quan. Bạn muốn buông xuôi tất cả. Nhưng nếu bạn dừng lại và quay nhìn trở về điểm xuất phát, bạn sẽ biết cái cảm giác tuyệt vời khi nhìn những gì ta đã vượt qua. Có thời điểm bạn nhận ra mình đang đứng trên đỉnh dốc. Hít thật sâu và nhìn kỹ về phía trước, bạn không cần phải hét lên sung sướng. Và khi ấy, điều bạn tự nhắc mình sẽ là tìm thêm những đỉnh cao mới, không cho phép mình thả dốc quá nhanh.
          Cuộc sống của chúng ta giống như những chuyến đi bởi lẽ, ta luôn có nhiều những lựa chọn nhưng không nên mất quá nhiều thời gian để tìm được kết quả mình muốn. Khi thật sự rã rời thân thể, bạn hãy dừng lại ven đường nghỉ ngơi đôi chút. Dừng lại và bước đi đúng là cách phục hồi năng lực nhanh chóng nhất.
          Lên dốc tuy chậm chạp, mệt mỏi thật nhưng phải thừa nhận mức độ an toàn cao hơn khi bạn thả dốc. Cảm giác của việc lao nhanh và phía trước tuyệt vời thật, nhưng biết đâu vực thẳm đâu đó mà bạn không kịp nhìn thấy, và biết đâu chiếc xe đã bị đứt thắng phanh. Có hàng trăm trở ngại, và bạn không bao giờ được tự mãn… Đâu là con dốc của bạn?

          Cuộc sống cũng giống một con đường, khi bạn đang bước trên những khổ đau thì đó là lúc bạn buộc phải “lên dốc” trong hành trình của đời mình. Dĩ nhiên, lúc tận hưởng cảm giác hạnh phúc thì không phải bất hạnh sẽ chẳng bao giờ xuất hiện. Cuộc đời vốn là một chuyến đi, cái bạn cần là “để dành” sức lực và cảm hứng cho những chặng đường kế tiếp.



.

Hãy luôn mỉm cười

.



          Hãy luôn mỉm cười
          Vì nụ cười có thể làm niềm vui sống thức giấc và vươn vai trong bạn
          Có thể bạn sẽ ngất xỉu khi nhìn thấy cảnh một phụ nữ sinh nở – trần trụi và đau đớn. Nhưng bạn cũng sẽ ngạc nhiên khi chính người phụ nữ ấy, phút trước còn như ở dưới mười tầng địa ngục, bỗng như đã quên tất cả, đón vào vòng tay mình cái sinh linh bé nhỏ thân thương, và mỉm một nụ cười của hạnh phúc thiên đàng, sẵn sàng cho cuộc sống làm mẹ đầy gian nan nhưng cũng rất ngọt ngào sắp tới.
          Có thể bạn đã từng cãi nhau với một đứa bạn thân. Hai phía đều tổn thương ghê gớm. Đã có rất nhiều nước mắt. Đã có vô số hờn giận. Bạn tự nhủ rằng từ nay, coi như đã mất đi đứa bạn mà tưởng như sẽ có trọn đời. Vậy mà, chỉ một tuần sau, bạn bỗng thấy nhớ nụ cười của nó ghê gớm. Và khi nhìn thấy nó đang liếc nhìn mình, e dè dò xét, bạn lấy hết sức bình sinh nở một nụ cười cầu hòa. Và bất ngờ đến sững sờ khi lao tới đón nhận nụ cười của bạn là một nụ cười ngỡ ngàng sung sướng của nó. Và những hờn giận bỗng bốc hơi như sương trong một ngày nắng đẹp, chỉ sau có hai nụ cười.
          Có thể bạn chưa biết rằng, trong những ngày tăm tối nhất của chiến tranh, có những người lính đã hạ nòng súng khi thấy người lính đối phương đang trong tầm ngắm của mình bỗng mỉm cười khi đọc lá thư nhà. Nụ cười đã khiến con người gặp con người, đã làm nguôi ngoai đi những điều tưởng chẳng thể nguôi ngoai, làm vơi đi định kiến và thù hận.
          Có những ngày của thất bại và buồn nản. Tưởng như xung quanh bạn chẳng còn chút gì hy vọng, tương lai là một khối mù mịt không ánh sáng. Bạn bỗng thấy chú mèo con đang đùa nghịch với bóng nắng, nhẩy cẫng lên với một cái đuôi xù lên như một cây thông Noel! Bạn bỗng thấy mình mỉm cười. Và sau nụ cười đó, mọi thứ như sống lại. Những chuyện khủng khiếp bỗng không còn quá khủng khiếp, bạn cảm thấy mình hoàn toàn có thể tiếp tục sống và bước tới.
          Nụ cười có thể làm niềm vui sống thức giấc và vươn vai trong bạn. Như tia nắng đầu tiên sau đợt mưa dài báo hiệu những ngày sáng sủa. Như tiếng gà gáy lúc vẫn còn đêm báo hiệu trời sắp hừng đông. Như cơn mưa đầu tiên báo hiệu đã qua thời hạn hán. Một điềm lành do chính bạn tạo nên trên môi mình. Nói rằng bạn đã bỏ lại quá khứ không thể thay đổi lại phía sau để sẵn sàng sống cho những điều sắp đến.
          Nụ cười báo hiệu là bạn đã ra khỏi trạng thái tê liệt, thụ động trước số phận, đang quay lại với cuộc sống, chủ động nắm lấy vận mệnh của mình.

          Dù biết rằng, cười trong những khoảnh khắc khó khăn là điều không hề dễ. Nhưng hãy biết rằng trong mỗi chúng ta luôn đủ dũng cảm cho một nụ cười, để rồi ngay từ khoảnh khắc ấy quay lại là chính mình, can đảm mà bước tới.



,

26 tháng 4, 2013

Hãy đừng quên - Mẹ khóc khô !

.



          Khi tôi lên giường đi ngủ là 11 giờ đêm, bên ngoài cửa sổ những bông tuyết nhỏ đang rơi. Tôi chui vào trong chăn, cầm lấy cái đồng hồ báo thức, phát hiện ra nó không kếu được nữa, tôi quên chưa mua pin. Trời lạnh như thế này, tôi chẳng muốn dậy. Tôi liền gọi điện cho mẹ:

          - Mẹ ơi, đồng hồ báo thức của con hết pin rồi, mai con phải đi sớm đến công ty, có cuộc họp, 6h mẹ gọi con dậy nhé!’’
          Giọng mẹ ở đầu bên kia chừng một lúc mới nghe thấy, có lẽ mẹ đang ngủ, mẹ bảo: “ Được rồi con yêu!”
          Khi chuông điện thoại reo, tôi vẫn đang mơ một giấc mơ đẹp, bên ngoài trời vẫn còn tối. Mẹ ở đầu bên kia nói:
          - Tiểu Cát à, con mau dậy đi, hôm nay có cuộc họp đấy!
          Tôi ngẩng đầu nhìn, mới có 5h40 phút. Tôi không nhịn được bực mình:
          - Con không phải là bảo mẹ 6h rồi sao? Con muốn ngủ thêm một chút nữa!
          Mẹ ở đầu bên kia không nói gì cả, tôi cúp máy.

          Thức dậy, tôi tắm gội xong xuôi rồi đi làm. Thời tiết thật lạnh, tuyết rơi lả tả giữa trời đất bao la. Đứng ở bến xe bus, chân tôi run cầm cập. Xung quanh còn mờ mờ ảo ảo, đứng bên cạnh tôi là hai bác đã có tuổi, tóc hoa râm. Tôi nghe thấy bác trai nói với bác gái:
          - Bà xem tối nào bà cũng ngủ không ngon, mới có mấy giờ sáng đã giục tôi dậy rồi, bây giờ thì đứng đợi rõ lâu!
          Đúng vậy, chuyến xe đầu còn 5 phút nữa mới đến. Cuối cùng xe cũng đã đến, tôi lên xe. Lái xe là một chàng trai còn rất trẻ, đợi tôi lên xe xong, anh ta liền cho xe chạy. Tôi nói với anh ta:
           “ Này anh tài xế, còn hai bác nữa đang ở dưới, trời lạnh như thế này mà họ đã đợi rất lâu rồi, tại sao anh không đợi người ta lên xe rồi mới chạy?”
          Anh ta rất bình tĩnh nói:
          - Không sao đâu, đó là bố mẹ tôi. Hôm nay là ngày đầu tiên tôi lái xe bus, bố mẹ tôi đến để xem đấy!

          Bỗng nhiên tôi bật khóc! Tôi nhìn thấy tin nhắn gửi đến của bố: “ Con gái à, mẹ nói là mẹ đã không tốt, mẹ cả đêm ngủ không ngon, dậy từ rất sớm, lo con sẽ muộn cuộc họp”
          Tôi bỗng nhớ đến một câu ngạn ngữ của người Do Thái:
           “Khi cha mẹ cho con cái thứ gì đó, con cái cười. Khi con cái cho cha mẹ thứ gì đó, cha mẹ khóc!”

          Xem xong tin nhắn, tôi ghi nhớ :

          Nhất định phải là một đứa con ngoan! Cả cuộc đời này, khi bạn nợ nhiều thứ, và bạn được nợ mà không yêu cầu bạn phải báo đáp lại chỉ có thể là cha mẹ, họ không hề than phiền điều gì,…
          Hãy hiếu thảo với cha mẹ của chúng ta!

          Lê Bá Dương



.

25 tháng 4, 2013

Im Lặng & giải thoát

.



          Có hai dạng im lặng, im lặng bên ngoài và im lặng bên trong.

           Người khác đang lên án, phê bình và chỉ trích nhưng mình không nói lời nào, cái miệng không phân bua, không cần giải thích, đây gọi là im lặng bên ngoài. Tuy nhiên, im lặng bên ngoài nhưng trong lòng dậy sóng, trong lòng đang lên kế hoạch tấn công, chờ cơ hội để thực hiện cuộc tấn công của mình.

          Chúng ta thực tập im lặng bên ngoài là đã giỏi, nhưng thực tập im lặng bên trong còn hay hơn nữa. Tâm không đòi hỏi phán xét, không nhìn người bằng con mắt kỳ thị, không tìm kiếm sự khác biệt để chứng minh ý niệm riêng.

          Mọi thứ đang im lặng trong sự vận động của nó. Vạn vật đang vận động trong im lặng. Dù có nói nhiều cách mấy, có bàn cãi cách mấy, có tô điểm vẽ vời cách mấy, sự thật vẫn là sự thật, đó là mọi thứ đều thay đổi theo tính vô thường.
( Mặc như Lôi ).

          Im lặng là chấp nhận vô thường, không tranh cãi về điều đang vô thường để thấy vô thường vẫn là bình yên, chứ không đơn thuần là sự đau khổ, mình cho vô thường là đau khổ vì mình có ý niệm về đau khổ trên sự vô thường. Im lặng thì bình yên có mặt và giải thoát ngay trong giờ phút im lặng đó.


          Phật giải thoát vì Phật im lặng với sự hừng hẫy của tham, sân, si, mạn, nghi, kiến. Im lặng thì các tâm độc không làm hại được mình, mình sẽ giải thoát, mà giải thoát cái gì, giải thoát khỏi sự bủa vây của các tâm độc.

          Người ta muốn làm mình giận, mình nổi giận thiệt, thế là mình sập bẫy trong sự bủa vây của người đó và trong sự bủa vây của chính mình.

          Mình có ý niệm là người đó làm mình giận, ý niệm này là cái lưới mình tự giăng ra và quấn lấy mình.

          Im lặng với người kia là im lặng bên ngoài,
          Im lặng với ý niệm của mình là im lặng bên trong.
          Làm được vậy, mình giải thoát, giải thoát khỏi cơn giận.

          Nalanda-Bihar



.

Nghìn Thu... Bụi cũng qua cầu...

.











Hình ảnh và thực hiện : Lê Trúc


.

24 tháng 4, 2013

8 LẦN NÓI DỐI TRONG ĐỜI NGƯỜI MẸ

.


          Thuở nhỏ, gia đình cậu bé rất nghèo, tới bữa, chẳng mấy khi có đủ cơm ăn, mẹ liền lấy cơm ở trong chén mình chia đều cho các con. Mẹ bảo:
          Các con, ăn nhanh đi, mẹ không đói!
          Mẹ nói câu nói dối đầu tiên!\


          Khi cậu bé lớn dần lên, người mẹ tảo tần lại tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần, đến những vùng đầm hồ ven đô bắt cá về cho con ăn cho đủ chất. Cá rất tươi, canh cá cũng rất ngon. Khi các con ăn thịt cá, mẹ lại ngồi một bên nhằn đầu cá. Lấy lưỡi mà liếm những mảnh thịt sót lại trên đầu cá. Cậu bé xót xa, liền gắp miếng cá trong bát mình sang bát mẹ, Mẹ không ăn, lại dùng đũa gắp trả miếng cá về bát cậu bé. Mẹ bảo:
          Con trai, con ăn đi, mẹ không thích ăn cá.
          Mẹ nói câu nói dối thứ hai.


