Tôi là một học sinh… không dạy nổi. Tất cả các thầy cô giáo đã dạy tôi đều nhận
xét như vậy với ba mẹ tôi. Chưa có lớp học nào chịu thu nhận tôi quá một tháng.
Mẹ tôi khóc. Bố thở dài: thằng này vậy là coi như xong...
Chuyển qua trường mới. Nhìn sơ qua học bạ, thầy hiệu trưởng đã muốn đuổi tôi đi
nhưng nể tiếng ngoại tôi là giám đốc ty giáo dục cũ, thầy đành nhận. “Tôi sẽ xếp
em vào lớp thầy Tiến”.
Thầy dạy lớp tập hợp toàn học sinh cá biệt của trường. Ngày đầu tiên vào lớp, bố
đích thân dẫn tôi đến “trao tận tay thầy”. Tôi lén quan sát “đối thủ” của mình.
Thầy gầy gò, mang cặp kính gọng đen nặng trịch, mắt nhướng lên nhìn sát mặt tôi
“A, con trai, để xem thầy làm được gì cho con không, khá đây”. Thầy xếp tôi ngồi
với một con nhóc tóc tém mặt mũi lanh lẹ. Nó khẽ hích vào vai tôi giành chỗ ngồi
rộng hơn. Tôi đành chịu vậy, chưa bao giờ tôi đánh con gái cả. Thầy thắng tôi
1-0 rồi.
“Thầy biết tại sao em dây mực vào áo bạn”, thầy nói với tôi khi Tú còm mếu
máo mách chuyện. Sao ông ấy lại biết nhỉ? Mình đã khai gì đâu. Trước đây, mỗi lần
tôi dây mực vào hầu hết các trò trong lớp các cô đều hỏi tại sao, các thầy thì
ngay lập tức thi hành hình phạt. Bao giờ tôi cũng bịa ra một chuyện mà mình là
nạn nhân. Tôi mặc sức bịa dù chẳng ai tin. Tôi cũng chẳng quan tâm hình phạt là
gì và có ai tin hay không. Vậy mà hôm nay thầy bảo là thầy biết. Ngạc nhiên hơn
là thầy chẳng phạt tôi gì cả. Thầy chỉ nhỏ nhẹ bảo tôi: “Lần sau em nhớ cẩn thận
hơn”. Mấy hôm sau nữa tôi lại vẩy mực lên áo 3 nạn nhân nữa. Thầy vẫn bảo biết
rồi và không phạt. Tôi đâm chán trò vẩy mực cũ rích chẳng ấn tượng này.
Thời ấy chúng tôi đứa nào cũng mang kè kè tấm bảng và mấy mẩu phấn. Ra chơi,
tôi gom hết phấn ném vào lũ con gái nhảy dây trước sân. Hết buổi học tôi xô lũ
bạn ngã dúi dụi, chạy ngay ra cổng trước. Đứa nào xấu số đi qua chỗ tôi đều bị
tịch thu hết phấn thừa. Hôm sau thầy gọi tôi lên phòng họp. Thầy mở tủ ra, ấn
vào tay tôi hộp phấn to đùng mà không nói gì. Tôi xấu hổ quay mặt đi tránh ánh
nhìn của thầy. Tôi nhớ mình đã lì mặt ra như thế nào khi cô giáo cũ mắng tôi,
hôm sau tôi càng lấy phấn nhiều hơn nữa.
Vậy mà khi cầm hộp phấn thầy cho trong tay, tôi thấy xấu hổ quá chừng. Ôm hộp
phấn lên trả cho thầy, tôi lí nhí: “Lần sau em không làm thế nữa”. Thầy mỉm cười
bảo: “Em ngoan lắm!”.
Lần đầu tiên tôi được người lớn khen ngoan. Tôi nằm nghĩ cả đêm. Từ nay mình sẽ
ngoan mãi, để không ai mắng mình nữa.
Nhưng ngoan chưa chắc đã giỏi. Quả thật tôi đúng với trường hợp ấy. Tôi có thể
bắn bi, chơi bắn bàng cả ngày không chán. Nhưng hễ cứ ngồi vào bàn học là tôi
chán ngay. Ba mẹ có đánh, có mắng thế nào cũng chịu. Môn toán còn đỡ, có tí gì
dính đến văn chương là tôi mù tịt.
Vào học được một tháng, tôi thấy thầy đạp xe qua nhà. Chiếc xe của thầy chẳng
biết trước đây sơn màu gì, giờ chỉ còn trơ ra màu gỉ sét xấu xí. Thầy vào nhà, ba
mẹ tôi đều đi vắng cả. Ngó qua căn nhà tồi tàn của tôi, thầy hẹn ngày mai quay
lại. Tôi lo hết cả một ngày. Chẳng biết mình làm gì sai. Hôm sau thầy đến. Thầy
đứng luôn ngoài sân “bàn chuyện” với ba tôi.
Thầy bảo cần một người đọc và ghi chép lại tài
liệu giúp thầy. Nhất thiết phải là chữ trẻ con. Thầy đang nghiên cứu gì đó. Ba
mẹ tôi mừng rỡ vì không phải khản cổ quản tôi nửa ngày không đến trường. Tôi
vùng vằng mãi mới chịu đến nhà thầy. Thầy ở một mình. Ngoài giá sách ra cũng chẳng
có gì đáng giá. Mỗi ngày một buổi, tôi gò lưng ghi chép lại những gì đọc được.
Thầy bắt tôi viết những dòng cảm nhận ngắn sau
mỗi tác phẩm. Sau đó tôi đọc to lên và thầy chỉnh sửa những điều tôi nghĩ lệch
lạc, thêm vào một số ý.
Thỉnh thoảng thầy bảo tôi dừng ghi, chuyển qua tính toán giúp thầy vài việc.
Tôi về nhà cố luyện cách tính toán sao cho nhanh nhất để không bị mất mặt trước
thầy. Dần dần, kiến thức “tự nhiên” đến với tôi lúc nào không biết. Lần đầu
tiên cầm tờ giấy khen của tôi trên tay, mẹ tôi đã khóc, khóc to hơn lúc tôi bị
đuổi học. Ba tôi thì chẳng nói gì, chỉ gật gù cười.
Năm học qua đi nhanh chóng. Tôi nghỉ hè vẫn không quên đọc và ghi chép lại một
chồng sách cao ngất ngưởng thầy giao trước khi nghỉ học. Ngày khai trường, tôi
tìm mãi vẫn không thấy thầy đâu. Linh tính điều không hay, tôi bỏ cả buổi lễ chạy
đến nhà thầy. Căn nhà trống hoác. Bác hàng xóm nghe chó sủa ran chạy sang xem
xét.
“Cậu là Phong hử?”.
“Dạ”.
“Thầy Tiến gửi cái này cho cậu. Thầy ấy bảo chuyển vào Nam ở với con
trai”.
Tôi vội vàng mở ra, bức thư rất ngắn. “Thầy mong em cố gắng học thật tốt. Em
luôn là học trò ngoan của thầy”.
Mười năm qua đi, tôi mới hiểu hết những gì thầy muốn nhắn. Có những điều không
hay nhưng không thể thay đổi bằng sự giận dữ. Tình yêu thương và sự sáng tạo mới
là thứ giúp bạn thay đổi mình, thay đổi mọi người.
Cảm ơn thầy với phương pháp dạy đặc biệt đã giúp em trưởng thành. Cám ơn Thầy của
em!
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét