11 tháng 3, 2018

Sinh Lão Bệnh Tử


          Buổi sáng ngồi uống trà ở hiên nhà, tôi có thể nhìn thấy những bầy chim từ đâu bay về đậu trên một cây cổ thụ trong khu vườn của hàng xóm. Chung quanh thật yên tĩnh để tôi có thể nghe cả những tiếng chim ríu rít với nhau trên những cành rất cao dù cây cổ thụ kia cách chỗ tôi ngồi đến hàng chục mét. Vào mùa đông, cây chỉ còn trơ lại cành càng dễ nhìn thấy những con chim đậu trên đó hơn. Buổi sáng nhìn chim như một cái thú, và dần dần như một thói quen, hễ ngồi dưới hiên nhà là mắt ngước lên cây tìm những con chim trên đó. Lúc những lá xanh bắt đầu lác đác trên cành cây thì tôi biết là mùa xuân đã đến. Mùa hạ lá xanh càng nhiều che hết các cành cây nên phải để ý mới có thể thấy những con chim đậu lẫn với lá. Tháng chín mùa thu, lá lại bắt đầu rụng và qua tháng giêng đông về, cây cổ thụ lại trụi lá để tôi có thể nhìn thấy dễ dàng những đàn chim đến rồi đi mỗi buổi sáng. Ở Sai Gon, nếu nhìn thời tiết trong thành phố thì chỉ thấy hết mùa mưa xong lại đến mùa nắng. Trừ những buổi sáng khoảng cuối năm trời trở lạnh thì ở đây chỉ có hai mùa, mưa và nắng. Rồi lại nắng và mưa. Bốn mùa không về giữa thành phố, nhưng lại có những xuân hạ thu đông trên các cành cây. Vậy mà mấy năm qua tôi chỉ nhìn những đàn chim mà không hề nghĩ đến bốn mùa trên đó.
  

          Hôm nay, tôi vừa viết thư chia buồn khi được tin mẹ của một người bạn ở Mỹ qua đời. Buổi sáng ngồi nhâm nhi tách trà, nhìn đàn chim lác đác bay đi bay về trên cây cổ thụ, bỗng nhiên tôi nghĩ đến bốn chữ Sinh Lão Bệnh Tử. Ngày xưa đức Phật cũng vì bốn hiện tượng đó của con người mà Ngài đã từ bỏ ngai vàng tìm con đường giải thoát cho chúng sinh. Sinh lão bệnh tử đâu chỉ dành cho con người, mà còn cho cây cỏ vạn vật. Trăm năm Sinh lão bệnh tử dành cho con người, có thể hàng ngàn năm cho vạn vật và từng thời kỳ với một giới hạn thời gian nào đó cho các hành tinh, vũ trụ. Đó là căn nguyên của lẽ vô thường.

          Đã là kiếp người thì phải trải qua sinh lão bệnh tử. Thường con người chỉ có sợ chết, nhưng chết lại là giai đoạn nhanh chóng nhất của bốn thời kỳ. Sinh ra chưa có trí khôn thì cũng chỉ vài ba năm là đã bắt đầu có ý thức. Đến khi luống tuổi, lúc nào thấy được mình không còn sức vui thú với tuổi già thì mới bắt đầu nghĩ đến cái chết. Chết chỉ là một khoảng thời gian ngắn ngủi nhất để lìa đời. Bệnh thì trái lại, vừa sinh ra thì đã có mầm bệnh. Kéo dài cả cuộc đời cho đến tuổi già vẫn còn bị bệnh. Chỉ có chết đi mới hết bệnh mà thôi. Xem ra bốn chữ sinh lão bệnh tử chỉ có bệnh làm nên nghiệp con người.

          Người ta xây nhà, làm cầu thang cũng tính đến những bậc khớp với Sinh Lão Bệnh Tử: Bắt đầu với Sinh và chấm dứt cũng với bậc sinh, hay không lựa chọn hơn được thì cũng cố gắng khớp với Lão. Thực ra chẳng ai muốn quan niệm rằng Sinh ra chỉ là bắt đầu một cái nghiệp để dần dần đi đến Tử, và trong quảng đường quá ngắn mà quá dài đó, bệnh là cái nghiệp nặng nề khổ đau nhất của kiếp người. Có người sinh ra đã có bệnh, và căn bệnh có thể kéo dài cho đến lúc chết. Có người lúc già yếu phải nằm một chỗ và không tự mình sinh hoạt được, mà phải nhờ đến những người thân chung quanh. Ấy là cái nghiệp của mình lây lan ra cho người khác, cha mẹ, anh em, vợ chồng con cái… Tuy là tình nghĩa, bổn phận, hiếu đạo để chia sẻ sự đau khổ của người thân, nhưng vô hình chung họ cũng bị mất bớt một phần vui sống cuộc đời. Có những người nằm bệnh năm nầy qua năm khác, đau khổ nhìn những người thân nhọc nhằn vì mình, những muốn chết đi cho rảnh, nhưng không tự mình quyết định được. Một khi nghiệp chướng còn nặng, không sớm ra đi được, thì hậu quả là tình cảm của những người thân dần dần phai lạt, không còn những tự nguyện mà chỉ còn lại những bổn phận phải hầu hạ săn sóc..

          Tuy nhiên không chỉ có bệnh về thân xác, mà con người còn có những căn bệnh do những tục lụy đời thường gây ra cũng rất khó lòng chữa trị. Những căn bệnh nầy không làm cho bản thân đau đớn, nhưng lại làm cho những người khác chịu những đớn đau do mình gây ra. Đó là những bệnh quyền lực, bệnh kiêu ngạo, bệnh ham mê vật chất của cải, bệnh trộm cắp lường gạt v.v. Người ta gọi đó là bệnh bởi vì ai cũng có thể mắc phải.. Bệnh quyền lưc bắt mình phải triệt hạ đối thủ để củng cố địa vị, gây ra oán thù. Bệnh kiêu ngạo làm tổn thương người khác. Bệnh ham muốn vật chất dẫn con người đến tội ác. Bệnh trộm cắp lường gạt làm hại những người chung quanh. Có những người phần thể xác đã bị nhiễm bệnh nặng, có thể chết bất cứ lúc nào, nhưng phần tinh thần lại bị tác hại bởi những bệnh quyền lực, danh vọng mà vẫn không hay là thời gian chẳng còn bao lâu. Chưa kể có những con người không mang trong người một thứ bệnh tật nào, nhưng lại nhiễm một thứ bệnh được gọi chung chung là bệnh hoạn, bệnh hoang tưởng… có thể làm bất cứ việc gì mà trí óc không thể nào kiểm soát được.


          Trong bốn thứ Sinh Lão Bệnh Tử, thì Bệnh đúng là điều phải làm cho con người sợ hãi nhiều nhất mới phải.
          Nói thế không phải là quá bi quan với cuộc đời nầy. Trăm năm kiếp người là khoảng thời gian con người phải sống không có lựa chọn. Nếu có thể lựa chọn là lựa chọn cách sống làm sao để mong thoát được phần nào sự khổ đau ông Trời dành cho con người, đi đến thân tâm an lạc và có thể đem nguồn vui đến cho những người chung quanh. Lựa chọn là làm thế nào để cuộc đời có ý nghĩa mà thôi.
          Vì thế mà đối với Phật giáo, bệnh là cái nghiệp của con người. Bệnh hành hạ thân xác, làm cho con người đau khổ, không ai tránh được, nhưng những căn bệnh do chính con người tạo ra nếu không cố gắng tránh để bị mắc phải thì chính mình thế nào cũng nhận một hậu quả làm tổn hại đến mình. Chết chưa hẳn đã dứt được nghiệp vì con người còn phải trải qua Luân hồi. Kiếp này chưa dứt được nghiệp thì kiếp sau vẫn còn phải trả.

          Phương thuốc có thể chữa được mọi thứ bệnh tật là cố gắng tu tập để giác ngộ, để có thể hiểu được cái lẽ vô thường của cuộc đời,đi đến thân tâm an lạc.
          Trong cuộc sống hiện tại, con người phần đông chịu rất nhiều áp lực của công việc, tinh thần luôn luôn căng thẳng, hậu quả là lúc nào cũng tính toán, suy nghĩ, âu lo, gắt gỏng nóng nảy. Đó là những nguyên nhân làm phát sinh những chứng bệnh do tinh thần tạo ra.
          Xem như vậy thì bệnh tật của con người không chỉ do vi trùng, vi khuẩn trong thiên nhiên mà có, mà còn do chính con người tự gây bệnh cho mình chưa kể những chứng bệnh vô cùng nguy hiểm do hoàn cảnh xã hội, cuộc sống tạo ra.

          Hiểu được lẽ vô thường của Phật Giáo, cố gắng tu tập thân tâm đưa mình đến an lạc, luôn luôn thấy thân xác nhẹ nhàng, thì cũng sẽ cảm thấy bệnh tật nhẹ nhàng hơn phần nào. Thân tâm an lạc cũng làm cho mình bớt được những hỷ nộ ái ố do những căng thẳng cuộc sống gây nên, cũng bớt được một số bệnh tật.
          Hiểu được lẽ vô thường của cuộc đời, sẽ thấy quyền lực, danh xưng, chỉ là những ảo vọng mây khói, chỉ lôi cuốn con người vào vòng tục lụy không lối thoát, sẽ tránh được một số bệnh. 
          Tuy vậy, con đường dẫn ta đến thân tâm an lạc không phải dễ dàng gì, nếu không cố gắng tu tập.

          Hoàng Tá Thích

.

Không có nhận xét nào: