9 tháng 6, 2016

Người Nhân Hậu



          Có lần, đại học Princeton Theological Seminary tại New Jersey làm một cuộc thử nghiệm. Họ muốn tìm hiểu tại sao trong cuộc sống, chúng ta có nhiều cơ hội để giúp người khác, nhưng có lúc ta hành động và có khi lại làm ngơ? Các vị giáo sư chọn một nhóm sinh viên trong một lớp thần học, gồm 40 người, và bảo rằng mỗi người sẽ phải chuẩn bị một bài thuyết trình về một dụ ngôn nào đó trong kinh thánh. Và phân nửa trong số sinh viên ấy được trao cho đề tài “Dụ ngôn người nhân hậu” (The Parable of the Good Samaritan).
          Dụ ngôn người nhân hậu là một tỷ dụ, kể lại câu chuyện một người bị nạn nằm bên đường. Có những người nổi tiếng là tốt và đạo đức trong làng đi ngang qua, họ đều nhìn thấy anh nhưng tìm cách lẫn tránh, không một ai dừng lại để giúp đỡ. Cuối cùng một người xa lạ đã dừng lại để chăm sóc cho anh, người đó được gọi là một người nhân hậu.
          Sau khi trả lời một số câu hỏi, mỗi sinh viên được yêu cầu đi gấp qua một lớp học ở bên kia đường, để thuyết minh về đề tài của mình cho các giám khảo đang ngồi chờ. Trên đường đi họ gặp một người đứng gục mình bên vệ đường rên rỉ và lộ vẽ đau đớn. Bạn nghĩ trong số sinh viên này, có ai dừng lại để giúp người ấy không? Và những sinh viên đang sắp sửa nói về “dụ ngôn của người nhân hậu” ấy, họ có hành xử gì khác biệt hơn những người kia không?
          Kết quả của cuộc thử nghiệm là không có một ai dừng lại để giúp cả! Vì họ đang bận rộn và gấp rút với một việc cần phải làm, và cho dù trong đầu đang suy tư về vấn đề “nhân hậu”, họ cũng không hành xử gì khác biệt hơn những người khác!


          Thấy rõ mới chuyển hóa
          Sau cuộc thử nghiệm này, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, nếu như ta quá bận rộn và gấp rút làm một việc gì đó, cho dù là những việc tốt, chúng ta sẽ không quan tâm đến người khác. Hoặc khi tâm ta đang chìm đắm trong một vấn đề nào đó, một công việc sắp phải làm, cho dù là việc tốt lành, nhân hậu, ta sẽ không thấy được thực tại đang có mặt ngay trước mắt mình.
          Tôi thấy ngày nay, trên con đường tu học chúng ta thường muốn lập hạnh bồ tát giúp đời. Nhưng nhiều khi vì quá chú tâm vào những việc lớn lao, mà mình có thể vô tình không thấy được những ham muốn, giận hờn, nhỏ nhen trong ta, ngay trước mắt. Mà thật ra chính chúng mới là nguyên nhân cho sự có mặt của những khổ đau trong cuộc đời. Sự thận trọng có khả năng giúp ta trở về với thực tại, để thấy rõ những gì đang thật sự xảy ra khi phiền não có mặt.
          Bạn biết không, tôi có một người bạn chia sẻ có những lần chị đã vô tình làm ngơ trước khổ đau của người khác, vì phải bận đến giờ công phu, hay vì không muốn lỡ thời khóa thiền tập của mình… Tôi biết, chúng ta cũng cần phải chăm sóc cho chính mình. Nhưng nếu như sự tu tập của ta bị kẹt vào một khuôn mẫu nhất định nào đó, thì ta sẽ rất dễ quên đi những gì mới thật sự là chính yếu.
          Mà thật ra, tôi nghĩ ta đâu cần phải chờ đến khi ngồi xuống nơi chiếc chiếu ngồi thiền, hoặc mở ra bài kinh tụng tối nay, mới là thực tập. Các vị thiền sư thường nhắc nhở rằng, sự chuyển hóa có mặt không phải vì ta biết chế tác hoặc cố gắng hành theo một phương cách đặc biệt nào đó, mà từ một thái độ tỉnh giác và trong sáng bên trong. Nơi nào ta biết sống thận trọng thì nơi đó cũng đang có sự chuyển hóa, phải không bạn?

          Nguyễn Duy Nhiên – coinguonhanhphuc.blogspot


.

Không có nhận xét nào: