Theo luật nhân quả, chúng ta biết rằng: "gieo nhân nào thì gặt quả nấy". Thí dụ như gieo nhân là hạt cam, chúng ta sẽ được cây cam và gặt quả cam.Khoa học đã thí nghiệm và chứng minh điều này rõ ràng, không có gì đáng nghi ngờ cả. Nghĩa là làm thiện gặp thiện, làm ác gặp ác, ở hiền gặp lành, gieo gió gặt bão, có lửa có khói, sinh sự sự sinh.
Tuy nhiên, cũng có thắc mắc: Tại sao có người gieo thật nhiều gió mà chẳng thấy họ gặt bão, hay nói cách khác, những người đó làm nhiều điều bất thiện, gây nhiều tội ác, mà tại sao họ vẫn bình yên, an ổn, ăn nên làm ra, sống trong cảnh giàu có sung sướng?
Trái lại, có người làm thật nhiều việc phước thiện phước đức, như bố thí cúng dường, hùn công góp của ấn tống kinh sách, quyên góp cho các hội từ thiện, xây cất chùa chiền, lập nhà thương trường học, đắp đường xây cầu, mà tại sao chẳng thấy phước báo đâu, chỉ thấy quả báo xấu, gặp nhiều nạn tai, gặp nhiều điều bất trắc, bất như ý, bất toại nguyện?
Chúng ta biết rằng: có những hạt giống gieo trồng, thì gặt được quả sớm, nhưng cũng có những hạt giống gieo trồng xong, phải đợi một thời gian sau, hay một thời gian lâu sau, mới gặt được quả. Cũng vậy, có những việc chúng ta làm đời trước, đời này mới nhận kết quả hay hậu quả.
Có những việc chúng ta làm đời này, đời sau mới có kết quả hay hậu quả. Do làm ác đời trước, nên con người gặp khổ đau đời này, chớ có oán hận, than trời trách đất, bởi lẽ "mình làm mình chịu", không có ông trời nào, thượng đế nào trừng phạt mình, một cách tùy tiện, một cách vô căn cứ cả.
Chúng ta thường có tánh đổ thừa kẻ khác, kể cả ông bà cha mẹ, đã tạo nghiệp, rồi cháu con phải lãnh hậu quả, chứ không bao giờ chịu nhìn nhận "chính mình đã làm", đã gây ra những lỗi lầm trong kiếp trước, cho nên kiếp này "chính mình gánh chịu".
Còn những việc phước thiện, phước đức mình làm trong đời này, vì quá ít quá nhỏ, chưa kịp có kết quả. Hoặc đôi khi việc phước thiện, phước đức đã có kết quả, đã làm cho nhẹ bớt đi những nạn tai, mà mình phải gánh chịu, chỉ tại mình không biết đó thôi.
Nếu không biết làm những việc thiện tạo phước báu như thế, để bù đắp những tội lỗi đã gây ra trước kia, con người có thể đã gặp nhiều phiền não khổ đau hơn, nhiều tai nạn nặng nề hơn. Nếu việc phước thiện đã làm nhiều hơn tội lỗi đã tạo, chắc chắn con người được hưởng sự sung sướng, sự may mắn.
Nghĩa là sự sung sướng, sự may mắn do phước báo chính mình đã tạo ra, từ nhiều kiếp trước hay kiếp này, chứ không do ông trời, hay thượng đế nào thương mình, mà ban cho cả.
Như vậy, chúng ta phải hiểu luật nhân quả được áp dụng trong ba thời: quá khứ, hiện tại và vị lai. Cũng có những quả báo nhãn tiền, tức là kết quả hay hậu quả có ngay trước mắt, gieo nhân đời này, gặt quả cũng trong đời này.
Thí dụ như ăn trộm thì bị bắt, ở dơ thì sanh bệnh, làm biếng thì nghèo khó, đánh người thì người đánh, hại người thì người hại, kiện thưa thì tốn tiền, tiết kiệm thì có dư, chăm học thì đỗ đạt, siêng năng, chăm chỉ, cần cù, nhẫn nại, nếu không thành công thì cũng thành nhân.