          Lên cấp 2, để nộp đủ tiền học phí cho cậu bé và anh chị, Vừa làm thợ may, mẹ vừa đến Hợp tác xã nhận vỏ hộp diêm về nhà ngồi cặm cụi mà dán vào mỗi tối, để kiếm thêm chút tiền chi tiêu cho gia đình. Một buổi tối mùa đông, nửa đêm cậu bé tỉnh giấc. Thấy mẹ vẫn còng lưng dán vỏ bao diêm bên cạnh chiếc đèn dầu. Cậu bé nói: Mẹ à, mẹ đi ngủ thôi, sáng ngày mai mẹ còn phải đi làm nữa mà. Mẹ cười nhẹ:
          Con trai, đi ngủ đi. Mẹ không buồn ngủ!
          Mẹ lại lần thứ ba nói dối


          Ngày thi vào trung học, mẹ xin nghỉ làm, Ngày nào cũng đứng ở cổng trường thi, làm chỗ dựa tinh thần cho cậu bé đi thi. Đúng vào mùa hạ, trời nắng khét tóc. Người mẹ nhẫn nại đứng dưới cái nắng hè gay gắt chờ con suốt mấy tiếng đồng hồ. Tiếng chuông hết giờ đã vang lên. Mẹ nghiêng người đưa cho cậu bé bình trà đã được pha sẵn, dỗ dành cậu bé uống, bình trà nồng đượm, tình mẹ còn nồng đượm hơn. Nhìn thấy bờ môi khô nẻ và khuôn mặt lấp lánh mồ hôi của mẹ, cậu bé liền đưa bình trà trong tay mời mẹ uống. Mẹ bảo: Con uống nhanh lên con.
          Mẹ không khát!
          Mẹ nói dối lần thứ tư


          Sau khi Cha lâm bệnh qua đời, Mẹ vừa làm Mẹ vừa làm Cha. Vất vả với chút thu nhập ít ỏi từ nghề may vá. Ngậm đắng nuốt cay nuôi con ăn học, cái khổ không lời nào kể xiết. Có chú Lý ngồi sửa đồng hồ dưới chân cây cột điện đầu ngõ biết chuyện, việc lớn việc nhỏ chú đều tìm cách qua giúp một tay. Từ chuyển than, gánh nước, giúp ít tiền cho gia đình cậu bé tội nghiệp. Con người chứ đâu phải cây cỏ, lâu rồi cũng sinh tình cảm. Hàng xóm láng giềng biết chuyện đều khuyên mẹ tái giá, việc gì phải một mình chịu khổ thế. Nhưng qua nhiều năm mẹ vẫn thủ thân như ngọc, kiên quyết không đi bước nữa. Mọi người có khuyên mẹ kiên quyết không nghe. Mẹ bảo:
          Mẹ không yêu chú ấy.
          Mẹ nói dối lần thứ 5


          Sau khi cậu bé và các anh chị cậu tốt nghiệp đại học đi làm. Mẹ nghỉ hưu rồi nhưng vẫn tiếp tục làm những việc lặt vặt ở chợ để duy trì cuộc sống. Các con biết chuyện thường xuyên gửi tiền về để phụng dưỡng mẹ. Mẹ kiên quyết không nhận, tất cả tiền con gửi về mẹ đều gửi trả. Mẹ bảo:
          Mẹ có tiền mà!
          Mẹ nói dối lần thứ 6


          Cậu bé ở lại trường dạy 2 năm, sau đó thi đỗ học bổng học thạc sỹ ở một trường đại học danh tiếng của Mỹ. Sau khi tốt nghiệp cậu ở lại làm việc tại một công ty nghiên cứu máy móc. Sống ở Mỹ một thời gian, khi đã có chút điều kiện. Cậu bé muốn đưa mẹ qua Mỹ sống để phụng dưỡng mẹ tốt hơn. Nhưng lại bị mẹ từ chối. Mẹ bảo:
          Mẹ không quen!
          Mẹ nói dối lần thứ bảy.


          Nhiều năm trôi qua, mẹ lâm trọng bệnh, phải vào viện điều trị. Khi con trai đáp máy bay từ nơi xa xôi về thăm mẹ, mẹ già đi nhiều và yếu quá rồi. Nhìn mẹ bị bệnh tật dày vò đến chết đi sống lại, thấy con trai đau đớn vì thương xót mẹ. Mẹ lại bảo:
          Con trai, đừng khóc, mẹ không đau đâu.
          Đấy là lần nói dối cuối cùng của mẹ

           (Sưu tầm)




.