12 tháng 3, 2018

Hãy giữ “sự uy nghiêm” vốn có cho cha mẹ



          Trong những bận rộn của cuộc sống hằng ngày, đôi khi chúng ta tự hỏi mình: Tại sao khi càng trưởng thành, ta lại càng không thể nhẫn nại, càng dễ nổi cáu với cha mẹ mình?
          Hãy giữ “sự uy nghiêm” vốn có cho cha mẹ
          Các nhà tâm lý học phát hiện sự thay đổi đó trong tâm lý là bởi bản thân chúng ta không tự ý thức được rằng mình đang kỳ vọng quá cao với mọi người trong nhà. Ta thường có thể rất nhẫn nại với người khác bởi vì luôn sợ rằng mọi người sẽ không hiểu được mình. Ta sẵn sàng nhẫn nại chia sẻ, chịu đựng để hai người thấu hiểu nhau hơn.
          Còn đối với cha mẹ, những người gần gũi nhất của mình, chúng ta dễ dàng ngộ nhận cho rằng cha mẹ mặc nhiên phải hiểu và ủng hộ mình. Khi niềm hy vọng đó tan vỡ, ta sẽ cảm thấy một sự mất mát, trong lòng khó chịu khôn nguôi!
          Một thời gian trước đây, vì biết mẹ thích xem phim Hàn Quốc tôi có cài giúp mẹ một phần mềm xem phim vào điện thoại. Nhưng thao tác phần mềm đó tương đối phức tạp. Đôi khi mẹ không biết làm thế nào để tìm kiếm tên một bộ phim, do vậy lần nào cũng gọi tôi hỗ trợ. Tần suất xem phim của mẹ ngày một nhiều nên thường xuyên nhờ đến tôi. Đôi khi tôi cảm thấy khó chịu bực bội. Có một lần vì không nhẫn nhịn được, tôi đã bộc lộ ra vẻ khó chịu bực dọc của mình.
          Một thời gian lâu sau từ bữa đó trở đi mẹ không còn nhờ tôi tìm phim nữa.
          Có một lần, mẹ hỏi tôi một cách thăm dò:
           -“Con bận không? Nếu không bận tìm cho mẹ bộ phim này chút được không? Mẹ tự tìm nhưng tìm mãi cũng không ra”. Những lời mẹ nói với tôi càng ngày càng nhỏ, khi nói tới chữ cuối cùng cảm giác như không phát âm nên lời. Chính cử chỉ và hành động sợ hãi của mẹ làm tôi đau lòng.

          Tôi giật mình nghĩ lại không biết từ bao giờ thái độ cương nghị mạnh mẽ của mẹ lại biến thành sự khúm núm sợ sệt như vậy? Muốn bảo tôi làm việc gì, bà đều phải dè dặt từ lời ăn tiếng nói. Có lẽ cha mẹ tôi đã già thật rồi…
          Theo thời gian khi chúng ta ngày một trưởng thành, cha mẹ cũng ngày càng già yếu đi! Bởi sự giảm sút về thể lực, khả năng giải quyết vấn đề của họ cũng chậm chạp khó khăn hơn. Dẫn tới việc họ ngày càng hy vọng chúng ta hỗ trợ quyết định giúp những vấn đề. Bởi tầm nhìn nhận, quan sát của họ đã không còn nhạy bén như chúng ta, nên luôn muốn dựa vào con cái.

          Chúng ta cứ cho rằng kiếm được nhiều tiền sẽ giúp cha mẹ mình có một cuộc sống an nhàn những năm cuối đời. Nhưng điều họ cần lại không phải những thứ đó. Họ không cần cuộc sống quá cao sang về vật chất, mà điều họ cần là cảm giác an toàn, là chỗ dựa về tinh thần. Điều họ mong mỏi ở con cái là khi có việc cần giúp đỡ, họ không cần phải nịnh để nhờ con giúp, không cần phải dè dặt cân nhắc từng lời ăn tiếng nói, cũng không cần lo lắng vì mình già yếu bị con cái coi thường, xem nhẹ.

          Yêu thương thiết thực nhất mà chúng ta có thể làm cho cha mẹ mình chính là giữ được “sự uy nghiêm” vốn có từ khi họ còn trẻ, để họ mãi luôn được tự tin thẳng thắn trước mặt con cái. Thái độ đối xử tốt nhất mà chúng ta nên dành cho cha mẹ là luôn đặt họ ở vị trí quan trọng trong lòng mình, luôn quan tâm tới cảm xúc của họ.

.

Không có nhận xét nào: