Xưa có một ông lão đi khắp nơi rao
bán một bài học đáng giá nghìn vàng. Nhiều người nghĩ rằng ông già bị điên vì
chẳng có bài học nào đắt như vậy. Nhưng ông lão vẫn cần mẫn như một người bán
rong và rồi tiếng rao của ông cũng đến tai nhà vua.
Vua ngạc nhiên cho cận thần theo dõi
và được mật báo rằng ông lão có hành tung như một vị hiền triết, cốt cách khoan
thai, đời sống chuẩn mực, biểu hiện của người siêu phàm, thoát tục… Nhà vua bèn
giả dạng thường dân đến gặp và hỏi ông lão rằng bài học gì mà lão rao bán đến một
nghìn lượng vàng?
Ông lão trả lời: "Đây là bài học
có thể làm cho người ta thoát khỏi những đau khổ của cuộc đời, vượt qua khỏi những
lầm lỗi và có thể đạt tới tột đỉnh vinh quang…" Nghe xong, nhà vua vẫn bán
tín bán nghi nên bỏ về, nhưng lòng cứ day dứt bởi sức hấp dẫn bí ẩn của bài học
đáng giá ngàn vàng ấy.
Thế rồi nhà vua quyết định mở ngân khố
lấy ra một nghìn lượng vàng và mời ông lão vào hoàng cung. Vua nói: "Ta chấp
nhận hoặc bị lừa mất một nghìn lượng vàng hoặc thật sự sẽ được một bài học vô
giá". Nói đoạn, nhà vua truyền cho quan Thủ ngân chất đủ một ngàn lượng
vàng trước mặt ông lão.
Nhân đủ số vàng, ông lão cung kính
dâng lên đức vua một vuông lụa viết vỏn vẹn 10 chữ:
“Phàm làm việc gì phải suy nghĩ đến hậu quả”
Sau đó, ông lão mang số vàng và rời
khỏi kinh thành. Nghĩ mình bị lừa nên nhà vua rất tức giận và luôn bị ám ảnh bởi
10 chữ tưởng chừng không đáng giá ấy.
Tuy
nhiên, sau khi mua bài học ngàn vàng, cả triều đình nhận ra vua thay đổi từng
ngày, trầm tĩnh hơn, khôn ngoan hơn, phân định mọi việc sáng suốt hơn, ngồi
trên ngai vàng trong hoàng cung mà đoán định được mọi việc. Đất nước từ đó bắt
đầu cường thịnh. Thần dân mừng vui vì đời sống được an lành, thịnh vượng.
Nhưng
chính nhà vua lại không nhận ra điều đó, ông chỉ bị ám ảnh bởi bài học ngàn
vàng và luôn tự nhủ: Phàm làm việc gì cũng phải suy nghĩ đến hậu quả của nó!
Câu nói trên hay ở chỗ nào và vì sao
lại có thể khiến đức vua thay đổi như vậy?
Con người ta lúc trẻ thì dại khờ, làm
việc theo ý thích của mình. Khi lớn lên biết đắn đo, suy nghĩ hơn một chút
nhưng đa phần vẫn thích làm theo ý mình một cách bồng bột và nông cạn, không
nghĩ xa xôi. Đức vua vì bị lừa lấy mất một ngàn lượng vàng nên bị ám ảnh bởi
câu nói: “Phàm làm việc gì phải suy nghĩ đến hậu quả”
Ông vua mất một nghìn lượng vàng nên
bị ám ảnh, từ đó mà thay đổi được cuộc sống, thay đổi được đất nước theo chiều
hướng tích cực hơn. Nếu ai nghe câu nói này mà cũng "khắc cốt ghi
tâm", suy nghĩ, chiêm nghiệm qua từng lời nói, hành động, việc làm của
mình thì cũng có thể đạt được thành công, thay đổi số phận.
Không ai có thể chắc chắn bản thân
tránh được khỏi những cám dỗ, u mê suốt 24 giờ trong ngày. Biết hại sức khỏe
nhưng vẫn ăn, biết hại người khác nhưng vẫn làm, biết không cần thiết nhưng vẫn
mua... Những lúc ấy, câu nói trên có thể giống như hồi chuông cảnh tỉnh, cho bạn
một lần nữa suy xét về hành động của mình. Nghĩ đến hậu quả, con người ta sẽ thấy
đằng sau trả thù là bất hạnh, đằng sau chiến thắng là kết thúc, đằng sau tổn
thương là bị tổn thương,… còn không nghĩ đến hậu quả, ta chỉ thấy đó là hạnh
phúc, là tự hào, sung sướng và kiêu hãnh.
Nhà Phật có một câu rất hay:
Bồ Tát sợ Nhân, chúng sinh sợ Quả.
Chúng sinh làm nhiều việc theo ý
thích của mình, hưởng thụ sung sướng thỏa thích đến khi chịu quả báo thì đau khổ,
sợ hãi. Còn Bồ Tát, ngay từ khi gieo nhân đã thấy hậu quả nên cân nhắc, cẩn thận,
suy xét kỹ lưỡng trước sau.
Do vậy, trước khi làm việc gì hãy
bình tĩnh, nhìn nhận xem mình làm việc này vì điều gì, hậu quả phía sau như thế
nào. Nếu làm vì động cơ tham lam, tức giận, tự ái, hơn thua thì nên thành tâm
sám hối, tự nhắc mình lần sau không được tái phạm. “Phàm làm việc gì phải suy
nghĩ đến hậu quả” – câu nói nhà vua chưa hiểu được giá trị, ý nghĩa, hàm ý sâu
sa của câu nói này mà tránh được những quả báo khổ đau thì giá một nghìn lượng
vàng vẫn còn rất rẻ.
Sưu tầm
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét