Ở một thôn trang xa xôi, có đôi vợ
chồng nọ khi còn sống vẫn thường lên chùa cúng Thần bái Phật. Họ cùng ăn
chay tu Phật và cũng thường xuyên tham gia các buổi hoằng Pháp. Họ thấy rằng cuộc
sống thật là tốt, điều gì cũng thuận lợi, mong muốn nào cũng toại
nguyện, nên trong lòng càng yên tâm, tin rằng mình thể nào cũng được vãng
sinh nơi miền Cực Lạc.
Vậy mà trong những năm cuối đời,
người chồng bỗng mắc một căn bệnh nặng vô phương cứu chữa. Thế là người vợ ngày
ngày tụng kinh niệm Phật để cầu cho chồng mình tai qua nạn khỏi, bệnh tình sẽ
có chuyển biến.
Vậy mà sau bao
nhiêu ngày trì tụng như thế, bệnh tình không những không thuyên giảm mà còn
nặng hơn, khiến cho người vợ nảy sinh nghi hoặc, trong lòng thầm trách vì
sao Phật không nghe thấy lời cầu khấn của mình? Sao vẫn không làm cho ông
nhà khỏi bệnh?
Không lâu sau cả hai vợ chồng đều tạ
thế. Họ được âm binh đưa đến một nơi tối tăm và u ám, và khi nhìn lên dòng chữ
trên cổng Âm Vương, cả hai vợ chồng đều rùng mình sửng sốt. “Ồ, sao lạ vậy,
đáng lẽ chúng ta nên đến miền Cực Lạc mới phải chứ, sao lại tới đây?”.
Vì vậy khi vừa gặp Diêm Vương, họ bèn
nói: “Chúng tôi là những người tu Phật, hằng ngày đều niệm kinh, chúng tôi nên
được đến Tây phương Cực Lạc mới đúng chứ sao lại tới đây? Có phải là các
ông bắt nhầm người rồi không?”.
Sau khi kiểm tra lại sổ sách, Diêm
Vương trả lời một cách đầy chắc chắn: “Họ thực sự không bắt nhầm người đâu, hai
ngươi đúng là phải đưa tới đây”.
Người chồng hỏi
một cách khó hiểu:
-“Khi còn sống tôi đều ăn chay niệm Phật, cũng
thường xuyên bố thí, cũng quy y tam bảo, chẳng nhẽ không được công đức gì sao?
Tại sao lại bắt tôi tới đây?”.
Diêm Vương trả
lời:
-“Mặc dù ông có tụng kinh, nhưng trong lòng là
để cầu phúc báo chứ không phải chân chính tu hành, vì vậy công đức rất ít”.
Người chồng lại
hỏi:
-“Nhưng tôi cũng thường xuyên bố thí cho người
mà!”.
Diêm Vương trả
lời:
-“Mặc dù ông có bố thí, nhưng đó là để cầu
được tích đức chứ không phải vì lòng thương xót chúng sinh. Hơn nữa, phúc báo
của sự bố thí đó ông đã dùng hết rồi”.
Người chồng lại
hỏi:
- “Tôi cũng quy y tam bảo rồi
mà!”.
Diêm Vương trả
lời:
-“Mặc dù ông có quy y, nhưng lại không thật
tâm tu hành, trong lòng vẫn chất chứa đầy suy nghĩ nhỏ nhen và toan tính hơn
thua với đời, vì vậy nhân quả và nghiệp chướng cũng như người thường mà thôi”.
Người chồng lại
hỏi:
-“Nhưng tôi ăn chay không sát sinh!”.
Diêm Vương trả
lời:
- “Mặc dù ông ăn chay, miệng nói Phật
nhưng tâm địa hẹp hòi. Chẳng phải ông vẫn hay mắng mỏ và nhục mạ người
khác đó sao? Do đó mà khẩu nghiệp chất chồng như núi”.
Người chồng lại hỏi:
-“Tôi cũng đi hoằng dương Phật Pháp cơ mà!”.
Diêm Vương trả
lời:
- “Mặc dù ông thường xuyên tới đạo
tràng giảng Pháp, nhưng thực chất là giảng loạn kinh Phật, thêm thắt suy diễn
của mình, làm hoại Pháp, chứ không phải lấy những lời nguyên gốc của Phật mà
truyền bá, tội làm loạn Pháp này còn nghiêm trọng hơn nhiều!”.
Diêm Vương ngưng một lát rồi nói
tiếp: “Có những người ở đạo tràng này tu rất tốt, nhưng cũng có những người nẩy
sinh tâm kiêu ngạo, soi mói và nhục mạ người tu hành khác. Bởi cử chỉ và
lời nói trái ngược với Phật pháp, nên tương lai cũng sẽ phải tới chỗ ta đây báo
danh”.
Người chồng lại
hỏi:
-“Vậy còn vợ tôi, tại sao cũng bị đưa tới
đây?”.
Diêm Vương trả
lời:
- “Mỗi người đều có nhân quả của bản
thân mình. Vấn đề của vợ ông, mặc dù nửa đời trước cũng bố thí và tạo phúc,
nhưng không thật sự thành tâm tu hành. Bà ấy còn có một vấn đề nữa, đó là khi
còn sống đã sinh tâm hoài nghi Bồ Tát và Phật pháp”.
“Khi ông bị bệnh,
bởi vì khấn cầu cho ông khỏi bệnh mà không được, bà ấy sinh lòng nghi ngờ Thần
Phật, trách Phật sao không giúp cho chồng mình khỏi bệnh. Sau đó liền buông lơi
việc lễ Phật, không tín tâm kiên định vào Phật Pháp”.
Cuối cùng người chồng thở dài và hỏi:
“Vậy chúng tôi sẽ có kết cục như thế nào?”.
Diêm Vương trả
lời:
- “Vì hay nhục mạ người khác lại thêm
tính tham lam ích kỷ, kiếp sau ông sẽ chuyển sinh thành một người nghèo khó
khốn cùng. Còn vợ ông, vì có công chăm sóc ông lúc cuối đời nên sẽ chuyển sinh
thành đứa con gái được ông nuôi nấng. Nhưng bà ấy vẫn phải chịu cảnh nghèo
khó như ông để trả nợ cho những lỗi lầm đã gây ra trong kiếp trước.
Nếu lúc ấy cả hai vẫn còn tín tâm vào
Phật Pháp, vẫn còn phát tâm tu hành, thì sẽ lại được quy y cửa Phật. Còn nếu
không có cơ duyên tu luyện tiếp, thì chỉ cần ông luôn tích đức hành thiện, vẫn
có thể tích được phúc báo.
Hãy nhớ lấy, nhân quả là Thiên lý,
tuyệt đối không sai lệch chút nào!”.
Kiên Định
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét